Chuyện chưa bao giờ muộn

Giáo dục giới tính cho trẻ em, vấn đề không mới nhưng trở nên cấp thiết trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ nhỏ đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa. Nên nói với con như thế nào cho đúng, bắt đầu từ đâu và từ độ tuổi nào thì thích hợp... là chủ đề của buổi tọa đàm “Giáo dục giới tính - chưa bao giờ là quá muộn” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Nên dạy giới tính cho trẻ từ mầm non là lời khuyên của nhiều chuyên gia.
Nên dạy giới tính cho trẻ từ mầm non là lời khuyên của nhiều chuyên gia.

Tại đây, vấn đề giới tính và xâm hại tình dục được tất cả mọi người trao đổi và bàn luận một cách thẳng thắn để tìm hướng đi tốt nhất cho các bậc phụ huynh và trẻ trong các độ tuổi, nhằm có sự chuẩn bị một cách tốt nhất khi trẻ bước vào đời.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho biết, một thực trạng đau lòng là rất nhiều trường hợp xâm hại trẻ em lại từ người thân trong gia đình và đặc biệt là lứa tuổi bị xâm hại giờ đây ngày càng nhỏ. Đó là độ tuổi mà các cháu còn chưa hiểu được thế nào là sự nhạy cảm giới tính, là sự xâm hại để biết cách đề phòng. Trong khi đó, các bậc phụ huynh lại luôn né tránh nói về vấn đề giới tính cho con cái ở độ tuổi này.

Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai chia sẻ, tâm lý người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng rất ngại nhắc đến vấn đề giới tính. Phần lớn các bậc phụ huynh hiện nay đều giỏi trong việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, nhưng về giới tính lại né tránh. Do đó, theo bà Mai, chương trình giáo dục giới tính cần chia theo cấp bậc và cần cởi mở về vấn đề này. Theo bà, không chỉ con trẻ được lắng nghe, học hỏi mà ngay cả người lớn cũng phải có những kỹ năng chỉ bảo riêng: “Với việc giáo dục giới tính cho trẻ, người lớn cũng cần phải học để ứng phó kịp thời những tình huống nhỏ nhất từ ngay trong gia đình. Cho nên, nếu con được học thì bố mẹ cũng phải được học. Nếu như ở nhà cha, mẹ không dạy thì ra ngoài con học những điều không chính thống từ anh, chị, bạn bè hoặc bị các đối tượng xấu dụ dỗ thì rất nguy hiểm”.

Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp Nguyễn Lê Anh cũng đưa ra minh chứng từ quan sát của chị trong quá trình giảng dạy. Theo đó, những sang chấn tâm lý khi bị xâm hại từ nhỏ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tài năng của cá nhân sau này. “Khi làm việc với các chị em phụ nữ từng có hoàn cảnh bị lạm dụng thì trong quá trình lao động cũng như cuộc sống đời thường họ rất vất vả. Trong tâm thức họ luôn bị tự ti, cho rằng mình thấp kém và dễ dàng tiếp tục để người khác chà đạp, thậm chí là buông thả, không phát triển được tài năng hoặc tự phá hủy cả cuộc đời. Nếu nhìn vấn đề rộng hơn thì nạn xâm hại tình dục trẻ em sẽ ảnh hưởng hiệu suất lao động ở tương lai”.

Nhiều bậc phụ huynh cũng đã cởi mở chia sẻ những khó khăn khi nói chuyện giới tính với con cái. Phần lớn đều cho rằng không biết cách nói thế nào cho phù hợp tầm hiểu biết của con, hoặc đối với con ở tuổi vị thành niên thì lại sợ tình trạng “vẽ đường cho hươu chạy”. Á hậu Dương Yến Ngọc kể rằng chị phải kiên nhẫn thuyết phục con gái tới ngày thứ ba cháu mới thoải mái để mẹ hướng dẫn cách chọn và sử dụng các loại áo lá, áo lót khi bắt đầu dậy thì. Sự khó khăn này cũng vì các cháu chưa thật sự được trang bị những hiểu biết và có tâm lý thoải mái khi đề cập đến vấn đề giới tính.

Với tư cách đại diện trong lĩnh vực giáo dục, Ths Nguyễn Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Việt Mỹ cho rằng, ngành giáo dục phải quan tâm hơn nữa việc giáo dục giới tính cho các em trong trường học. Đặc biệt, các bậc cha mẹ phải cùng chung tay với nhà trường để mang lại cho các em những kiến thức bổ ích về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản. “Với trẻ ở tuổi dậy thì, các con cần được học khái niệm “lợi dụng tình dục” trong các giờ học chính khóa, cùng với các vấn đề về sinh trưởng của con người: những biểu hiện của nguy hiểm từ bên ngoài, đến từ một người khác và những hậu quả mang tới. Tiếp đó mới là các bài tập phòng tránh thông qua những câu hỏi trắc nghiệm, bài tập lựa chọn tình huống để trẻ có thể biết cách tự bảo vệ mình ngay từ khi có những biểu hiện đầu tiên gợi lo lắng, chứ không phải đợi đến khi tình huống xảy ra đã quá rõ ràng và khó có lối thoát”, bà Mai nhấn mạnh.