Trên đỉnh Khau Cốc Chà

Trên con đường lên tới sườn núi nhìn toàn cảnh Khau Cốc Chà (trên đường từ Xuân Trường đi Bảo Lạc, Cao Bằng), cô bé tám tuổi Hoàng Thị Khánh Huyền chốc lại ríu rít: “Đây là đường bà cháu làm”, “Mũi tên bà cháu vẽ này”, “Chỗ này bà cháu bảo hay ngồi nghỉ này”. Cứ thế, quãng đường chỉ độ hai cây số leo dốc, nhưng dấu ấn của người phụ nữ người Nùng có ở khắp nơi. 

Khánh Huyền ở bệ xi-măng bà em đã đắp để ngắm toàn cảnh Khau Cốc Chà.
Khánh Huyền ở bệ xi-măng bà em đã đắp để ngắm toàn cảnh Khau Cốc Chà.

“Tứ đại đỉnh đèo” phía Bắc ghi tên Mã Pì Lèng (Hà Giang), Khau Phạ (Yên Bái), Pha Đin (Điện Biên), Ô Quy Hồ (Lào Cai). Nhưng tới khi con đường từ Xuân Trường sang Bảo Lạc (Cao Bằng) được hoàn thành, người ta mới biết tới một con đèo còn lắt léo hơn, ở đỉnh trời Khau Cốc Chà.

“Cô đừng trả tiền chai nước này nhé”

Từ Xuân Trường đi sang Bảo Lạc, trước khi đi qua 14 khúc cua dốc dài 2,5 km Khau Cốc Chà, người ta phải dừng chân trước tiệm tạp hóa của ông Nông Văn Ngoan. Đó là một căn nhà cấp bốn, được dựng lại nhờ tiền tài trợ của một doanh nghiệp cho hộ nghèo. Nhưng người có mặt thường xuyên ở đây là vợ ông, bà Lê Thị Thúy. 

Để lên được điểm ngắm toàn cảnh đèo 14 tầng, phải leo bộ từ vị trí tiệm tạp hóa, men theo sườn núi chừng hai cây số. Cô cháu ngoại bà Thúy - Hoàng Thị Khánh Huyền - xin bà đi cùng chúng tôi. Đưa khách du lịch leo dốc với cô bé này là một niềm vui, là công việc cô muốn mình sẽ làm khi lớn, tính chung vào một ước mơ với ước mơ làm kế toán. Huyền bảo nếu có tận hai ước mơ thì nhiều quá, nên phải gộp lại. Cô bé, cũng như người chị hơn mình hai tuổi, đang mang trong mình căn bệnh thiếu máu huyết tán (Thalassemia). Định kỳ, hai chị em sẽ phải về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để truyền máu. Mỗi lần như thế, như bà cô bé ước tính sẽ mất khoảng sáu triệu đồng. Điều đó khiến cô bé thận trọng với mọi thứ cần phải tiêu tiền hay tiêu tốn thời gian, sức khỏe, kể cả với ước mơ.

Năm trước, chị của Huyền - Hoàng Thị Thu Hường - đã phải phẫu thuật vì lá lách không còn chịu đựng được nữa, hiện tại Hường không được vận động mạnh. Huyền thì chưa đủ tuổi làm phẫu thuật, nên vẫn nhí nhảnh theo chân mọi người. “Thi thoảng cháu cũng đi cùng khách, có người cũng cho cháu tiền, cháu đưa mẹ để chữa bệnh”, cô bé cười tươi rói.

Con đường không dài, nhưng dốc đứng và dễ làm người ta ngần ngại dưới thời tiết nắng nóng. Bà Thúy đã cẩn thận vẽ rất nhiều mũi tên mầu đỏ, cứ theo hướng mũi tên là tới bệ xi-măng ngắm cảnh. Từ dạo vẽ mũi tên, người ta ít nhờ đến gia đình bà dẫn hơn. Huyền nói người ta không gọi dẫn đường cũng không sao, vì tiệm tạp hóa cũng vẫn có thêm khách tới mua hàng, bà Huyền bán được nhiều tiền hơn.

Từ khi mới vào lớp một, Huyền đã theo bà leo lên đây, nên mọi đoạn dừng nghỉ cô bé tám tuổi này thuộc làu. Huyền nghỉ đúng những tảng đá bà cô từng nghỉ, vì bà dặn thế để tiết kiệm sức. Nắng nóng khiến cô bé vài lần khó thở, Huyền xin tôi mấy ngụm nước từ chai nước tôi mua từ tiệm tạp hóa, rồi giải thích cho căn bệnh đặc biệt của mình: “Cháu không được uống nước quá nhiều, không được ăn món có chất sắt, không được ăn thịt bò”. Đó là lý do cô bé từ chối hầu hết những món đồ ăn vặt chúng tôi mang theo. Rồi cô lại lẩm bẩm: “Dù sao thịt bò cũng dai không ngon”. 

Cầm chai nước chỉ uống có một nửa về lại tiệm tạp hóa, Huyền không quên dặn: “Cô không phải trả tiền chai nước này cho bà nhé, vì cháu uống rồi”…

Người đàn bà làm đường giữ chân khách 

Bà Thúy vẫn tự giới thiệu tên mình là Ngoan - Nông Văn Ngoan theo tên chồng. Lâu dần, người ta cũng quen gọi là bà Ngoan. Nếu không phải hai cô cháu gái lanh lợi nói, tôi cũng không biết tên thật của bà. 

Bà vốn là người Hòa An lên làm dâu Xuân Trường. Nhưng đoạn đường lên dốc ngắm cảnh này, bà đi còn nhiều hơn ông. Những năm đó chưa có đường ô-tô từ Xuân Trường sang Bảo Lạc, ông đi làm ở Bảo Lạc cả ngày. Ở nhà chỉ còn một mình bà Thúy đi chăn dê qua hầu hết các mỏm núi đá. Từ trên sườn núi, bà biết rõ vị trí nào là quang đãng nhất để nhìn thấy rõ con đường phía dưới. Nhưng hồi ấy, đó là con đường toàn những đám đá lô nhô. Nhiều cán bộ công tác, cánh lái xe hơn 10 năm trước vẫn phải thường xuyên đi lại con đường này kể rằng chỉ cần gặp mưa sẽ phải ngủ lại ở Bảo Lạc để chờ hôm sau vượt đèo về lại thành phố Cao Bằng vì đường quá trơn trượt. Tiệm tạp hóa của ông bà dựng lên năm 2007, ban đầu là chỗ nghỉ chân của bà Thúy khi đi chăn dê. 

Năm 2011, con đường xẻ ngang núi hoàn thành sau hai năm thi công, cái tên Khau Cốc Chà xuất hiện trên Google maps rõ ràng hơn. Nhưng thời điểm đó, điểm dừng chân để nhìn toàn cảnh con đèo là điểm cuối của khúc cua thứ 14, dưới chân đèo phía Bảo Lạc nhìn lên. Khung cảnh hiện ra chỉ là một đường kẻ mờ của vạch đường ngoằn ngoèo. Nhiều người hay nhầm lẫn Khau Cốc Chà chính là đèo Mẻ Pia. Nhưng ông bà Ngoan đều bảo không phải. Khau Cốc Chà mới là con đèo 14 tầng nổi tiếng, đèo Mẻ Pia ở phía dưới, đi qua Khau Cốc Chà về hướng Bảo Lạc.

Chỉ có bà Thúy biết, có một nơi mà con đèo hùng vĩ hiện lên rõ rệt nhất, kinh nghiệm từ những chuyến chăn dê trên đỉnh núi. Người đàn bà Nùng hoàn toàn không có khái niệm gì về check-in hay chụp ảnh cả, nhưng bà biết chỗ đó đẹp hơn hẳn vị trí dưới chân đèo kia. “Lúc đó người chụp ảnh hỏi chỗ, tôi nhớ chỗ hay ngồi nghỉ chân nên dẫn họ đi, tôi bảo họ có chỗ đẹp hơn điểm kia, họ đi rồi cũng công nhận là đẹp thật”, bà Thúy nhớ lại. 

Rồi gia đình bà gặp biến cố lớn. Hai đứa cháu ngoại đều không may mắc căn bệnh  thiếu máu huyết tán bẩm sinh, người con rể không chịu nổi áp lực đã tự kết thúc cuộc đời. Con gái bà mang hai đứa cháu từ Hà Giang về ở với bố mẹ, tiệm tạp hóa trở thành một nguồn thu chính. Bà Thúy lại nhớ tới con đường đi chăn dê năm nọ. “Lúc đó là tầm năm 2013, tôi chỉ nghĩ nếu có chỗ ngắm cảnh họ sẽ dừng ở quán của mình lâu hơn, mình sẽ bán được nhiều hàng hơn, nên tôi mới làm một con đường lên đó”, bà Thúy cười rổn rảng. Bà đi thuê thợ ở làng gần đấy, cuốc đất, mở một con đường lên hẳn đỉnh núi, đúng vị trí nghỉ chân quen thuộc. Tự tay bà cũng đổ một bệ xi-măng để người ta có thể ngồi lên đó chụp ảnh. Mất đúng một tháng thì xong đường. Từ vị trí ấy, ngày nắng đẹp, con dốc hiện rõ 14 tầng đèo, nhìn thấy cả tiệm tạp hóa bé tẹo ở đầu dốc. Rất nhiều tay săn ảnh đi qua và tất cả đều thừa nhận rằng, vị trí người phụ nữ ấy tìm ra là nơi đẹp nhất để chiêm ngưỡng toàn cảnh con đèo hùng vĩ bậc nhất Đông Bắc.

Mấy năm trở lại đây, con đèo trở nên nổi tiếng. Có ngày, tiệm tạp hóa của ông bà Nông Văn Ngoan thành điểm dừng chân của 2 - 30 đoàn khách. Bây giờ “Cứ độ một tuần là phải đi sơn lại một lần vì mũi tên sẽ mờ”, người phụ nữ cười phá lên, không hề quan tâm tới việc nếu để người ta tự đi, bà sẽ mất đi một khoản tiền hướng dẫn. Con đường leo dốc nhờ bà mà trở nên dễ dàng, càng ngày càng có nhiều người chinh phục được điểm ngắm cảnh Khau Cốc Chà. Những năm trước khi đổ đất làm đường, chính bà cũng phải mất chừng một tiếng mới tới điểm cao.

Thời buổi hiện đại, flycam dường như giải quyết mọi vấn đề khi muốn ngắm toàn cảnh bất cứ đâu. Nhưng chinh phục con đường lên đỉnh Khau Cốc Chà vẫn có giá trị của nó. Bởi phải đặt chân ở chính điểm mốc đó, thì mới tận mắt nhìn thấy con đèo choáng ngợp tới thế nào, chứ không phải chỉ nhìn qua một màn hình máy móc. Nên cái vị trí mà bà Thúy tìm, vẫn được người ta nhắc đến. Tiệm tạp hóa của bà nổi tiếng với giới du lịch. Trên vách tường nhà, người ta thi nhau dán những tờ quảng cáo các công ty lữ hành, các nhóm du lịch lớn nhỏ. Thậm chí có rất nhiều bức ảnh đẹp về đèo Khau Cốc Chà, nhưng bà Thúy chưa từng có một tấm ảnh nào. Ông bà không dùng điện thoại thông minh, cũng không có máy ảnh. Ông bà cũng không đòi tiền dẫn đường, “người ta cho bao nhiêu thì mình nhận, không cho họ cũng mua đồ ở hàng của mình, mình vẫn kiếm được tiền thôi”, bà Thúy nói đơn giản. Cái tiệm nhỏ nhưng bán đủ thứ, từ nước uống, hoa quả, xăng dầu, mùa táo mèo bà ngâm táo mèo, mùa lê bà ngâm lê… Thi thoảng có đoàn khách cũng dừng lại đặt bà nấu cơm trưa. Cùng với tiền bán hàng ở Xuân Trường của cô con gái, vậy là đủ để bình thản mà nói về cuộc sống, về những chuyến xe Cao Bằng - Hà Nội đều đặn truyền máu cho hai đứa cháu.  

Mấy hôm trước, ông Ngoan thì vào bệnh viện cấp cứu vì đau dạ dày. Bà Ngoan khăn gói đưa hai đứa cháu về Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương theo lịch khám. Bà bảo là bác sĩ nói hai tháng nữa lũ trẻ mới phải truyền máu lại. Đó cũng coi như là một tín hiệu tốt. 

Suốt đợt đó, tiệm tạp hóa vắng bóng cả nhà, nhưng nghe bảo người ta vẫn ngắm cảnh đèo như bình thường. Bà đã đặt một tấm biển chỉ dẫn ở đó và những mũi tên đỏ vẫn chưa mờ đi, vẫn đỏ rực hướng về phía đỉnh trời Khau Cốc Chà.