Cổ phần hóa Tổng công ty Tín Nghĩa

Tài sản Nhà nước “trôi” về đâu?

Báo Thời Nay số 869, ngày 14-5, đã đăng bài viết “Công ty “con”, chính sách “người nhà”, đề cập việc Tổng công ty (TCT) Tín Nghĩa, doanh nghiệp (DN) thuộc Tỉnh ủy Đồng Nai, được hưởng nhiều ưu đãi, sử dụng hàng nghìn ha đất để làm khu công nghiệp (KCN), khu đô thị, kinh doanh xăng dầu, kho bãi… Nhưng dường như những lợi ích của Nhà nước lại bị loại bỏ, khi tỉnh Đồng Nai phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) DN này?

Được hưởng nhiều chính sách của tỉnh, nhưng khi định giá để CPH Tín Nghĩa đã tự đánh mất giá trị của mình.
Được hưởng nhiều chính sách của tỉnh, nhưng khi định giá để CPH Tín Nghĩa đã tự đánh mất giá trị của mình.

“Thành tích” chủ yếu là… nợ

Đến thời điểm tháng 4-2015, vốn điều lệ của TCT Tín Nghĩa là 2.332 tỷ đồng, có 10 công ty “con” có vốn góp của TCT chiếm từ 50% đến 100% vốn điều lệ, năm công ty liên kết có vốn góp chiếm 20% đến 50% vốn điều lệ. Cũng tại thời điểm này, theo công bố thông tin đấu giá cổ phần TCT Tín Nghĩa lần đầu ra công chúng (IPO), tổng giá trị thực tế của DN là hơn 6.284 tỷ đồng, nợ phải trả là hơn 4.845 tỷ đồng. Đáng lưu ý, thông báo này cho biết tổng giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại DN là… hơn 1.439 tỷ đồng.

Còn theo Công văn số 10713 của UBND tỉnh Đồng Nai ngày 22-12-2015 phê duyệt phương án CPH TCT Tín Nghĩa, sau chuyển đổi, DN này sẽ quản lý, sử dụng 22.056.242 m² đất KCN - khu dân cư và dịch vụ thương mại... trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, đất đang quản lý sử dụng là hơn 8.145.734 m², đất đang triển khai đầu tư là hơn 13.910.507 m². Ngoài ra, TCT Tín Nghĩa còn sử dụng 55.006 m² đất tại xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng).

Trong khi đó, cũng theo công bố thông tin đấu giá cổ phần TCT Tín Nghĩa, nợ phải trả của TCT Tín Nghĩa là hơn 4.845 tỷ đồng, chiếm hơn ba phần tư tổng giá trị thực tế của DN. Nói cách khác, tài sản TCT Tín Nghĩa, hóa ra, chủ yếu hình thành từ… vốn vay chứ không phải từ quỹ 2.205 ha đất KCN, khu đô thị - dân cư mà DN này đang sở hữu.

Vì sao DN được gọi là “vua” đất tại Đồng Nai này lại tăng trưởng chủ yếu nhờ nợ nần, đặc biệt khi những khoản nợ phải trả chiếm đến hơn ba phần tư tổng giá trị thực tế DN? Đây là câu hỏi nhiều người đặt ra.

Một gợi ý để trả lời đến ngay từ những thông tin trong bản công bố đấu giá cổ phần IPO của TCT Tín Nghĩa. Theo đó, có chênh lệch rất lớn giữa giá trị DN tự đánh giá và giá trị DN được đánh giá lại. Cụ thể, sau đánh giá lại, giá trị DN này đã tăng hơn 575 tỷ đồng, từ hơn 5.709 tỷ đồng lên 6.284 tỷ đồng. Trong đó, giá trị bất động sản đầu tư và các khoản đầu tư tăng lớn nhất sau khi đánh giá lại.

Sự chênh lệch tăng này và con số hơn 4.845 tỷ đồng nợ phải trả có thể đưa tới hai giả thiết liên quan hoạt động CPH TCT Tín Nghĩa. Thứ nhất, do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, tài sản Nhà nước tại TCT đã bị “nuốt” dần, dù TCT có quỹ đất rất lớn. Thứ hai, nếu giả thiết đầu tiên là không đúng, thì có nghĩa đã xuất hiện “thao tác” làm giảm giá giá trị thật của TCT Tín Nghĩa khi CPH.

Để tiện cho bạn đọc so sánh, chúng tôi cung cấp một thí dụ liên quan giá trị đất KCN tại Đồng Nai. Cụ thể, tháng 6-2011, UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho Công ty Donafoods chuyển nhượng 28% cổ phần Nhà nước tại Công ty CP Đầu tư Long Đức và thu về hơn 221 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Đầu tư Long Đức có giá trị DN vào khoảng 788 tỷ đồng, chỉ khai thác 270 ha KCN Long Đức nằm ngay cạnh KCN An Phước của TCT Tín Nghĩa. Như vậy, giá trị sổ sách của DN này phân bổ vào mỗi ha đất KCN đang khai thác đã là khoảng hơn 2,9 tỷ đồng.

Tương ứng, nếu lấy giá trị của KCN Long Đức vào tháng 6-2011 và nhân với 200 ha đất của KCN An Phước thuộc TCT Tín Nghĩa (vào thời điểm năm 2015) đã có thể là hơn 585 tỷ đồng. Vậy giá trị thực tế của KCN An Phước là bao nhiêu khi hàng loạt những lợi thế như được thuê đất với giá theo chính sách “người nhà”, hạ tầng khu vực đã được phát triển đồng bộ, thời điểm đầu tư Sân bay quốc tế Long Thành đã được định ra... trong khi diện tích đất KCN - khu đô thị của Tín Nghĩa trên địa bàn Đồng Nai lên đến hơn 2.250 ha?

Thất thoát nguồn lực tài sản công?

Việc định giá tài sản Nhà nước tại TCT Tín Nghĩa dường như thấp hơn giá trị thật đã có được nhờ vào những lợi thế mang tính biệt đãi do là công ty “con” của Tỉnh ủy Đồng Nai?

Đó chỉ là một phần của những vấn đề đặt ra khi CPH tại TCT Tín Nghĩa. Hơn nữa, đã xuất hiện những dấu hiệu “bỏ ngoài” giá trị của công ty “con” khi định giá TCT Tín Nghĩa. Cụ thể, giá trị bất động sản (BĐS) đầu tư của TCT được định giá là hơn 395 tỷ đồng, với hàng chục ha đất đang do TCT Tín Nghĩa quản lý. Bên cạnh đó là hơn 130 ha đất dự án (DA) Khu đô thị, du lịch xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch.

Theo QĐ số 64/2014/QĐ-UBND tỉnh Đồng Nai ngày 22-12-2014 quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đất ở nông thôn thuộc khu vực xã Đại Phước cao nhất là 2,5 triệu đồng/m² và thấp nhất là 450.000 đồng/m². Do đó, nếu DA Khu đô thị, du lịch xã Đại Phước được đưa vào kinh doanh khai thác, ít nhất cũng tạo ra nguồn thu cho TCT Tín Nghĩa hơn 500 tỷ đồng. Tức là, giá trị một DA đã có thể vượt qua giá trị toàn bộ các BĐS đầu tư của TCT Tín Nghĩa, thể hiện tại cáo bạch để IPO.

“Sức mạnh” về BĐS của TCT Tín Nghĩa còn thể hiện phần rất lớn tại các công ty “con”. Trong đó, Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch, do TCT Tín Nghĩa chiếm 51,51% cổ phần, hiện là chủ DA Đông Sài Gòn với gần 942 ha đất nằm kế bên thị trấn Nhơn Trạch. DA này được phê duyệt từ tháng 10-2008.

Đến ngày 24-10-2017, tỉnh Đồng Nai có Quyết định số 3736/QĐ-UBND chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Nhơn Trạch làm nhà đầu tư thứ nhất và nhà đầu tư thứ hai là VNIC 2 PTE (của Singapore) thực hiện DA “Thành phố Thiên Nga” trên diện tích hơn 106 ha đất. Một phần quyền sử dụng đất trong diện tích đất này được tỉnh “định giá” là hơn 113 tỷ đồng. Lấy số tiền này chia đều cho 106 ha, tương đương khoảng 1,068 tỷ đồng/ha.

Như vậy, dẫn chiếu chỉ theo giá này, gần 942 ha DA Đông Sài Gòn có giá trị lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại cáo bạch IPO của TCT Tín Nghĩa, tổng giá trị vốn góp vào 15 công ty “con”, công ty liên kết của TCT là khoảng 1.459,7 tỷ đồng. Tức là chỉ gấp 1,5 giá trị của một trong số 15 công ty này. Nói cách khác, giá trị thật của các phần vốn góp tại 15 công ty con, công ty liên kết của TCT Tín Nghĩa dường như không phản ánh trong định giá về DN này.

Đánh giá về việc định giá TCT Tín Nghĩa trước khi CPH, TS kinh tế Mai Đình Lâm, Trưởng Bộ môn Tài chính công Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng: “Tất cả tài sản của TCT Tín Nghĩa trước khi CPH được xác định là tài sản công và nếu không được minh bạch trong định giá sẽ dễ dẫn đến thất thoát tài sản công. Việc CPH DN nhà nước là đi đúng hướng của Chính phủ nhưng cần phải kiểm soát chặt chẽ, không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực công”.

Cùng quan điểm này, theo LS Nguyễn Văn Quynh, Đoàn luật sư Hà Nội : “Việc đẩy mạnh CPH các công ty “con” của Đảng là cần thiết, để họ hoạt động theo Luật DN và tự chịu trách nhiệm trước hoạt động của mình. Trong đó, Nhà nước chỉ cần nắm tỷ lệ dưới 50% vốn hoặc thấp hơn để giúp cho sự minh bạch DN. Về mô hình hoạt động của TCT Tín Nghĩa, đây là hệ quả của hoạt động theo kiểu “người nhà” giữa chính quyền với DN. Với các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn đầu tư tại Việt Nam, họ sợ nhất khi phải đối mặt với những dạng công ty “con” của các cấp chính quyền. Xét về yếu tố cạnh tranh thì các công ty “con” sẽ nắm chắc phần thắng”.