Chia sẻ khó khăn với sinh viên

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến phần lớn các trường đại học (ĐH) không thể tập trung sinh viên (SV). Vì vậy, phương pháp giảng dạy trực tuyến (online) được nhiều trường lựa chọn. Để chia sẻ khó khăn, động viên các em yên tâm học tập, một số trường ĐH ở TP Hồ Chí Minh đã ban hành các chính sách hỗ trợ như giảm học phí, cho mượn, nâng cấp trang thiết bị học nhằm chia sẻ khó khăn với SV trong thời gian chống dịch.

Giảm học phí, hỗ trợ phương tiện học trực tuyến là cách mà nhiều trường đại học đang làm cho sinh viên trong mùa dịch.
Giảm học phí, hỗ trợ phương tiện học trực tuyến là cách mà nhiều trường đại học đang làm cho sinh viên trong mùa dịch.

Giảm học phí & cho mượn phương tiện học

Nhằm chia sẻ những khó khăn của SV trong thời gian tránh dịch, TS Lê Sỹ Hải, Giám đốc điều hành Trường ĐH Văn Hiến cho biết, trường đang có chính sách hỗ trợ mua trả góp hoặc cho SV mượn các phương tiện học tập như máy tính bảng, điện thoại thông minh hay máy tính xách tay phục vụ việc học online. “Dự kiến trường sẽ cung cấp khoảng 100 máy tính bảng, điện thoại thông minh và laptop cho SV có nhu cầu. Những bạn có hoàn cảnh khó khăn hoặc thiếu phương tiện học tập, hãy liên hệ trực tiếp với trường”, ông Hải nói.

Bên cạnh việc cung cấp phương tiện học tập, Trường ĐH Văn Hiến cũng ban hành chính sách hỗ trợ người học để ứng phó đại dịch. Cụ thể, từ ngày 16-3, trường hỗ trợ 20% học phí các môn học online và 10% đối với các môn học offline cho tất cả SV. Ngoài ra, 100% SV cũng đã được hỗ trợ gói cước phí internet tốc độ cao để thuận lợi hơn trong việc học trực tuyến. “Trường đã làm việc với các nhà mạng, trực tiếp hỗ trợ cước phí truy cập internet tốc độ cao cho những số điện thoại của SV đã đăng ký học online trong giai đoạn này”, TS Hải cho biết.

Đồng hành, hỗ trợ SV cùng gia đình, Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng đang thực hiện việc giảm học phí học kỳ II với mức giảm tối đa 20% tổng phí phải đóng. Mức giảm này áp dụng cho các SV đã đóng học phí trước ngày 25-3, còn SV năm cuối thì đến trường nhận lại 20% học phí đã đóng. Trong khi đó, vì đã thu đủ trong học kỳ trước nên từ ngày 23-3, Trường ĐH Hoa Sen sẽ có chính sách giảm học phí cho học kỳ mới.

Tương tự, Trường ĐH Văn Lang cũng quyết định hỗ trợ học phí cho SV khi xác định dạy học online là hình thức đào tạo chính thức trong học kỳ II năm học 2019 - 2020. Theo đó, nhà trường giảm 20% học phí đối với học phần học online mà SV đã đăng ký và tham gia lớp học. Hỗ trợ 10% học phí đối với SV năm cuối và với học phần không dạy online cũng như học phần không đăng ký học online. Ông Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho biết, đây là hình thức chia sẻ với phụ huynh và SV trong điều kiện khó khăn chung hiện nay, qua đó khuyến khích SV học online để bảo đảm tiến độ học tập. “Theo quy định, trường tiến hành dạy học online, SV không đến lớp nên giảm chi phí cơ sở vật chất, vì thế phần học phí giảm này giúp các em có thể trang trải chi phí về internet, điện thoại để hoàn thành bài học. Hiện trường tiếp tục mở các lớp học mới trong tuần sau để SV có thêm nhiều lựa chọn cho phần học online phù hợp”, ông Tuấn cho biết.

Băn khoăn với học phí online

Không phủ nhận sự thuận tiện của việc học trực tuyến, tuy nhiên nhiều SV cũng như phụ huynh băn khoăn về việc thu học phí online cũng như các khoản thu khác trong thời điểm tất cả phải nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, nhất là tại các trường quốc tế, ngoài công lập, tư thục. Mới đây, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Giáo dục & Đào tạo - GD&ĐT) cho biết, theo quy định của Bộ, hiện mới chỉ có việc thu học phí các chương trình đào tạo chính. Đối với các chương trình bổ trợ khác như học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch là phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, do đó việc này không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm.

Trước thắc mắc về việc thu phí để dạy và học online gần như chưa có tiền lệ, Bộ GD&ĐT cần có những hướng dẫn cụ thể, đại diện Vụ Kế hoạch tài chính cho rằng, do đây là dịch vụ thỏa thuận nên việc thu hay không tùy thuộc các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau, trên cơ sở tìm chi phí hợp lý nhất để triển khai, tránh tình trạng học sinh, SV nghỉ học quá dài. Được biết, hiện Bộ GD&ĐT đang tiến hành rà soát khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục, từ đó điều chỉnh một số văn bản hiện hành cho phù hợp. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ một số chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn khó khăn hiện nay.