Sống nhờ bông sậy

Những năm gần đây, trên những diện tích đất chờ quy hoạch rộng lớn trong các khu công nghiệp, khu đô thị tại TP Hồ Chí Minh, cỏ dại, lau sậy mọc um tùm, lút đầu người. Nơi đây trở thành “điểm đến” khá đông người dân miền tây lên kiếm tiền bằng việc hái bông sậy kết chổi quét nhà. Công việc này cực nhọc, thậm chí nguy hiểm…

Các thành viên trong nhóm đang bóc tách thu gọn những bông sậy vừa hái được.
Các thành viên trong nhóm đang bóc tách thu gọn những bông sậy vừa hái được.

Lẻ tẻ đến cả “cộng đồng bông sậy”

Một dạo, khi muốn sử dụng tới phần đất có sậy mọc thì người ta lại phải phát quang để đốt bỏ đi. Nhưng khoảng dăm bảy năm lại đây, những đám sậy hoang bỗng dưng... có giá trị. Nhiều người dân từ An Giang, Kiên Giang, Cà Mau... kéo lên tìm hái bông sậy bán cho các vựa thu mua làm nguyên liệu kết chổi quét nhà.

Mùa sậy trổ bông bắt đầu vào khoảng tháng 7 và kéo dài cho tới khoảng tháng 10 hằng năm. Trong khoảng những tháng giao mùa mưa - mùa khô thường người ta ùn ùn kéo nhau lên để hái bông sậy. Tại khu Công nghệ cao thuộc quận 9, vào những ngày đầu tháng 9 này, mỗi ngày có tới vài chục người đi hái bông sậy, chia từng nhóm từ ba đến năm người.

Chị Thanh Hà ở xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang có “thâm niên” 5 năm hái bông sậy cho biết, hồi đầu khi mới lên, chị gặp rất ít người cùng làm như mình. Mấy tháng sậy trổ bông, dù có “oanh tạc” khắp các bãi sậy hoang quanh khu Công nghệ cao rộng lớn, sang cả khu Long Trường, Long Phước trong địa bàn quận 9... thì cũng chỉ gặp khoảng vài chục người đi hái bông. Thế nhưng, ba năm gần đây, do nguồn nguyên liệu là cây sậy hoang hóa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bị phát quang lấy đất phục vụ cho sản xuất, nhiều nông dân nghèo phải đi kiếm tìm những “vùng đất sậy” mới. “Thực ra thì tôi cũng đâu có biết trên Sài Gòn có sậy, mà chỉ nghe nhỏ bạn hàng xóm làm công nhân nói trên đó sậy um tùm, nên tôi rủ mấy người lên đó xem sao... Vậy mà đã có tới 5 năm mưu sinh bằng công việc này ở Sài Gòn!”, chị Hà tâm sự.

Đi dọc các đám đất hoang dọc Rạch Chiếc, Rạch Trau Trầu, Rạch Gò Công... trên địa bàn quận 9 dịp này, chúng tôi gặp cả chục nhóm người hái bông sậy. Anh Văn Tâm quê xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang, hằng ngày hái bông sậy trong khu Công nghệ cao, vợ chồng anh cùng mấy người hàng xóm mới lên lần đầu, ngoài điểm này, còn sang khu vực quận 2, quận 7 để hái, vì ở những nơi ấy cũng có lắm khu có sậy hoang mọc...

“Lộc trời” cho thu nhập khá

Lâu nay, khi mà bông chít, đót - vốn là nguyên liệu dùng kết chổi quét nhà không còn dồi dào nữa thì người ta đã nghĩ tới các bông cây sậy có thể bổ sung, thay thế! Chính vì bông sậy có thể kết thành chổi quét nhà được, lại bền, nên nghề hái bông sậy cũng vì thế mà phát triển. Chị Trần Thị Thu, hái bông sậy bảy năm nay, nhà ở xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới, An Giang, cho biết, sau khi mua bông sậy khô của những người đi hái về, chủ các vựa sẽ bán lại cho những người chuyên kết chổi quét nhà. Cũng có thể các vựa thuê nhân công kiêm luôn việc sản xuất chổi, sau đó bỏ mối bán lẻ. Ngoài để làm chổi quét nhà, một số ít các loại bông sậy to đẹp còn được một số người chọn lựa để sản xuất thành hàng thủ công mỹ nghệ, sấy khô rồi nhuộm mầu ngũ sắc để tạo thành các bình hoa khô, trang trí cho phòng ốc, không gian quán hàng...

Việc hái bông sậy thường mang lại nguồn thu nhập khá. Bà Trần Thị Bích, nhà ở thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, mặc dù đã 65 tuổi nhưng vẫn theo con dâu lên hái bông sậy. Bà Bích kể: “Đã mấy năm rồi, tôi theo con dâu lên để hái bông sậy phụ giúp cho vợ chồng con đỡ vất vả. Dầm mình giữa sình lầy, chịu mưa nắng cơ cực nhưng bù lại mỗi ngày công của tôi cũng như các thành viên trong nhóm được cỡ 250 nghìn đồng. Những nhóm hái giỏi, hay bữa nào gặp đám sậy có lượng bông dày đặc thì có khi kiếm 300 nghìn đồng/ngày công”.

Tiếp xúc và tìm hiểu qua nhiều nhóm hái bông sậy trên địa bàn quận 2, 7, 9 ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy nhiều người đều “công nhận” rằng có thể kiếm được trung bình khoảng từ 6 - 9 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Hồng Kiều, hàng xóm và là thành viên trong nhóm hái bông sậy chung với bà Bích cho biết, giá các chủ vựa thu mua bông sậy khô năm nay đưa ra giảm hơn so các năm trước. 1 kg bông sậy chỉ ở mức tám nghìn đồng (năm trước là 10 nghìn đồng). Nguyên nhân do ngày càng có nhiều người lên thành phố hái sậy nên chủ vựa “dìm” giá! Để có mức thu nhập từ 200 - 300 nghìn đồng/ngày, mỗi người phải hái được khoảng từ 30 - 50 kg bông sậy khô, tương đương hơn một tạ bông sậy tươi.

Với nông dân nghèo tới từ các vùng quê, sau khi trừ các chi phí như thuê nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt…, họ vẫn có thể tiết kiệm được vài triệu đồng/tháng, về chi trả cho cuộc sống, nuôi con ăn học...

Sống nhờ bông sậy ảnh 1

Nhiều người nông dân nghèo có thu nhập khá từ nghề hái lộc trời.

Nhưng không ít nguy cơ

Chị Lê Thị Năm, 48 tuổi, ở xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, một thành viên trong nhóm năm người hằng ngày đi hái bông sậy tại các đám sình lầy thuộc địa bàn phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 cho hay, nhóm chị thuê nhà trọ gần đó, mỗi ngày dậy đi hái sậy từ 5 giờ. Sau khoảng 5 - 7 tiếng len lỏi giữa các đám sình lầy với lau sậy lút đầu người, cả nhóm chuyển bông sậy ra bờ, lên đường để ngồi bóc, tách bẹ từng bông rồi rải ra lề đường để phơi cho khô. Khoảng thời gian đó phải canh chừng nếu mưa ập tới thì phải nhanh chóng thu gọn, dùng bạt che. Nói chung là luôn tay, luôn chân, không ngưng nghỉ.

Anh Lê Văn Hồng, chồng chị Năm kể, không chỉ hay bị thân, lá sậy cứa, mà khi chui vào các lùm lau sậy luôn rất nóng bức, nhất là những hôm trời nắng to. Chưa kể nguy hiểm trực chờ như xéo vào các vật sắc nhọn như mảnh vỡ chai lọ, gai góc, và cả… rắn cắn. Hầu như ai đã theo nghề hái bông sậy, đều “dính” đứt chân, đứt tay đến ứa máu. Anh Hồng kể: “Mùa sậy trước, chẳng nói đâu xa chứ cậu thanh niên tên Thắng, hàng xóm của tôi cũng lên Sài Gòn hái bông sậy, bị rắn cắn, may mà tới bệnh viện kịp. Giờ cậu ấy bỏ nghề hái bông sậy vì hãi, chuyển qua đi phụ hồ”.

Thường người hái bông sậy làm việc tới tối mịt nên mang theo đồ ăn nước uống để thuận tiện cho công việc cũng như tiết kiệm chi phí. Ở khu vực những đám sình lầy, nơi đồng không mông quạnh, họ còn mang theo cả khung tre để dựng lều bạt làm nơi trú mưa, che nắng...

Chia tay một nhóm hái bông sậy đang ngồi bóc tách bẹ lá bên lề đường, sau gần chục giờ dầm mình trong các đám sình lầy, lau sậy, chúng tôi nhớ nụ cười chất phác của một người phụ nữ tuổi ngoài 40, khi chị bảo: “Mỗi năm chỉ có ba tháng mùa sậy trổ bông thôi, vì thế muốn có ngày công cao hơn, tiền nhiều hơn thì mọi người ai cũng phải gắng sức để hái, bởi “lộc trời” qua đi phải đợi tới ngày này sang năm mới lại có...”.