Thích ứng với hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Bên cạnh mô hình “tôm - lúa”, được xem là mô hình sản xuất thành công ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thì người nông dân nơi đây còn áp dụng nhiều hình thức sản xuất khác, vừa phù hợp thổ nhưỡng, vừa thích ứng những tác động của tiêu cực với diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu hiện nay. Đặc biệt, những mô hình này có thể nhân rộng ra các địa phương khác.

Nông dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm càng xanh
Nông dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm càng xanh

Kỳ 3: Những mô hình sản xuất thành công

Trồng mè trên đất lúa ở Tây Đô

Ở Cần Thơ, thủ phủ của vùng Tây Nam Bộ, nhiều năm qua, nông dân các quận vùng ven như: Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh luân canh trồng cây mè (vừng) trên ruộng lúa trong vụ hè thu cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so làm ba vụ lúa trong năm.

Nông dân Nguyễn Văn Trắng, ở khu vực Thới Lợi, phường Thới Long, quận Ô Môn, vừa thu hoạch bốn công mè trồng trên đất lúa, đạt năng suất cao, bán được giá. Gặp chúng tôi, ông Trắng phấn khởi cho biết, bốn công mè thu hoạch gần 500 kg, bán được giá 30.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mỗi công thu lãi hơn 2 triệu đồng, gấp đôi so trồng lúa hè thu, do chi phí đầu tư thấp chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/công, mà thời gian lại ngắn, khoảng 75 ngày là thu hoạch. Mè dễ trồng, dễ chăm sóc, mỗi tháng tưới chỉ một lần, rất thích hợp trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn như hiện nay.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2020, nông dân TP Cần Thơ xuống giống hơn 2.300 ha mè trong vụ hè thu, tăng hơn 1.700 ha so năm 2019. Việc diện tích vụ mè năm nay tăng cao là do nông dân nắm được tình hình hạn hán và mặn xâm nhập nên chủ động sản xuất cây mè. Việc người nông dân sản xuất luân canh giữa lúa và mè trong vụ hè thu không chỉ giúp tăng lợi nhuận ngay trong vụ sản xuất này mà còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các việc sản xuất các vụ lúa sau.

Ruộng lúa sau khi sản xuất mè sạ lại lúa sẽ trúng mùa vì đất được cải tạo và ít sâu bệnh hơn so với sản xuất lúa liên tục ba vụ trong năm, do các mầm sâu bệnh bị tiêu diệt. Ngoài ra, cây mè thuộc loại cây trồng tiết kiệm nước trong mùa nắng và thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong vụ sản xuất hè thu hằng năm. Hạt mè sau khi thu hoạch và phơi khô, có thể bảo quản được trong một thời gian rất dài, có thể trữ hàng lại để chờ giá, hạn chế được áp lực bán ra khi bước vào mùa thu hoạch rộ.

Năm nay, giá mè tăng trở lại nhưng đầu ra vẫn chưa bảo đảm nên nông dân vẫn còn e dè, chưa mạnh dạn chuyển đổi trồng mè trên diện tích lúa hè thu kém hiệu quả như những năm trước đây. Do vậy, nông dân trồng mè kiến nghị ngành nông nghiệp, UBND các quận, huyện cần có chính sách hỗ trợ đầu ra ổn định cho hạt mè, nhất là liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để cây mè phát triển bền vững.

Cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát

Ở tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, nông dân vùng đất bị nhiễm phèn, mặn đã chọn cây mãng cầu xiêm để chuyển đổi, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Chúng tôi về xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, nơi thường xuyên bị xâm nhập mặn và nhiễm phèn cây trái bị ảnh hưởng nặng. Thời gian qua, hầu hết bà con nơi đây đã chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn cây kém hiệu quả sang trồng cây mãng cầu xiêm.

Anh Nguyễn Minh Cảnh, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã Thuận Hòa cho biết, trước đây, rất ít người trồng cây mãng cầu xiêm. Nhưng giống cây này chống chọi được với phèn mặn mà hiệu quả kinh tế khá cao, nên bà con bắt đầu chuyển đổi. Hiện, diện tích cây mãng cầu xiêm tăng dần lên, đặc biệt là từ năm 2016 bà con chuyển rất mạnh, đến nay đã tăng lên 83 ha, tập trung ở ấp 2. Nhưng nông dân nơi đây có sáng kiến, trồng giống mãng cầu xiêm ghép vào gốc cây bình bát - một loại cây tạp mọc phổ biến ở vùng đất phèn mặn.

Một trong những người đi đầu trong mô hình trồng cây mãng cầu xiêm ghép bo gốc bình bát là ông Nguyễn Văn Tường. Ông Tường kể rằng, trước đây vùng đất này nhiễm phèn rất nặng, rồi gần đây bị thêm xâm nhập mặn, nên cây gì trồng xuống sống cũng èo ọt, hoặc chết. Sau này nhờ hệ thống thủy lợi tháo úng rửa phèn, bà con mới trồng được một số loại cây chịu phèn, như lúa, khóm, mía… nhưng hiệu quả không cao. Năm 2004, nhờ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã khuyến cáo, hướng dẫn kỹ thuật, ông Tường quyết định chuyển sang trồng bốn công mãng cầu xiêm. Từ thực tế cho thấy, cây mãng cầu xiêm ghép trên gốc bình bát có khả năng sinh trưởng, phát triển và chống chịu tốt với điều kiện hạn, mặn xảy ra hằng năm.

Tuy nhiên, để mãng cầu tự thụ phấn sẽ cho trái rất ít, vì vậy phải có “bí quyết” thụ phấn để cây mãng cầu ra trái nhiều. Ông Tường chia sẻ: “Khi mãng cầu ra hoa, vào buổi chiều cần phải hái hoa mãng cầu cái và phơi trong tám giờ cho hoa bung nhụy, sau đó trút nhụy hoa vào ly thủy tinh cho vào tủ lạnh để ở ngăn mát. Khoảng 8 - 9 giờ sáng, kiểm tra xem thấy nhụy có nước nhô lên thì chấm phấn vào nụ thì mãng cầu sẽ đậu quả. Cách khác đơn giản hơn là lắc bông mãng cầu cho nhụy và phấn rơi vào đáy hoa mãng cầu mới đậu quả.

Theo ông Tường, cây mãng cầu xiêm sẽ cho trái sau hai năm trồng, nhưng cho năng suất cao từ năm thứ tư trở đi, từ 30 - 35 tấn/ha. Với giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg tùy thời điểm, bà con thu về không dưới 300 triệu đồng/ha.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 ha trồng mãng cầu xiêm, tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, TP Ngã Bảy… trong đó, huyện Long Mỹ hơn 130 ha, huyện Phụng Hiệp có gần 500 ha trồng mãng cầu xiêm.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết: Lúc trước, giá trái mãng cầu xiêm lên xuống thất thường, nên từ năm 2016, Hợp tác xã (HTX) mãng cầu xiêm Thuận Hòa ra đời, nhằm thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tạo thuận lợi trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn, giúp ổn định đầu ra cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Tường hiện cũng là thành viên trong Ban quản trị và là Trưởng ban Kiểm soát của HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa cho biết: HTX hiện có 40 thành viên, với diện tích sản xuất 47 ha, trong đó có 32 ha đang cho trái.

Trong khi đó, theo ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh, hiện nay, cây mãng cầu xiêm không những góp phần cải thiện đời sống kinh tế của người dân địa phương, mà còn mở ra thêm sự lựa chọn để chuyển đổi cho những diện tích vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả ở những vùng trũng, nhiễm phèn, mặn của Hậu Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Xây hồ trữ nước ngọt tưới rau màu

Ở tỉnh Trà Vinh, lâu nay việc khoan giếng lấy nước ngầm phục vụ sinh hoạt, trồng màu, nuôi thủy sản… đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, có đời sống kinh tế khá hơn. Tuy nhiên, gần 40 năm khai thác không ngừng, đã làm cạn kiệt nguồn nước ngầm, nguy cơ sụt lún đất. Vì vậy mô hình xây hồ trữ nước ngọt phục vụ sản xuất đã được Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh khởi động từ năm 2016, với vốn đầu tư ba tỷ đồng, xây hồ trữ nước ngọt trên diện tích 1,1 ha ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang. Để phát huy hiệu quả, Dự án AMD Trà Vinh đầu tư xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt, thí điểm sử dụng năng lượng mặt trời hòa lưới với công suất 1,3 kW phục vụ tưới 0,3 ha, đánh giá có hiệu quả và khuyến khích nhân rộng. Đầu năm 2020, dự án đầu tư thêm gần 750 triệu đồng để lắp đặt pin mặt trời, máy bơm điều áp và đường ống tưới cho chín hộ dân trồng màu trên diện tích 11 ha.

Ông Lê Văn Trí và Tạ Văn Do là hai nông dân hưởng lợi dự án này cho biết, giếng khoan tầng sâu đã bơm lên hết nước, giếng tầng cạn cũng gần hết nước. Nhờ có hồ trữ nước ngọt này mà giữa mùa khô, nông dân vẫn trồng được bầu, bí… dự tính thu nhập khoảng 10 đến 15 triệu đồng/công.

Ông Huỳnh Văn Nghĩa, Trưởng Ban nhân dân ấp Huyền Đức, Trưởng tổ hợp tác quản lý hồ nước cho biết, khi hồ trữ nước chưa xây dựng, nhiều nông dân không mặn mà với mô hình này. Tuy nhiên, thực tế nắng hạn năm nay nhiều diện tích trồng màu không có nước tưới, nhưng tại mô hình này nguồn nước tưới luôn cung cấp đủ, cây màu phát triển xanh tốt, bội thu. Giờ thì có rất nhiều người tình nguyện đăng ký xin vào tổ hợp tác sản xuất để chủ động nguồn nước sản xuất.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, những năm qua, nhiều mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai thí điểm và được đánh giá có hiệu quả cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Chỉ riêng Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL tại tỉnh Trà Vinh do Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp (IFAD) tài trợ với tổng các nguồn vốn đầu tư 521 tỷ đồng giúp cho 7.424 hộ dân được hưởng lợi. Mục đích dự án là xây dựng sinh kế bền vững cho người nghèo nông thôn trong môi trường thay đổi. Các mô hình tiết kiệm nước tưới, giảm thiểu tác động môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp ở tỉnh Trà Vinh - nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer.

(Còn nữa)