Từ rời hang đá đến xin thoát nghèo

Dẫu cuộc sống còn không ít khó khăn song với quyết tâm vươn lên, nhiều hộ dân huyện nghèo Minh Hóa (Quảng Bình) đã viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Bản Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vào mùa lúa mới.
Bản Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vào mùa lúa mới.

Những người nghèo vùng cao tiên phong

Với người Rục ở Quảng Bình, sau hơn 50 năm rời hang đá về sống ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, họ bắt đầu chặng đường hết sức gian nan. Cùng đồng hành với họ là cấp ủy, chính quyền và Bộ đội Biên phòng trong việc giúp bà con định cư, biết trồng lúa nước. Tuy nhiên, nhìn chung người Rục vẫn có cuộc sống khó khăn, phải nhờ vào trợ cấp của Nhà nước.

Vậy nhưng, mới đây, vợ chồng anh chị Cao Xuân Lực - Cao Thị Liên ở bản Ón đã làm đơn gửi lên xã xin… ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ít ngày sau, gia đình anh Trần Xuân Vinh ở cùng bản cũng xin ra khỏi diện nghèo.

Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn cho biết, lãnh đạo xã vốn đã quen tiếp nhận đơn từ của bà con xin chứng nhận hộ nghèo nên khi nhận đơn của anh Lực, anh Vinh, tuy hơi bất ngờ nhưng không lạ vì đây là các hộ biết làm kinh tế, bước đầu tạo được nguồn thu để trang trải cho cuộc sống. Sau khi nhận đơn, UBND xã tổ chức cuộc họp với trưởng các đoàn thể, bộ phận và trưởng bản Ón và hai hộ gia đình gửi đơn để xem xét thực tế, nghe đại diện hai hộ trao đổi ý kiến trực tiếp. Cuộc họp đi đến quyết định đưa hai hộ ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2020 và sẽ thông báo khích lệ trước bà con trong bản, trong xã về sự thay đổi nhận thức cùng thành tích vượt khó.

Cao Xuân Lực và Trần Xuân Vinh đều thuộc thế hệ người Rục, Sách thứ hai sau khi rời hang đá. Dù chưa hết khó khăn nhưng họ đã nhận thức được rằng, chỉ có tự tạo lập thì cuộc sống mới ổn định chứ không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Anh Cao Xuân Lực cho biết, gia đình hiện có năm con trâu, bò và ba ha rừng keo lai, vợ anh còn nuôi lợn, gà. Mới đây, gia đình thu hoạch rừng trồng và bán một con trâu, thu gần 60 triệu đồng. Cuộc sống đã khá hơn trước nên anh viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

Cũng chọn hướng phát triển kinh tế là chăn nuôi kết hợp trồng rừng, vợ chồng Trần Xuân Vinh quyết định xin thoát nghèo sau khi có nguồn thu nhập khá ổn định. Anh nói mộc mạc: “Nhờ chăn nuôi và trồng rừng nên kinh tế gia đình khác hẳn nhiều năm trước, vì rứa vợ chồng tôi viết đơn xin thoát nghèo, để dành phần chế độ hỗ trợ của Nhà nước cho hộ già cả khó khăn hơn”.

Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn, tuyến đường vào vùng đồng bào Rục thấp, lại bị bao bọc bởi núi đá nên mùa mưa lũ thường ngập dài ngày. Nhưng địa hình sinh sống của bà con tương đối cao và bằng phẳng. Đất đai tương đối tốt tươi. Trước đây, người dân từ các địa phương khác thường đến thuê đất trồng rừng và nuôi trâu, bò. Nên mới có chuyện, có đoàn công tác ở tỉnh về thăm, thấy vùng Rục nhiều trâu bò mới nói bà con biết phát triển kinh tế nhưng kỳ thực là của người dưới xuôi lên thuê mướn địa điểm nuôi. Song điều đó làm cho những người Rục trẻ tuổi dần thay đổi nhận thức, tìm cách tạo dựng cuộc sống ngay trên mảnh đất họ sinh sống.

Ngược đường 12A lên biên giới Việt Nam - Lào, chúng tôi lên thăm gia đình anh Hồ Ca, người Khùa, người đầu tiên ở xã biên giới Trọng Hóa xin thoát nghèo. Sau các lớp tập huấn ở xã, Hồ Ca quyết định vay vốn ưu đãi để mua lợn, bò giống về nuôi, xin đất trồng rừng. Vừa làm vừa học và được cán bộ xã, Bộ đội Biên phòng hướng dẫn thêm, vợ chồng Hồ Ca đã biết cách chăm đàn bò, đàn lợn, biết sử dụng giống cây keo nuôi cấy mô trồng để ba ha rừng của gia đình mang lại hiệu quả cao hơn. Nhờ đó đã tạo được nguồn thu nhập khá cho gia đình. Mới đây, vợ chồng anh quyết định làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Phạm Văn Bắc cho biết, Hồ Ca là người trẻ biết lắng nghe và mạnh dạn tìm tòi cách làm ăn. Ngay cả việc anh xin thôi hộ nghèo cũng là sự mạnh dạn từ trong suy nghĩ, nhận thức đến hành động.

Được biết, không chỉ vợ chồng Hồ Ca mà bà con ở Trọng Hóa đã biết chọn trồng rừng để phát triển kinh tế. Mùa trồng rừng năm nay, đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký trồng mới 500 ha rừng - con số chưa từng có ở xã rẻo cao Trọng Hóa. Nếu như những năm trước đây, việc này do người dân ở các bản gần trung tâm xã thực hiện thì năm nay đồng bào người Mày, Khùa ở các bản xa cũng chủ động đăng ký cây giống với xã để trồng rừng. “Đây là một tín hiệu rất tích cực trong phát triển kinh tế để ổn định đời sống cho đồng bào. Không chừng sau một hai vụ trồng rừng, nhiều hộ người Sách, Khùa, Mày ở Trọng Hóa cũng xin ra khỏi hộ nghèo đó!”, ông Phạm Văn Bắc nói vui.

Từ rời hang đá đến xin thoát nghèo ảnh 1

Anh Hồ Ca ở xã biên giới Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) nuôi bò để thoát nghèo.

Lan tỏa phong trào

Lâu nay, đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình thường trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà thiếu chịu khó sản xuất để ổn định đời sống. Đã có những câu chuyện thỉnh thoảng vẫn được nhắc: Lần đó chính quyền đưa gạo lên hỗ trợ bà con, đúng giờ nhưng không có ai đến nhận trong khi mới sáng mà nhiều người trong bản đã say rượu ngật ngưỡng. Hỏi sao không đến xã nhận gạo; bà con trả lời, cán bộ cho mình thì mang gạo đến nhà mình luôn?!

Bởi vậy mà “sự kiện” đến giữa tháng 11 này tại huyện 30a Minh Hóa có 22 hộ, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc viết đơn xin rút khỏi hộ nghèo đã mang lại niềm vui đối với cấp ủy, chính quyền nơi đây. Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Văn Lĩnh chia sẻ: “Việc bà con tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo là một tín hiệu tích cực trong hành trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Họ tự nguyện ra khỏi hộ nghèo là chấp nhận từ bỏ các chế độ hỗ trợ từ đau ốm, đến học hành… Chúng tôi chỉ đạo chính quyền các địa phương tiếp tục theo sát các hộ này để hết sức tạo điều kiện cho bà con, đặc biệt là trong việc thực hiện các mô hình sản xuất, tạo sinh kế lâu dài để bà con nâng cao đời sống”.

Dưới góc độ người làm công tác quản lý trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: “Minh Hóa là huyện nghèo duy nhất của tỉnh Quảng Bình. Những năm qua, ngành chúng tôi và lãnh đạo huyện đã bàn bạc nhiều để tìm giải pháp giảm hộ nghèo. Vấn đề khó nhất là làm thay đổi nhận thức của người dân để tạo cho họ ý chí tự vươn lên thoát nghèo. Việc có hàng chục hộ dân tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo chứng tỏ sự thay đổi rất lớn về nhận thức và cách làm để tự bảo đảm cuộc sống. Đây thật sự là những tấm gương đẹp, từ đó sẽ tạo ra sự lan tỏa, thêm niềm cảm hứng, khao khát vươn lên đối với hộ nghèo.

“Trong những năm qua, gia đình chúng tôi thuộc diện hộ nghèo của xã và nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước dành cho hộ nghèo. Hiện nay, gia đình tôi có được cuộc sống ổn định, đỡ vất vả hơn. Bản thân tôi cũng nhận thức được và thấy rằng nhiều hộ gia đình khác còn vất vả, khó khăn hơn gia đình tôi. Vậy, tôi viết đơn này gửi lên Ban rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như UBND xã Hóa Tiến cho gia đình tôi xin ra khỏi hộ nghèo trong năm 2020 để góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội và cũng để gia đình nỗ lực vươn lên”.
(Trích đơn của ông Đinh Tiến Ảnh (SN 1952, trú ở thôn Ông Chinh) gửi UBND xã Hóa Tiến, huyện Minh Hóa ngày 2-10-2019)