Tết xa

Thiếu úy Phùng Văn Khánh, Đồn Biên phòng Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) bảo may mà bây giờ không lạnh như đợt trước Tết, nhiệt độ đã lên tới 7 độ. Duy có cái tiết trời mù mịt thì vẫn thế, sương giăng đầy, chẳng rõ người trước mặt. Vừa ra Tết, Đồn Biên phòng Xín Cái vẫn tiếp tục căng thẳng, bởi áp lực từ hai phía, cả người trốn đi và trốn về. 

Gói bánh chưng trên Nhà giàn DK1.
Gói bánh chưng trên Nhà giàn DK1.

Quên cả Tết

Trước Tết, Đồn Biên phòng Xín Cái là điểm nóng nhất nhì Hà Giang vì lượng người vượt biên trái phép qua các đường mòn lối mở. Các chốt chống dịch căng mình ra hết cỡ. Cả Tết, anh em lăn lộn trong mưa gió, băng tuyết. Khánh vẫn gửi cho chúng tôi vài tấm ảnh, nếu không phải là bóng áo xanh biên phòng giữa băng giá trắng trời thì cũng là trong hư ảo của sương sớm vùng Đông Bắc. Khánh bảo lúc đó đi tuần đêm mà mí mắt cứng cả lại vì nước đọng trên mắt thành băng. “Mỗi lần đi tuần xong ngủ như chưa bao giờ được ngủ chị ạ. Giấc ngủ ngắn mà sâu dã man”, Khánh nhắn vội một cái tin trước giờ đi tuần tiếp theo. Trong khi cả nước vẫn đang tiếp tục với cuộc chiến chống Covid-19, phía biên cương càng không thể nhẹ nhàng. Anh em Đồn Biên phòng Xín Cái vẫn nói vui, là thôi xác định quên Tết đi, để hoàn thành nhiệm vụ. 

Ở giữa tâm dịch Hải Dương, những người lính lại mang một trọng trách khác. Cả tỉnh tiến hành giãn cách xã hội, nhiều khu vực người dân sống trong phong tỏa. Giao thương với một số tỉnh bạn bị ách tắc, nông sản làm ra không tiêu thụ được. Trong khó khăn ấy, lực lượng vũ trang nhân dân, những anh Bộ đội Cụ Hồ lại vào cuộc. Họ xông pha trên tuyến đầu chống dịch, họ là một trong những lực lượng chính trực tại các chốt trọng điểm liên huyện, liên tỉnh, là lực lượng không thể thiếu trực tiếp phục vụ công tác chống dịch trong các khu cách ly. Cả cái Tết Tân Sửu này, cánh lính Hải Dương hầu như chẳng mấy ai đón Tết trọn vẹn ở nhà. Trung tá Nguyễn Văn Đạt, Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Gia Lộc là một trong những cán bộ, chiến sĩ phải xa gia đình, trực thông Tết, bám địa bàn, cùng nhân dân chống dịch. Bộ đội ở Gia Lộc đã trực tiếp tham gia chỉ đạo mọi hoạt động, phối hợp các lực lượng khác trên địa bàn chống dịch, trước tình hình nông sản, rau màu của nhân dân ùn ứ, thương lái không thể vào thu mua. Những ngày này, anh em chủ động nắm bắt tình hình thông qua đường dây nóng bà con “kêu cứu” tới đơn vị, xác định số lượng rau màu còn đang tồn đọng của từng xã, rồi chia nhau, rồi huy động cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân thu hoạch rau màu, hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân đỡ khó khăn, ổn định tâm lý, tích cực thực hiện nghiêm các hoạt động chống dịch.

Đạt cũng cùng anh em phối hợp cùng Đoàn Thanh niên và người dân thu hoạch rau màu. Phần được Đoàn Thanh niên chuyển đi hỗ trợ các điểm cách ly trong tỉnh, phần được chuyển đi Hà Nội và các đầu cầu khác tiêu thụ giúp bà con. Phần được cán bộ, chiến sĩ tập kết về Ban Chỉ huy Quân sự huyện Gia Lộc để hỗ trợ các bếp ăn khu vực cách ly tại huyện. Nhìn những người lính nâng niu từng chiếc bắp cải, củ su hào xếp gọn ghẽ vào từng túi để chuyển đi, đủ thấy bao ân tình quân dân “như cá với nước” dù ở thời chiến hay thời bình; dù đánh giặc bằng súng đạn hay đánh virus vô hình thì họ mãi là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Có rất nhiều nông sản đang có mặt ở Hà Nội trong chiến dịch giải cứu nông sản Hải Dương vừa qua, có bàn tay thu hái của những bóng áo xanh.

Tết xa -0
Bộ đội giúp nhân dân thu hoạch nông sản tại Gia Lộc, Hải Dương. 

Tết nào chẳng xa

“Nhà báo cứ khéo lo, Tết năm nào bọn tôi chả là Tết xa”, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/2 Vũ Duy Hoàng hóm hỉnh khi tôi hỏi về cái Tết của chiến sĩ nhà giàn thời đại dịch Covid-19. Hoàng đã ăn cái Tết thứ ba liên tiếp không về nhà. Hơn 20 năm quân ngũ, Hoàng cũng chẳng xa lạ gì những ngày lênh đênh. Có điều từ khi nhận nhiệm vụ ra nhà giàn, Hoàng cũng bảo thời gian về nhà càng ít. 28 Tết, Nhà DK1/2 mổ con lợn - con lợn hiếm hoi được tiếp tế dịp cuối năm, gói được 20 cái bánh chưng. Hoàng nói mọi thứ vẫn như cũ, duy anh em thì có lo lắng hơn cho gia đình. “Ngoài này yên tâm sạch virus 100%, chỉ lo đất liền thôi”, Hoàng tâm sự.

Ở một phía khác, tại Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1, tàu CSB 8003 thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, tìm kiếm cứu nạn và phòng, chống dịch Covid-19 trên vùng biển Bạch Long Vĩ, Hải Phòng trong cả dịp Tết Nguyên đán này. Tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh, anh em cũng căng thẳng hơn với nhiệm vụ tăng cường quan sát, phát hiện, ngăn chặn các đối tượng nhập cảnh trái phép bằng đường biển để trốn tránh sự kiểm tra, phòng, chống dịch. Với những người lính đã có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ trên tàu, trực Tết trên biển dường như đã trở nên rất đỗi quen thuộc, nhưng với các chiến sĩ trẻ, thì sự háo hức lần đầu được cùng đồng đội đón Tết trên biển được coi như một trải nghiệm thú vị trong quãng đời quân ngũ. Trung úy Trịnh Văn Nam, Trưởng ngành Hàng hải thông tin, quê ở xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), sinh năm 1994, đã trải qua cái Tết đầu tiên trên tàu trực như thế. Năm nay, ngoài sự bỡ ngỡ, anh lính trẻ còn canh cánh chuyện quê nhà đang trong dịch bệnh. Nhưng Nam xác định trở thành người lính biển thì phải gác lại hết những riêng tư của cá nhân để hoàn thành trọng trách nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Ở đây không ai bảo ai, mỗi người tự động viên mình, vượt qua thử thách để trưởng thành hơn trong cuộc sống.