“Sống treo” giữa công trình nghìn tỷ

Theo kế hoạch, trước 30-4-2020, Đắk Lắk phải giải phóng mặt bằng được 134,5 ha vùng lòng hồ; trước 25-8-2020 thêm 485 ha và trước tháng 11-2020 phải hoàn thành toàn bộ. Thế nhưng, trong cuộc họp khẩn giữa Bộ NN&PTNT với tỉnh Đắk Lắk ngày 24-8, các bên đều thống nhất điều này là bất khả thi. 

Quá trình triển khai dự án đang gặp phải một số vướng mắc.
Quá trình triển khai dự án đang gặp phải một số vướng mắc.

Kỳ 2: Quả bóng trách nhiệm và những nút thắt

(Tiếp theo & hết)

Sợ trách nhiệm nên… đốt hồ sơ

Ông Phạm Văn Hạ, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk (Ban A tỉnh), đại diện chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng - thừa nhận sự chậm trễ của dự án. Nhưng ông Hạ cho rằng việc chậm trễ là do khối lượng công việc lớn quá khả năng của Ban, trong khi đó, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành của tỉnh và cấp huyện chưa tốt, lực lượng còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp huyện.

Ban A nhận công tác giải phóng mặt bằng hồ thủy lợi từ 2018. Trước đó, nhiệm vụ này thuộc UBND huyện Ea Kar. Thế nhưng, khi được hỏi về hồ sơ đền bù thì ông Hạ cho hay, một phần hồ sơ về diện tích và các đối tượng phải đền bù, giải phóng mặt bằng đã … biến mất. “Một số diện tích như bãi vật liệu, khu đầu mối thì trước đây Trung tâm quỹ đất huyện Ea Kar đã lập hồ sơ phương án và đã tổ chức kiểm đếm với người dân. Sau khi chuyển chủ đầu tư cho Ban quản lý dự án, thì khi họ thấy có vấn đề, các tài liệu cũ đấy thì thất lạc mất, gây khó khăn trong quá trình phục hồi lại, mà đặc biệt là có nhiều tài liệu không phục hồi được” - ông Phạm Văn Hạ phân bua. 

Ông Lê Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar khẳng định, có tình trạng này và lỗi thuộc về… Trung tâm phát triển quỹ đất Ea Kar. “Tại thời điểm đó, Chi nhánh trung tâm quỹ đất Ea Kar thuộc Trung tâm quỹ đất tỉnh. Trung tâm mới bàn giao cho huyện từ tháng 7-2018, sự việc này xảy ra trước đó từ 2015-2017, tổ chức kiểm đếm sai sót thế nào đó và anh em sợ trách nhiệm nên đốt hồ sơ. Nhưng thời điểm đốt hồ sơ thì đã chuyển về huyện”, ông Chiến thông tin. Cũng theo ông Chiến, UBND huyện Ea Kar đang đề nghị cơ quan Công an vào cuộc điều tra.

Tuy nhiên, trước cáo buộc của cả Ban A lẫn UBND, ông Trương Đình Liên, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk lại cho rằng, việc dự án được phê duyệt từ 2009 nhưng cho đến nay mới giải phóng mặt bằng thì lỗi là do tỉnh. Cụ thể lỗi ở đây là của Ban A. Ông Liên nói, Ban A cho đến nay vẫn chưa hoàn thành việc thuê tư vấn để đo vẽ trích lục, bản đồ giải  thửa phục vụ lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng. 

“Chúng tôi không đủ điều kiện để làm, họ dùng áp lực của tỉnh, bắt huyện phải làm. Mà không đủ điều kiện là vì đến bây giờ trích lục chưa thực hiện đầy đủ và còn nhiều sai sót. Trích lục rất quan trọng, chứng minh cho người dân biết có bao nhiêu thửa đất, bao nhiêu diện tích để người dân biết tài sản trên đó”- ông Trương Đình Liên cho biết. 

Trong khi đó, ông Khương Văn Phong, Trưởng phòng TN&MT huyện M’Đrắk thì cho biết, việc tỉnh đang giao cho huyện làm việc quá khả năng và trái luật, đó là thu hồi đất của tổ chức, cá nhân và xác định giá, định giá đất cụ thể tại lòng hồ Krông Pách Thượng. Cấp huyện tỏ ra rất lúng túng, không biết phải làm sao khi làm một công việc vừa mới, vừa không đúng thẩm quyền, cũng vì thế, tiến độ đã chậm càng thêm chậm.

Chưa kể, thời điểm này, tại huyện Ea Kar, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đã hết việc theo hợp đồng với Ban A tỉnh ba tuần nay. Dù hết việc, nhưng vẫn còn khoảng 100 ha thuộc địa bàn huyện nằm trong vùng dự án mà chưa giải phóng xong. Ông Lê Đình Chiến, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Kar khẳng định: “Phần diện tích này Ban A tỉnh chưa bàn giao hồ sơ nên huyện Ea Kar không biết làm gì hơn là ngồi chờ”. 

Đủ ban, ngành tìm cách gỡ nút thắt

Vướng mắc khi xác định nguồn gốc đất để lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng là nút thắt lớn nhất lúc này. Ông Nguyễn Ngọc Duẩn, Trưởng phòng TN&MT huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, hầu hết đất đai trong vùng dự án đều có nguồn gốc từ nông lâm trường, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi các quy định, hướng dẫn chưa rõ ràng, việc xác định nguồn gốc rất dễ xảy ra sai sót, thậm chí tạo nguy cơ tiêu cực, trục lợi, đẩy cơ quan phê duyệt vào thế khó. “Là cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt các phương án, khi tôi ký phương án tới 40-50 tỷ đồng là tôi run tay. Nói thẳng là như thế vì nguồn gốc nó không bảo đảm, nhưng nếu không xử lý thì không đẩy nhanh được tiến độ, mà ký vào thì khi sai sót ai là người chịu trách nhiệm đây”- Ông Nguyễn Ngọc Duẩn nêu thực tế.

Nút thắt tiếp theo trong giải phóng mặt bằng là công tác chỉnh lý bản đồ địa chính, kiểm đếm, lập và trình duyệt phương án. Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết, dự án kéo dài từ 2009 đến nay nên có những biến động rất lớn về chủ sử dụng, loại đất và diện tích. Khối lượng công việc là rất lớn trong khi đó, các bên không có sự thống nhất trong việc áp dụng các điều khoản trong văn bản Luật và dưới Luật khiến tiến độ càng thêm chậm. “Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT là cơ quan cao nhất về chuyên môn, cử cán bộ xuống hướng dẫn cho cấp huyện, xã thực hiện để bảo đảm đúng quy định và đẩy nhanh tiến độ” - Ông Nguyễn Đình Thìn đề nghị.

Trong cuộc họp ngày 24-8-2020, ông Trần Văn Sỹ, Phó giám đốc Sở TN&MT Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh có thể điều động lực lượng từ các huyện khác về hỗ trợ các huyện vùng dự án để đẩy nhanh tiến độ. Đối với những lo lắng về nguy cơ tiêu cực, trục lợi khi lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, cấp huyện và xã cần triển khai theo hướng công khai, minh bạch, thậm chí có thể mời lực lượng công an cùng thực hiện. Riêng vướng mắc trong kiểm đếm, lập và trình duyệt phương án do trích lục, bản đồ chưa đầy đủ, ông Sỹ cũng nhận định, hầu hết vùng lòng hồ chưa có hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Do đó, khi lập phương án thì quan trọng là bảo đảm quyền lợi cho người dân, cấp huyện không nên cứng nhắc áp dụng các văn bản quy định. “Bây giờ bảo không cần trích lục thì không được, do đó tỉnh chỉ có chỉ đạo là trường hợp có biến động như vậy thì thông báo chung, kiểm đếm kết hợp với chỉnh sửa. Bây giờ, bảo tỉnh chỉ đạo như vậy là trái Thông tư 25. Thông tư 25 thì trích lục bản đồ phải có chủ, có loại đất nhưng thực tế có đâu để cung cấp”- ông Trần Văn Sỹ nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Song Lâm, Phó cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT cũng đặt yêu cầu trong trường hợp không đạt được tiến độ giải phóng mặt bằng, tỉnh Đắk Lắk cần báo cáo Bộ để xem xét và có phương án: “Thực tế bây giờ đang rất là chậm, tất nhiên là nhiều nguyên nhân và đã biết từ lâu rồi”.

Ngay sau đó, để đẩy nhanh tiến độ xử lý dự án, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Quyết định 2073 ngày 7-9 điều chỉnh, bổ sung thành viên Tổ công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải quyết và tháo gỡ vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án hồ Krông Pách Thượng. Theo đó, ông Lê Văn Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy được bổ sung và giữ chức vụ Tổ phó Tổ chỉ đạo; đồng thời bổ sung Giám đốc Sở Nội vụ và Bí thư huyện ủy các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông vào làm thành viên Tổ chỉ đạo. Cùng với tăng cường nhân sự cốt cán, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk biệt phái 15 viên chức từ các huyện thị đến ba huyện vùng dự án Krông Pách Thượng là Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. 

Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cũng đã thành lập một tổ công tác đặc biệt do một phó giám đốc làm tổ trưởng, trực tiếp xuống địa bàn hướng dẫn cấp huyện, xã giải quyết các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách. 12 người thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai của tỉnh cũng đã được điều động bổ sung nhân sự cho Ban A tỉnh và các huyện giải quyết các thủ tục giải phóng mặt bằng. Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk Trần Đình Nhuận trong cuộc phỏng vấn với PV vào đầu tháng 9 cho biết:  “Anh em tập trung xử lý đến 15-9 hoặc 20-9 là trích lục cơ bản xong”. 

Trắc trở trong suốt 10 năm, những bất cập, tồn tại ở thủy lợi Krông Pách Thượng sẽ là rất nhiều và việc khắc phục sẽ rất khó khăn, đó là thực tế mà các cấp chính quyền tỉnh Đắk Lắk và Bộ NN&PTNT phải chấp nhận. Tuy nhiên, trước mắt rõ ràng nhất vẫn là việc 4.000 người dân hai xã chịu ảnh hưởng vùng lòng hồ Krông Pách Thượng vẫn đang phấp phỏng “sống treo” giữa công trình nghìn tỷ khi mùa mưa lũ đang đến gần.