Phòng và giảm thiệt hại bão lũ: Những kinh nghiệm xương máu

Việc quy hoạch, bố trí dân cư bảo đảm an toàn ở những vùng có nhiều rủi ro, dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất là vô cùng quan trọng trong bối cảnh thời tiết cực đoan. Những năm qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách quan trọng nhằm ổn định đời sống cho người dân. Song không phải nơi nào cũng thực hiện tốt và đạt mục tiêu đề ra. Trong khi, thực tại lại đặt ra trước mắt rất nhiều câu hỏi mới cần sớm được giải đáp.

Người dân làng biển Tam Thanh, Tam Kỳ (Quảng Nam) sơ tán trước bão số 13.
Người dân làng biển Tam Thanh, Tam Kỳ (Quảng Nam) sơ tán trước bão số 13.

Kỳ 4: Thúc đẩy nhanh quy hoạch dân cư 

Hiệu quả bố trí dân cư còn hạn chế

Ngày 21-11-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1776/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai (sạt lở đất, sụt lún đất, lốc xoáy, lũ quét, lũ ống, ngập lũ, xâm nhập mặn, sóng thần, nước biển dâng), đặc biệt khó khăn (thiếu đất, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng, tác động phóng xạ, ô nhiễm môi trường, các làng chài trên sông nước, đầm phá), biên giới, hải đảo (gồm cả khu kinh tế quốc phòng), di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020. 

Trong đó có nội dung ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho hộ gia đình ở vùng có nguy cơ thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn nếu di chuyển nội vùng dự án mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; di chuyển trong tỉnh mức hỗ trợ 23 triệu đồng/hộ; di chuyển ngoài tỉnh mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ. Trường hợp hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do thiên tai được hỗ trợ thêm 12 tháng lương thực theo mức tương đương 30 kg gạo/người/tháng. Tại quyết định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được giao chủ trì.

Theo nhiều chuyên gia, đây là chương trình có tính nhân văn cao, song phức tạp bởi liên quan quá nhiều người, vùng, miền và việc thực hiện phải thật sự khoa học, hợp lý và sát thực tế. Về việc ban hành các quy định về quy hoạch cũng cần phải được cụ thể hóa. Theo ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), có nhiều quy định gắn giữa việc quy hoạch bố trí dân cư và phòng, chống thiên tai. Như yêu cầu các địa phương: Phải đánh giá, xác định được các loại đất theo điều kiện tự nhiên thuận lợi, ít thuận lợi, không thuận lợi, cấm hoặc hạn chế xây dựng. Cũng như phải đánh giá, xác định được các nguy cơ rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó có xét đến các khu vực lân cận. Cùng với đó, phải phù hợp quy hoạch chuyên ngành thủy lợi và tận dụng địa hình, điều kiện tự nhiên, hạn chế khối lượng đào, đắp. Đặc biệt, phải có giải pháp để cao độ nền khu quy hoạch mới không ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước của các khu vực hiện hữu… 

Những năm qua, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo, tổng hợp quy hoạch bố trí dân cư giai đoạn 2013 - 2020 là 460.038 hộ có nhu cầu bố trí, trong đó 294.434 hộ ở vùng thiên tai (chiếm 64%). Trong giai đoạn này cả nước đã phê duyệt được 707 dự án (DA), trong đó hoàn thành 411 DA, đang triển khai 221 DA, còn lại chưa có vốn đầu tư hoặc dự kiến sẽ mở mới. Tổng số hộ đã được sắp xếp ổn định là 105.352 hộ, đạt 65,85% so mục tiêu đề ra (160 nghìn hộ). Riêng việc bố trí dân cư ở vùng thiên tai, đã sắp xếp ổn định cho 70.912 hộ, đạt 77,67% so mục tiêu của chương trình (91.300 hộ). 

Theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia, đây là công việc khó khăn, phức tạp nhưng cũng góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của cho nhân dân khi có mưa lũ; hạn chế phá rừng, di cư tự do, bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng an ninh tuyến biên giới đất liền, hải đảo. Tuy nhiên, việc bố trí dân cư còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa sát yêu cầu thực tế; di cư tự do vẫn còn, dân cư biên giới vẫn chưa thật sự ổn định. Ở một số tỉnh việc triển khai còn chậm, như chậm phê duyệt quy hoạch, bố trí ổn định dân cư; công tác điều tra, khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tổng thể còn chưa sát thực tế. Từ đó dẫn đến phải điều chỉnh, làm chậm tiến độ DA. Tình hình biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự kiến và ngày càng phức tạp; số hộ thuộc đối tượng có nguy cơ cao về thiên tai vẫn còn rất lớn.

Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam cũng chỉ ra nguồn ngân sách T.Ư và địa phương bố trí cho chương trình chỉ đáp ứng khoảng 22,42% nhu cầu bố trí dân cư của các địa phương; chính sách hỗ trợ bố trí ổn định dân cư còn hạn chế. Vì vậy chương trình chưa đáp ứng nhu cầu di dân thực tế, nhất là việc di dời các hộ sinh sống ở vùng nguy cơ cao về thiên tai, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Một số điểm tái định cư còn thiếu các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt… nên đời sống người dân còn khó khăn, chưa thật sự ổn định bền vững.

Chiến lược nào cho “đa thiên tai”, thảm họa thiên nhiên?

Trong bối cảnh đó, thì những trận bão năm nay đã gây ra lũ lụt, sạt lở liên tiếp và nghiêm trọng. Cây cối, nhà cửa “bội thực” gió, đất chìm trong nước. Cuộc sống người dân đảo lộn vì lũ chồng lũ, bão chồng bão. Miền núi nhiều nơi sạt lở, thương vong… Những năm trước, bão dù lớn, dù nhỏ cũng chỉ một vài cơn, lũ lụt vài ngày đến một tuần. Năm 2020 lịch sử này, không những bão gia tăng về tần suất, lụt cũng kéo dài, ngập sâu, tái suất nhiều hơn. Riêng thành phố Hội An (Quảng Nam) tính từ ngày 10-10 đến nay đã sáu lần ngập phố cổ. Cùng với đó là tình trạng ngập úng ở đồng bằng, biển lấn, cát lở ven biển. Tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) chưa dứt thì tình trạng “sóng xô, biển gào” ở Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) khiến núi An Vĩnh cũng “quỵ ngã”. Miền núi, sạt lở nối dài, chạy rộng, trước huyện Nam Trà My, Phước Sơn sau đến Bắc Trà My (Quảng Nam), huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) nối tiếp mạch sạt lở. Nhiều điểm tại tuyến đường Trường Sơn Đông núi vỡ, đất vùi… Trong những ngày hứng chịu và chống chọi với thiên tai, nhiều người miền trung đã tìm mua hoặc tìm mượn cuốn sách “Tăng cường năng lực quốc gia ứng phó thảm họa ở Nhật Bản, châu Á và Thế giới” (NXB Thông tin và Truyền thông). Nội dung cuốn sách được nhiều tờ báo điểm sách nhấn mạnh, gồm: “Những bài viết và tư liệu quý giá của một số nhà chính trị lớn, học giả và tổ chức nghiên cứu chính sách nổi tiếng của Nhật Bản về ứng phó thảm họa thiên tai - một chủ đề có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết đối với mọi quốc gia, vùng lãnh thổ trong thời đại ngày nay. 

Lũ lụt miền trung hiện vẫn chưa dứt, đang làm dấy lên nhiều lo ngại về thực trạng rừng nguyên sinh bị suy giảm, đặt vấn đề trồng lại rừng, tái sinh rừng một cách cấp bách để giữ nước, giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất. Cùng với đó, đưa ra mục tiêu phải có đánh giá độc lập của cơ quan khoa học khi mà chúng ta đang chứng kiến thực trạng tàn phá của một tổ hợp gồm nhiều loại hình thiên tai. Có những ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm chiến lược ứng phó với thiên tai trong giai đoạn mới trong khi hình thái thiên tai, thời tiết cực đoan… ngày càng xuất hiện rõ nét.

(Còn nữa)

Đầu tháng 6-2020, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 bố trí ổn định cho 60.192 hộ dân vùng thiên tai. Bộ NN&PTNT đã đề xuất nhiều giải pháp xây dựng kế hoạch bố trí dân cư theo thứ tự ưu tiên, nơi có nguy cơ cao về thiên tai phải được bố trí thực hiện trước, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; có kế hoạch cụ thể để thực hiện hoàn thành dứt điểm các dự án bố trí ổn định dân cư, sớm đưa dân đến sinh sống ổn định.