Viết tiếp bài “Vị đắng giá mía”

TTC có gài bẫy người trồng mía?

Sau khi báo Thời Nay, ấn phẩm Báo Nhân Dân, đăng tải loạt bài “Vị đắng giá mía” trên các số: 989; 990; 991, ngày 15-7, đại diện của Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hòa (TTC Sugar) đã có buổi làm việc trực tiếp với nhóm phóng viên Thời Nay, tác giả loạt bài này. Để giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều và rõ ràng hơn về các vấn đề chung quanh giá thu mua mía, báo Thời Nay xin đăng tải công khai quan điểm của các bên về nội dung loạt bài “Vị đắng giá mía”.

Bị phá vỡ hợp đồng thu mua, người trồng mía tại Tây Ninh mỗi ha mía thua lỗ hàng chục triệu đồng.
Bị phá vỡ hợp đồng thu mua, người trồng mía tại Tây Ninh mỗi ha mía thua lỗ hàng chục triệu đồng.

Hỗ trợ để mua… sự im lặng?

Sáng 15-7, đại diện TTC Sugar đã đến văn phòng Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh và đưa ra một văn bản (không dấu) với nội dung “V/v đính chính thông tin chưa chính xác về hoạt động sản xuất kinh doanh của TTC Sugar trên Báo Nhân Dân ngày 11-7-2019”. Nhưng ngay sau khi làm việc với phóng viên Thời Nay, đại diện TTC Sugar đã xin rút lại văn bản để điều chỉnh lại nội dung. Chiều cùng ngày, TTC Sugar đã có Văn bản chính thức số 53/TTCBH-CV (CV 53) do ông Đặng Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc TTC Sugar ký và đã thay đổi nội dung “V/v Phản hồi thông tin hoạt động sản xuất, kinh doanh của TTC Sugar trên Báo Nhân Dân”. Cùng với CV 53 đại diện TTC Sugar đã cung cấp thêm nhiều bộ hợp đồng (HĐ) thu mua mía với nông dân Tây Ninh và một số tài liệu kèm theo.

Thực hiện các quy định pháp quy hiện hành, báo Thời Nay đăng nội dung phản hồi từ TTC Sugar và những vấn đề do phóng viên Thời Nay điều tra, thu thập được.

Theo CV 53, về nội dung: “Trường hợp ông Nguyễn Văn Triển, ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh ngày 11-01-2016 ký HĐ thu mua mía TTC Tây Ninh, với tổng diện tích là 114,3 ha, thực hiện kể từ vụ thu hoạch 2016-2017 đến hết vụ 2018-2019, với giá thu mua bảo hiểm thấp nhất là 900.000 đồng/tấn mía có chữ đường 10 CCS…”.

TTC Sugar cho biết, đã trao đổi và giải thích với ông Triển theo các điều khoản trong HĐ. Công ty thực hiện đúng quy định HĐ. Chính sách thu mua mía 2018-2019 của TTC Tây Ninh tương đương giá bình quân của các DN mía đường khác. TTC còn có những chính sách hỗ trợ về giá cho người trồng mía (NTM) thông qua chính sách đầu tư...

Tuy nhiên, căn cứ những HĐ, văn bản làm việc giữa TTC Sugar với NTM (do chính TTC Sugar cung cấp), theo đánh giá của nhiều người có những điểm nhập nhằng, quá rắc rối với trình độ phần lớn NTM. Cụ thể, trường hợp ông Nguyễn Văn Triển, ngoài HĐ 2016DT.0870 ký với TTC Sugar thì các năm 2017 và năm 2018 tiếp tục được ký HĐ và phạm vi điều chỉnh chủ yếu là ở các phụ lục HĐ, đồng thời các HĐ này không thay thế cho nhau. Tuy vậy, tại HĐ 2018DT1934 được ký ngày 14-5-2018 với nội dung “HĐ ứng vốn trồng, chăm sóc và bao tiêu mía” đã xuất hiện những điểm bất thường tại phần “phạm vi điều chỉnh và thời hạn của HĐ”. Theo đó, các ô tùy chọn bên dưới được đánh dấu (X) để xác định phạm vi điều chỉnh HĐ này và phải được đánh dấu bằng máy vi tính mới có giá trị ràng buộc các bên trong HĐ. (Đối với từng phạm vi điều chỉnh sẽ có thời hạn HĐ tương ứng). Theo đó, tại điểm 2.1.1 về ứng vốn và bao tiêu mía trên diện tích trồng mới tương ứng thời hạn HĐ trong ba vụ thu hoạch từ vụ thu hoạch 2018-2019 đến vụ thu hoạch 2020-2021 (ô này không có gạch chéo, đồng nghĩa với việc không phải phạm vi điều chỉnh); 2.1.2 ứng vốn và tiêu thụ mía trên diện tích gốc tương ứng trên HĐ cho vụ thu hoạch 2018-2019; các mục 2.1.3 và 2.1.4 đều là những phụ lục đã được ký vào những năm trước (?).

Tại Điều 10 về giá mua, thời hạn và phương thức thanh toán lại được điều chỉnh là “giá mua mía là giá mua tại bàn cân nhà máy của bên A và sẽ được bên A thông báo cho bên B theo từng thời điểm. Bảo hiểm giá mua mía nếu có áp dụng sẽ được thực hiện theo chính sách của bên A ban hành và công bố vào từng thời điểm”. Với nội dung này có thể được hiểu rằng, tuy không thay thế nhưng nội dung chính của HĐ 2016DT.0870 ngày 11-1-2016 (đây được coi là HĐ gốc) đã bị điều chỉnh. Tại Điều 20 về điều khoản chung lại ghi “những vấn đề chưa được quy định trong HĐ này thì sẽ được điều chỉnh theo chính sách của bên A ban hành và công bố vào từng thời điểm. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa quy định của HĐ và chính sách của bên A, thì quy định tại chính sách của bên A sẽ được ưu tiên áp dụng”.

Với nội dung này, NTM luôn phải cầm… đằng lưỡi! Và khi xảy ra tranh chấp, phần thắng chắc chắn thuộc về TTC Sugar và do đó niên vụ mía 2018-2019 TTC Sugar đã tự điều chỉnh giá ở mức 700 đồng/kg, phá vỡ HĐ với NTM.

Trong khi đó, tại Biên bản làm việc giữa TTC Sugar với ông Nguyễn Văn Triển ngày 1-4-2019 (do TTC Sugar cung cấp) với nội dung: “Công ty (CT) đồng ý thực hiện chính sách trợ giá thu mua mía là 50.000 VNĐ/tấn mía (Chi tiết Thông báo số 08/TM/18-19 về điều chỉnh chính sách thu mua vụ thu hoạch 2018-2019 được ban hành ngày 27-3-2019). Chủ mía đồng ý rút toàn bộ hồ sơ khiếu nại, khởi kiện đối với CT liên quan đến thực hiện HĐ 2016DT0568 ký ngày 09-12-2015 và các văn bản phát sinh liên quan. Điều này có nghĩa là Chủ mía hoàn toàn hiểu rõ và đồng ý nội dung giá thu mua nêu tại Điều 7 HĐ: “Giá thu mua mía là giá tính theo chữ đường và trọng lượng mía sạch (đã trừ tạp chất). Giá thu mua mía bảo hiểm thấp nhất là 900.000 (chín trăm nghìn) đồng/tấn có chữ lượng đượng 10 CCS; chưa bao gồm chi phí vận chuyển” sẽ chỉ được áp dụng cho vụ thu hoạch 2016-2017, giá thu mua mía các vụ tiếp theo 2017-2018, 2018-2019 sẽ được áp dụng theo chính sách thu mua trong từng vụ thu hoạch tương ứng do CT ban hành và được ghi nhận tại phụ lục của HĐ”.

Điều này đồng nghĩa với việc TTC Sugar đã thừa nhận sai nhưng đã gài bẫy (hay còn gọi mua chuộc một số NTM - PV) bằng cách hỗ trợ thêm 50.000 đồng/tấn mía để “mua sự im lặng” và TTC Sugar bất chấp để áp đặt giá mía của niên vụ 2018-2019, đẩy NTM vào chỗ thua lỗ, đối mặt nguy cơ phá sản.

Theo TTC Sugar: “Đã hỗ trợ cho NTM lên đến 80.000 đồng/tấn mía và giá thu mua đã tương đương với các đơn vị khác”. Tuy nhiên, tại Báo cáo số 75/BCT-HHMĐ ngày 8-5-2019, nêu rõ: “giá mía 10 CCS tại ruộng 750 đến 900 đồng/kg (miền bắc); 720 đến 800 đồng/kg (miền trung - Tây Nguyên); 720 đến 800 đồng/kg (miền nam). Trong khi đó, giá của TTC Sugar được thu mua với giá 700 đồng/kg mía và như vậy là giá thấp nhất của cả nước”.

Mặt khác, liên quan vấn đề TTC Sugar đã hỗ trợ giá mía lên đến 80.000 đồng/tấn, niên vụ 2018-2019, TTC Sugar đã áp đặt việc trừ tạp chất vào khối lượng mía theo tạp chất thực đo và áp dụng giá cước vận chuyển quá cao. Đồng thời, cước phí vận chuyển được tính gấp đôi so giá thực tế. Chỉ tính hai khoản chênh lệch này đã lên đến hàng trăm nghìn đồng, còn cao hơn khoản hỗ trợ 80.000 đồng mà TTC Sugar đã đưa ra.

Những bất thường cần làm rõ

Về những bức xúc, khoản nợ khoảng 1,5 tỷ đồng và cắt giảm hỗ trợ từ TTC Sugar đối với ông Triển đã nêu trong loạt bài “Vị đắng giá mía”, tại CV 53, TTC Sugar cho rằng: “Trường hợp ông Triển, nợ xấu của ông đến từ lý do năng suất thấp vì quá trình chăm sóc mía không được quan tâm đúng mức… Tuy nhiên, để hỗ trợ nông dân tăng cường chăm sóc mía giúp giảm mức nợ, TTC Sugar đã tiếp tục giải ngân ở mức phù hợp để khách hàng có vốn và vật tư chăm sóc…”.

Đồng thời, “đối với những trường hợp này, thuộc nhóm nông dân chăm sóc đặc biệt của Công ty nên TTC Sugar có chính sách quan tâm chi tiết, cụ thể, sâu sát. Do đó, việc giải ngân vốn cũng tùy thuộc vào tình trạng chăm sóc, sinh trưởng cây mía của nông dân, nhằm bảo đảm vốn đầu tư hỗ trợ kịp thời cũng như sử dụng đúng mục đích…”.

Trong khi đó, theo khẳng định của ông Lâm Chí Dũng, Chủ tịch Hội người trồng mía Tây Ninh: “Với giá mía 700.000 đồng/tấn như niên vụ 2018-2019 thì hầu hết người dân trồng mía Tây Ninh đều bị thua lỗ nặng. Trừ trường hợp ruộng mía của gia đình với đầy đủ máy móc, nhân công thì mới có thể hòa vốn”.

Vấn đề đặt ra là thực tế có bao nhiêu hộ dân nhận được TTC Sugar hỗ trợ 50.000 đồng/tấn mía?

Với nội dung bất cập về giá mía, người dân có những đề nghị sự hỗ trợ từ TTC Sugar và NTM vẫn đang “dài cổ” chờ phản hồi. TTC Sugar cho rằng: “Trước những đề nghị của bà con nông dân, TTC Tây Ninh đã có nhiều giải pháp hỗ trợ NTM tùy theo đối tượng. CT cũng linh hoạt điều chỉnh về điều kiện được nhận 50.000 đồng/tấn mía, được áp dụng xuyên suốt vụ thu hoạch thay vì từng thời kỳ…”.

Như vậy, ngay phần nội dung mà TTC Sugar đưa ra đã thấy rõ việc hỗ trợ 50.000 đồng/tấn mía cho NTM được TTC Sugar lựa chọn chứ không phải tất cả.

Với nội dung nhiều nhà máy đường có được mức lợi nhuận “khủng”, TTC Sugar đã cho rằng: “Lợi nhuận chính của TTC Sugar từ các loại hình kinh doanh khác như đầu tư tài chính, bất động sản, phân bón…”. Theo tìm hiểu của phóng viên Thời Nay, cả ba DN nhập khẩu đường mà Báo cáo số 75/BCT-HHMĐ đã nêu đều là thành viên của TTC. Với 193.612 tấn đường thô mà ba DN này đã nhập sau khi chế biến và nếu được tiêu thụ trong nước thì giá chênh lệch khoảng 1.800 đồng/kg đường, và số lợi nhuận lên đến gần 350 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó Chủ tịch Hội những NTM Tây Ninh: “Với số lượng đường này tương đương khoảng hai triệu tấn mía, bằng sản lượng mía của người Tây Ninh trồng trong hai vụ liên tục”.

Không chỉ vậy, theo phản ánh của một số NTM tại Tây Ninh, sau khi báo Thời Nay khởi đăng loạt bài “Vị đắng giá mía”, họ đã bất ngờ nhận được đề nghị và văn bản soạn sẵn từ TTC Sugar với nội dung “Không nói hay chia sẻ những thông tin mà báo đã viết”. Rất nhiều NTM đã khẳng định: “nội dung báo viết đúng, sát với thực tế” nên đã không ký văn bản soạn sẵn của TTC Sugar.