Vi phạm trật tự xây dựng đô thị ở TP Hồ Chí Minh

Thực trạng thách thức quyết tâm

Tại Hội nghị sơ kết ba tháng thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: “Việc này không thể chậm hơn nữa, nếu không sẽ để lại hậu quả ngày càng lớn hơn. Cấp ủy phải vào cuộc quyết liệt, nếu để xảy ra sai phạm nhiều thì cấp ủy phải chịu trách nhiệm. Bước sang năm 2020 không để vi phạm trật tự xây dựng gia tăng so với năm 2019”. Tuy vậy, trước thực trạng vấn đề, dư luận đang đặt ra câu hỏi: Liệu có chuyện trên “nóng” dưới “lạnh”, hay “đánh trống, bỏ dùi” ở một số quận, huyện?

Dãy phòng trọ là công trình xây dựng không phép tại phường Bình An, quận 2.
Dãy phòng trọ là công trình xây dựng không phép tại phường Bình An, quận 2.

Ai chịu trách nhiệm?

Quận Thủ Đức được coi là một trong những điểm “nóng” “bùng nổ” về sai phạm trật tự đô thị, nhiều lãnh đạo chủ chốt đã trực tiếp vi phạm trong một thời gian dài. Báo Thời Nay số 1016 ngày 10-10-2019 và số 1018 ngày 17-10-2019 đã có bài viết “Dấu hiệu “bảo kê” sai phạm”? Sau đó, ngày 22-10, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ ra hàng loạt những sai phạm và yêu cầu lãnh đạo quận Thủ Đức xử lý.

Thế nhưng, đến nay gần ba tháng đã qua, dường như mọi chuyện vẫn chưa chuyển biến khi chỉ duy nhất ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch HĐND quận Thủ Đức, người trực tiếp sai phạm nhận lỗi và xin từ nhiệm. Quận Thủ Đức có nhiều cán bộ nắm giữ vai trò chủ chốt như Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách về xây dựng, Trưởng phòng Quản lý đô thị, Chủ tịch và Bí thư một số phường… bị xử lý, kỷ luật do liên quan vi phạm về trật tự xây dựng trong thời gian dài. Dư luận đặt câu hỏi, trong nhiều năm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của Ban Thường vụ Quận ủy và UBND quận Thủ Đức ở đâu khi liên quan vấn đề này nhiều cán bộ lãnh đạo là Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy bị kỷ luật?

Vụ việc điển hình là bảy công trình với nhiều nhà xưởng (diện tích lên đến khoảng hơn 5.000 m² tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh) của người nhà gồm anh, chị, em ruột và trực tiếp của ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức xây dựng không phép. Trong đó, công trình của ông Thành xây dựng đầu tiên (từ năm 2012), UBND phường đã nhiều lần lập biên bản và ra quyết định cưỡng chế nhưng đều không thực hiện được. Gần đây nhất, tháng 5-2019 UBND phường đã tổ chức cưỡng chế nhưng cũng không thành công do có nhiều sự can thiệp từ lãnh đạo quận. Một trong những lý do được quận đưa ra là việc cưỡng chế chưa thực hiện đúng “quy trình”, vì đây là của cán bộ nằm trong Ban Thường vụ Quận ủy. Mãi đến khi Bí thư Thành ủy đi kiểm tra thì ông Thành mới tự tháo dỡ.

Dấu hiệu “bảo kê” cho cán bộ quận xây dựng công trình không phép được thể hiện rất rõ trong trường hợp ông Lê Ngọc Quí, hiện là Trưởng phòng Tư pháp quận Thủ Đức (là em trai ông Lê Hữu Thành). Năm 2017, ông Quí đã để vợ xây dựng một công trình không phép cạnh căn nhà của gia đình trên đường Kha Vạn Cân, thuộc phường Hiệp Bình Chánh. Khi đó ông Quí là Quận ủy viên, Chánh Thanh tra quận Thủ Đức. Sau khi sai phạm của ông Quí được dư luận phản ánh, Phòng Quản lý Đô thị có báo cáo, nhưng Chủ tịch UBND quận Thủ Đức vẫn ký Quyết định cho ông Quí làm Giám sát đoàn thanh tra để thanh tra đúng phường đang có công trình sai phạm của gia đình mình (vụ việc đã được Thời Nay phản ánh). Sau đó, Quận ủy Thủ Đức cũng chỉ phê bình ông Quí và tháng 5-2019, UBND quận Thủ Đức điều chuyển ông Quí về làm Trưởng phòng Tư pháp.

Trước đó, tháng 3-2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã kỷ luật cảnh cáo ông Trần Văn Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức vì các khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác quản lý về cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ. Trong đó, đã xử lý thiếu quyết liệt đối với năm công trình xây dựng trái phép có diện tích lớn, để chủ đầu tư hợp khối nhà, ngăn chia thành nhiều căn hộ để bán, cho thuê trái quy định pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng... Tuy nhiên, dư luận đang thấy khó hiểu khi đến nay đã hơn chín tháng, ông Dũng vẫn đương chức (?).

Cùng chung hình thức kỷ luật cảnh cáo với ông Dũng còn có Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thủ Đức. Riêng Phó Chủ tịch UBND phường Linh Đông và phường Tam Phú cũng bị kỷ luật bằng hình thức “cách hết chức vụ trong đảng”…

Một vấn đề đặt ra là: Với hàng loạt cán bộ Ban Thường vụ Quận ủy, Ủy viên Ban Thường vụ sai phạm kéo dài ở mức độ nghiêm trọng thì kiểm điểm cuối năm của Ban Thường vụ quận Thủ Đức ở mức độ nào, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và liệu những sai phạm tập thể, cá nhân có bị vô hiệu hóa hay lại rơi vào tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”?

Trên “nóng”, dưới “lạnh”

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị tổng kết ba tháng thực hiện Chỉ thị 23, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ rõ: “Việc này không thể chậm hơn nữa, nếu không sẽ để lại hậu quả ngày càng lớn hơn. Cấp ủy phải vào cuộc quyết liệt, nếu để xảy ra sai phạm nhiều thì cấp ủy phải chịu trách nhiệm”. Đây là sự thể hiện quyết tâm của Thành ủy trước những sai phạm trong trật tự, quản lý đô thị nêu trên. Thế nhưng, đến nay đã gần ba tháng sau khi Bí thư Thành ủy đi kiểm tra, chỉ đạo xử lý trực tiếp, nhưng Ban Thường vụ Quận ủy Thủ Đức vẫn chưa thể tự đưa ra hình thức xử lý kỷ luật cho tập thể Ban Thường vụ, trách nhiệm của những cá nhân. Phải chăng đây là biểu hiện của tình trạng trên “nóng”, dưới “lạnh”?

Theo báo cáo của ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong bốn tháng (7, 8, 9, 10-2019) kể từ khi thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, số công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn là 804 công trình (sai phép 309 công trình, không phép 495 công trình), bình quân xảy ra 5,4 vụ/ngày. Số lượng vi phạm trật tự xây dựng đô thị có giảm nhưng sai phạm của những công trình lớn vẫn diễn ra rất phức tạp. Ở nhiều quận, huyện, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị, hay những công trình xây dựng không phép sai phạm kéo dài qua nhiều năm vẫn chưa được xử lý.

Theo quy định, những công trình xây dựng không phép phải đập bỏ hoàn toàn. Thế nhưng, ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, những công trình xây dựng không phép có quy mô lớn vẫn tồn tại và rất khó xử lý cưỡng chế.

Điển hình như cụm công trình của gia đình ông Lê Hữu Thành được xây dựng để cho thuê làm thành những khu nhà xưởng sản xuất giấy, gỗ, sắt… Hay công trình hơn 1.079 m² xây dựng không phép tại một phần thửa đất số 541 và 542, tờ bản đồ số 21, thuộc phường Bình An, quận 2 (trong số báo 1034, ngày 12-12-2019 Thời Nay đã phản ánh), bị xử phạt hành chính từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016, UBND quận 2 đã có quyết định cưỡng chế nhưng đến tháng 11-2019 mới có kế hoạch thông báo ngày cưỡng chế. Đến ngày cưỡng chế, chính quyền phường lại thông báo không có kinh phí để cưỡng chế. Trong khi đó, lãnh đạo quận và phường giấu đi thỏa thuận, ép “khổ chủ” chịu chi phí cưỡng chế lên đến hàng trăm triệu đồng (?). Đáng chú ý, công trình không phép này là một khu gần 80 phòng trọ cho thuê, mỗi tháng có thể thu về hơn 200 triệu đồng.

Một vụ việc gần đây gây xôn xao dư luận là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Lâu đài ven sông (có địa chỉ số 360D Bến Vân Đồn, phường 1, quận 4) có hành vi tự lắp dựng công trình khung thép, vách kính, mái kính + tôn lấn chiếm vỉa hè tại Trung tâm Hội nghị Riverside ở địa chỉ 360 - 360D Bến Vân Đồn với diện tích hơn 261,1 m². UBND quận 4 đã lập biên bản vi phạm và triển khai thực hiện cưỡng chế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Những công trình sai phạm không phép, trái phép, vi phạm trật tự đô thị tại TP Hồ Chí Minh vẫn ngang nhiên mọc lên và tồn tại như một thách thức lớn trước những quyết tâm của Ban Thường vụ Thành ủy. Trước tình trạng này, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc, xử lý quyết liệt và dứt điểm những vi phạm để tạo niềm tin trong dư luận vào sự nghiêm minh của pháp luật.