Vị đắng giá mía

Ngày 3-7-2016, tại buổi gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với Ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên Khối nông nghiệp tại ba nhà máy đường, gồm: Nhà máy đường Thành Thành Công (TTC) Tây Ninh, Nhà máy đường Biên Hòa - Tây Ninh, Nhà máy Đường Nước Trong đã có nhiều trăn trở được đặt ra. Đặc biệt việc xác định vai trò then chốt của người nông dân trong chuỗi giá trị ngành với phương châm “Nông dân có lời - Nhà máy có lãi” là tiêu chí hàng đầu. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra thì phương châm và khẩu hiệu này thật sự có ý nghĩa hay đó chỉ là ngụy biện?

Người trồng mía đang thấp thỏm trước biến động giá mía đường niên vụ 2019-2020.
Người trồng mía đang thấp thỏm trước biến động giá mía đường niên vụ 2019-2020.

Kỳ 2: Doanh nghiệp lãi lớn, người dân gánh lỗ

“Vỡ nợ” vì hợp đồng thu mua mía?

Năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh mô hình liên kết như “Cánh đồng mẫu lớn”, kết hợp mô hình ba, bốn nhà gồm “Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông” trong đó vai trò nhà doanh nghiệp luôn đặt làm trọng tâm. Những cuộc “bắt tay” mang tính bền vững này đã được đặt lên bàn để ký kết giữa các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp với các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, người dân trực tiếp sản xuất trong nhiều lĩnh vực như: lúa, trái cây, tôm, mía… Không thể phủ nhận việc những ký kết này đã mở ra nhiều cơ hội, cách nhìn mới trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc ký kết giữa các nhà máy đường ở Tây Ninh với người trồng mía được nhiều người dân đánh giá là đã đẩy người trồng mía đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Hiện trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có ba nhà máy - công ty mía đường, gồm: Công ty CP TTC (Biên Hòa); Công ty CP Đường Nước Trong; Nhà máy đường Biên Hòa - Tây Ninh với tổng công suất 14.800 tấn mía cây/ngày. Theo Chi Cục Quản lý chất lượng nông-lâm-sản và thủy sản Tây Ninh, niên vụ mía 2017-2018, tổng diện tích mía trên địa bàn tỉnh là hơn 15.600 ha, năng suất bình quân hơn 77,3 tấn/ha, sản lượng mía cây đạt hơn 1,2 triệu tấn. Niên vụ 2018-2019 các công ty, nhà máy đường đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu mía ước chỉ bằng 92,7% so cùng kỳ, trong đó có cả hơn 6.110 ha diện tích mía người dân Tây Ninh trồng tại tỉnh Svayrieng (Campuchia).

Trước thực trạng cây mía trên địa bàn, ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội người trồng mía Tây Ninh cho rằng, với những diễn biến như thế này có khi ngành mía đường “chết” trước khi chính thức hội nhập Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Các nhà máy đang vì lợi ích mà ép dân. Dù đã có hơn 30 năm trong nghề trồng mía và đã từng làm chủ của hơn 1.400 ha mía nhưng do áp lực năm 2018, tôi đã phải bàn giao lại toàn bộ diện tích trồng mía cho nhà máy.

Thực tế, ngay từ những năm 2011, 2012, các doanh nghiệp (DN), nhà máy đường tại Tây Ninh đã xây dựng Hợp đồng thu mua mía với người nông dân và các HTX, DN trên địa bàn. Đến năm 2015, việc hợp tác được nâng tầm cao mới các hợp đồng đều được ký trong thời hạn ba năm, giá thu mua mía đều được ghi rõ “Giá thu mua mía được tính theo chữ đường và trọng lượng mía sạch (đã trừ tạp chất). Giá thu mua mía được bảo hiểm thấp nhất là 900 nghìn đồng/tấn mía có chữ đường 10 CCS, chưa bao gồm chi phí vận chuyển”.

Kèm theo đó là “Hợp đồng ứng vốn và chăm sóc mía được ký kết trong ba vụ mùa liên tiếp”. Từ những nội dung ký kết này nhiều hộ nông dân tại Tây Ninh đã đẩy mạnh phát triển diện tích trồng mía. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Văn Triển, ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh ngày 11-1-2016 ký Hợp đồng thu mua mía TTC Tây Ninh, với tổng diện tích là 114,3 ha, thực hiện kể từ vụ thu hoạch 2016-2017 đến hết vụ 2018-2019, với giá thu mua bảo hiểm thấp nhất là 900.000 đồng/tấn mía có chữ đường 10 CCS, chưa bao gồm chi phí vận chuyển. Công ty đã cho tạm ứng trước hơn 3,1 tỷ đồng để cải tạo đất, chăm sóc mía… Theo tính toán, thì giá mía này người trồng mía sẽ rất ổn định, có lãi nên tôi đã mạnh dạn đầu tư thêm hàng trăm ha đất trồng mía. Đến niên vụ năm 2018-2019, tổng diện tích lên đến gần 230 ha mía.

Trong khi hàng loạt hợp đồng thu mua mía đã được ký với nông dân trồng mía vẫn còn trong thời hạn nhưng thật bất ngờ ngày 30-11-2018 các nhà máy đường của TTC Tây Ninh ra thông báo đến khách hàng: “Chính sách thu mua mía đầu tư - vụ thu hoạch 2018-2019 ở Tây Ninh, Campuchia” với giá 700 đồng/kg (tương đương 700.000 đồng/tấn) và giá mua mía bổ sung từ 20.000 đến 50.000 đồng/tấn (tùy thời điểm), thấp nhất trong các DN thu mua mía.

Bức xúc với giá mía niên vụ 2018-2019, ông Nguyễn Văn Triển cho biết: “Đây là chính sách không hợp lý, và là cách làm ăn không trung thực của nhà máy. Sau khi có những phản ứng dữ dội từ phía người dân, TTC Tây Ninh đã có động thái tăng thêm vào giá mía 50.000 đồng/tấn. Tuy vậy, vụ mía năm nay đã cân hết cho nhà máy thì chúng tôi vẫn còn phải nợ lại khoảng 1,5 tỷ đồng vốn đã ứng trước. Đặc biệt, với những trường hợp nợ tiền ứng vốn của niên vụ 2018-2019 TTC Tây Ninh cắt giảm rất nhiều khoản hỗ trợ và chỉ rót theo kiểu “nhỏ giọt” làm cho người trồng mía gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cho vụ mía mới.

Nguy cơ vỡ nợ của nhiều người trồng mía tại Tây Ninh bởi hợp đồng đã ký với nhà máy ngày càng cao khi đến nay đã bước vào cuối vụ chăm sóc mía niên vụ 2019-2020. Ông Nguyễn Lý Luận, người có hơn 80 ha được ký hợp đồng thu mua mía với TTC Tây Ninh, cho biết: Niên vụ 2018-2019 mặc dù đã cân toàn bộ mía cho nhà máy nhưng đến nay vẫn còn nợ lại nhà máy 611 triệu đồng. Do đó, đến thời điểm này mặc dù đã hết vụ bón phân cho mía nhưng mới nhận được bình quân khoảng bảy bao phân/ha, trong khi đó nhu cầu cần đến 20 bao phân/ha. Chính vì vậy, tôi đã tự bỏ hơn 20 ha mía làm thức ăn cho trâu, bò.

Lợi nhuận “khủng” thuộc về DN

Không chỉ đưa ra mức giá thu mua thấp nhất trong ngành mía đường mà trong niên vụ 2018-2019 TTC Tây Ninh và các nhà máy đường tại Tây Ninh đã áp đặt một loạt chính sách gây bất lợi cho người trồng mía.

Ông Nguyễn Đăng Thuận cho rằng, các nhà máy đã không hề chia sẻ mà đang đẩy cái khó cho người trồng mía. Nhiều người trồng mía đã cho rằng, vì giá mía xuống thấp đã ép người dân phải chịu giảm trừ tiền tạp chất vào khối lượng mía và đặc biệt áp đặt giá cước vận chuyển mía bình quân về nhà máy cao hơn rất nhiều so thực tế. Theo Thông báo số 03/TM/18-19 về giá cước vận chuyển mía thu hoạch 2018-2019 của TTC Tây Ninh có đến hơn 1.025 điểm vận chuyển thì chỉ có hai điểm có giá 120.000 đồng/tấn và thấp nhất là 49.600 đồng/tấn. Nếu tính trung bình chỉ khoảng 75.000 đồng/tấn, thế nhưng tại thông báo “Chính sách thu mua mía đầu tư - vụ thu hoạch 2018-2019” của TTC Tây Ninh được áp đặt với giá bình quân là 120.000 đồng/tấn.

Trước nhiều bất cập của vụ mía, trong đề nghị gửi TTC Tây Ninh, nhiều người trồng mía đã phải đề xuất, cầu cứu nhà máy xem xét chia sẻ như tăng giá mía lên 800.000 đồng/tấn, (thấp hơn hợp đồng 100.000 đồng/tấn); Tính lại tạp chất và giá mía cháy (do rủi ro mía cháy nhưng TTC Tây Ninh không giảm trừ 50.000 đồng/tấn); Khoanh nợ phát sinh vì giá mía giảm và thời tiết mưa nhiều gây ngập úng mía phát triển kém, năng suất giảm hơn 15 tấn/ha; Tiếp tục cho nhận vốn đầu tư, giảm lãi suất, cung cấp phân hữu cơ và hỗ trợ tiền mía gốc một; Tăng cường kiểm sát viên quản lý và cota thu hoạch.

Thế nhưng, đến nay những đề nghị của người trồng mía vẫn đang “dài cổ” chờ phản hồi từ phía TTC Tây Ninh.

Một vấn đề đặt ra, liệu các DN, nhà máy đường nằm ở những vùng trọng điểm mía đường của cả nước như: Tây Ninh, Khánh Hòa, Phú Yên… có gặp khó khăn đến không thể chia sẻ trước những khó khăn của người dân trồng mía niên vụ 2018-2019 hay chỉ là những “bài” để ép giá nông dân và đi trái ngược với hứa hẹn “Trách nhiệm của chúng ta là làm giàu cho nông dân” đã từng được các nhà máy đường ở Tây Ninh đặt ra?

Qua tìm hiểu của phóng viên, trong niên vụ 2017-2018, phần nhiều DN ngành mía đường không hề gặp phải khó khăn, thậm chí hoạt động kinh doanh mía đường còn có được mức lợi nhuận “khủng” lên đến vài trăm tỷ đồng. Cụ thể, theo bản cân đối kế toán ngày 30-6-2018 của Công ty TNHH MTV đường Biên Hòa - Ninh Hòa (cũng là đơn vị nhập 19.459 tấn đường thô) có mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 517,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này là hơn 216,7 tỷ đồng; tại kỳ tính thuế năm 2017, DN này lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 300 tỷ đồng. Tại bảng cân đối kế toán (năm) đến ngày 30-6-2018, TTC Biên Hòa có địa chỉ tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có lợi nhuận (lãi gộp) sau thuế chưa phân phối hơn 851,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước hơn 308,5 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối kỳ này hơn 542,5 tỷ đồng. Trong đó, theo phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, sáu tháng đầu niên độ 2018-2019 riêng lợi nhuận trước thuế về hoạt động kinh doanh mía đường của TTC dự kiến tăng 81% so cùng kỳ.

(Còn nữa)