Sông Lô chưa yên

Chục năm qua, đoạn sông Lô từ cảng Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đến Việt Trì (Phú Thọ) bất ổn bởi nạn khai thác cát sai quy định. Bờ bãi sạt lở, đê nứt và nhiều công trình có nguy cơ trôi theo dòng nước…

Đất hoa màu ven sông thuộc địa bàn xã An Đạo, huyện Phù Ninh bị sạt lở nghiêm trọng.
Đất hoa màu ven sông thuộc địa bàn xã An Đạo, huyện Phù Ninh bị sạt lở nghiêm trọng.

Đồng bãi trôi sông

Bãi bồi xã An Đạo, huyện Phù Ninh (Phú Thọ), người dân xót xa hàng trăm mét đất màu mỡ “trôi sông”. Tại đây xuất hiện vết nứt sâu 6 m và dài 50 - 100 m. Khu 10, Khu 11 xã An Đạo có hàng nghìn m² bãi bồi đã sạt lở. Đại diện 15 hộ có đơn kêu cứu, ông Hoàng Hồng Thái bức xúc: “Các đơn vị khai thác cát có giấy phép và không phép hút ngày, hút đêm. Chúng tôi đã kiến nghị đến nhiều cấp, đã nhiều năm nhưng chưa một lần được hồi âm. Cứ thế này, “cần câu cơm” của chúng tôi cuốn theo dòng nước”.

Khu 8 và Khu 10 là bãi bồi non, năm 2003, UBND xã cho một số hộ dân đấu thầu làm một vụ ngô, sau lên thành hai vụ/năm. Đến năm 2018, UBND xã cho bà Lê Thị Ý (Khu 3) đấu thầu khoảng hơn 33 nghìn m² để chuyển đổi sang trồng cây lâu năm. Song người dân chẳng thấy loài cây nào được trồng mà sang năm 2019 trở thành khu mỏ khai thác cát, hiện chỉ còn 1/3 diện tích so bãi cũ (!?). Ngày 29-11-2019, một số thanh niên ngồi câu cá ở khu vực này thì bãi lở khiến anh Vũ Tiến Việt và Hoàng Ngọc Thắng bị rơi xuống sông, ba ngày sau mới tìm thấy xác.

Theo Chủ tịch UBND xã Hoàng Mạnh Hồng, vụ việc xảy ra trong phạm vi khu vực mỏ cát được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Công ty Xây dựng Gia Thịnh Phú Thọ. Sau sự việc, cấp có thẩm quyền đã yêu cầu đơn vị này phải cắm biển báo khu vực nguy hiểm, khai thác đúng ranh giới, nếu có hiện tượng nứt, sạt lở bờ sông phải báo cáo. Song, mật độ khai thác không những chẳng giảm, mà đầu tháng 3, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Phú Thọ cấp phép thêm cho một đơn vị vào thăm dò để khai thác. Ông Hồng phân trần: Thẩm quyền cấp phép của tỉnh và huyện, cấp xã chỉ phối hợp. Hơn thế, nạn khai thác trộm cát xảy ra liên miên, chính quyền cơ sở không đủ người và phương tiện can thiệp. Như lời ông Hồng kể, thì những kẻ khai thác cát trộm còn cử người theo dõi mọi di chuyển của công an xã. Vì thế rất khó để bắt quả tang. Chúng còn thả neo hai bên, chỉ cần có động tĩnh là nhấc neo bên này, kéo về bên phía Vĩnh Phúc.

Việc đồng bãi trôi sông, người dân kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết thỏa đáng đã xảy ra ở các xã Bình Phú, Vĩnh Phú… (Phù Ninh), TP Việt Trì. Đặc biệt, thôn Long Châu (xã Vĩnh Phú) với hơn 200 hộ dân sinh sống và trồng hoa màu ở ngoài đê có nguy cơ bị sạt hoàn toàn, có xóm nhiều ngôi mộ bị lở nên người dân phải… “chạy mộ”.

Cần xử lý nghiêm

Được biết, Công ty Xây dựng Gia Thịnh Phú Thọ được cấp phép khai thác tại xã An Đạo và Bình Bộ (Phù Ninh) với diện tích 18,8 ha, độ sâu tối đa 2 m. Trong giấy phép đơn vị này chỉ có hai tàu cuốc khai thác (một dự phòng), hai cẩu gầu dây (một dự phòng), ba xà-lan 200 tấn. Tuy nhiên, đầu tháng 3 tại Khu 9 xã An Đạo luôn có sáu chiếc cẩu gầu dây, bốn chiếc hoạt động hết công suất, chung quanh gần chục xà-lan đầy ắp cát. Ông Nguyễn Quảng Ba, quản lý kỹ thuật của doanh nghiệp (DN) này cho biết: Chúng tôi chỉ có hai tàu cuốc, hai cẩu gầu dây. Còn hai tàu khác không biết ở đâu. Khi chúng tôi hỏi tại sao để cho hai tàu ngoài đứng trong phạm vi mỏ mà không đuổi, thì ông Ba lý giải: Tàu ngoài neo đỗ thế nào là quyền của họ.

Trên tuyến sông Lô thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ, cơ quan chức năng cấp phép cho bảy DN khai thác cát sỏi, ba DN thăm dò. Song nhiều đơn vị lợi dụng khai thác vượt ranh giới, độ sâu, trữ lượng. Tại địa bàn xã Sông Lô (TP Việt Trì), Công ty Tự Lập được cấp phép diện tích 23 ha với thời hạn 5 năm, độ sâu không quá 2 m. Thực tế đơn vị này có 10 tàu cẩu dây văng và gầu quăng, một chiếc gầu cát có thể múc sâu tới 30 m. Một số tàu cẩu dây văng khai thác cách bờ đê chỉ khoảng 10 m, cách cột điện cao thế chỉ 15 m. Trong khi theo quy định, khai thác phải cách hai bên bờ sông tối thiểu 70 m.

Tháng 4-2019, Thanh tra tỉnh đã thanh tra liên ngành việc khai thác cát trên sông Lô thuộc địa bàn huyện Phù Ninh và TP Việt Trì. Nhưng kết quả không được công khai trên website của Thanh tra tỉnh. Chúng tôi đã liên hệ Phó Chánh thanh tra tỉnh Đặng Quang Huy, là trưởng đoàn thanh tra nhưng không được cung cấp thông tin. Song theo nguồn tin có được, thì từ ngày 20-7-2019, Thanh tra tỉnh Phú Thọ đã phạt 690 triệu đồng và tước giấy phép khai thác của Công ty Cổ phần Tập đoàn Cát Vàng; phạt 728,5 triệu đồng và tước giấy phép ba tháng Công ty Cổ phần xây lắp và cơ khí Phương Nam. Khó hiểu là vì lý do gì cơ quan chức năng không cung cấp thông tin?

Trong khi đó, theo Phó Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Khắc Định thì khi cấp phép đã quy định rất rõ ranh giới mỏ cát sỏi, vị trí mốc giới, tọa độ. Nhưng trong quá trình thực hiện các DN không cắm đầy đủ mốc giới, biển báo. Ông Định cho biết: “Việc kiểm soát, xử lý sai phạm ranh giới, khai thác trái phép thuộc thẩm quyền Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh. Chúng tôi chỉ phối hợp khi kiểm tra liên ngành. Hơn nữa chúng tôi không có phương tiện chuyên dụng tuần tra”. Theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, nếu DN khai thác vượt quá 10% tổng diện tích cấp phép sẽ bị xử lý. Tuy nhiên ông Định cho rằng, việc xác định diện tích và độ sâu dưới nước vô cùng khó khăn, trang thiết bị không đầy đủ, có khi đối tượng vừa hút cát lên, nước sông cuốn theo đất cát từ trên bồi lấp xuống.

Cuối tháng 3-2020, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 1116/UBND-KTN về việc tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô địa bàn tỉnh Phú Thọ, thừa nhận hiện tượng sạt lở đất bãi bồi ven sông và tình trạng khai thác cát sỏi trái phép, khai thác ngoài phạm vi cấp phép. Tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị liên quan, nếu buông lỏng, để xảy ra khai thác thì người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm. Có điều, đây không phải lần đầu Phú Thọ tạm dừng khai thác cát trên sông Lô. Người dân kỳ vọng các cơ quan chức năng tìm được phương án xử lý dứt điểm, chứ không phải tạm dừng, rồi quản lý thiếu chặt chẽ, để các tàu hút làm lòng sông quặn đau, bờ bãi, hoa màu và cả tính mạng người dân có nguy cơ trôi sông.

Thượng tá Lê Minh Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, Sở TN&MT, UBND các xã quản lý, thường xuyên phải theo dõi, nhắc nhở DN tuân thủ việc cắm mốc giới, biển báo. Cảnh sát môi trường chỉ biết được họ cắm đúng hay không khi dùng máy bắn mốc giới. Thượng tá Thanh cũng cho rằng, năm 2019 lực lượng này xử lý bảy vụ vi phạm, phạt bảy đối tượng với tổng số tiền 1,3 tỷ đồng. Riêng ba tháng đầu năm 2020, đã xử phạt bốn vụ, tổng số tiền 257 triệu đồng.
Thiếu tá Triệu Văn Tuyên, Đội trưởng Cảnh sát giao thông đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Phú Thọ) cho biết, do địa bàn sông nước phức tạp, trang bị phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác. Bên cạnh đó sự phối hợp của các ngành, các cấp liên quan còn thiếu chặt chẽ.