Viết tiếp bài “Vị đắng giá mía”

Sớm tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường

Ngày 24-5-2019, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có Văn bản số 68/CV-HHMĐ gửi Thủ tướng Chính phủ về việc “tháo gỡ khó khăn đặc biệt nghiêm trọng của ngành mía đường Việt Nam”. Theo đó, có hàng loạt các nhà máy đường thua lỗ liên tục, diện tích mía giảm, ảnh hưởng của thời tiết… dẫn đến tình trạng người dân phá bỏ mía, nhà máy thiếu nguyên liệu, một số nhà máy phải ngưng sản xuất. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên được cho là do đường nhập lậu, gian lận thương mại và đặc biệt là một số doanh nghiệp (DN) trong nước đã ồ ạt nhập khẩu đường thô.

Đường nước ngoài được nhập khẩu vào Việt Nam với giá rất thấp.
Đường nước ngoài được nhập khẩu vào Việt Nam với giá rất thấp.

Núp bóng, lợi dụng chính sách?

Sau khi báo Thời Nay đăng tiếp bài viết “Vị đắng giá mía”, ngày 21-7-2019 Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) tiếp tục có Văn bản số 59/TTCBH “Xin bổ sung thông tin liên quan đến TTC Sugar”. Có ba vấn đề được TTC Sugar đưa ra, gồm: chính sách đầu tư và thu mua mía; hợp đồng đầu tư và thu mua mía ký với người nông dân; vấn đề nhập khẩu đường thô.

Trong đó, hai phần đầu đã được chúng tôi nêu và phân tích tại những số báo trước. Riêng về vấn đề nhập khẩu đường thô, TTC Sugar cho biết: TTC Sugar hiện có tám nhà máy sản xuất đường, trong đó có ba nhà máy luyện đường từ đường thô là Biên Hòa - Đồng Nai, Biên Hòa - Ninh Hòa và Biên Hòa - Trị An. Trong đó, Nhà máy Biên Hòa - Đồng Nai thuộc Công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai là nhà máy đường luyện 100% với công suất 120 nghìn tấn/năm; hai nhà máy còn lại sản xuất đường từ nguyên liệu mía và kết hợp luyện đường từ đường thô. Hoạt động nhập khẩu đường của TTC Sugar chủ yếu để đáp ứng nhu cầu sản xuất của ba nhà máy trên và được thực hiện theo các hình thức: nhập khẩu để sản xuất hàng tiêu thụ nội địa thông qua chương trình đấu giá hạn ngạch nhập khẩu hằng năm do Bộ Công thương tổ chức; nhập khẩu đường từ Công ty TNHH MTV mía đường TTC Attapeu (NM đường tại Lào được TTC Sugar mua lại từ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai năm 2017), khối lượng nhập này trong năm vừa qua là khoảng 19.000 tấn; nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu tuân theo quy định của Luật Thuế xuất, nhập khẩu và tuân thủ mọi thủ tục hải quan.

Thực tế, ngày 22-6-2018 Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã có Công văn số 58/CV-HHMĐ gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc “tháo gỡ khó khăn xuất khẩu mặt hàng đường qua đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai”. Lý do Hiệp hội Mía đường Việt Nam đưa ra là “Về tiêu thụ, tuy giá bán đang ở mức thấp nhưng việc tiêu thụ rất chậm và lượng tồn kho tại các nhà máy đường vẫn lớn, đến ngày 15-6-2018 tồn kho tại nhà máy khoảng 700 nghìn tấn”. Thời hạn thực hiện đến hết 30-9-2018 (tháng 10 bắt đầu vào vụ 2018 - 2019).

Việc Hiệp hội Mía đường Việt Nam xin xuất khẩu đường là nhằm giải quyết đường tồn kho, nhằm giảm bớt khó khăn cho ngành đường trong nước. Theo báo cáo thường niên 2017 - 2018 của TTC Sugar (tại Đại hội đồng cổ đông TTC Sugar tháng 3-2019) sản lượng đường thô hòa tan (xác định đây là đường thô nhập khẩu) là 245.911 tấn (cùng kỳ trước đó là 78.292 tấn), lợi nhuận trước thuế là 682 tỷ đồng. Như vậy, cộng với 193.612 tấn đường thô các nhà máy thuộc TTC đã nhập trong bốn tháng đầu năm 2019 thì tổng số đường thô nhập khẩu của các DN lên đến 439.523 tấn.

Bảo vệ nông dân và ngành mía đường trong nước

Theo văn bản của Hiệp hội Mía đường cầu cứu đến Thủ tướng Chính phủ thì ngoài vấn đề về thời tiết làm giảm năng suất mía, việc buôn lậu, gian lận thương mại và nhập khẩu đường thô có xuất xứ Thái-lan, Campuchia, Lào… trong thời gian dài đang dẫn đến nguy cơ hủy diệt ngành mía đường. Thực tế, ngay từ niên vụ 2015-2016 có đến 17/30 nhà máy đường thua lỗ, diện tích mía đường tính đến nay đã giảm 60%. Nhiều nhà máy thiếu vùng nguyên liệu, sản xuất đường ở công suất thấp, có thể dẫn tới phá sản vào niên vụ 2019 - 2020. Tại văn bản này, Hiệp hội Mía đường đã chỉ ra nhiều điểm bất cập.

Nói về việc các nhà máy nhập khẩu đường thô, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Lam Sơn cho rằng: “Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc đẩy người nông dân trồng mía đến chỗ khốn khổ, điêu đứng. Đối với ngành mía khi người nông dân đã quay lưng, chuyển sang trồng các loại cây khác rồi thì chắc chắn họ khó có thể quay trở lại. Anh đã bội bạc với nông dân thì anh sẽ phải trả giá”. Theo ông Tam, nông dân họ nhỏ bé lắm, làm cây mía ngày càng vất vả nhưng điều vô lý là các DN đang ồ ạt nhập khẩu đường thô và đồng thời chính DN này hô khẩu hiệu tái cơ cấu mía đường, nếu tái cơ cấu mà không đem lại sự ổn định cho dân, đời sống người trồng mía không tốt hơn thì làm để làm gì?

Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Mía đường I tỏ ra băn khoăn, đường thô nhập khẩu vào Việt Nam với giá rất thấp, khoảng 300 USD/tấn. Nhưng ngay trên đất Thái-lan, tại các siêu thị hay bán tại nhà máy thì giá đường trắng vẫn là 14 đến 15.000 đồng/kg, trong khi đó đường trong nước mình chỉ với giá 10.500 đồng đến 11.000 đồng/kg (?). Như vậy, nếu coi đường là một ngành hàng an ninh lương thực của một quốc gia thì Chính phủ cần phải xem lại chính sách cho đường. Nếu thế này thì chắc chắn không ai dám đầu tư vào nữa đâu. Hô hào đầu tư mà không có gì để hỗ trợ cho người ta cả. Theo ông Hội, nhiều sản phẩm nông nghiệp khác như cam, thanh long, dưa hấu… ở nhiều địa phương đến mùa thu hoạch không bán được phải đổ bỏ, nhưng với cây mía thì dù rẻ đến mấy thì các nhà máy đều thu mua hết cho dân. Ông Hội cho rằng: Cạnh tranh phải công bằng. Đối với các ngành về nông nghiệp thì chưa có ngành nào đầu tư chế biến sâu như mía đường và nếu giải quyết những khó khăn hiện tại của ngành mía đường thì sẽ giải quyết căn cơ của ngành nông nghiệp.

Hiệp hội mía đường cho rằng: Việt Nam hiện tại chưa thể cạnh tranh được với đường nhập từ Thái-lan (kể cả chính thức và nhập lậu) vì thông qua Quỹ mía và đường CSF (Cane and Sugar Fund), Chính phủ Thái-lan hỗ trợ nông dân trực tiếp 154 - 160 bạt/tấn mía với tổng giá trị lên đến 500 triệu USD/năm cho người trồng mía. Cùng với tín dụng lãi suất thấp, các sản phẩm phụ như bã mía, cồn nhiên liệu từ mật rỉ luôn được Chính phủ Thái-lan mua với giá cao, nhiều ưu đãi. Với hệ thống ưu đãi đó đã cho phép ngành mía đường Thái-lan “ép” cả những đối thủ mạnh của ngành mía đường thế giới như Brazin, Australia, Mỹ. Bên cạnh đó, bất cập trong quản lý chất làm ngọt, trong đó đường lỏng không áp dụng hạn ngạch khi nhập khẩu đồng thời được hưởng thuế nhập khẩu 0% trong các hiệp định Asean + Trung Quốc, Asean + Hàn Quốc khiến lượng đường lỏng nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, kể từ năm 2014 đến năm 2018 lượng nhập đã tăng hơn ba lần (năm 2014 nhập khẩu 46.000 tấn, năm 2018 nhập khẩu 148.000 tấn). Điều này làm nhà nước thất thu thuế, đồng thời thu hẹp thị trường của ngành mía đường Việt Nam.

Liên quan Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (nhà đầu tư Ấn Độ, nhà máy đường tại tỉnh Phú Yên) cho rằng: “Để bảo vệ được ngành mía đường trong nước thì cần phải vận dụng những quy định tại Nghị định thư và những điều khoản phải được luật hóa trong Luật Xuất, nhập khẩu hàng hóa để các DN ứng dụng. Luật lỏng lẻo các DN có thể lợi dụng những kẽ hở để nhập khẩu đường và sau đó sẵn sàng phá sản, không tái xuất theo như quy định”. Theo phân tích của ông K.V.S.R Subbaiah, trong khối ASEAN, việc sản xuất đường của Việt Nam chỉ thua có Thái-lan và cả hai đều nằm trong bậc trung, ngay Trung Quốc hiện chi phí sản xuất thì giá đường vẫn cao hơn Việt Nam. Nhưng ngành đường của các nước trong khu vực ASEAN vẫn khá ổn định, còn ở Việt Nam lại rơi vào tình trạng đặc biệt khó khăn và kéo dài thêm hai vụ mía nữa thì DN trong nước sẽ “chết” hết.

Trước thực trạng ngành mía đường, ông K.V.S.R Subbaiah nói: “Vấn đề không phải là tiền từ ngân sách mà chính phủ chỉ cần có những chính sách cụ thể như kiểm soát chất lượng về giống mía, chính sách hỗ trợ các sản phẩm phụ như điện, cồn Ethanol, mật rỉ… và đồng thời kéo dài những chính sách bảo hộ của ATIGA thêm khoảng bốn đến 5 năm nữa để các DN đầu tư nâng cấp các sản phẩm phụ được tốt nhất”. Theo tính toán, nếu khai thác triệt để cây mía thì giá trị về đường chỉ chiếm khoảng 10% và 90% có thể thu được từ các sản phẩm phụ.