Thích ứng với hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước. Đây là vùng đất có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, lợi thế hàng đầu là phát triển nông nghiệp. Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu đã chỉ rõ, phát triển vùng ĐBSCL phải xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội…

Nông dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh trên nền đất tôm - lúa.
Nông dân huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh trên nền đất tôm - lúa.

Từ vụ đông xuân thắng lợi…

Chưa đầy 5 năm qua, vùng ĐBSCL đã hai lần hứng chịu thời tiết cực đoan, hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt. Những đợt thiên tai vừa là thử thách, nhưng cũng vừa là bài học để các địa phương góp thêm kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn trong công tác điều hành sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Vụ đông xuân 2019 - 2020, mặc dù chịu tác động bất lợi của thời tiết như hạn hán và xâm nhập mặn khốc liệt nhưng các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn có một vụ lúa vượt ngoài sự mong đợi.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các tỉnh ĐBSCL xuống giống 1,54 triệu héc-ta, giảm 63.000 ha; năng suất ước đạt 6,979 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha; sản lượng ước đạt 10,7 triệu tấn. Nhìn chung, tình hình xuống giống vụ đông xuân 2019 - 2020 tại ĐBSCL được triển khai sớm từ 20 - 30 ngày so vụ đông xuân năm trước.

Tại tỉnh Kiên Giang, vụ lúa đông xuân này nông dân trong tỉnh xuống giống hơn 289.873 ha, vượt 837 ha so kế hoạch, đến nay cơ bản đã thu hoạch xong, với năng suất bình quân 7,26 tấn/ha, sản lượng thu hoạch toàn vụ ước đạt 2,1 triệu tấn. Đây là một vụ mùa thắng lợi cả về năng suất và về giá. Đợt hạn mặn cách đây bốn năm, vụ đông xuân và hè thu sớm năm 2015, Kiên Giang bị thiệt hại hơn 100.000 ha lúa và hoa màu. Tổng thiệt hại về kinh tế lên đến hàng nghìn tỷ đồng, ngân sách phải chi hơn 500 tỷ đồng để hỗ trợ cho nông dân ổn định cuộc sống và tái sản xuất. Ngành nông nghiệp của Kiên Giang, tỉnh có diện tích sản xuất và sản lượng đứng đầu cả nước lần đầu tiên tăng trưởng âm.

Vụ này, để chủ động cho một vụ mùa không bị tổn thất nặng nề bởi thiên tai hạn mặn, ngành NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã có sự chuẩn bị từ trước, trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, qua thực tế sản xuất, chúng tôi xác định vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước sản xuất là vùng ven biển Rạch Giá - Hà Tiên, gồm: Hòn Đất, Kiên Lương; ven sông Cái Lớn, sông Cái Bé, bốn huyện vùng U Minh Thượng. Từ đó, ngành chủ động thực hiện sớm các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, điều tiết nguồn nước cho sản xuất vụ lúa đông xuân và phục vụ nuôi trồng thủy sản...

Minh chứng như tại huyện Tân Hiệp, theo bà Phan Kim Loan, Trưởng phòng NN&PTNT, năm nay nông dân Tân Hiệp trúng lớn vụ lúa đông xuân, năng suất bình quân đạt hơn 8 tấn/ha. Tổng diện tích gieo sạ của huyện là 36.803 ha, tất cả đã thu hoạch xong, tình hình hạn mặn không ảnh hưởng gì đến sản xuất của nông dân trong huyện. Có được kết quả này là do nông dân Tân Hiệp đã xuống giống sớm hơn thời điểm cùng kỳ hằng năm, nên lúc hạn mặn vào sâu nội đồng và diễn biến phức tạp, cũng là lúc nông dân Tân Hiệp thu hoạch vụ lúa nên không bị ảnh hưởng.

Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Kiên Giang Nguyễn Huỳnh Trung cho biết thêm, để ngăn mặn, giữ ngọt bảo vệ vùng sản xuất lúa của các địa phương, Chi cục Thủy lợi Kiên Giang đã vận hành hiệu quả hệ thống cống hiện có trên các tuyến đê biển. Các địa phương vùng bị ảnh hưởng mặn, tiến hành đắp 193 đập đất ngăn mặn theo thời vụ, và đắp các đập ở Hòa Điền (huyện Kiên Lương), trên Kinh Nhánh và kênh Ông Hiển bằng cừ Larsen để ngăn mặn xâm nhập, giữ nguồn nước ngọt vùng Tứ giác Long Xuyên và một phần tây sông Hậu.

Ngoài giải pháp công trình thì khung thời vụ cũng được cơ cấu lại, đẩy lên sớm nhất có thể nhằm “né” hạn mặn và thiếu nước tưới vào cuối vụ. Ông Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiên Giang cho biết, các huyện vùng U Minh Thượng nơi lệ thuộc chủ yếu nguồn nước trời, được gieo sạ sớm nhất, với tổng diện tích 15.000 ha, thu hoạch dứt điểm trong tháng 1-2020. Tuy nhiên, hơn 1.000 ha vùng Tứ giác Long Xuyên và rải rác một số diện tích lúa ở vùng U Minh Thượng bị ảnh hưởng do hạn mặn, ảnh hưởng từ 30 - 70% năng suất.

Tương tự, cũng chính sự chủ động sản xuất sớm nên 183.000 ha lúa đông xuân ở tỉnh Sóc Trăng đã đạt năng suất khá cao, tổng sản lượng hơn 1,2 triệu tấn. Còn tại TP Cần Thơ, vụ đông xuân này năng suất lúa cũng đạt bình quân tới 7,2 tấn/ha.

Thích ứng với hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Thu tôm ở ao gièo (ao ương) chuyển sang ao nuôi lớn vừa thu hoạch xong vụ lúa.

Tuân thủ lịch thời vụ, giảm thiệt hại

Tại Hậu Giang, gần 78.000 ha lúa đông xuân đã được nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ khuyến cáo và được bảo vệ tốt trước hạn mặn tấn công và đến nay đã thu hoạch xong, năng suất bình quân 7,6 tấn/ha.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, năm nay hạn mặn không chỉ gay gắt mà còn diễn biến phức tạp, khó lường. Sự cố vào giữa tháng hai, do ảnh hưởng của triều cường dâng cao, làm vỡ bốn đập cải tiến trên địa bàn huyện Long Mỹ, nước mặn xâm nhập vào nội đồng, gây ảnh hưởng hơn 800 ha lúa đông xuân ở các xã Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A và Lương Nghĩa. Sau sự cố này, huyện Long Mỹ đã khắc phục kịp thời bằng các biện pháp xử lý hiệu quả, nhờ vậy mức độ ảnh hưởng không lớn.

Tỉnh Cà Mau, nơi có ba mặt giáp biển nhưng lại là tỉnh duy nhất vùng ĐBSCL chưa có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Mê Kông nên nguồn nước phục vụ sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến việc canh tác của nhà nông ở tỉnh cực nam của Tổ quốc dễ tổn thương khi tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường. Chính vì điều này mà bà con tại các vùng nuôi tôm kết hợp trồng lúa (lúa - tôm) của tỉnh Cà Mau rút ra được sau đợt hạn hán khốc liệt vào năm 2016, đó là sản xuất phải “né” hạn mặn.

Theo thống kê của ngành NN&PTNT tỉnh Cà Mau, mùa khô năm 2016, hạn mặn đến sớm, đã có hơn 64.000 ha lúa của địa phương này bị thiệt hại. Ngoài lúa, còn 2.046 con gia súc, 7.754 con gia cầm và rất nhiều vườn cây ăn trái ở Cà Mau bị giảm năng suất do thiếu nước. Từ thực tế đó, bài học “xương máu” mà nông dân đúc kết quá trình sản xuất, đó là phải tuân thủ lịch thời vụ mà ngành chức năng khuyến cáo và sử dụng các loại giống ngắn ngày để “né” hạn mặn. Cũng nhờ kinh nghiệm này mà vùng đất lúa - tôm ở huyện Thới Bình đã giảm thiệt hại khi hạn mặn tấn công sớm.

Ông Nguyễn Văn Nhuận (ấp Phủ Thờ, xã Trí Lực, huyện Thới Bình) cho biết, thực hiện khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, vụ lúa trên đất nuôi tôm vừa qua, gia đình ông trồng giống ST 21, thu hoạch năng suất đạt hơn 6 tấn/ha, được bao tiêu đầu ra với giá hơn 7.000 đồng/kg. Loại giống ST thời gian sinh trưởng ngắn, nên khi mặn về gia đình tôi đã thu hoạch xong vụ lúa, không bị ảnh hưởng.

Đưa chúng tôi về những cánh đồng lúa - tôm đang vào vụ chính nuôi tôm, ông Hà Minh Sữa, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Lực cho biết, nhờ liên kết “bốn nhà” mà đến cuối năm 2018, nông dân toàn xã hoàn thành xong việc chuyển đổi các giống lúa mùa địa phương, giống dài ngày sang các giống có gốc “ST” và lúa hữu cơ, thời gian sinh trưởng ngắn. Nông dân các ấp đã tham gia vào các hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp ký bao tiêu toàn bộ đầu ra. Nhờ đó mà hạn mặn dù đến sớm cũng không phương hại đến sản xuất.

Tại một số vùng ngọt hóa của Cà Mau, ngoài áp dụng giống lúa ngắn ngày, nông dân ở xã Trần Hợi, Khánh Hưng của huyện Trần Văn Thời còn thực hiện việc xuống giống sớm theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Vì thế, đồng lúa của nhà nông thu hoạch trước khi khô hạn tấn công. Vụ đông xuân này ở Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình… không bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Ông Sử Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời khẳng định, sau vụ đông xuân, nông dân đã xuống giống vụ màu, tốn rất ít nước tưới nên năng suất dù có giảm nhưng không lớn, nếu xuống giống trễ hơn thiệt hại sẽ rất lớn.

Tuân thủ lịch thời vụ cũng là giải pháp nhằm giảm thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn trong sản xuất của nông dân tỉnh Sóc Trăng. Còn nhớ, năm 2016, do tác động của thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, tại huyện Long Phú (Sóc Trăng) có hơn 70% lúa xuân hè bị thiệt hại, với diện tích hơn 4.778 ha của hơn 4.375 hộ dân. Năm đó, Nhà nước phải hỗ trợ với gần 8 tỷ đồng giúp địa phương khắc phục khó khăn.

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Phước cho biết, vụ đông xuân 2019 - 2020, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai tốt khung lịch thời vụ theo hướng sớm hơn cùng kỳ hằng năm một tháng và tuyên truyền vận động nông dân không xuống giống lúa vụ ba, bởi hạn hán và nước mặn sẽ tấn công sớm, vì vậy mà vụ lúa đông xuân tỉnh Sóc Trăng không bị thiệt hại do hạn mặn.

(Còn nữa)