Xóa điểm đen tai nạn giao thông

Nguồn vốn eo hẹp, nút thắt mặt bằng, thủ tục, chính sách đầu tư còn bất cập… là những khó khăn khiến việc xóa điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) kéo dài. Vì vậy có những vị trí, phải sau khi đã xảy ra rất nhiều tai nạn mới phê duyệt được dự án xử lý. Những bất cập này cần được xử lý bằng cách làm nhanh chóng, thông thoáng hơn.

Nhiều dự án xây đường cứu nạn gặp khó khăn trong công tác GPMB.
Nhiều dự án xây đường cứu nạn gặp khó khăn trong công tác GPMB.

Kỳ 3: Tháo gỡ những nút thắt

(Tiếp theo & hết)

Liên tục phát sinh

Sau hơn 20 năm được cải tạo, đưa vào sử dụng, hiện lưu lượng phương tiện trên QL 5 nối Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng đã tăng gần bốn lần so thiết kế, đạt trung bình 58.969 xe/ngày đêm. Container, xe tải… qua lại rầm rập cùng quá trình đô thị hóa mạnh mẽ hai bên tuyến khiến nhiều người phải ví von QL 5 là “Phố Hải - Hà”. Trong khi đó, việc phát triển hạ tầng đường gom, cầu vượt, điểm đấu nối dân sinh… lại không theo kịp nhu cầu. Tại nhiều vị trí, để sang đường, người dân đã cưa rào sắt, phá dải bê-tông, tạo thành gần 90 lối đi tự phát khiến TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Điển hình như ngày 23-7-2019, tại km 63+530 thuộc địa phận xã Cộng Hòa (huyện Kim Thành, Hải Dương) đã liên tiếp xảy ra ba vụ TNGT nghiêm trọng làm bảy người chết, hai người bị thương. Điểm chung của ba vụ là đều xảy ra ở lối đi tự mở đấu nối vào QL và đây cũng là điểm chung của khá nhiều vụ TNGT khác trên các tuyến QL trọng điểm.

Những năm gần đây, nhiều tuyến đường mới được đưa vào khai thác nhưng lại chưa đồng bộ với các công trình kết nối. Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), trên cả nước hiện đang có khoảng 1.414 điểm giao cắt tại các địa phương cùng 4.279 điểm qua đường dân sinh. Tương tự như QL 5, việc đầu tư đường gom, cầu vượt, cống chui dân sinh tại các tuyến này gần như không đáng kể. Trong khi đó, số lượng phương tiện cùng lưu lượng chuyến đi gia tăng nhanh chóng khiến các điểm đen liên tục phát sinh. Điển hình như năm 2019, trên các tuyến QL đã có thêm 24 điểm đen mới. Ngoài ra, còn hàng trăm điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT vẫn chưa được xử lý.

Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho biết: Hiện Tổng cục đang tiếp tục xây dựng và triển khai giải pháp nâng cao an toàn giao thông (ATGT) cho các tuyến đường, các đoạn đèo dốc trọng điểm như QL 51, QL 20, QL 27C (đèo Khánh Lê), QL 3…Trong quản lý nhà nước về tổ chức giao thông, Tổng cục đã chuyển giao quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn cho các địa phương thực hiện ATGT. Tại các cuộc họp hằng quý, Phó Thủ tướng thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình đều chỉ đạo quán triệt phải xóa 100% các điểm đen tai nạn. Riêng các điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, do cần nguồn kinh phí lớn nên sẽ xử lý dần dần, ưu tiên các điểm bức xúc, kinh phí thấp.

Nhiều bất cập cần sớm được giải quyết

Năm 2019, sau nhiều tai nạn liên tiếp xảy ra trên QL 5, ngành giao thông cùng Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) đã triển khai một số giải pháp an toàn mang tính tình thế. Đại diện Vidifi cho hay, do khó khăn về nguồn vốn nên thời gian tới, đơn vị chỉ tiếp tục thực hiện được các hạng mục bảo trì, sửa chữa nhỏ. Những hạng mục đầu tư mới, đòi hỏi kinh phí lớn như mở rộng mặt đường, xây dựng đường gom, bổ sung cầu vượt đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Không chỉ QL 5, nút thắt về vốn cũng khiến nhiều dự án xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT kéo dài. Như tại đèo Lò Xo, sau 14 năm mang “khuyết tật” về hạ tầng khiến hàng trăm người thương vong mới phê duyệt được dự án xử lý tổng thể. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Quản lý đường bộ (QLĐB) III chia sẻ: Không phải đến năm 2018, Cục QLĐB III mới nghĩ tới việc nghiên cứu giải pháp tổng thể nâng cao ATGT trên đèo Lò Xo, tuy nhiên trong bối cảnh kinh phí nhà nước cấp cho công tác duy tu, bảo trì đường bộ mới đạt khoảng 40% nhu cầu, mọi việc cải tạo trước đây thường lâm vào cảnh “cái khó bó cái khôn”.

Ông Nguyễn Văn Hợi, Phó trưởng Phòng ATGT, Cục QLĐB I cũng thừa nhận: Nguồn vốn eo hẹp kéo theo khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB). Có nơi khi dân chìa sổ đỏ ra chúng tôi mới biết chính quyền đã cấp đất vào hành lang ATGT đường bộ... mà để đòi lại đất là cả một quá trình hết sức nan giải.

Ngoài ra, phần lớn các thủ tục về đất đai đều phức tạp, kéo dài mà nguồn vốn bảo trì đường bộ phải giải quyết ngay trong năm nên có dự án dù đã được phê duyệt vẫn không thể triển khai. Như tại km 79+450 và km 80+250 (QL 6), phải sau rất nhiều tai nạn thương tâm cùng hàng chục cuộc họp liên ngành với vô số lần kiến nghị mới phê duyệt được dự án làm đường cứu nạn. Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn xây dựng lại thiếu đi sự phối hợp quyết liệt từ phía chính quyền địa phương…

Ông Vi Văn Sử, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường bộ 222, đơn vị thi công đường cứu nạn trên QL 6 cho biết: Đường cứu nạn làm trên đất của hành lang an toàn đường bộ thuộc QL 6 cũ nhưng công tác GPMB đòi lại đất vô cùng khó khăn. Sau rất nhiều lần kiến nghị, chúng tôi mới được chính quyền địa phương hỗ trợ tổ chức bảo vệ thi công. Bởi vậy dự án đường cứu nạn km 80+250 bị chậm tiến độ nhiều tháng. Còn dự án đường cứu nạn km 79+450 do không giải phóng được mặt bằng nên nguồn vốn cấp năm 2019 đã bị thu hồi lại.

Nên giao quyền quyết định nhiều hơn

Trong quá trình tìm hiểu thực tế tại những vị trí bất hợp lý về mặt hạ tầng, có lãnh đạo trong ngành giao thông đã phải thốt lên với chúng tôi rằng: “Lực bất tòng tâm”, muốn xử lý mà vướng đủ thứ, đặc biệt là thủ tục đầu tư. Đơn cử như một số vị trí cần xây dựng cầu vượt, cầu chui, lắp camera…, thậm chí lắp đặt các công trình nhỏ hơn như biển báo, đinh phản quang để nâng cao tính an toàn sẽ bị “thổi còi”, cho là “làm mới”, không đúng tiêu chí nguồn vốn bảo trì. Nếu muốn làm, phải lập dự án đầu tư xây dựng cơ bản, không thì tiếp tục nằm chờ. Hay tại những điểm mới ở mức độ tiềm ẩn tai nạn, mặc dù kinh phí khắc phục rất thấp nhưng vẫn phải đưa vào kế hoạch trước hàng năm. Trong trường hợp muốn làm ngay thì phải báo cáo lên Bộ GTVT chờ giải quyết. Vì vậy, nhiều dự án xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT thường bị chậm trễ. Đơn cử như bộ đề án giải pháp tổng thể xử lý điểm đen TNGT trên QL 5 do Tổng cục ĐBVN trình lên Bộ GTVT nhiều tháng nay vẫn chưa có câu trả lời?

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, xử lý điểm đen là vấn đề mang tính nhân đạo, liên quan sinh mạng con người. Vì vậy với các dự án được giải quyết bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ thì nên giao quyền quyết định nhiều hơn cho các cơ quan quản lý bảo trì đường bộ để bảo đảm tính kịp thời. Nếu giải quyết bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản phải tuân thủ theo các quy định hiện hành của pháp luật. Tuy nhiên, tại những vị trí điểm đen nhức nhối, mất an toàn như QL 5, các cơ quan quản lý nên ưu tiên tập trung nguồn lực để tháo gỡ, giải quyết sớm, tránh tiếp tục để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân, do hạ tầng, do phương tiện, do con người, trong đó do con người vẫn là chủ yếu. Vì vậy một số chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu kéo giảm TNGT từ 5 - 10% trong năm 2020 nói chung và xóa bỏ các điểm đen nói riêng, rất cần một loạt giải pháp đồng bộ về quy hoạch giao thông, đầu tư hạ tầng, đăng kiểm phương tiện, đào tạo lái xe, tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông cũng như bảo đảm nghiêm minh việc thực thi pháp luật.

Năm 2017, Thông tư 60/2017/TT-BTC ra đời cho phép sử dụng vốn bảo trì đường bộ để GPMB đã tháo gỡ một khó khăn lớn về chính sách. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn không có kinh phí để bố trí cho công tác này, bởi trên thực tế các điểm có liên quan tới GPMB thì tiền GPMB thường nhiều hơn tiền xây lắp.