Thăm vườn người để học cách làm hay

Tuổi đời còn trẻ, nhưng những năm qua, chàng thanh niên Y Thuyl Niê sinh năm 1992, dân tộc Ê Đê ở buôn A Yun, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk thường xuyên tổ chức các chuyến trải nghiệm nông nghiệp... nhằm chia sẻ kiến thức làm nông nghiệp hiện đại cho thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) ở các buôn làng.

Các thanh niên DTTS trong một chuyến trải nghiệm thực tế ở các buôn làng tỉnh Đắk Lắk.
Các thanh niên DTTS trong một chuyến trải nghiệm thực tế ở các buôn làng tỉnh Đắk Lắk.

Kết nối đam mê

Như thường lệ, thông qua kế hoạch tham quan chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn cà-phê được đăng trên Facebook cá nhân, sáng chủ nhật các thành viên trong nhóm đã có mặt đầy đủ ở buôn Brăh, xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk. Ngoài các thành viên trong nhóm, còn có 15 thanh niên chủ yếu là đồng bào DTTS đến từ các huyện trong tỉnh.

Y Thuyl dậy sớm hơn thường ngày và chạy xe đến điểm hẹn để đón các thành viên từ nơi xa đến. Nhìn những gương mặt vui vẻ chuẩn bị cho một chuyến trải nghiệm mới, anh Y Thuyl chia sẻ: Để buổi trải nghiệm diễn ra suôn sẻ, hiệu quả, em phải lên kế hoạch chi tiết như phải liên hệ trước chủ vườn cà-phê đến tham quan; giờ giấc gặp gỡ, trải nghiệm; nội dung chia sẻ trong suốt chuyến trải nghiệm; kinh phí mua thực phẩm ăn sáng, ăn trưa... rồi chia sẻ lên trang Facebook cá nhân cho mọi người tham khảo, sắp xếp thời gian. Ai tham gia thì đăng ký.

Với cách làm này, những chuyến trải nghiệm ban đầu, các thành viên tham gia chủ yếu là các bạn thanh niên trong buôn và số lượng không nhiều. Nhưng sau một thời gian ngắn, chính nhờ hiệu quả của những chuyến trải nghiệm thực tế nên tiếng lành đồn xa, số người đăng ký tham gia ngày càng đông và số ngày trải nghiệm cũng được tổ chức thường xuyên hơn.

Anh Y Trung Niê ở buôn Đrah, xã Cư Né, huyện Krông Búk vượt hơn 30 km đến điểm hẹn để tham gia chuyến trải nghiệm từ rất sớm. Tham gia lần đầu, anh vừa làm quen với mọi người, vừa chăm chú lắng nghe những câu chuyện làm ăn, kỹ thuật chăm sóc vườn cà-phê sao cho hiệu quả cao nhất. Y Trung bộc bạch: “Một lần lên mạng tìm kiếm thông tin thì biết được chương trình trải nghiệm vườn cà-phê do anh Y Thuyl tổ chức. Mừng quá, tôi liền đăng ký”. Hầu hết những người tham gia những chuyến trải nghiệm tổ chức đều thông qua mạng xã hội.

Lan tỏa kiến thức canh tác hiện đại

Dưới làn sương mỏng đang tan dần, anh Y Thuyl đưa đoàn thăm vườn cà-phê tái canh hơn hai năm tuổi của gia đình anh Y Dịu Ktla ở buôn Brăh, xã Cư Dliê M’nông. Anh Y Dịu chia sẻ: “Gia đình tôi có sáu sào cà-phê già cỗi nhưng do thiếu vốn đầu tư nên tái canh trước hai sào vào cuối năm 2017. Khi tái canh, điều tôi lo lắng nhất là bệnh tuyến trùng trên cây cà-phê. Thời điểm đó, may mắn có anh Y Thuyl thường xuyên liên hệ lui tới hướng dẫn quy trình xử lý mầm bệnh trong đất, chọn giống, sử dụng phân bón... nên vườn cà-phê mới phát triển tươi tốt và cho năng suất cao như hôm nay”.

Dẫn mọi người tham quan vườn cà-phê trĩu quả sắp cho thu hoạch, dừng lại bên cây bị bệnh đang phục hồi trở lại, anh Y Thuyl hướng dẫn mọi người đứng chung quanh, còn mình vào đứng ngay bên cây cà-phê và phân tích: Khi cây cà-phê đã nhiễm bệnh tuyến trùng phải dùng thuốc hóa học điều trị, cần tuân thủ liều lượng và thời gian dùng. Nếu điều trị hai hoặc ba lần mà không thấy hồi phục thì nhổ bỏ, xử lý kỹ phần đất tránh lây sang cây khác. Những cây phục hồi lại thì dùng thêm các loại chế phẩm sinh học để kích thích cây ra rễ bởi bệnh tuyến trùng thường tấn công vào bộ rễ…

Cứ mỗi chuyến trải nghiệm, Y Thuyl dẫn các thành viên trong đoàn từ vườn cà-phê này sang vườn cà-phê khác tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, chọn phân bón... Cho đến khi đứng bóng, thậm chí có những chuyến đến xế chiều mới kết thúc hành trình. Anh Y Ngọc Niê ở buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Búk lần đầu tham gia chuyến trải nghiệm tâm sự: Từ trước đến giờ, bố mẹ tôi cũng như bà con trong buôn chỉ trồng cà-phê theo lối truyền thống, khi cây bị bệnh mới trị chứ không có giải pháp tổng thể từ trồng, chăm sóc, phòng và trị bệnh. Kỹ thuật trồng, chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, phụ thuộc vào thời tiết lại thiếu vốn đầu tư nên năng suất vườn cà-phê rất thấp. Vì vậy, dù làm cà-phê đã nhiều năm rồi mà vẫn không khá lên được. Qua chuyến trải nghiệm thực tế này, được tận mắt thấy, tai nghe anh Y Thuyl và chủ vườn giới thiệu kỹ quy trình canh tác hiện đại, tôi có thêm kiến thức quý báu về áp dụng vào chăm sóc vườn cà-phê của gia đình và hướng dẫn cho mọi người trong buôn cùng làm.

Ngẫm từ mình mà ra

Sau khi hành trình trải nghiệm ngoài vườn cây kết thúc, mọi người trong đoàn tập trung về nhà chủ vườn mỗi người mỗi việc chế biến các thực phẩm mang theo để chuẩn bị cho buổi trưa. Khi cơm canh bày sẵn, mọi người quây quần bên nhau cùng thưởng thức hương vị ẩm thực của đồng bào Tây Nguyên và trao đổi thêm kiến thức nông nghiệp. Bên ché rượu cần vừa khui thơm lừng, Y Thuyl Niê chia sẻ: Trước đây em có học chuyên ngành khuyến nông tại Trường cao đẳng nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên. Sau khi ra trường, em mong muốn mang những kiến thức mình học được chia sẻ với các thanh niên làm nông nghiệp, nhất là thanh niên DTTS, tạo cơ hội giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Y Thuyl hiểu rõ hơn ai hết, thanh niên dân tộc Ê Đê ở buôn làng rất siêng năng cần cù, có sức khỏe nhưng lại không am hiểu khoa học kỹ thuật nên hiệu quả sản xuất thấp. Bản thân anh cũng từng rơi vào hoàn cảnh đó nên đã mạnh dạn tìm lối đi cho riêng mình. Khoảng năm 2015, trong túi chỉ có ít tiền nhưng hễ nghe đâu có vườn cà-phê đẹp là Y Thuyl tìm tới tận nơi tham quan, chủ động kết bạn với những người mới quen để học hỏi kinh nghiệm. Y Thuyl từng lén gia đình nhổ bỏ những cây cà-phê còi cọc thay bằng cây giống do chính tay mình ghép. Khi vườn cà-phê mang lại hiệu quả thì Y Thuyl mới dám cho gia đình biết.

Với những kiến thức học trong trường và tích lũy qua các chuyến trải nghiệm vườn cây do các hội, nhóm trên mạng xã hội tổ chức, đến nay Y Thuyl đã có lưng vốn nhất định. Đam mê sản xuất nông nghiệp và mong muốn lan tỏa kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất hiện đại đến thanh niên DTTS ở các buôn làng Tây Nguyên, Y Thuyl đang nỗ lực mở nhiều chuyến trải nghiệm đến nhiều buôn làng khác nhau và trên nhiều loại cây khác nhau nhằm chia sẻ thông tin, tư vấn kỹ thuật cho bạn trẻ học hỏi lập nghiệp ngay quê hương mình. “Khi đủ điều kiện, em sẽ đứng ra thành lập hợp tác xã chuyên tổ chức các chuyến trải nghiệm nông nghiệp để tạo cơ hội cho các thanh niên ở các buôn làng đi thực tế học hỏi, tích lũy kiến thức làm nông nghiệp hiện đại. Qua đó giúp các bạn trẻ xóa bỏ tư duy làm kinh tế lạc hậu, mong tạo luồng sinh khí mới trong sản xuất nông nghiệp ở các buôn làng Tây Nguyên”, Y Thuyl tâm nguyện.

Từ những kiến thức học được sau những chuyến trải nghiệm, nhiều thanh niên đã áp dụng vào canh tác vườn cà-phê của gia đình mang lại hiệu quả cao hơn. Từ đó, những chuyến trải nghiệm được tổ chức thường xuyên hơn và số người tham gia ngày càng đông hơn, mở ra một hướng đi mới trong chia sẻ kiến thức canh tác nông nghiệp hiện đại ở các buôn làng Đắk Lắk.