Viết tiếp bài “Dấu hiệu “bảo kê” sai phạm”

Quận Thủ Đức có làm ngược Chỉ thị của Thành ủy?

Báo Thời Nay số 1016, ra ngày 10-10-2019, đã đăng tải bài viết “Dấu hiệu “bảo kê” sai phạm”, về việc chính quyền quận Thủ Đức đã có dấu hiệu bao che cho lãnh đạo chủ chốt là Chánh Thanh tra và Phó Chủ tịch HĐND quận sai phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Với những gì đã diễn ra, dư luận không khỏi đặt vấn đề, liệu có phải Quận ủy, UBND quận Thủ Đức đang làm “ngược” với nội dung chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nêu ra trong Chỉ thị số 23?

Công trình xây dựng không phép lên đến gần 470 m2 của ông Lê Hữu Thành.
Công trình xây dựng không phép lên đến gần 470 m2 của ông Lê Hữu Thành.

Liên tục thanh tra để “dằn mặt” lãnh đạo phường

Ngay trong ngày Báo Thời Nay đăng tải bài viết “Dấu hiệu “bảo kê” sai phạm”, ông Trần Minh Tú, chuyên viên Ban Dân vận Quận ủy Thủ Đức (nguyên là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) đã chính thức có đơn khiếu nại về việc bố trí điều động cán bộ công chức đối với cá nhân ông là chưa phù hợp về năng lực, trình độ và có dấu hiệu trù dập cá nhân.

Ông Tú cho biết, ngày 6-8-2013 được UBND quận Thủ Đức ra Quyết định số 4376/QĐ-UBND bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh. Trong quá trình công tác, ông Tú đã cùng với cán bộ công chức trong phường Hiệp Bình Chánh vượt qua mọi khó khăn để đưa phường Hiệp Bình Chánh từ thứ hạng 11/12 phường (năm 2013), vượt lên các thứ hạng 7/12 phường (năm 2014), thứ hạng 4/12 phường (năm 2015), thứ hạng 2/12 phường (năm 2016), thứ hạng 1/12 phường (năm 2017).

Căn cứ thành tích này, lần đầu trong 20 năm thành lập và phát triển, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã được UBND TP Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua và được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Cá nhân ông Tú được UBND thành phố tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liền và được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp thành phố năm 2018.

Theo ông Tú, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ làm Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, ông đã tích cực tham gia công tác phòng, chống tiêu cực và xử lý rất nhiều công trình xây dựng không phép có sự tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia của ông Lê Ngọc Quý, nguyên là Chánh Thanh tra quận (hiện là Trưởng phòng Tư pháp quận Thủ Đức) và ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch thường trực HĐND quận (anh trai ông Quý). Bản thân đã bị áp lực rất nhiều vì những can thiệp của ông Quý trong việc xử lý công trình không phép dù đây không phải là chức năng của ông Quý. Cao điểm là vào năm 2018, sau khi UBND phường Hiệp Bình Chánh và cá nhân ông Tú kiên quyết tiến hành xử lý các vi phạm liên quan ông Quý và gia đình ông Quý, thì liên tục bị thanh tra và kiểm tra (rất nhiều cuộc kiểm tra trùng nội dung và trùng thời điểm, kể cả thanh tra trùng với nội dung các cơ quan cấp trên mới thanh tra và vừa mới có kết luận).

Sau nhiều lần thanh tra, kiểm tra, đến tháng 10-2018, ông Tú “dính” kỷ luật khiển trách vì thiếu sót của cá nhân trong thực hiện chưa nghiêm quy chế, còn bỏ sót việc hội họp.

Ngay đợt thanh tra đầu năm 2019 do ông Quý trực tiếp giám sát Đoàn Thanh tra, đến ngày 3-6-2019/UBND quận Thủ Đức đã có Kết luận số 534/KL-UBND và sau đó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Đặng Nguyễn Thanh Minh ký Văn bản số 3625/UBND-NV về việc nghiêm khắc phê bình, cắt thi đua năm 2019 đối với tập thể UBND và cán bộ, công chức phường Hiệp Bình Chánh.

Nói về quyết định điều động của Quận ủy, UBND quận Thủ Đức điều ông về làm chuyên viên tại Ban Dân vận, ông Tú cho rằng: “Là một đảng viên, một công chức, tôi phải chấp hành sự điều động của Đảng và tổ chức tuy còn nhiều băn khoăn. Trên danh nghĩa là điều động song bản chất là cách chức tôi nhằm mục đích ngăn cản, răn dọa vì tôi đấu tranh với hành vi bảo kê, bao che cho người thân trong gia đình xây dựng không phép và chính việc xây dựng không phép của gia đình ông Quý, ông Thành”.

Với hàng loạt đợt thanh tra, kiểm tra của quận Thủ Đức tại phường Hiệp Bình Chánh theo kiểu “bới lông tìm vết” khi ông Quý giữ chức Chánh Thanh tra thì liệu đây có phải là kiểu “dằn mặt” lãnh đạo phường trước những công trình xây dựng không phép của ông Quý, ông Thành và anh chị em ruột?

Lý giải một phần vấn nạn vi phạm trật tự xây dựng không giảm

Thực tế, thực trạng vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã trở thành một vấn nạn kéo dài nhiều năm và có nhiều điểm nóng về xử lý nhưng vẫn không thuyên giảm.

Trước những vấn nạn này, ngày 25-7-2019, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã ký Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Tại Chỉ thị số 23-CT/TU, trong thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp trên địa bàn thành phố, nhất là ở các quận, huyện có tốc độ đô thị hóa cao. Mỗi năm, hàng nghìn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch đã được phát hiện và xử lý (Cụ thể, năm 2017 là 2.856 công trình, bình quân 7,8 vụ/ngày; năm 2018 là 2.419 công trình, bình quân 6,6 vụ/ngày; sáu tháng đầu năm 2019 là 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ/ngày).

Mức độ sai phạm sáu tháng đầu năm 2019 tăng hơn 28% so năm 2018. Những công trình vi phạm về trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và khu nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020, gây mất an ninh - trật tự trên địa bàn. Nếu không lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn các quận, huyện, thì chẳng những không thể thực hiện được chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016 - 2020 mà cũng không có cơ sở để xây dựng và thực hiện chương trình này giai đoạn 2020 - 2025.

Nguyên nhân khách quan của tình hình chủ yếu là nhu cầu nhà ở của người dân nhập cư. Nguyên nhân chủ quan là cấp thành phố chưa thực hiện tốt quy hoạch và chưa có chương trình nhà ở cho người nhập cư với quy mô mỗi năm khoảng 200 nghìn người, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở nhiều nơi trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng chưa quyết liệt, có nơi còn buông lỏng, xảy ra tiêu cực; có biểu hiện người vi phạm chi tiền cho thanh tra, công chức thì làm ngơ, lực lượng môi giới, “cò” bán đất, nhà trái pháp luật, các doanh nghiệp, đội xây dựng trái pháp luật không bị xử lý. Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng ở nhiều nơi chưa đúng mức, chưa nhận trách nhiệm trước nhân dân về tình trạng vi phạm pháp luật trong xây dựng và tiêu cực ở địa phương. Sự phối hợp giữa Sở Xây dựng và các quận, huyện trong xử lý các vi phạm trật tự xây dựng còn chồng chéo, sơ hở, thiếu hiệu quả. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trật tự xây dựng còn yếu và kém hiệu quả.

Trong khi đó, những gì diễn ra về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại quận Thủ Đức với sự “đóng góp” của gia đình ông Quý, ông Thành là cán bộ chủ chốt của quận và năm người anh, em ruột trong một thời gian dài mà không xử lý được thì đã có thể lý giải được một phần câu hỏi: Vì sao vấn nạn vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không thuyên giảm.

Đồng thời, việc Quận ủy, UBND quận Thủ Đức điều chuyển ông Tú, người trực tiếp xử lý những sai phạm “tập thể” của gia đình ông Quý liệu có đi “ngược” với nội dung Chỉ thị 23-CT/TU của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh?