Trái tim tình nguyện trọn đời

Đứng trên con đường trải 
bê-tông khang trang từ xóm Dừa lên bản K’Óoc (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình), Hoàng Trung Đức bồi hồi nhớ lại quãng thời gian anh và hàng chục tình nguyện viên của Câu lạc bộ “Nét bút xanh miền Trung” chia ngọt sẻ bùi, cùng đào đất mở đường giúp bà con địa phương. Chàng trai Quảng Bình vẫn chưa dừng bước, dù đang phải đối mặt với những đợt xạ trị khối u não.  

Hoàng Trung Đức và những phần quà Tết ý nghĩa tặng người vô gia cư.
Hoàng Trung Đức và những phần quà Tết ý nghĩa tặng người vô gia cư.

Từ thất bại đầu tiên

Con đường vào bản K’Óoc là một trong những số đó. So với các bản nằm trên tuyến đường vào vùng Lòm (xã Trọng Hóa), K’Óoc có thể coi là nơi gần trung tâm nhất, nhưng lại hoàn toàn bị cô lập giữa cánh rừng hoang sơ. Cách đây khoảng năm - sáu năm, muốn vào bản K’Óoc buộc phải trèo đèo lội suối hàng giờ đồng hồ, hoàn toàn là dốc cao, rừng già. Bà con ở đây đều là người dân tộc thiểu số, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu. Hơn mười ngày đêm, khoảng 200 thanh niên gồm những thành viên có sức khỏe nhất Câu lạc bộ và đoàn viên xã Trọng Hóa bổ từng nhát cuốc, chặt từng nhành cây để mở một “Con đường cho em” dài 6 km tặng thiếu nhi và nhân dân K’Óoc. Đó là một trong số nhiều hoạt động của CLB “Nét bút xanh miền Trung” của Hoàng Trung Đức.

Hoàng Trung Đức bước vào con đường thiện nguyện từ năm 2012, khi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn Trường đại học Quảng Bình. Hoạt động tình nguyện đầu tiên Đức tham gia là một chương trình tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em khuyết tật ở TP Đồng Hới. Đây chính là bước ngoặt cuộc đời và cũng là bài học đầu tiên của chàng trai tự nhận từng “bồng bột, thậm chí ngổ ngáo và quậy phá” trên con đường cống hiến cả tuổi thanh xuân cho thiện nguyện. “Bế trên tay những em bé có thân hình nhỏ xíu, không lành lặn ấy, tôi nhận ra bản thân đã quá may mắn. Tôi được sinh ra trong một gia đình có đầy đủ cha mẹ, được nuôi lớn trong vòng tay yêu thương, che chở, nhưng lại lãng phí tuổi trẻ vào nhiều điều vô nghĩa. Ở ngoài kia, còn biết bao người cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Có những em nhỏ phải chịu bất hạnh từ khi chào đời cho tới lúc rời bỏ cuộc sống. Vậy thì, cũng với ngần ấy thời gian, tại sao tôi lại không chọn việc mang lại niềm vui cho họ?” Đức kể lại.

Nghĩ là làm, chàng trai quê Quảng Bình đầy nắng gió rủ bạn bè thành lập một nhóm thiện nguyện với tên gọi “Lòng nhân ái”, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ cộng đồng yếu thế nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng. Tuy nhiên, do mô hình còn nhiều thiếu sót, chưa đồng bộ, không có phương hướng rõ nét và phần lớn mang tính tự phát, nên chỉ sau vài thành công bước đầu, nhóm đã phải dừng hoạt động. 

Bài học sớm đến với Hoàng Trung Đức, đó là làm thiện nguyện không đơn giản như nhiều người nghĩ. Bởi ngoài trái tim nóng, người làm thiện nguyện còn phải có cái đầu lạnh, muốn hướng đến những mục tiêu cao đẹp thì lại càng phải chú ý tới từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Đúc rút kinh nghiệm từ lần “hấp tấp” đó, Đức lên một kế hoạch cụ thể, tìm đến những người phù hợp nhất để thành lập CLB “Nét bút xanh miền Trung” vào năm 2013.  Hoàng Trung Đức muốn gửi gắm, lan tỏa thông điệp về những sinh viên có tâm nguyện viết lên những câu chuyện đẹp, mang sắc xanh tươi trẻ đến với những mảnh đời không may mắn trong cuộc sống. Để có kinh phí hoạt động, Đức và khoảng 15 thành viên đầu tiên của CLB đã vận dụng nhiều cách khác nhau, từ kêu gọi trên mạng xã hội, tìm đến các nhà hảo tâm cho tới bán hoa tươi, bán nước giải khát ngày lễ... Đây cũng là thời điểm khiến Đức suy nghĩ nhiều nhất. Anh không lo lắng về một thất bại mang tính cá nhân, mà chỉ sợ lãng phí quá nhiều thời gian mà chưa tiếp cận được những người cần giúp đỡ. 

Tới điểm đến của người nghèo

Hiện, CLB có nhiều cơ sở ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với khoảng 50 thành viên nòng cốt và gần một nghìn tình nguyện viên. Sau khoảng ba năm hoạt động, Câu lạc bộ đã tổ chức hàng trăm chương trình thiện nguyện, giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa dựng nhà cửa, làm đường giao thông nông thôn tặng đồng bào dân tộc thiểu số, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, chăm lo thiếu nhi khuyết tật... với tổng giá trị hơn mười tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động.

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, quán cơm “Hạt gạo từ tâm” của CLB chính thức mở cửa tại TP Đồng Hới. “Nhân viên” của quán, không ai khác chính là Đức và các tình nguyện viên “Nét bút xanh miền Trung”. Với hy vọng làm vơi bớt phần nào những khó khăn, vất vả của người lao động thu nhập thấp, sinh viên nghèo, mỗi suất cơm tại quán đều được chế biến tươi ngon, đầy đủ dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh nhưng chỉ có giá năm nghìn đồng. Đây là con số mang tính tượng trưng, được Đức và các thành viên CLB khéo léo nghĩ ra để các “thực khách” không cảm thấy mặc cảm mỗi khi bước vào quán. “Khai trương quán cơm là một trong những quyết định khiến các thành viên CLB băn khoăn nhiều nhất. Bản thân tôi cũng tự cảm thấy mình hơi “liều”, bởi muốn duy trì quán, chúng tôi cần có một lượng kinh phí cùng nguồn nhân lực không nhỏ và phải mang tính bền vững”, Hoàng Trung Đức bộc bạch. 

Sau một năm hoạt động, “Hạt gạo từ tâm” với đội ngũ điều hành đều là các bạn trẻ vẫn đang ngồi ghế giảng đường dần trở thành điểm đến tin cậy, thường xuyên của nhiều người lao động, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi ngày, quán “bán ra” khoảng 100 suất ăn năm nghìn đồng, mỗi tháng có hai ngày phục vụ thêm cơm chay với giá hai nghìn đồng/suất. Do lượng khách hàng tìm đến ngày một đông, các bạn trẻ đã chuyển quán tới một cơ sở mới rộng rãi, khang trang hơn và đặc biệt là ở ngay cạnh Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới nhằm mở rộng đối tượng “khách hàng” là người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, lực lượng tình nguyện viên tại quán cơm cũng được bổ sung thêm thành phần là các điều dưỡng, y, bác sĩ trẻ có chuyên môn, tay nghề và hết lòng vì người bệnh.

Bằng sự ân cần, chu đáo và tấm lòng thiện nguyện từ trái tim, các tình nguyện viên đã biến “Hạt gạo từ tâm” thành một mái ấm đặc biệt, nơi không chỉ đơn thuần giải tỏa nhu cầu tất yếu, giảm bớt chút ít gánh nặng cơm áo gạo tiền, mà còn lan tỏa tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Người lành lặn giúp người khuyết tật so đôi đũa, đơm chén cơm, người trẻ bê bát canh, pha nước chấm mời người già. Đối với những người khuyết tật, người vô gia cư không thể di chuyển, Đức và các tình nguyện viên còn làm cơm hộp, đóng gói cẩn thận rồi mang đến tận nơi. 

Quán cơm nghĩa tình ấy của Đức và những người bạn đã từng nhiều lần dừng hoạt động vì thiếu hụt kinh phí, nguồn lực duy trì. Mỗi lần “Hạt gạo từ tâm” phải tạm thời đóng cửa, Đức và các thành viên Câu lạc bộ lại tìm mọi cách để kêu gọi giúp đỡ, huy động hỗ trợ từ tất cả các nguồn lực có thể tiếp cận. Mỗi đêm đặt lưng xuống giường, hình ảnh những người “khách quen” của quán lại hiện ra trong đầu Hoàng Trung Đức, đặc biệt là lời tâm sự của một cụ bà “nhờ các cháu, tôi mới có đủ nghị lực sống tới ngày hôm nay”. Vậy là anh lại thao thức suốt đêm, cố gắng tìm kiếm hướng đi mới nhằm duy trì quán, không để “thực khách” thiếu đi chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất thường ngày. Đức vẫn áy náy vì mới đây, do những ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và đợt mưa lũ, thiên tai tại các tỉnh miền trung, “Hạt gạo từ tâm” đành  phải đóng cửa vô thời hạn.

Tình nguyện trọn đời

Ít người xác định chắc chắn “tình nguyện đến hơi thở cuối cùng” theo nghĩa đen như Hoàng Trung Đức. Anh từng là một trong những tình nguyện viên đầu tiên ở Quảng Bình tự nguyện và đồng thời vận động nhiều bạn trẻ đăng ký hiến mô, tạng. Cũng phải mãi sau này, khi tình cờ gặp anh ở Bệnh viện K Trung ương tại Thủ đô Hà Nội, tôi mới biết rằng, anh vẫn đang mang một khối u trong não nhiều năm. Âm thầm chiến đấu với bệnh tật qua những đợt xạ trị mệt đến héo hon, nhưng trong mắt bạn bè, đồng đội ở Câu lạc bộ “Nét bút xanh miền Trung”, anh vẫn là người thủ lĩnh nhiệt huyết, năng nổ, linh hồn của những chương trình thiết thực. “Tôi muốn ngọn lửa thiện nguyện được mãi mãi trao truyền trong thế hệ trẻ, thậm chí bùng cháy mạnh mẽ, sôi nổi, bền vững hơn nữa, tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng nhiều hơn nữa”, anh tâm sự.

Gần đây nhất, Đức vẫn là “chủ công” của Câu lạc bộ trong các hoạt động hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, đặc biệt là với công tác kết nối, hướng dẫn các đoàn thiện nguyện từ bên ngoài vào Quảng Bình cứu trợ đồng bào. Mô hình “Bếp cơm dã chiến” của CLB đã góp hàng nghìn suất cơm, thực phẩm đến tay người dân thông qua lực lượng vũ trang. 

Từng hai lần nhận Giải thưởng Tình nguyện quốc gia, nhưng Hoàng Trung Đức luôn tâm niệm những gì mình làm được chỉ là giọt nước nhỏ trong đại dương mênh mông. Đức nói: “Tôi vẫn tin rằng, một khi chúng ta trao truyền những giá trị thiết thực cho cuộc sống, thì cuộc sống sẽ luôn trả lại cho chúng ta nhiều hơn thế. Tôi không biết thời gian của mình còn lại bao lâu. Nhưng chỉ cần một ngày còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục làm tình nguyện”.