Xâm hại nghiêm trọng hành lang bảo vệ hồ Núi Cốc

Tuyến đường giao thông nông thôn loại A trên địa bàn xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đang được xây dựng. Tuy nhiên tuyến đường này đã vi phạm hành lang bảo vệ hồ Núi Cốc, khiến người dân bức xúc.

Trong quá trình xây dựng tuyến đường, đơn vị thi công tùy tiện san lấp, đổ đất xuống lòng hồ Núi Cốc.
Trong quá trình xây dựng tuyến đường, đơn vị thi công tùy tiện san lấp, đổ đất xuống lòng hồ Núi Cốc.

Tùy tiện hạ cốt đường

Hồ Núi Cốc rộng khoảng 25 km², dung tích chứa 175 triệu m³ nước, là hồ thủy lợi quan trọng cấp quốc gia và đã được quy hoạch là khu du lịch quốc gia nên cần được bảo vệ về mặt cảnh quan, môi trường sinh thái.

Ngày 15-6-2011, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng du lịch quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó: Cao độ xây dựng các công trình chung quanh hồ phải bảo đảm tối thiểu từ 50 m trở lên (bằng với mặt đập chính) nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ cảnh quan ở đây.

Luật Thủy lợi ban hành ngày 19-6-2017, tại Chương VI, Điều 40, khoản 3, mục b quy định rõ: “Vùng phụ cận của lòng hồ chứa nước có phạm vi được tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập trở xuống phía lòng hồ”. Đối với hồ Núi Cốc, phạm vi bảo vệ vùng lòng hồ Núi Cốc có cao trình từ 50 m trở xuống phía lòng hồ.

Tuy nhiên, ngày 31-5-2018, UBND tỉnh lại phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn loại A, dài gần 2,1 km, nền đường rộng 6 m, mặt đường đổ bê-tông dày 20 cm, rộng 3,5 m, vốn đầu tư gần 13 tỷ đồng từ ngân sách, chạy ven hồ Núi Cốc trên địa bàn xã Phúc Tân, nhiều đoạn chỉ có cao độ (còn gọi là cốt đường) 48,75 m. Điều này vi phạm Quy chế do chính… UBND tỉnh ban hành. Cùng với đó, vi phạm luôn cả Luật Thủy lợi.

Do đó, công trình vi phạm nghiêm trọng hành lang, phạm vi bảo vệ hồ Núi Cốc. Thậm chí, tại một số vị trí đang thi công, nhà thầu còn tùy tiện san gạt, đổ đất xuống lòng hồ gây ảnh hưởng đến cảnh quan, địa hình, bảo vệ nguồn nước, khai thác tiềm năng đa dạng của vùng hồ.

Vì sao chậm trễ?

Sau khi UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tuyến đường được tổ chức thi công ngay. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của việc hạ cao độ trên, ngày 17-8-2018, đơn vị quản lý hồ Núi Cốc là Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã có Văn bản số 331/CV-CTKTTL nêu rõ nhiều đoạn của tuyến đường vi phạm hành lang, phạm vi bảo vệ hồ Núi Cốc, gửi các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên.

Nhưng không hiểu vì sao đến tận ngày 26-3-2019, chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên mới có Văn bản số 72/CCPTNT-BTDC gửi UBND tỉnh xin chủ trương điều chỉnh thiết kế công trình.

Đến ngày 10-5-2019 UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Văn bản số 1719/UBND-CNN, yêu cầu làm rõ nội dung điều chỉnh thiết kế tuyến đường. Nhưng trong khi chưa được điều chỉnh thì nhà thầu vẫn tiếp tục thi công. Vì vậy ngày 10-7-2019 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên ban hành Văn bản số 1433/SNN-QLXDCT về việc đề nghị điều chỉnh cao độ thiết kế tuyến đường. Đồng thời, văn bản cũng yêu cầu Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên tạm dừng các hoạt động thi công xây dựng đoạn đường có cao độ thiết kế dưới cao trình 50 m trong phạm vi bảo vệ lòng hồ Núi Cốc khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, Cùng với đó, phải chấm dứt tình trạng đổ đất xuống lòng hồ không đúng quy định.

Ngày 17-7-2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên có Văn bản số 1856 báo cáo thực trạng tuyến đường và đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên điều chỉnh cao độ công trình lên 50 m, bằng với mặt đập chính hồ Núi Cốc. Theo Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên Nguyễn Công Thịnh: “Từ các đơn vị tư vấn khảo sát, lập thiết kế, thẩm tra tuyến đường đến các đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt dự án tuyến đường, đều chưa căn cứ các quy định hiện hành, không tham vấn ý kiến đơn vị quản lý hồ Núi Cốc nên dẫn đến những vi phạm hành lang bảo vệ hồ”.

Quá phiền toái cho dân!

Tuyến đường trên có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống của 200 hộ dân ở hai xóm 10 và 11 của xã Phúc Tân, phục vụ nhu cầu đến trường của học sinh phân trường Lòng Hồ và ba điểm trường của xã Phúc Tân. Bên cạnh đó, tuyến đường còn tạo sự kết nối giao thương hàng hóa vùng bán ngập hồ Núi Cốc, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, bởi vào mùa mưa, nước dâng cao nên gần như người dân ở đây bị cô lập với bên ngoài.

Tuy nhiên, việc khắc phục nhiều đoạn của tuyến đường vi phạm hành lang bảo vệ hồ Núi Cốc đang diễn ra rất chậm, khiến cho tiến độ xây dựng tuyến đường bị kéo dài. Khi được UBND tỉnh đồng ý nâng cao độ, hiện nay tuyến đường tiếp tục phải dừng thi công để bổ sung thiết kế, làm cho việc đi lại của nhân dân, việc học hành tới đây của con em trong vùng gặp rất nhiều khó khăn. Việc chậm trễ trong việc nâng cao độ, sau đó là điều chỉnh thiết kế bảo đảm làm thời gian thi công kéo dài thêm bảy tháng, chi phí dự án dự kiến tăng lên thêm gần năm tỷ đồng, các phương án thi công, khai thác vật liệu đất đắp phải tính toán lại… Những thiệt hại này ai sẽ phải chịu trách nhiệm?

Mặt khác, trong thiết kế cũ, một số đoạn của tuyến đi sát mép nước hồ Núi Cốc nhưng không được thiết kế kè, trong khi đó vào mùa tích nước, nước hồ Núi Cốc dâng cao, sóng đánh mạnh, chắc chắn sẽ xảy ra sạt lở, sụt lún, gây ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ nền, mặt đường, ảnh hưởng đến cảnh quan hồ Núi Cốc.

Đây là những vấn đề cần phải tính toán khi UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định điều chỉnh cao độ, thiết kế tuyến đường. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm hành lang bảo vệ hồ đối với các đơn vị khảo sát, thiết kế, thẩm tra và tham mưu hạ thấp cao độ so với quy định hiện hành.