Sau lũ, ấm tình nơi bản Rục

Mưa lũ tại Quảng Bình đã đi qua hơn nửa tháng, nhưng đường vào vùng đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn còn ngập sâu, địa bàn vẫn đang bị chia cắt. Không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, mà Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Cà Xèng còn giúp bà con người Rục vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của lũ để ổn định cuộc sống. Những việc làm đó càng làm ấm thêm tình người, tình quân, dân trong mưa lũ.

Đường vào các bản Rục nước vẫn ngập sâu.
Đường vào các bản Rục nước vẫn ngập sâu.

Bám bản để dân an toàn

Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Đinh Thanh Văn chia sẻ, trước đây khi dự án phát triển tộc người Rục đã chọn nơi cao ráo để xây dựng nhà ở cho bà con ở các bản là Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ nên mưa lũ không làm ngập nhà họ được. Chỉ có điều, do địa hình toàn núi đá vôi cao dựng đứng nên tuyến đường độc đạo dẫn vào vùng đồng bào Rục được mở men theo dòng suối, mỗi khi mưa thì ngập sâu, nước thoát rất chậm nên việc đường ngập hằng tháng trời là bình thường. Mặt khác, do mưa lũ suối bị chia cắt, bà con không lên rẫy được nên thường bị thiếu đói.

Trước đây, Đồn BP Cà Xèng đóng quân phía ngoài đường Hồ Chí Minh, công tác quản lý, hỗ trợ đồng bào Rục trong mùa mưa lũ gặp nhiều khó khăn, nhưng từ khi đồn chuyển vào trong vùng người Rục định cư, việc trợ giúp bà con thuận lợi hơn. Cấp ủy, chính quyền xã Thượng Hóa cũng yên tâm hơn nhờ có các anh BĐBP. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với 204 hộ người Rục hiện nay là dù định cư đã lâu nhưng việc tự sản xuất, lo cho đời sống gia đình chưa cao, tư tưởng trông chờ ỷ lại vẫn còn lớn. Tình trạng đổi lương thực được hỗ trợ để lấy rượu uống và rồi say từ ngày này qua ngày khác vẫn còn, dù chính quyền và BĐBP đã tập trung tuyên truyền, thậm chí ngăn chặn tư thương lợi dụng bà con để đổi trao lương thực lấy rượu uống.

Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Đồn BP Cà Xèng cho biết, rút kinh nghiệm các năm trước, năm nay, xã Thượng Hóa chuyển gạo hỗ trợ của huyện Minh Hóa vào trước khi mưa lũ, gửi ở Đồn BP Cà Xèng và giao cho đơn vị cấp phát. Mưa lũ xảy ra, đơn vị phân công cán bộ, chiến sĩ bám từng bản để hỗ trợ 79 hộ di dời lên nơi an toàn, chủ động thăm hỏi từng nhà, nếu hộ nào thiếu lương thực thì cứu trợ, chứ không hỗ trợ tràn lan. Đến nay, đồn đã cấp 700 kg gạo cứu đói bà con ba bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ. Đặc biệt, đơn vị bố trí lực lượng phối hợp địa phương bảo vệ, hướng dẫn nhân dân qua lại các điểm bị ngập lụt bảo đảm an toàn; tham gia tìm kiếm một cháu bé bị đuối nước. Ông Trần Xuân Tư, Trưởng bản Ón chia sẻ, từ khi xảy ra lũ lụt đến nay, các chiến sĩ BP luôn bám bản để hỗ trợ người dân. Mấy hôm nay có các đoàn cứu trợ về với bà con nhưng do đường tắc, bộ đội phải hướng dẫn và hỗ trợ bốc vác hàng hóa từ ô-tô xuống thuyền rồi từ thuyền lên xe máy để chở vào bản; đồng thời giám sát việc cấp phát. Đặc biệt ở bản Ón, có vợ chồng ông Cao Xuân Bằn và bà Cao Thị Pìn đi rẫy từ trước khi lũ về, lâu ngày không có thông tin. Nhận được tin báo của bản, BĐBP đã vượt rừng đi tìm vợ chồng họ thì cả hai đều an toàn, đang đợi hết lũ để trở về nhà.

Sau lũ, ấm tình nơi bản Rục ảnh 1

Đồng bào Rục nhận quà hỗ trợ sau mưa lũ.

Sau lũ, ấm tình nơi bản Rục ảnh 2

Dạy học ở một điểm trường bản Rục.

“Con nuôi của đồn”

Từ bản Ón trở về trụ sở Đồn BP Cà Xèng, chúng tôi và Thượng tá Lê Văn Sơn vừa đi vừa trò chuyện thì chợt bên đường vang lên tiếng chào của một cậu bé đen nhẻm nhưng lanh lợi đi chiếc xe đạp mầu xanh mới tinh. Anh Sơn vui vẻ giới thiệu đó là một trong năm cậu con nuôi của đồn. Thực hiện chương trình từ thiện “con nuôi của đồn” do BĐBP Việt Nam phát động, đơn vị nhận nuôi năm cháu - là đơn vị có số con nuôi nhiều nhất của BĐBP Quảng Bình. Vượt lên ý nghĩa của một hoạt động từ thiện, những đứa con của đồn này được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo, học hành tử tế sẽ là những “hạt nhân” trong việc tạo nguồn cán bộ cơ sở là người Rục trong tương lai.

Ngày 9-9 vừa qua trở thành một ngày đặc biệt đối với Cao Văn Bằng (lớp 6), Cao Xuân Lệ (lớp 5), Cao Ngọc Huyên (lớp 8), Cao Xuân Công (lớp 5) và Cao Xuân Giang (lớp 6) khi các em được các chú BĐBP dắt tay đưa đến trường dự khai giảng muộn. Các em đều mồ côi bố và gia đình rất khó khăn, được Đồn BP Cà Xèng đưa về nuôi, sinh hoạt cùng với bộ đội như một thành viên đích thực của đơn vị. Cháu Cao Ngọc Huyên kể lại: “Sáng ấy khi nghe các chú bộ đội gọi, cháu và các bạn bật dậy thật nhanh, vệ sinh cá nhân rồi ăn uống, mặc áo quần mới và đạp xe mới tinh đến trường. Sau đó, các chú bộ đội đi cùng, dẫn các cháu tới trường khai giảng năm học mới”.

Theo Đại úy Bùi Văn Hải, Đội trưởng vận động quần chúng Đồn BP Cà Xèng, trước khi làm thủ tục nhận làm con nuôi của đồn, các cháu được xét thủ tục đầy đủ, khám sức khỏe. Lên ở đồn, các cháu giống như một quân nhân trong đơn vị với chế độ 109 nghìn đồng/ngày/người. Năm cháu ngủ hai phòng liên thông rất thoáng, cháu nào cũng có tủ tư trang cá nhân. Đồn trích quỹ mua cho các cháu năm chiếc xe đạp mới, trị giá 1,5 triệu đồng/chiếc. Người Rục ở Thượng Hóa kinh tế đặc biệt khó khăn nên việc học tập của con em còn nhiều hạn chế. Vì vậy, thời gian đầu mới lên đồn ở, các cháu gặp không ít bỡ ngỡ, thậm chí có cháu còn sợ do phải sinh hoạt với bộ đội. Thậm chí ở đến ngày thứ hai, các cháu đòi về nhà do nhớ mẹ, nhớ nhà. Trước tình huống đó, các chú BP phải giải thích, động viên do trời mưa lũ chưa về được, hết mưa các chú cho về. Sang ngày thứ ba, bộ đội phải đưa các cháu về thăm nhà rồi trở lại đồn.

“Lúc đầu các cháu rất nhút nhát, sinh hoạt khó khăn, nhưng ban chỉ huy đồn đã giao cho mỗi chiến sĩ phụ trách một cháu để kèm cặp, hướng dẫn tỉ mỉ từ ăn uống ngủ nghỉ đến học tập. Qua việc chăm sóc và trò chuyện của bộ đội, các cháu dần vui vẻ, thực hiện theo sự chỉ dẫn của các chú. Các cháu dần thay đổi về sinh hoạt, học tập, cách ứng xử, đi thưa về chào. Bây giờ các cháu đã quen, tự đạp xe đi học rồi trở về đồn, vui vẻ và thoải mái hơn, không còn rụt rè như trước”, Thượng tá Lê Văn Sơn chia sẻ.

Rời Đồn BP Cà Xèng trong mưa, trên đường trở ra điểm ngập ở Hung Trâu, tôi gặp các cậu bé con nuôi đạp xe đến trường. Các cháu vừa đi vừa đùa nghịch, thi nhau ai đạp nhanh hơn. Hình ảnh đó làm cho tôi càng thấy ấm hơn tình người trong mưa lũ. Từ sự cưu mang, giúp đỡ đó của các chú BĐBP mở ra tương lai tươi sáng cho các cháu con nuôi biên phòng và cho cộng đồng người Rục bên dãy Trường Sơn.