Phòng và giảm thiệt hại bão lũ: Những kinh nghiệm xương máu

Xác định “sống chung” với bão lụt, cần phải chuẩn bị trước rất nhiều và nhanh chóng, linh hoạt ứng phó khi thiên tay xảy ra. Chủ động phòng vệ, chống chọi và khắc phục hậu quả thiên tai chắc chắn là việc thường xuyên, lâu dài. Bởi vậy, luôn cần chủ động nghiên cứu, dành cho các công tác này mối quan tâm lớn về chính sách, cơ chế, các điều kiện vật chất, con người… Thời Nay xin khép lại loạt bài bằng một số gợi ý, đề xuất cụ thể và thiết thực được rút ra từ thực tiễn ứng phó  thiên tai của các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo địa phương, cơ sở. 

Sơ đồ phân bố các vị trí đã xảy ra sạt lở đất đá được xác định từ khảo sát thực địa khu vực tỉnh Quảng Nam.
Sơ đồ phân bố các vị trí đã xảy ra sạt lở đất đá được xác định từ khảo sát thực địa khu vực tỉnh Quảng Nam.

Kỳ 5: Chuẩn bị tốt cả về vật chất và tâm sức con người

(Tiếp theo và hết)

GS, TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Sinh thái và tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam):

Phải biết dựa vào tự nhiên

Những trận bão lũ, trượt lở đất vừa qua ở nhiều tỉnh miền trung nhắc nhở chúng ta cần phải sống cộng sinh, bảo vệ rừng. Bởi thế cần nhiều biện pháp tuyên truyền bảo vệ rừng, người dân dựa vào tự nhiên. Các cơ quan chức năng cùng người dân cần thực hiện biện pháp “phòng hơn chống”, khuyến khích trồng rừng và bảo vệ rừng. Tiếp đó là thường xuyên rà soát các điểm dễ có nguy cơ trượt lở đất đá để có giải pháp ứng phó. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng quy hoạch phát triển vùng dân cư an toàn trước thiên tai.

Phó Viện trưởng Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên & Môi trường) Trịnh Xuân Hòa:

Sử dụng hiệu quả bản đồ cảnh báo

Từ năm 2012, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản triển khai đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam”. Kết quả lập được bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000, kèm báo cáo thuyết minh cho 21 tỉnh, thành có núi đồi, chủ yếu từ Đà Nẵng đổ ra phía bắc. Theo đó, đã điều tra, khảo sát địa chất, xác minh được gần 15 nghìn điểm từng xảy ra các tai biến địa chất, gồm 13.233 điểm sạt lở đất đá; 337 điểm lũ ống, lũ quét; 947 điểm xói lở ở bờ sông, suối, biển; 344 điểm khai thác mỏ sụt lún; 22 điểm sụt lún, karst ngầm…

Từ bản đồ hiện trạng, đề án cụ thể hóa được 15 bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000 cho 15 tỉnh, thành miền núi, chủ yếu từ Nghệ An ra phía bắc. Theo đó đánh giá và chỉ ra được sáu tỉnh, thành có nguy cơ trượt lở đất đá toàn tỉnh rất cao gồm Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La; tám tỉnh khác có nguy cơ cao và một tỉnh ở mức trung bình. Toàn bộ kho tư liệu, dữ liệu, bản đồ này đã được chuyển giao cho cơ quan phòng, chống thiên tai trung ương và các tỉnh, thành, các huyện, xã. Địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện trượt lở đất đá tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra, cũng như cảnh báo về nguy cơ tại các vị trí, khu vực có điều kiện tự nhiên tương đồng. Trên cơ sở đó, các địa phương có thể chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp tại mỗi vị trí tùy mức độ quy mô, nguy cơ (tái) xuất hiện trượt lở trong mùa mưa bão.

Chúng ta cần lắp đặt hệ thống máy quan trắc đa thiên tai, từ đó có thể đưa ra dự báo gần thực tế hơn. Thế nhưng hiện cả nước ta chỉ có 10 máy quan trắc đa thiên tai, trong khi điểm có nguy cơ trượt lở rất nhiều. Biện pháp lắp máy khắp nơi là khó khả thi. Do vậy chúng ta có thể trang bị cho mỗi làng, bản một cột đo mưa. Mưa đến một mức nhất định thì sơ tán dân. 

Vụ trưởng Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Đỗ Đức Hiển:

Nâng cao tuyên truyền về bố trí dân cư

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối chính sách về bố trí dân cư cho đội ngũ cán bộ, công chức. Cùng với đó, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với các tầng lớp dân cư, đặc biệt là các đối tượng được điều chỉnh bởi phạm vi chính sách.

Bí thư Thị ủy, Chủ tịch thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền:

Người đứng đầu phải xuống cùng dân

Đức Phổ là vùng ven biển nên tình trạng sạt lở bờ biển, sóng biển xâm thực tấn công làng chài hầu như năm nào cũng có. Công tác vận động, hỗ trợ bà con ven biển mỗi mùa mưa thì làm thường xuyên nhưng không phải người dân đều đồng ý hay thực hiện ngay. Vì vậy, hầu như chúng tôi họp triển khai và yêu cầu các đồng chí trưởng đơn vị, người đứng đầu phải xuống cùng dân. Anh em huyện, xã tích cực và đầy trách nhiệm nhưng nếu thêm người đứng đầu như tôi hay các anh em ban, ngành, cơ sở đồng hành thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Nhờ sự chung tay quyết tâm và vì an toàn của bà con nên công tác di dời, vận động cũng hiệu quả hơn, nhanh hơn.

Chủ tịch UBND huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi Đinh Văn Điết:

Công an, quân đội: Hai lực lượng tác chiến nòng cốt

Qua các đợt mưa lũ, huyện Minh Long có gần 50 hộ với 170 khẩu ở thôn Gò Tranh, xã Long Sơn nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Cùng với sự hỗ trợ của cán bộ, lực lượng vũ trang, các hộ dân hai lần di dời, chạy tránh sạt lở núi. Là miền núi thường xuyên sạt lở nhưng qua các đợt mưa lũ vẫn bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Phải nói là sự “xắn tay” của các cấp chính quyền từ trên xuống dưới, sự quyết liệt bám địa bàn, bám dân ngày đêm mới vượt qua được hiểm nguy. 

Khi triển khai các phương án phòng tránh trú mưa bão, chúng tôi phân loại, xác định nhiệm vụ phù hợp cho từng bộ phận, lực lượng. Hai lực lượng tác chiến, nòng cốt giúp chúng tôi là công an và quân sự huyện, xã. Vùng hiểm trở, khó khăn nhất, nguy cơ sạt lở lớn nhất thì chúng tôi nhờ, phối hợp các đồng chí ở hai lực lượng đó hỗ trợ, phụ trách địa bàn để kịp thời xử lý tình huống nguy cấp như đưa dân đi, tiếp cận hiện trường để di dời dân… Tùy địa bàn, địa thế, vùng ở địa phương mà chúng tôi phối hợp, bố trí lực lượng, cán bộ, tổ chức đoàn thể phù hợp. Làm sao đó phải an toàn cho chính lực lượng, cán bộ tham gia các công tác phòng tránh mưa lũ.

Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình Lê Vĩnh Thế:

Tập huấn kỹ năng cứu nạn cho ngư dân

Từ mô hình và cách làm sáng tạo của chính ngư dân, huyện sẽ có đánh giá để rút kinh nghiệm và tổ chức lại mô hình cứu nạn trong nhân dân, trong đó lấy ngư dân và phương tiện đi biển của họ làm nòng cốt và chủ công. Bên cạnh việc tập huấn thêm kỹ năng cứu nạn, sẽ cần thêm sự tham gia chủ động ngay từ đầu của chính quyền trong việc tổ chức thành tổ, nhóm, lựa chọn ngư dân tham gia, cung cấp dầu chạy thuyền và lương thực, nước uống cứu trợ, thông tin địa bàn… Qua đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình huy động ngư dân cứu nạn mỗi khi có lũ lụt lớn. 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ: 

Làm tốt “4 tại chỗ” và “tự quản tại chỗ”

Qua lụt bão, có nhiều vấn đề cần đặt ra. Công tác phòng tránh vẫn quan trọng nhất. Trong phòng, chống bão lụt, ngoài phương châm “4 tại chỗ”, Thừa Thiên Huế có thêm phương châm “tự quản tại chỗ”. Để thực hiện tốt các phương châm trên, cần chuẩn bị hậu cần tại chỗ tốt trước khi bão lụt xuất hiện, nhất là ở các vùng chia cắt, vùng xung yếu, vùng ngập sâu dài ngày. Khi đã bị cô lập cần phát huy vai trò của “4 tại chỗ”. Đề nghị Chính phủ quan tâm nguồn lực cho sự phục hồi ở miền trung. Cần hỗ trợ để phục hồi, để tái thiết sản xuất, sửa chữa đường sá, đê kè, chống xâm thực bờ biển…