Quảng cáo thực phẩm chức năng bủa vây

Chị A rỉ tai chị B mua thực phẩm chức năng (TPCN) “xách tay” từ cô cháu đi công tác nước ngoài nên khỏe lên trông thấy: Da dẻ hồng hào, sức đề kháng tăng và ăn ngon, ngủ tốt. Trên mạng xã hội thì cũng có rất nhiều quảng cáo TPCN, thậm chí tung hê như thần dược. Người tiêu dùng bị bủa vây bởi ma trận quảng cáo, không hiếm người dù bị bệnh nan y cũng “chữa” bằng TPCN. Hậu quả là, đã có rất nhiều người “tiền mất, tật mang”.

Thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh. Ảnh: HẢI NAM
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh. Ảnh: HẢI NAM

Giăng bẫy khắp nơi

Mới đây, chị Lê Thị Thoa (38 tuổi, ở huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã được gia đình đưa đến Bệnh viện (BV) K T.Ư vì bệnh ung thư vú tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. “Lúc mới nhận kết quả ung thư giai đoạn đầu, tôi đã tìm tới những TPCN hỗ trợ. Các sản phẩm đều được rao bán là nhập khẩu từ Australia, Nhật Bản, Pháp, Mỹ. Họ quảng cáo có tác dụng hỗ trợ, làm mềm, thu nhỏ khối u, nhưng uống mấy tháng liền không thấy đỡ chút nào, khi tôi đi tái khám ở BV chuyên khoa Ung bướu mới biết bệnh đã nặng thêm”, chị Thoa chia sẻ.

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Diệu Linh, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, BV K T.Ư , thực tế có những bệnh nhân phát hiện mắc bệnh ung thư ở giai đoạn sớm và nếu được điều trị theo đúng phác đồ, có thể khỏi bệnh hoặc ít ra cũng kéo dài cuộc sống. Nhưng vì tin vào những sản phẩm TPCN được thổi phồng về khả năng trị ung thư cho nên họ không đến BV, bỏ dở điều trị. Sau thời gian sử dụng TPCN nhưng không khỏi, khi quay lại BV khám lại thì phát hiện bệnh đã tiến triển nhanh và đã quá muộn để có thể điều trị hiệu quả!

Tại BV Da liễu T.Ư, các bác sĩ cũng thường xuyên điều trị bệnh nhân trong tình trạng làn da bị lở loét, sần sùi do sử dụng một số loại TPCN rao bán trên mạng. Nguyên do, không ít loại TPCN có thành phần, hoạt chất giống như thuốc, hoặc có hàm lượng hóa chất nguy hại gây ra dị ứng, phản ứng. Không ít trường hợp cũng đã phải cấp cứu do bị ngộ độc hay dị ứng TPCN tại BV Bạch Mai. BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cảnh báo: “Không ít TPCN chứa hóa chất nguy hại nên nếu tự ý sử dụng, lạm dụng thì hậu quả khôn lường”.

Trước đó, nhiều BV như: Da liễu T.Ư, BV Bạch Mai, BV T.Ư Quân đội 108... đều phát đi cảnh báo có một số tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại BV nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp các đường link website, Facebook, số điện thoại tổng đài giả mạo BV cho người bệnh nhằm mục đích quảng cáo TPCN. Đáng nói là các đối tượng này lợi dụng hình ảnh BV để tư vấn và giới thiệu các loại TPCN làm đẹp không rõ nguồn gốc có thể gây hại đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây tử vong. Theo đại diện của các BV kể trên, các đơn vị này không triển khai khám bệnh online trên bất cứ phần mềm ứng dụng nào, nên mọi liên kết, mời chào, giới thiệu qua mạng xã hội là giả danh, có tính chất lừa đảo…

Chỉ cần một cú nhấn chuột trên google với cụm từ “bán TPCN hỗ trợ điều trị ung thư”, đã có hơn 41 triệu kết quả. Trong đó, không ít trang quảng cáo sản phẩm này có rất nhiều công dụng hữu hiệu tới mức khó tin như: “Khử các tác nhân gây ung thư, ngăn chặn quá trình ủ bệnh, tự tiêu hủy các tế bào ung thư, hạn chế bớt tác dụng phụ của quá trình hóa trị, xạ trị...!”.

“Lập lờ đánh lận con đen”

Trước thị trường màu mỡ và nhu cầu của người dân, không ít doanh nghiệp (DN) vốn lâu nay sản xuất thuốc cũng “nhảy” vào sản xuất TPCN. Hàng loạt công ty dược phẩm lớn nhỏ như H.G, Evi, S, N.H… đã thâm nhập thị trường TPCN với hàng trăm sản phẩm, từ hỗ trợ điều trị dạ dày, xương khớp đến tim mạch, huyết áp… “Xin được một số đăng ký thuốc nhiêu khê lắm! Xin được rồi còn sản xuất, qua hàng chục khâu xét duyệt tiêu chuẩn trầy trật nữa, mà rốt cuộc chưa chắc đã có lãi. Trong khi sản xuất TPCN ít tiêu chuẩn mà lại có lợi nhuận nhiều hơn”, giám đốc một công ty dược phẩm cho biết.

Thực tế, sản xuất TPCN không đòi hỏi quá khắt khe tiêu chuẩn về nguyên liệu, thành phần, “dễ thở” hơn sản xuất thuốc, nên nhiều năm qua, không ít DN dược đã tích cực tham gia vào làm, tạo ra thị trường TPCN cạnh tranh khá khốc liệt. Có lợi thế về mạng lưới phân phối thuốc sẵn có, các công ty dược bổ sung thêm TPCN vào đại lý, nhà thuốc, thậm chí len lỏi đến tận vùng sâu, vùng xa.

Theo PGS, TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN, TPCN không phải là thuốc nên không có tác dụng chữa bệnh mà chỉ hỗ trợ điều trị bệnh. Tuy nhiên, hầu hết từ ngữ quảng cáo, tư vấn đều nhắm vào TPCN có tác dụng điều trị. Các chuyên gia lo ngại, khi DN dược nhảy vào thị trường TPCN, do bao bì là của công ty dược nên không ít người tiêu dùng ngộ nhận là… thuốc.

Đại diện một DN sản xuất và kinh doanh dược phẩm và TPCN cũng cho biết, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh TPCN nhỏ lẻ sẵn sàng chia hoa hồng tới hàng chục phần trăm để đưa TPCN vào nhà thuốc.

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, 80% sản phẩm TPCN lưu hành trên thị trường là hàng sản xuất ở trong nước. Hiện, cả nước có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh TPCN, với hơn 10.000 sản phẩm đang lưu hành.

Qua các đợt kiểm tra gần đây, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện có sản phẩm giả, kém chất lượng, thậm chí ngay cả sản phẩm nhập khẩu cũng là hàng trôi nổi. “Nhiều đối tượng sản xuất và tiêu thụ TPCN giả thường lập công ty có chức năng kinh doanh, sản xuất TPCN. Sau đó, thuê gia công sản phẩm bán thành phẩm, như viên nang hoặc lọ không dán tem, nhãn mác. Khi thị trường có nhu cầu tiêu thụ mạnh về loại sản phẩm nào thì cho dán nhãn mác giả đó vào rồi tung ra thị trường”, một lãnh đạo Cục An toàn Thực phẩm cho biết. Phần lớn nguyên liệu sản xuất TPCN đều không rõ nguồn gốc, hoặc có nguồn từ Trung Quốc với giá thành rất rẻ, nhưng khi ra sản phẩm thành phẩm bán ra thị trường, lại được “phù phép” thành sản phẩm của Mỹ, Nhật Bản, Australia hay một số nước châu Âu nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Tác dụng chữa bệnh của các loại TPCN này thì chưa thấy đâu, nhưng điều có thể dễ dàng nhận biết là người tiêu dùng phải bỏ tiền ra mua các sản phẩm với giá thành cao hơn rất nhiều chất lượng thực tế của sản phẩm. Đây quả là một nghịch lý trong bối cảnh người bệnh đang gặp nhiều khó khăn về tâm lý, sức khỏe lại phải tiêu tốn tiền vào những sản phẩm không biết chắc chắn có tốt cho việc hỗ trợ điều trị bệnh hay không.