Thích ứng với hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay mô hình “tôm - lúa” ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích khoảng 200.000 ha. Trong đó nhiều nhất là Kiên Giang, kế đến là Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Mô hình “tôm - lúa” không chỉ mở ra một hướng đi mới trong việc sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn góp phần đem lại một diện mạo mới cho vùng ĐBSCL.

Đắp đập tạm ngăn mặn tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), chống nước mặn xâm nhập nội đồng.
Đắp đập tạm ngăn mặn tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), chống nước mặn xâm nhập nội đồng.

Kỳ 2: “Tôm - lúa” - mô hình đinh ở miền châu thổ

Đổi đời nhờ con tôm

Vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang gồm bốn huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, trước kia gọi là bán đảo Cà Mau, nơi đây sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.

Trước đây, vùng này chỉ độc canh cây lúa, từ một vụ nâng lên hai vụ, nhưng năng suất thấp, trên dưới 3 tấn/ha. Vùng này mùa mưa nước ngọt, nhưng mùa nắng nước mặn xâm nhập vào sâu trong nội đồng nên sản xuất cây lúa bấp bênh. Nhưng từ khi con tôm được nuôi và sống bền vững trên đồng đất, nhiều vùng đất hoang hóa, nghèo nàn trước đây đã chuyển mình vươn lên.

Minh chứng rõ nhất là trên đồng đất ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận. Nơi đây một thời “nổi tiếng” về xa xôi, cách trở và nghèo khó. Nhưng cũng chính con tôm mà Vĩnh Phong cũng nổi tiếng vì tốc độ phát triển.

Lão nông Phan Văn Nam (ngụ ấp Thị Mỹ, xã Vĩnh Phong) cho biết, nhờ có con tôm mà quê ông thay đổi nhanh chóng. Đặc biệt là gần đây, nhưng con kênh, rạch dẫn nước được chính quyền quan tâm đầu tư nạo vét đã giúp cho việc sản xuất được thuận lợi hơn. Người nông dân đã chủ động được nguồn nước để đưa vào đồng ruộng nuôi tôm, xen cua và trồng một vụ lúa. Gia đình ông Nam có hơn 20 ha đất đều áp dụng mô hình “tôm - lúa” có thả xen canh con cua, hằng năm cho thu nhập cả tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận khẳng định, mô hình “tôm - lúa” được xem là cứu cánh cho ngành nông nghiệp địa phương khi mà những tác động của quá trình biến đổi khí hậu càng lúc càng khốc liệt. Cũng nhờ mô hình “tôm - lúa” mà Vĩnh Thuận có bước phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây. Chỉ tính riêng con tôm, giá trị sản xuất chiếm đến 67,13% tỷ trọng của ngành nông nghiệp. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Vĩnh Thuận đặc biệt coi trọng chỉ đạo phát triển mô hình này. Đến nay toàn huyện có hơn 28.300 ha đất áp dụng mô hình “tôm - lúa”.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, trước đây nông dân vùng U Minh Thượng chỉ tập trung trồng lúa, năng suất trên dưới 3 tấn/ha. Nhưng hiện nay đã chuyển sang mô hình “tôm - lúa”, năng suất lúa đạt từ 4 - 5 tấn/ha, nuôi tôm từ 300 - 370 kg/ha, cá biệt có nơi đạt từ 450 - 500 kg/ha. Việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang mô hình “tôm - lúa” đã mang lại hiệu quả cho người sản xuất, từ thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/ha, đã tăng lên 100 - 130 triệu đồng/ha.

Có thể khẳng định, mô hình con tôm “ôm” cây lúa đã giúp cho ngành nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang, địa phương có diện tích sản xuất lớn nhất vùng ĐBSCL liên tục có bước tăng trưởng mạnh trong nhiều năm liền. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, chỉ trong vòng 5 năm đã có hơn 22.134 ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang mô hình “tôm - lúa”, đưa tổng diện tích áp dụng mô hình này tại Kiên Giang lên gần 100.000 ha.

Nâng tầm cả hạt gạo, cả con tôm

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi trở lại huyện Mỹ Xuyên (Kiên Giang), địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho mô hình sản xuất “tôm - lúa” của tỉnh Sóc Trăng. Không khí hối hả, tranh thủ con nước bà con xuống giống tôm nuôi khẩn trương. Khung lịch mùa vụ thả tôm năm nay đối với vùng “tôm - lúa” bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 6 thu hoạch và dứt điểm trong tháng 9. Sau khi thu hoạch tôm xong cũng là lúc có nước ngọt, nhà nông bắt tay vào làm đất để gieo trồng vụ lúa. Như vậy, với nền đất giàu dinh dưỡng nhờ chất vi sinh tạo thành, cây lúa sẽ bám rễ, lớn nhanh mà không cần phân bón. Đặc biệt là các giống đặc sản như lúa thơm ST24 và ST25 rất thích nghi với vùng đất này, chất lượng của hạt gạo đặc biệt ngon.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên Trần Quốc Quang cho biết, Mỹ Xuyên được chia làm hai vùng sản xuất. Vùng chuyên canh lúa có diện tích hơn 8.000 ha và vùng “tôm - lúa” diện tích 17.700 ha. Sản lượng tôm hằng năm ước đạt hơn 40.000 tấn. Từ mô hình này, mà Mỹ Xuyên trở thành địa phương có quy trình sản xuất tôm sạch và lúa gạo hữu cơ. Không chỉ vậy, với mô hình này con tôm và cây lúa đều hưởng lợi do có sự bổ trợ qua lại. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, áp dụng mô hình này tỷ lệ tôm bệnh giảm qua từng năm.

Mới đây, Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH) cùng các đối tác là các doanh nghiệp chế biến tôm, gạo xuất khẩu chính thức ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện “Chương trình xây dựng vùng sản xuất “tôm - lúa” bền vững dựa trên mục tiêu tăng trưởng”.

Chương trình này cùng với dự án “lúa thơm - tôm sạch” tại sáu xã vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên sẽ là tiền đề để nâng cao giá trị sản phẩm và tiến tới xây dựng thương hiệu tôm sạch và gạo ngon nhất thế giới.

Nếu xây dựng chuỗi giá trị sản xuất và phát triển thương hiệu lúa thơm - tôm sạch sẽ giúp nâng cao giá trị cho cả con tôm lẫn cây lúa, từ đó giúp mô hình ngày một hiệu quả hơn, thu nhập nông dân sẽ ngày càng cao hơn. Hơn nữa, chương trình được thực hiện thông qua cách tiếp cận hợp tác công tư, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vùng tôm - lúa 17.700 ha ở huyện Mỹ Xuyên. Các đối tác tham gia chương trình có vai trò và trách nhiệm, phát triển các đề xuất cụ thể để đồng tài trợ thực hiện chương trình, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu tôm sạch và giống lúa thơm ngon nhất thế giới năm 2019 - ST25.

Mở rộng vùng sản xuất “tôm - lúa”

Tỉnh Cà Mau, từ vài hộ ban đầu sản xuất hiệu quả, đến nay, vùng tôm - lúa của địa phương này đã phát triển lên hơn 40.000 ha, chiếm hơn 1/5 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Chỉ riêng tại Thới Bình - “thủ phủ” mô hình “tôm - lúa” ở Cà Mau, qua rà soát kết quả thực tế sản xuất từ cơ quan chức năng tỉnh cho thấy, sau khi chuyển sang canh tác “tôm - lúa”, hiệu quả trên cùng diện tích đất trung bình nâng lên hơn 65 triệu đồng/ha/năm, gấp khoảng ba lần so trước đây. Đây cũng là một trong những cách nông dân tự định hình cho mình vùng sản xuất để phù hợp với điều kiện tự nhiên ngày càng bất lợi.

Không chỉ những tỉnh giáp biển mới áp dụng mô hình “tôm - lúa”, hiện nay nông dân Hậu Giang cũng bắt đầu áp dụng mô hình này. Bà con cho biết, vùng đất phía bên ngoài bờ đê bao khép kín thuộc ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ (giáp với Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao (Kiên Giang) và huyện Hồng Dân (Bạc Liêu)), gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, vì hằng năm chịu ảnh hưởng bởi phèn và nước biển xâm nhập từ biển tây vào theo con sông Cái Ngăn Dừa. Hằng năm, nông dân chỉ một vụ lúa mùa, nhưng năng suất thấp, còn vào mùa khô thì bỏ hoang. Từ năm 2014, một số hộ dân đã tận dụng những tháng nước mặn xâm nhập để thả nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Từ kết quả này, số lượng hộ nuôi bắt đầu tăng dần lên, đến nay đã có 82 hộ thả nuôi với diện tích gần 100 ha.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ đánh giá, đây cũng là một trong những mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, Sở NN&PTNT Hậu Giang cũng đang triển khai thực hiện dự án Xây dựng và phát triển mô hình “tôm - lúa” luân canh trên vùng đất phèn nhiễm mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ, nhằm khai thác triệt để hơn 2.000 ha đất lang viên bãi bồi nằm ngoài bờ bao ở các xã như Lương Nghĩa, Lương Tâm…

Thực tế sản xuất đã qua cho thấy, gieo trồng vụ lúa trên đất nuôi tôm không chỉ không xảy ra xung đột mà còn bổ trợ cho nhau, giúp cây lúa ít bệnh hơn so độc canh cây lúa và ngược lại, con tôm cũng ít bệnh hơn so độc canh nuôi tôm.

TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng, mô hình một vụ tôm - một vụ lúa giúp giảm thiểu nạn ô nhiễm đồng ruộng, hạn chế độc tố cho môi trường nuôi tôm, hạn chế dịch bệnh, nhờ đó tôm sinh trưởng phát triển tốt. Thêm nữa, sau một vụ lúa, các loại rơm rạ bị phân hủy tạo môi trường sống và nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm trong vụ nuôi tiếp theo. Canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm cũng là cách rửa mặn tích cực vào mùa mưa, hạn chế quá trình mặn hóa, kéo dài tuổi thọ sử dụng đất, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận.

(Còn nữa)