Ông vua không ngai của núi rừng Tây Côn Lĩnh

Lật lại sử sách và đối chiếu các tư liệu, có thể thấy Hoàng Vần Thùng trong truyền miệng của người Tây Côn Lĩnh chính là tên gọi khác của Hoàng Văn Đồng. 
 

Trên thượng nguồn sông Chảy.
Trên thượng nguồn sông Chảy.

Kỳ 4: Đoạn kết của ông vua không ngai

(Tiếp theo & hết)

Kẻ phản loạn được triều đình tha tội

Nói tiếp chuyện được ghi chép trong sử sách: Tháng 7-1779, sau khi thoát khỏi đại lao trở về châu Vị Xuyên, Hoàng Văn Đồng lập tức tự xưng là Tân Vương, nổi loạn chống lại triều đình. Với vị thế sẵn có, Hoàng Văn Đồng đã gây dựng được đội quân hùng hậu. 

Chúa Trịnh Sâm bèn sai Trấn thủ hai xứ Sơn Tây và Hưng Hóa là Hồng Lĩnh hầu Nguyễn Khản (anh của thi hào Nguyễn Du) cất quân đi dẹp loạn. Trong đạo quân này, có cả quan Đốc đồng hai xứ Kinh Bắc và Thái Nguyên là Ngô Thì Nhậm.

Chỉ dựa vào núi rừng hiểm yếu và đội quân ô hợp mới chiêu mộ, Hoàng Văn Đồng hoàn toàn không phải là đối thủ của triều đình. Sau vài trận đánh bị thua tan tác, đồn lũy bị phá sạch, Hoàng Văn Đồng nhanh chóng dâng biểu tạ tội, đầu hàng Nguyễn Khản. Hoàng Văn Đồng bị giải về kinh thành tống ngục chờ xét tội, nhưng chẳng bao lâu, lại được tha, cho trở về quê cũ. Sách “Hoàng Lê nhất thống chí” có nhắc đến việc Nguyễn Khản mở ân tình, giúp ông vua tự xưng Hoàng Văn Đồng thoát tội. 

Sau chiến công hàng phục Hoàng Văn Đồng, Nguyễn Khản được phong đến chức Nhập thị Tham tụng (Tể tướng), tước Quận công Thiếu bảo; cha ông đều được truy phong rất vinh hiển. Cuộc sống đang ung dung tiêu sái thì xảy ra nạn kiêu binh. Ngôi biệt phủ tráng lệ bị kiêu binh đập phá tan tành, Nguyễn Khản buộc phải trốn chạy lên Sơn Tây nương nhờ em trai là Nguyễn Điều đang làm Trấn thủ. Trong cuộc trò chuyện của hai anh em, tên của Hoàng Văn Đồng lại được nhắc đến, khi Nguyễn Điều bày mưu cho anh triệu tập binh mã các xứ trở về kinh thành khôi phục quyền lực: “Trên vùng Tuyên Quang, phiên mục Diễn Quận công giàu có nhất thiên hạ, năm xưa có tội được anh cứu giúp, ông ta hẳn còn nhớ ơn; nếu viết thư lên rủ, thế nào ông ấy chẳng theo” (Hoàng Lê nhất thống chí). 

“Diễn Quận công” ở đây chính là tước hiệu của Hoàng Văn Đồng, người hiện đang làm Đồn trưởng nắm giữ mỏ đồng Tụ Long. Cần lưu ý rằng, không chỉ Nguyễn Khản vẫn là đương kim Tể tướng mà cha của ông là Nguyễn Nghiễm cũng từng làm Tể tướng, gia tộc có rất nhiều người làm quan lớn trong triều. Nhưng họ vẫn phải thừa nhận rằng Hoàng Văn Đồng là người “giàu có nhất thiên hạ”, đủ biết gia sản của ông thổ ty miền Tây Côn Lĩnh khủng khiếp đến mức nào. 

Tung hoành cả gầm trời Đông Bắc, triều đình cũng vì nể những tưởng phú quý tột cùng chỉ đến thế. Nhưng lỗi lầm lớn nhất của  Hoàng Văn Đồng là việc mở cửa để Sầm Nghi Đống vào đất Việt đưa quân về Thăng Long. Cần nhắc lại là sau khi quy hàng và được triều đình tha tội thì vị vua họ Hoàng này đã trở thành bề tôi trung thành của nhà Lê - lúc đó đã đến kỳ mạt. 

Năm 1790, Đại Tổng trấn Tây Sơn Trần Quang Diệu được lệnh cầm quân dẹp loạn họ Hoàng. Sau khi đánh tan quân Ai Lao ở khu vực Trấn Ninh và quân Xiêm La ở giáp sông Mê Công, Trần Quang Diệu thẳng tiến lên đất Tụ Long bắt sống Hoàng Văn Đồng, giải về Thăng Long xử tử. Điều này sử sách nhà Nguyễn cũng đã ghi chép lại. 

Ông vua không ngai của núi rừng Tây Côn Lĩnh -0
Cây ngọc am cho giá trị rất lớn, một thời do Hoàng Vần Thùng độc quyền khai thác. 

Hoàng Văn Đồng và Hoàng Vần Thùng là một người

Ông Bế Thanh Bích vốn là người Tày gốc Cao Bằng, nhưng sinh ra và lớn lên ở làng Tặng Giáo (nay là thôn Nghè, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, Hà Giang). Trong ký ức của mình, ông Bích luôn nhớ bài đồng dao mà ông cùng đám trẻ trong thôn thường nghêu ngao hát: “Vua Tặng Giáo, vua Tặng Giáo…”.

Mãi sau này lớn lên, ông mới được người già cho biết: “Vua Tặng Giáo là tên gọi khác của vua Hoàng Vần Thùng”. Sở dĩ có tên gọi ấy, vì Hoàng Vần Thùng từng xưng vương ngay trên đất làng Tặng Giáo này. “Cung điện” của nhà vua chính là một khu nhà lớn rộng rãi, kiên cố với những hàng cột lớn và chân tảng bằng đá xanh, có rất nhiều người ra vào giúp rập, bảo vệ.

Khi ông Bích đã trưởng thành, thì những lâu đài ấy đã đổ nát, chỉ còn lại nền móng cũ. Người dân địa phương đã san cào nền nhà lớn ấy thành sân bóng đá cho thanh, thiếu niên. Gạch ngói gỗ cũng được chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại ít nhiều chân tảng đá vứt lăn lóc bên các gốc cây. Nhưng vẫn còn nơi thờ tự, với bát hương và những dòng chữ Nho, chữ Quốc ngữ sót lại trên tường. Đọc những dòng chữ ấy, thấy viết rằng:

“Nhất danh địa vương. Hoàng Văn Đồng, nhất thiên thất bách bát thập…” - ghi tên tuổi và sự kiện năm 1780 Hoàng Văn Đồng xưng vương. Phía dưới có đề tên ba người là các tướng quân Lưu Quý Tiên, Bế Lương, Lưu Seo Tải đã lập đền thờ ông vào năm 1870.

Khi đã là người cán bộ lãnh đạo cấp phòng ở huyện Bắc Quang, có điều kiện tiếp xúc với nhiều tài liệu xưa cũ, ông Bích nhận ra rằng, vua Hoàng Vần Thùng được sử sách chép lại với tên Hoàng Văn Đồng - vị thổ ty đầy tranh cãi của miền Tây Côn Lĩnh. Từ đó, ông để ý tìm hiểu thêm, để hiểu hơn về thân thế và sự nghiệp của vị vua đã lấy làng Tặng Giáo của mình làm nơi định đô.

Có nhiều cứ liệu cho thấy rằng, tên gọi Hoàng Văn Đồng - Hoàng Vần Thùng là một. 

Cuộc đời đầy biến cố, vinh hiển và tội lỗi của Hoàng Vần Thùng, cũng dữ dội như thời cuộc lúc bấy giờ. Sau này, con cháu dòng họ Hoàng đều mai danh ẩn tích, ly tán khắp nơi, tạo nên những huyền sử về thân thế và sự nghiệp của ông. Chuyện về những ngôi mộ giả có thể là dấu tích các công trường khai thác mỏ xưa kia. Các kho giấu vàng bạc của Hoàng Vần Thùng đều có những nguyên cớ và manh mối nhất định, chưa được khám phá. 

Nhưng có một điều, không có sai lầm nào không phải trả giá, ngay cả với một vị vua từng khuynh đảo cả vùng Đông Bắc như Hoàng Vần Thùng.