Xóa nghèo với... 10 triệu đồng

Xóa nghèo bền vững cho hộ nghèo chỉ với 10 triệu đồng/hộ đích thị là… rất rẻ. Câu chuyện lạ về xóa nghèo ở huyện miền núi Quỳ Hợp đang được tỉnh Nghệ An tìm cách để nhân rộng.

Thăm hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn tham gia chương trình hỗ trợ sinh kế thoát nghèo bền vững.
Thăm hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn tham gia chương trình hỗ trợ sinh kế thoát nghèo bền vững.

Chuyện nghe như đùa!

Cách đây hai năm, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An) được nghe chuyện lạ về hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo… giá rẻ chỉ với 10 triệu đồng/hộ. Một cán bộ làm công tác Đảng của huyện này cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/HU, năm 2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về công tác giảm nghèo, trong năm 2017, Quỳ Hợp đã thử nghiệm xóa nghèo cho 22 hộ với chỉ 220 triệu đồng hỗ trợ kinh phí mua con giống là bò sinh sản bản địa, để nhân đàn phát triển kinh tế. Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương giúp đỡ để những hộ nghèo này sau một năm thì thoát nghèo… Công tác này được nhận định sẽ là mô hình xóa nghèo bền vững để nhân rộng.

Xóa nghèo bền vững chỉ với 10 triệu đồng/hộ thật sự là một câu chuyện lạ, hay đáng được để tâm. Nhưng chúng tôi đều đoán đây chỉ là mô hình thử nghiệm trong diện hẹp. Thành công có được ngoài khoản tiền hỗ trợ, còn bởi các hộ dân được chọn lọc kỹ càng, họ là những hộ nghèo có ý chí thoát nghèo. Những hộ như vậy hẳn chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong tổng các hộ nghèo ở Quỳ Hợp, nếu nhân rộng chắc khó mà đạt được, bởi ngay tại vùng đồng bằng, dù nhiều thuận lợi nhưng vẫn còn có những gia đình năm lần bảy lượt được hỗ trợ mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong khi đây lại là vùng khó khăn, nơi đông các hộ đồng bào dân tộc Thái, Thổ vẫn chất chồng khó khăn.

Nhưng mới đây, chúng tôi đã “mục sở thị” tại xã Văn Lợi (Quỳ Hợp) và đã thay đổi cách nghĩ về việc xóa nghèo bền vững với 10 triệu đồng/hộ. Đến thăm nhà cựu chiến binh đồng bào dân tộc Thổ Trương Văn Thiết ở xóm Đại Thành, thật ấm lòng khi chủ nhà hồi tưởng về chuyện nỗ lực xóa nghèo của gia đình họ. Trước năm 2018, gia đình ông Trương Văn Thiết là hộ nghèo. Cuối năm 2018, ông Thiết được thông tin về chương trình hỗ trợ sinh kế thoát nghèo bền vững, nếu tham gia, sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng mua bò sinh sản. Gia đình có bốn khẩu, nhiều năm qua chỉ trông vào hai sào ruộng và vài nương mía nên dù chắt chiu, may lắm cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy ông đã nhẩm tính, nếu có bò sinh sản, với thức ăn cho bò (là ngọn mía) đã có sẵn, thì sẽ chỉ mất công chăm bẵm. Mỗi năm bò sinh một con bê, sẽ có thêm một khoản thu nhập kha khá. Vậy là ông đã viết đơn, cam kết sẽ thoát nghèo trong thời hạn một năm.

“Công cuộc” chăn nuôi bò của gia đình ông Thiết đã bắt đầu như vậy, và diễn ra rất thuận lợi. Với số tiền được hỗ trợ, ông thêm vào năm triệu đồng để quyết mua cho được một con bò bản địa đang mang thai để nhanh chóng nhân đàn. Tháng 3-2019, bò mẹ sinh được một con bê đực. Đến nay, chú bê được chín tháng tuổi, còn bò mẹ thì đã tiếp tục có thai, khoảng dăm tháng nữa sẽ sinh thêm một con bê mới.

Bao quanh ngôi nhà cấp bốn của ông Thiết là vườn quýt PQ quả đã óng vàng, cạnh đó là hai mẹ con bò đang được nuôi nhốt trong chuồng. Thật khó đánh giá đâu là bò mẹ, đâu là bê con bởi vóc dáng đã tương đương. Ông Thiết khoe, con bê lớn nhanh, hiện có giá hơn 15 triệu đồng. Nhờ có chăn nuôi, gia đình ông Thiết đã phát triển sản xuất nông nghiệp. Đó là có được nguồn phân bón hữu cơ để “cho cây ăn”, nâng cao sản lượng cây trồng. Ông Thiết nhẩm tính: “100 gốc quýt PQ năm ngoái được hơn sáu triệu đồng. Năm nay chưa thu hoạch nhưng quả sai hơn, mía thì được 80 tấn, thêm hai sào lúa và bê nữa”. Ông Thiết quả quyết: “Mình thấy trên truyền hình có những gia đình còn vất vả hơn mà tự nguyện ra khỏi hộ nghèo. Mình có được như thế này rồi thì phải có ý thức thôi…!”.

Ở Đại Thành những ngày này mầu xanh tràn ngập, các cụm dân cư, đường sá phong quang sạch sẽ mang đến không khí thật ấm áp, dễ chịu. Xóm trưởng Đại Đồng Trương Xuân Quang vừa dẫn chúng tôi đi thăm quanh xóm vừa trao đổi: Đại Đồng có 176 hộ dân, trong đó phần đông là đồng bào dân tộc Thổ. Cuối năm 2018, xóm còn 61 hộ nghèo, đến cuối 2019 giảm xuống còn 56 hộ. Trong số năm hộ thoát nghèo, có hai hộ được nhận hỗ trợ nuôi bò sinh sản như hộ ông Thiết. Ghé vào hộ anh Trương Văn Hoạt, biết được gia đình này đã có thêm một con bê bảy tháng tuổi, trong khi con bò mua từ nguồn tiền hỗ trợ cũng đã tiếp tục có chửa. Mẹ của anh Hoạt là bà Cao Thị Thắm (61 tuổi) rất xúc động. Bà nói: “Gia đình tôi rất cảm ơn với những gì cấp trên đã quan tâm. Việc hỗ trợ đã giúp cho các cháu có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững…”.

Xóa nghèo với... 10 triệu đồng ảnh 1

Từ kinh phí hỗ trợ từ nguồn Quỹ vì người nghèo, gia đình ông Trương Văn Thiết đã có cặp mẹ con bò trị giá vài chục triệu đồng.

Quỹ vì người nghèo góp phần xóa nghèo

Tạm biệt Văn Lợi, chúng tôi về huyện để tìm hiểu lại việc xóa nghèo bền vững chỉ với 10 triệu đồng/hộ ở miền núi đá Quỳ Hợp. Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Ngân Thị Hồng cho biết: Dịp cuối năm, huyện thường xuyên tổ chức vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân có lòng hảo tâm chung tay đóng góp Quỹ vì người nghèo. Số tiền huy động thường có kết quả khá lớn, lên đến hàng tỷ đồng. Trước đây, nguồn kinh phí quỹ chỉ chủ yếu tập trung cho việc thăm, tặng quà Tết các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cách làm này dù động viên được các đối tượng này trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tuy nhiên chưa phát huy hiệu quả nguồn kinh phí huy động được. Chính vì vậy, năm 2017, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp đã quyết định chuyển hướng sử dụng một phần kinh phí của quỹ để thử nghiệm hỗ trợ cho 22 hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn với số tiền 10 triệu đồng/hộ để xóa nghèo bền vững, bằng việc hướng cho họ sử dụng kinh phí này vào việc mua bò sinh sản để nhân đàn, tạo thu nhập ổn định. Đến cuối năm, toàn bộ 22 hộ đều triển khai thành công, và họ tự giác viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Từ kết quả này, Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định, sử dụng Quỹ vì người nghèo tập trung chủ yếu cho chương trình hỗ trợ sinh kế xóa nghèo bền vững và chỉ dành một phần cho việc thăm, tặng quà dịp Tết cho nhóm đặc biệt khó khăn, không thể xóa nghèo. Nhờ cách làm này, số hộ nghèo thoát nghèo nhờ nguồn vốn từ Quỹ vì người nghèo ở Quỳ Hợp tăng theo từng năm. Nếu năm 2017 có 22 hộ, thì hai năm tiếp theo đã có tổng cộng 341 hộ thoát nghèo bền vững. Dự kiến trong năm 2020, huyện Quỳ Hợp sẽ tiếp tục hỗ trợ sinh kế từ nguồn Quỹ vì người nghèo cho khoảng 200 hộ thoát nghèo.

Hằng năm, Nghệ An đều phát động phong trào chung tay đóng góp Quỹ vì người nghèo được 60 - 70 tỷ đồng/năm. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh, mặt trận đang chỉ đạo MTTQ các huyện, thành, thị trong tỉnh học tập và nhân rộng mô hình xóa nghèo… giá rẻ mà Quỳ Hợp đang triển khai.