Về nạn xây dựng không phép trong các khu công nghiệp

Xuất hiện “khách sạn” cho người nước ngoài, và nhiều dự án sản xuất công nghiệp với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng… mà không cần có giấy phép xây dựng (GPXD) và các thủ tục đi kèm… Đó là thực tế ở một số khu công nghiệp (KCN) của Hải Phòng và không loại trừ tại các KCN ở nhiều địa phương khác.

“Khách sạn” xây dựng trên đất được quy hoạch cây xanh tại khu công nghiệp An Dương, Hải Phòng.
“Khách sạn” xây dựng trên đất được quy hoạch cây xanh tại khu công nghiệp An Dương, Hải Phòng.

Xây “khách sạn” hạng sang trong KCN

Hai ngày lang thang trong KCN An Dương trong vai người tìm việc làm công nhân cho chúng tôi khá nhiều thông tin. Rằng về mức sống, đây là một KCN “hạng sang” của TP Hải Phòng, khi được “tích hợp” cả khách sạn, khu giải trí chỉ dành cho người nước ngoài. Theo chỉ dẫn của Tiến - một cư dân bản địa - chúng tôi đã mục sở thị được “khách sạn” ấy, trong lô CX5 KCN An Dương (Hải Phòng).

Đó là những căn phòng độc lập, nội thất sang trọng, được xây dựng bằng cột thép và tấm nhựa giả tường, quây quần bên hồ đào hình âm dương được kè cẩn thận. Cả khu vực được phủ thảm cỏ và ngập trong hoa, khung cảnh hữu tình không gợi cảm nhận về nơi làm KCN. Kế đó là khu nhà ăn sang trọng, được trang bị cả karaoke. Khu vực này được đẩy sâu vào góc trong cùng của KCN An Dương, cách ly với đường nội bộ bởi hàng rào cây dày đặc và cổng bảo vệ, đi ngoài đường không thể nhìn thấy. Tiến nói, người Trung Quốc thường xuyên ở trong khu nhà nghỉ ấy.

Sau này, ngày 11-9-2019, làm việc với phóng viên Thời Nay, ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng phòng Quy hoạch - Xây dựng của Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (BQL KKT Hải Phòng) dùng từ “nhà tạm” để xác nhận về khu “khách sạn” trong KCN An Dương. Điều đó có nghĩa, vị cán bộ BQL KKT Hải Phòng biết rõ về khu “khách sạn” này, nhưng đang hiểu đó là “nhà tạm”. Cán bộ này cũng xác nhận “nhà tạm” ấy được xây không phép trên đất quy hoạch cây xanh và chỉ để phục vụ cho người Trung Quốc (mà không cần xin phép - PV).

Hai ngày sau đó nữa, dựa trên thông tin được cung cấp, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng - ông Nguyễn Văn Tùng - có buổi kiểm tra đột xuất và hạ lệnh tại chỗ: lập tức phá dỡ khu “khách sạn” này. Hơn nửa tháng sau, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục nhắc lại yêu cầu phá dỡ. Trong cả hai lần, yêu cầu của ông Tùng đều được đăng công khai trên cổng thông tin của UBND thành phố, là một chỉ đạo kịp thời, sát sao đáng hoan nghênh của ông Chủ tịch. Đáng tiếc, điều đó lại không là sai phạm nghiêm trọng duy nhất tại các KCN của Hải Phòng.

Biến yếu kém thành… thành tích

Việc tìm hiểu về những nơi tập trung đông người nước ngoài tại Hải Phòng mà công chúng không biết đã dẫn phóng viên Thời Nay tới khu “khách sạn” trong KCN An Dương. Nhưng quá trình tìm hiểu để chứng minh sự thật không mong muốn, rằng đây là khu “khách sạn chui”, lại là đầu mối giúp chúng tôi đào sâu thêm mạch thông tin.

Website của BQL KKT Hải Phòng đăng thông tin là lũy kế 22-11-2018, các KCN, KKT Hải Phòng đã thu hút 295 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 13,437 tỷ USD, và 136 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đạt 136.187 tỷ đồng. Và, hiện BQL KKT Hải Phòng đang quản lý Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 19 KCN. Trong đó, có 4 KCN liên doanh với nước ngoài, 3 KCN 100% vốn FDI, 4 KCN 100% vốn trong nước. Chúng tôi không có điều kiện tìm hiểu được toàn bộ thông tin về các dự án tại số KCN đồ sộ này. Thông tin từ buổi làm việc ngày 11-9-2019 cho thấy, suốt nhiều năm trước buổi làm việc này, BQL KKT Hải Phòng chưa phát hiện sai phạm xây dựng nào tại các KCN trên địa bàn thành phố.

Nhưng chỉ tìm hiểu tại 3 KCN, số dự án có dấu hiệu xây không phép mà báo Thời Nay tìm hiểu được đã lên tới hàng chục. Tại buổi làm việc ngày 11-9-2019, ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng phòng Quy hoạch - Xây dựng của BQL KKT Hải Phòng xác nhận, tại KCN VSIP (Thủy Nguyên), dự án của Công ty TNHH HECOM xây dựng trên diện tích 27.000 m² với tổng vốn đầu tư hơn 220 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng nhưng… chưa có GPXD. Tương tự, là dự án nhà máy TAESUNG ENGINEERING VINA tại KCN Tràng Duệ xây dựng trên diện tích 5.000 m² với tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng cũng đã hoàn thành, nhưng khi được hỏi về GPXD, ông Thịnh xin khất, trả lời sau, nhưng cho đến nay vẫn chưa hồi âm tới phóng viên báo Thời Nay. Ngoài ra, có ít nhất ba dự án tại KCN Đồ Sơn cũng chưa có GPXD, dù đã hoàn thành nhà máy, đi vào hoạt động…

Sau này, phóng viên báo Thời Nay đã đề nghị và nhận được cam kết của lãnh đạo BQL KKT Hải Phòng về việc sẽ cho rà soát lại, và hoàn thiện các thủ tục còn thiếu tại các dự án đầu tư trong các KCN, KKT Hải Phòng. Đó là thái độ đúng mực, cầu thị của lãnh đạo quản lý các KCN trên địa bàn thành phố.

Ngày 19-9-2019, ông Cao Đức Thắng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng trả lời báo Vnexpress.net cho biết, thẩm quyền quản lý việc xây dựng trong KCN thuộc BQL KKT Hải Phòng, nhưng thanh tra Sở Xây dựng là đơn vị đầu tiên phát hiện sai phạm xây dựng khu “nhà tạm” trong KCN An Dương.

Tuy nhiên, việc cả khu khách sạn hạng sang được xây dựng, hoàn chỉnh, vận hành thời gian dài, trên đất quy hoạch trồng cây xanh trong KCN An Dương, lại đã cho thấy thực tế ngược lại. Nếu thanh tra phát hiện kịp thời, khu khách sạn ấy đã không thể thàn h hình, vận hành.

Mặt khác, tại các KKT, KCN của thành phố Hải Phòng, BQL KKT Hải Phòng đều bố trí cán bộ chuyên trách, có mặt tại chỗ hằng ngày. Cơ chế tương tự cũng được các ngành chức năng như Sở Xây dựng, Công an… áp dụng trong quản lý tại các KCN của thành phố. Điều đó có nghĩa, một dự án không thể xây dựng nếu thiếu giấy phép. Nhưng, như trên đã dẫn, tại Hải Phòng, có nhiều nhà máy, khách sạn đã xây dựng thành công, mà không cần GPXD. Việc xây dựng không phép trong các KCN ở Hải Phòng một lần nữa nhắc nhở các địa phương trong cả nước tăng cường kiểm tra, thanh tra phát hiện kịp thời các sai phạm tương tự.