Chuyện về cô giáo đặc biệt

Vượt qua cảm giác lo lắng ban đầu, nhiều năm nay, cô Phan Thị Cẩm Vân (trong ảnh), giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) đã tự mày mò, tìm hiểu về chứng tự kỷ, chậm phát triển để hỗ trợ học sinh (HS) hòa nhập tại trường. Khó khăn và áp lực nhưng mỗi ngày, nữ giáo viên này vẫn nhẹ nhàng đến bên chỉ dạy, vỗ về từng HS đặc biệt trong lớp vì cô biết các em cần sự yêu thương để có động lực tiến bộ.

Chuyện về cô giáo đặc biệt

Vui với sự tiến bộ của trò

“Cô Vân ơi con muốn đi tè”! Đang dạy hơn 50 trò đánh vần, cô Cẩm Vân vội dừng gõ thước, vừa cười tươi vừa nói cả lớp trật tự rồi đưa cậu trò nhỏ tên M vào nhà vệ sinh của trường. Không vui sao được khi câu nói này cô dạy cả nghìn lần thì đến nay M đã nhớ và nói được lúc cần. Cậu trò mắc chứng tự kỷ này được ba mẹ đưa vào Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu từ đầu năm. Vào lớp một nhưng M chưa biết xúc cơm, nuốt trọn mọi thứ và chưa thể tự phục vụ bản thân. Đặc biệt, cứ thấy ai đến gần là cậu trò này đều đánh nên HS trong lớp cũng như phụ huynh đều sợ. “Thời gian đầu phụ huynh mắng cô hoài nhưng ráng rèn từng chút giờ tình hình cải thiện hơn nhiều!”, cô Cẩm Vân phấn khởi nói.

Ngày M nhập học, cô Vân giới thiệu em với tất cả các bạn trong lớp, nói rõ tình trạng bệnh và kêu gọi sự hỗ trợ của các thành viên. Vì M gặp khó khăn trong vấn đề thể hiện ngôn ngữ nên cô nhờ cả lớp cùng tập cho bạn nói. Ai làm tốt sẽ được thưởng kẹo. Cùng với đó, cô cũng hướng dẫn các em cách tiếp xúc với M sao cho an toàn. Vậy là đám trò nhỏ háo hức làm “hướng dẫn viên” cho M từ chuyện học đến chuyện chơi. Ngày thấy M có thể tự cầm muỗng xúc cơm, tự ê a con chữ, mỉm cười với bạn bè, cô Vân mừng rơi nước mắt: “Với những HS đặc biệt này, chỉ cần mỗi ngày thấy em tiến bộ, hòa nhập được với môi trường tập thể là giáo viên vui rồi”.

Trước M, suốt bảy năm nay, cô Vân gặp khá nhiều HS đặc biệt học theo dạng hòa nhập tại trường. Nữ giáo viên này vẫn nhớ như in lần đầu cô phát hiện lớp mình có một em hơi khác thường. “Em đó không bao giờ ngồi yên, chỉ thích chạy nhảy và hét, đêm đó tôi sợ đến mất ngủ. Đi dạy gần 30 năm, kinh nghiệm đứng lớp thì nhiều nhưng kinh nghiệm dạy trẻ tự kỷ là con số không vì tôi không phải giáo viên chuyên biệt. Nhưng tôi muốn giúp các em sớm hòa nhập cộng đồng để có thể tự lo được cho bản thân. Nghĩ vậy nên dù áp lực cách mấy tôi cũng cố gắng vượt qua. Giờ lên lớp dạy không được thì lúc ra chơi mình kèm tiếp. Dạy trên bảng không tiếp thu mình vẽ lên tay như vừa chơi vừa học. Cô đi đâu trò theo đó như mẹ con, cực mà vui lắm!”, cô Vân tâm sự.

Mong học sinh khỏe mạnh

Không phải mô hình chuyên biệt nhưng vài năm trở lại đây, Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu đón nhận khá nhiều HS đặc biệt đến học hòa nhập. Với những trường hợp này, trước khi phân công giáo viên nhận trẻ, nhà trường luôn làm việc kỹ với gia đình để nắm mức độ khiếm khuyết và hoàn cảnh của từng em. Giáo viên dạy là những cô giàu kinh nghiệm, tính tình mềm mỏng. Nhà trường cũng tạo môi trường thuận lợi để các em HS bình thường tích cực đồng hành với những bạn khiếm khuyết. “Khi nhận HS đặc biệt, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao để các em không thấy mình bị phân biệt đối xử, làm sao cho các em tiến bộ, vui vẻ sau mỗi ngày đến lớp”, ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Điều đáng quý nhất của những giáo viên nơi đây là chưa bao giờ các cô phàn nàn hay có ý định trả HS về cho gia đình. Không dừng lại ở tình thương, cô Vân và một số giáo viên khác còn tự tìm hiểu về các chứng khiếm khuyết qua sách vở, internet và thiết kế chương trình dạy theo khả năng tiếp thu của từng em. Tín hiệu vui là chỉ sau vài tháng đến trường, các em đã hòa đồng hơn, biết nhiều kỹ năng hơn và quan trọng là thích tiếp xúc với bạn bè, cô giáo hơn.

Hơn 30 năm đứng lớp, điều mà cô Cẩm Vân mong muốn là những “chú chim non” của mình sẽ khỏe mạnh, đủ khả năng bước tiếp trên hành trình còn dài phía trước. Còn với những HS đặc biệt, cô chỉ mong mỗi ngày trôi qua, các em sẽ khám phá thêm được điều hay trong cuộc sống, được yêu thương và trao nhiều cơ hội để thể hiện bản thân hơn.