Vé xe khách giả, thất thu thuế thật

Việc công khai bán vé xe khách giả số lượng lên đến hàng nghìn vé cho hành khách liên tục trong một thời gian dài của Hợp tác xã (HTX) xe khách liên tỉnh du lịch và dịch vụ Thống Nhất (HTX Thống Nhất) tại nhiều điểm khác nhau nhưng không bị phát hiện xử lý. Vấn đề đặt ra là: Ai là người kiểm soát hoạt động của các mô hình HTX hoạt động, kinh doanh xe khách? Trong khi đó, lượng xe của các HTX đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số phương tiện đăng ký kinh doanh.

Hai loại vé được HTX Thống Nhất sử dụng song song giữa thật - giả.
Hai loại vé được HTX Thống Nhất sử dụng song song giữa thật - giả.

Kỳ 2: Ai kiểm soát HTX vận tải hành khách?

Mô hình HTX có bị lợi dụng?

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn có 944 đơn vị vận tải đăng ký kinh doanh vận tải hành khách (VTHK), gồm: công ty, doanh nghiệp tư nhân (DNTN), Liên hiệp HTX, HTX, hộ kinh doanh. Trong đó, có 163 đơn vị hoạt động với loại hình HTX, chiếm khoảng 17%. Riêng đối với lĩnh vực kinh doanh VTHK công cộng bằng xe buýt có 21 đơn vị vận tải tham gia hoạt động trên địa bàn, với 12 HTX và một Liên hiệp HTX. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 17% tỷ lệ các đơn vị kinh doanh VTHK, nhưng số lượng phương tiện của các HTX chiếm đến 69% trong tổng số phương tiện đăng ký kinh doanh tại Sở GTVT. Tại thời điểm tháng 12-2015, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh quản lý 39.921 phương tiện vận tải, gồm 1.983 xe tuyến cố định, 13.849 xe hợp đồng, 10.536 xe ta-xi…

Thực tế, mô hình HTX hoạt động trong lĩnh vực VTHK được phát triển mạnh từ khi Luật HTX năm 2003 được thi hành. Đến nay, loại hình phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh VTHK của HTX đóng vai trò quan trọng tại TP Hồ Chí Minh nhưng liệu các mô hình này có bị lợi dụng?

Như ngay HTX Thống Nhất, theo thống kê của phóng viên, năm 2017 tổng doanh thu được báo cáo thuế là gần 30 tỷ đồng, sau khi đã khấu trừ hóa đơn đầu vào và đầu ra, HTX nộp hơn 560 triệu tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT). Như vậy, có thể được coi doanh số đầu vào của HTX khoảng gần 25 tỷ và gia tăng khoảng hơn năm tỷ đồng tiền doanh thu. Vậy số doanh thu này có đúng với thực tế quy mô hoạt động của HTX Thống Nhất?

Theo tìm hiểu của phóng viên, HTX Thống Nhất có truyền thống trong lĩnh vực VTHK và luôn nằm trong tốp đầu về số lượng xe khách tuyến cố định đường dài, xe VTHK theo hợp đồng của TP Hồ Chí Minh. Trung bình HTX Thống Nhất có khoảng 700 xe hoạt động thì có khoảng 150 xe khách chạy tuyến cố định đi các tỉnh thành phố, số còn lại là xe chạy hợp đồng và lúc cao điểm có thể lên đến hàng nghìn xe.

Đối với hoạt động của các HTX, xe khách chạy theo tuyến cố định, các chủ xe là xã viên tự chủ trong các loại chi phí nguyên vật liệu (dầu DO). Trong khi đó, tại bảng kê hóa đơn báo cáo thuế quý IV-2017 của HTX Thống Nhất đầu vào là 6,008 tỷ đồng và đầu ra là 7,282 tỷ đồng, sau khi trừ thuế đầu vào thì chỉ phải nộp hơn 128 triệu đồng tiền thuế GTGT. Nhưng trong bản thống kê đầu vào nêu trên có 4,183 tỷ đồng từ các hóa đơn mua dầu DO. Ở đây có thể hiểu rằng, số dầu DO là dành cho các phương tiện xe chạy dịch vụ hợp đồng của HTX Thống Nhất.

Theo bảng kê khai giá cước của HTX Thống Nhất theo Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT/BTC –BGTVT giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT gửi Sở GTVT TP Hồ Chí Minh thì chi phí nguyên vật liệu chiếm 16,9 %, còn trong bảng kê khai giá cước trong đợt vục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 của HTX Thống Nhất là 29,7 %. Nếu đặt ở định mức dầu DO của HTX Thống Nhất chiếm khoảng 30% nguyên nhiên liệu thì với 4,183 tỷ đồng dầu DO doanh số đầu vào thì doanh thu đầu ra tương đương khoảng gần 14 tỷ đồng. Cộng với 9,59 tỷ đồng từ doanh thu tiền vé xe khách tại Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây quý IV-2017 (theo phân tích trong kỳ 1) thì ít nhất tổng doanh thu đầu ra của HTX Thống Nhất lên đến hơn 23,5 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong quý IV-2017, lấy doanh thu 23,5 tỷ đồng trừ đi 6,008 tỷ đồng doanh số đầu vào thì doanh thu chịu thuế của HTX Thống Nhất sẽ là 17,5 tỷ đồng, tương đương hơn 1,7 tỷ đồng tiền thuế GTGT, gấp 13,2 lần tiền thuế mà HTX này đã nộp.

Trong khi đó, được biết tại khu vực quận 6, TP Hồ Chí Minh có đến sáu HTX hoạt động kinh doanh VTHK được xếp vào “tốp” đầu của quận và đều có quy mô hoạt động gần tương tự như HTX Thống Nhất nhưng doanh thu, tiền nộp thuế gần giống nhau.

Thiếu cơ chế quản lý thuế các HTX

Liên quan đến việc nộp thuế của các HTX hoạt động trong lĩnh vực VTHK trên địa bàn, ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục thuế TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Các HTX hoạt động theo Luật HTX và việc nộp thuế đều thực hiện theo quy định cũng giống như DN. Trong đó, từ năm 2007, việc quản lý thuế theo bảng tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm. Tất cả biểu mẫu kê khai thuế theo quy định của Bộ Tài chính”.

Trong khi đó, những năm gần đây, hoạt động trong lĩnh vực này của các HTX ngày càng được phát triển, mở rộng. Ngay năm 2017, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, VTHK theo tuyến cố định: 1.089.021 lượt xe (tăng 3% so năm 2016) và 23.212.463 lượt hành khách (tăng 8% so thực hiện năm 2016); Khối lượng VTHK công cộng thực hiện năm 2017 đạt khoảng 604,1 triệu lượt hành khách, tăng 6% so thực hiện năm 2016 và đạt 101% so kế hoạch.

Tuy vậy, thực tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã có không ít DN, HTX hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách sai phạm việc trốn thuế, ăn chặn tiền trợ cấp dịch vụ đưa rước học sinh, làm giả vé xe... đã bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Cụ thể, vừa qua Trung tâm quản lý và điều hành VTHK công cộng TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra, rà soát lại hồ sơ thanh toán tiền trợ giá xe buýt trong giai đoạn năm 2012-2013 tại 237 trường với 12 đơn vị vận tải (gồm bảy HTX và còn lại là DN) liên quan đã xác định hợp đồng trợ giá được ký kết giữa ba bên (gồm Trung tâm quản lý và điều hành VTHK công cộng, đơn vị vận tải và trường học) đã “bắt tay” kê khống tiền trợ giá, “ăn chia” làm thất thoát hàng chục tỷ đồng của nhà nước. Thậm chí, Liên danh Công ty TNHH MTV sản xuất, thương mại và dịch vụ Châu Cường - HTX thương mại vận chuyển Phương Lâm đã có dấu hiệu làm giả hồ sơ thanh quyết toán trợ giá nhà nước cho xe đưa rước học sinh. Chỉ trong vòng sáu tháng tổng số tiền sai phạm của 12 đơn vị lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Ngay HTX Thống Nhất, cũng không ít lần vi phạm quy chế hoạt động về thuế. Trong đó, ngày 10-3-2017, Chi Cục thuế quận 6 đã ra quyết định “Về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp Trích tiền từ tài khoản đối với đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng” đối với HTX Thống Nhất với lý do “người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế với số tiền gần 300 triệu đồng. Đặc biệt, năm 1999, Viện Kiểm soát Nhân dân Quận 6 đã buộc HTX Thống Nhất phải nộp hơn 395 triệu đồng tiền thuế cho Chi cục thuế Quận 6. Nguyên nhân từ tháng 12-1997 đến tháng 4-1999, trên sổ sách kế toán và bảng kê khai nộp thuế HTX đã thu hộ nộp ngân sách 3.953.106.000 đồng. Tuy nhiên, bảng kê nộp thuế này chưa được kiểm tra, quyết toán.

Trước hàng loạt những sai phạm trong lĩnh vực VTHK, vấn đề đặt ra là: Ai sẽ là người kiểm soát hoạt động, kinh doanh của các HTX trên địa bàn TP Hồ Chí Minh? Đối với ngành GTVT chủ yếu quản lý chuyên ngành về chấp hành quy định về pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh VTHK bằng ô-tô của HTX.

Trong khi đó về công tác quản lý về thuế, ông Nguyễn Nam Bình khẳng định: “Chưa bao giờ có báo cáo tổng kết, đánh giá về việc nộp thuế của các HTX”.