Sự băn khoăn có tên “vàng trắng”

Với mục đích góp phần tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, chống xói mòn đất, phủ xanh đất trống đồi núi trọc… chủ trương đưa cây cao-su lên trồng tại một số tỉnh vùng cao miền núi phía bắc nói chung và Sơn La nói riêng là rất đáng hoan nghênh. Sau hơn 10 năm trồng, chăm sóc, một số diện tích cao-su đã cho thu hoạch mủ. Nhưng kết quả hiện vẫn chưa như kỳ vọng.

Sau 10 năm trồng và chăm sóc, hàng nghìn ha cao-su ở Sơn La vẫn chưa cho thu hoạch.
Sau 10 năm trồng và chăm sóc, hàng nghìn ha cao-su ở Sơn La vẫn chưa cho thu hoạch.

Kỳ 1: Giáp hạt cuối kỳ kiến thiết

Đằng đẵng những tiếc nuối…

Phần lớn đất đai cha ông để lại của nhiều hộ gia đình ở Sơn La đã góp vào Công ty CP Cao-su Sơn La (công ty). Đây được coi là cổ phần để phân chia lợi ích sau này. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm tham gia góp đất, lợi ích mà người dân thu được vẫn chỉ là những lời hứa hoặc số tiền quá ít ỏi.

Sau nhiều cuộc điện thoại và đợi cả buổi sáng, gần 12 giờ trưa chúng tôi mới nghe thấy tiếng lạch cạch lao gỗ từ vách núi dựng đứng ở bản Lạnh B xuống. Ông Lường Văn Chương trở về sau một buổi đi làm nương với khúc củi lớn trên vai, công việc thường ngày của ông.

Có lẽ ông Chương, Trưởng bản Lạnh B (xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, Sơn La) chẳng bao giờ nghĩ đến tình cảnh ngày hôm nay. “Chẳng ngờ cuộc đời mình có lúc lại như vậy. Mỗi ngày trôi qua dài đằng đẵng, dai dẳng như… cao-su vậy!”, ông Chương buồn bã. Cách đây 10 năm, khi thực hiện chính sách, chủ trương trồng cây cao-su theo cách “đã vào quy hoạch”, ông Chương góp 1,6 ha đất canh tác ngô, sắn hằng năm của mình với thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm để trồng cao-su.

Khi ấy ông cùng 147 hộ dân khác được điền tên vào danh sách những hộ góp đất, hộ góp nhiều lên đến 7 ha, hộ ít thì vài trăm m². Với những hộ góp đất từ 1 ha trở lên sẽ có một “suất” làm công nhân cho công ty. Và lẽ đương nhiên gia đình ông Chương có một người được nhận vào. Từ khi góp đất, nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc đồng lương làm công nhân theo thời vụ ít ỏi. Khi có việc mới có lương, cuộc sống trở nên khó khăn, không có nguồn thu nhập nào khác, ông phải lên núi khai hoang.

Đứng ở nhà ông nhìn lên triền núi, thấy những đám khói bay ngang như những đám mây lơ lửng giữa bầu trời. Hỏi ra mới biết đó là nơi ông vừa đốt cây cỏ dại để canh tác. Chỉ tay về phía vách đá dựng đứng cao gấp nhiều lần nóc nhà mình, ông Chương kể: “Mình phải bắc thang trèo qua vách đá dựng đứng đầy hiểm nguy kia, sau đó đi bộ thêm cả đoạn đường dài nữa mới đến nương. Nếu đi xe máy phải vòng khoảng 5 km đường gập ghềnh”.

Vượt hiểm nguy để đến được nơi kiếm kế sinh nhai, lúc này ông mới nghĩ: “Nếu chỗ đất 1,6 ha trước kia chưa góp đất trồng cao-su, mình trồng sắn, ngô, cà-phê, cây ăn quả thì cuộc sống sẽ không vất vả như bây giờ”.

Mặt ông dường như lúc nào cũng đăm chiêu, suy nghĩ: “Nếu cứ để cao-su thì tương lai không đủ sống do thu hoạch kém quá. Vì trong vòng hai năm cạo mủ với 6.300 m² công ty chia cổ phần được có… một triệu đồng. Nếu trồng ngô sắn, giá được cao hơn. Giờ nhiều hộ dân muốn đòi lại đất thì khó lắm, nhà mình ký hợp đồng rồi. Ở bản nhiều hộ đã ký và đã đưa hợp đồng cho công ty ra xã đóng dấu nhưng… chưa thấy đưa lại”.

Trăn trở thường nhật

Được biết, theo chủ trương của chính quyền, hộ có đất ít góp ít và ngược lại, “mình được vận động góp đất, có sản phẩm ra thì sẽ chia theo sản phẩm, bên góp đất được 10%. Ngày xưa bà con tham gia làm công nhân nhiều nhưng sau đó ngày có việc, ngày không có việc, thu nhập không đều nên bà con nghỉ gần hết. Hiện tại cây cao-su phát triển bình thường, ở vùng đất tốt đã được cạo mủ, đất xấu thì chưa”, ông Chương nói.

Rồi ông đưa ra hợp đồng góp quyền sử dụng đất (QSDĐ) để hợp tác trồng cao-su và cho biết, huyện, tỉnh, trước đây vận động và thông báo: “Đây là vùng quy hoạch trồng cao-su, theo chủ trương lớn của địa phương, nên nhân dân đã trồng theo đúng quy hoạch”. Được biết, một số hộ gia đình chưa cạo mủ vì cây nhỏ do không chăm sóc tốt, bà con ít việc làm. Cả ba bản trong vùng này gồm 147 hộ tham gia trồng hơn 69 ha. Ban đầu, khi tham gia góp đất, các hộ dân chưa làm hợp đồng. Gần đây mới làm, cũng vẫn có hộ chưa nhất trí ký.

Ở Lạnh B còn có vợ chồng Lò Văn Thuận, Lò Thị Đỉnh góp 3.000 m², nhưng đến nay cao-su trên đất của gia đình trồng từ năm 2008 vẫn chưa khai thác được. “Cao-su thu nhập không tốt. Trước còn bảo khi nào có nhựa, có mủ thì được chia cổ phần. Nhưng giờ hơn chục năm qua đi rồi mà chả thấy cái cổ phần đâu”, anh Lò Văn Thuận ngán ngẩm.

“Còn đất trồng cà-phê thì đều là đất trong nương có đá nhiều, đất ấy họ không lấy để trồng cao-su. Trước đây xã cũng đến vận động, có nhà không nhất trí làm đâu, nhưng xã với bản bảo bây giờ hai bên đều trồng cao-su, mình ở giữa mình không góp thì trồng cây gì mà ăn được? Trồng hơn chục năm rồi, giờ thiếu ăn, nương rẫy thì ít. Cuộc sống khó khăn, nhưng cây cao-su mà có kết quả thì dân cũng không bỏ đâu”, anh Thuận buồn rầu chia sẻ.

Anh Thuận cho biết thêm, “Trồng cao-su từ khi con gái tôi lấy chồng, mà bây giờ con của nó học lớp 5 - 6 đấy, vẫn chưa thấy cao-su có được cái gì. Cuối năm thì công ty cho hai hộp bánh, một chai dầu ăn, một chai nước mắm”.

Chị Lò Thị Đỉnh kể: “Nhà tôi có thằng con đi làm công nhân được độ sáu - bảy năm. Lương không phải tháng nào cũng đều nhau đâu, làm ngày nào tính ngày công ấy. Phát cỏ thì mỗi công được 50.000 - 60.000 đồng nếu phát được 120 cây. Công bón phân thì cao hơn một chút”.

Thiếu đất canh tác, các hộ buộc phải thay đổi sinh kế. Nhiều hộ dân so sánh mỗi ha đất trồng sắn hoặc ngô, mỗi vụ, một hộ cũng thu được 20-30 triệu đồng. Trồng cao-su nên nhiều năm qua mất nguồn thu này. Chính điều đó khiến nhiều thành viên trẻ của nhiều hộ đã phải đi tìm việc làm thuê bên ngoài, để con cái ở nhà với ông bà.

Ngổn ngang giữ hay bỏ!

Đem những trăn trở của bà con đến trao đổi với ông Hồ Anh Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao-su Sơn La, ông Đức nói: “Hợp đồng ký kiến thiết cơ bản là tám năm. Hợp đồng có sự thống nhất giữa Tập đoàn (TĐ), Tổng công ty, các ban, ngành của tỉnh và người dân. Và phải có 20 đến 22 năm khai thác. Tổng là 30 năm. Trồng đến năm thứ chín, cây cao-su mới khai thác. Khai thác xong sẽ có tận thu thanh lý gỗ cao-su”.

Theo ông Đức, năm 2007, khi TĐ đầu tư, toàn vùng hiện nay trồng cao-su đều là đất hoang không trồng được bất cứ cây gì, cũng không có rừng. Tỉnh và TĐ có hướng phát triển cây cao-su, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Hiện tại cuối kỳ kiến thiết, cây khép tán, công chăm sóc ít, dân thấy thu nhập ít hơn nên thắc mắc. Vì những lúc đầu khai hoang, trồng mới, đào hố, chăm sóc, rất nhiều công, thu nhập rất ổn định 10-12 triệu đồng/lao động/tháng. Hiện nay thu nhập từ cây ăn quả bước đầu cao hơn cao-su, các hộ dân đang so sánh giữa cao-su và cây ăn quả khác.

Còn ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thuận Châu cho biết: “Giờ giá cao-su thấp nên bà con buồn, lúc trồng là giá mủ cao-su hơn 100 triệu đồng/tấn, giờ chỉ còn có 30 triệu đồng/tấn. Bà con ai cũng kêu, góp đất trồng cao-su mà bây giờ sản lượng ít quá, giá lại thấp. Toàn huyện có đến 90% số bà con đã ký hợp đồng nên những mất mát cũng như mong muốn của bà con rất khó giải quyết. Bà con bỏ cũng không bỏ nổi vì cũng hơn chục năm rồi. Cây cao-su lại là tài sản của công ty, hơn nữa, đó là chủ trương lớn, không bỏ được”.

(Còn nữa)

Khi chia tay chúng tôi, ông Lường Văn Chương ngồi ở hiên nhà, hướng ánh mắt nhìn xa xăm: “Tôi có con trai và con dâu không có việc làm nên giờ đi Hà Nội làm thuê, để hai cháu ở nhà. Không biết tương lai các cháu sẽ ra sao? Rồi còn bà con làng bản nữa, giờ bà con rất buồn, không có đất sản xuất nên đi làm thuê, trước đây có gần 60 người làm công nhân cao-su giờ chỉ còn có… bảy người”.