Ông vua không ngai của núi rừng Tây Côn Lĩnh

Sử sách nước ta cũng ghi chép lại những nhận định cho thấy, miền Tây Côn Lĩnh quả nhiên là “kho của” trên cương vực nước Nam. Trong lịch sử đã có nhiều ghi chép về sự giàu có vương giả đến vô lý của những người đứng đầu vùng đất này.

Bình yên trên kho báu.
Bình yên trên kho báu.

Kỳ 3: Sự giàu có có thật

Kho báu Tụ Long trong sử sách

Am hiểu và ghi chép công phu tỉ mỉ bậc nhất về miền đất Tây Côn Lĩnh, không ai khác ngoài nhà bác học lừng danh thế kỷ 18, Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Trong cuốn “Kiến văn tiểu lục” ghi chép lại những chuyện mắt thấy tai nghe suốt hơn 15 năm tìm hiểu của mình (1762 - 1778), Lê Quý Đôn dành một thời lượng đáng kể để viết về xứ Tuyên Quang miền đông bắc của Tổ quốc, đặc biệt là phía tây tỉnh Hà Giang hiện nay.

Theo đó, xứ Tuyên Quang (cũ, gồm cả Hà Giang và một phần bên Trung Quốc hiện nay) gồm một huyện và năm châu, đất đai rộng lớn, sản vật dồi dào, có rất nhiều mỏ khoáng sản quý báu. Đặc biệt nhất là châu Vị Xuyên (gồm 8 tổng và 51 xã), có rất nhiều mỏ kim loại quý, như: mỏ đồng Tụ Long và Na Ngọ, mỏ vàng ở Bình Di và Linh Hồ, mỏ bạc ở Sinh Khí, mỏ vàng ở Tiên Cầu, ba mỏ bạc Long Sinh, Thủy Động và Minh Tiên ở Tụ Long, mỏ đồng ở Bán Gia, mỏ vàng Châu Sa ở Yên Long, mỏ vàng ở Phương Độ và Yên Hành, mỏ bạc ở Hoa Lâm, Màn Long và Du Gia... 

Trong các xã của châu Vị Xuyên thì Tụ Long (khu vực Hoàng Su Phì hiện nay) là to lớn hơn cả, có đến 24 thôn ấp, dân cư tập trung đông đúc chung quanh những mỏ đồng và bạc lớn nhất cả nước, luôn hoạt động náo nhiệt. “Xã Tụ Long đều núi đất, dân các thôn đều ở sườn núi và chân núi. Núi không có cỏ cây, phần nhiều mọc thứ tre nhỏ, cho nên nước hơi lành, đất màu mỡ, ưa trồng trọt, bốn mùa không khô hạn” - Lê Quý Đôn viết. Nhưng chính ở Tụ Long với những điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh cụ thể của thế kỷ 18, lại là nơi hoạt động khai thác và giao thương sầm uất, đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Thời điểm ấy, Tụ Long là một đại công trường, với hàng chục vạn người được thuê làm tại hàng chục mỏ vàng bạc. Họ gồm nhiều sắc tộc của người Việt và khá nhiều người Hoa sang buôn bán và làm thuê. Tính riêng mỏ đồng ở Tụ Long, mỗi năm nấu được khoảng 450 nghìn kg, mỗi trăm kg tính là 9 lạng bạc. Các mỏ đồng khác cũng có đến hàng vạn người tham gia khai thác. Mỗi chặng đường vận chuyển bạc, đồng ra đến Hà Giang rồi về xuôi chi phí đội lên rất nhiều, cũng là một khoản lợi nhuận khổng lồ.

Việc buôn bán muối cũng rất sầm uất và phát đạt. Một tấn muối ở trấn sở Tuyên Quang có giá là 32 quan, lên đến Hà Giang thành 50 quan, vào đến Tụ Long đã là 200 quan. Chưa kể, người ta thường lén đem bán sang Trung Quốc bán với giá rất đắt đỏ vì muối bên đó có vị đắng, không được ưa chuộng. 

Các mặt hàng khác như vải vóc, than đốt, dầu, trâu, lừa, ngựa, súng ống… cũng được khai thác và buôn bán tấp nập ở Tụ Long. Đặc biệt, Tụ Long có giống cây thông lá rủ cho tinh dầu rất thơm, chuyên dùng vào việc ướp xác cho các gia đình khá giả, rất được người Trung Quốc ưa chuộng. Việc khai thác, vận chuyển và buôn bán ngọc am khá rầm rộ. “Hạng tốt nhất gọi là ngọc am, cứ năm phiến trị giá 24 quan tiền; hạng thứ nhì gọi là tứ nhĩ, trị giá 10 quan; hạng kém gọi là tả nam, trị giá 5 quan. Người Trung Quốc tranh nhau mua” - Sách “Kiến văn tiểu lục” cho biết. 

Nhà sử học Đặng Xuân Bảng cũng gắn bó rất nhiều với vùng đất này, khi ông có thời gian làm quan tri phủ Yên Bình (1858 - 1861) rồi Bố Chánh ở Tuyên Quang (năm 1868). Trong các sách “Tuyên Quang tỉnh phú”, Đặng Xuân Bảng từng viết về mỏ Tụ Long, với những ấn tượng rất mạnh về vùng đất giàu có và sôi động này. 

Học giả Phan Huy Chú từng ghi nhận nguồn ngân sách của nước ta được dồi dào chính là từ vùng mỏ đồng Tụ Long mà ra. Ông khẳng định, riêng phần thuế của mỏ Tụ Long đã chiếm tám, chín phần toàn bộ thuế đồng thu hằng năm của triều Nguyễn. Quả thật, đúng là: “Đồng Tụ Long, thiếc sông Ngâu/ Tiền rừng, bạc bể kể đâu sánh bằng!”.

Lời tố cáo tham nhũng của nhà bác học

Vẫn trong sách “Kiến văn tiểu lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn, có ghi chép khá cụ thể về một số nhân vật giàu có ức vạn trên vùng đất này. Đó là những thổ ty hùng mạnh và đầy tham vọng, quyền lực khuynh đảo cả châu Vị Xuyên cũ (Hà Giang hiện nay). Mỏ đồng Tụ Long giàu có, vốn được coi là “kho của” trên cương vực Việt Nam cũng do những người này thao túng. Đó là hai anh em của gia tộc họ Hoàng là Hoàng Văn Kỳ và Hoàng Văn Đồng, những thổ ty địa phương. 

Trong mắt nhà bác học, hai anh em Hoàng Văn Kỳ và Hoàng Văn Đồng là những thổ ty tham nhũng sâu mọt vào dạng khủng khiếp. Cả quá trình khảo sát miền biên viễn của xứ Tuyên Quang, Lê Quý Đôn tập trung điều tra nguồn tài sản khổng lồ, cung cách kiếm tiền mà hai người này tiến hành, như độc quyền buôn bán nhu yếu phẩm, buôn lậu, trốn và ăn chặn các khoản thuế, không kê khai các mỏ khoáng sản để tự ý khai thác… Có thể nói, với vai trò làm đồn trưởng khu vực mỏ Tụ Long cùng vị thế gia tộc rất lâu đời ở đất Vị Xuyên nói chung, hai viên thổ mục này đã chiếm dụng một lượng lớn tiền tài của nhà nước. Tài sản của Hoàng Văn Kỳ và Hoàng Văn Đồng có thể còn lớn hơn cả ngân khố quốc gia.

Như việc độc quyền thu thuế buôn bán gỗ ngọc am, mỗi năm Hoàng Văn Đồng chỉ nộp vào ngân sách ba dật bạc. Sau, triều đình có đòi phải nộp đến 50 dật mỗi năm, vẫn đang thất thoát quá nhiều tiền thuế. Tiền thu thuế buôn bán các mặt hàng khác, thuế lao dịch của nhân công và thuế đinh ở các vùng đó, những viên thổ ty này cũng lờ đi, không giao nộp. Việc thu thuế ở các quan ải như Bác Tỉ, Tụ Hà, Phương Độ, Nam Ngoại, Kênh Ngoại… đều do anh em họ Hoàng coi sóc, nhưng họ đều bớt xén đến rất nhiều. 

Việc tham nhũng lớn nhất phải kể đến những gian lận trong việc khai thác mỏ ở Tụ Long, do Hoàng Văn Kỳ làm đồn trưởng, sau này em là Hoàng Văn Đồng tiếp tục kế nhiệm. Rất nhiều mỏ bị khai thác bừa bãi, nhưng anh em họ Hoàng này đều giấu nhẹm, hoặc nộp thuế rất nhẹ để bớt xén. Lê Quý Đôn viết rõ: “Cứ như Nguyễn Văn Đối, người nhà của Hoàng Văn Đồng thì: “Quặng sa nấu bốn lần mới thành đồng; cứ 10 cân đồng thì lại phải nấu hai lần nữa mới lọc được bạc độ bảy tám phân; một vạn cân đồng có thể nấu được 8 hốt bạc”. Cứ lấy ba bốn mươi vạn cân mà tính, thì đầu mục người Thổ thu được bạc không phải là ít. Năm Quý Tỵ (1773) mới sai người khám mỏ đồng, đánh thuế tăng lên một vạn cân nữa, còn bạc vẫn theo như cũ”.  

Đáng chú ý có sự việc ở mỏ bạc Nam Đương vốn do quan lại ở trấn Tuyên Quang thu thuế. Nhưng Hoàng Văn Kỳ dâng sớ tâu xin tăng thuế. Triều đình biết Văn Kỳ định dùng mánh khóe để tiếp nhận công việc ấy nên không thuận. Sau, nhờ lo lót, Văn Kỳ cũng được khai thác mỏ Nam Đương suốt từ năm 1757 đến năm 1763. Lúc này, họ Hoàng lại giở quẻ, khai lên rằng mỏ ấy đã bỏ hoang phế để tránh chịu thuế, rồi ngầm tự khai thác mà thu lợi riêng. Lê Quý Đôn ước tính, với 71 cửa tàu, mỗi năm họ Hoàng thu về không dưới vài ba trăm hốt bạc, nhưng sự việc không bị bại lộ vì đã cấm dân bén mảng đến vùng mỏ đó và lo lót nhiều cho các quan lại tham nhũng khác. 

Lê Quý Đôn cũng tìm ra nơi anh em Hoàng Văn Đồng cất giấu của cải ở thôn Khào Thượng và Khào Hạ xã Phương Độ. Chứng kiến sự giàu có tột cùng và những việc làm coi thường phép nước của họ Hoàng, nhà bác học than rằng: “Thế mới biết, cổ nhân nói: Tiền nhiều đến mười vạn, buôn bán được quỷ thần”.

Những ghi chép của Lê Quý Đôn được tập hợp trong sách “Kiến văn tiểu lục”, viết xong năm 1778. Đến năm 1779, Hoàng Văn Đồng bị triều đình bắt giam để điều tra. Nhưng không hiểu sao, chỉ một thời gian ngắn thì lại được thả. Về đến châu Vị Xuyên, Hoàng Văn Đồng lập tức làm phản, tự xưng làm Tân Vương, chống lại triều đình…

Vậy Hoàng Vần Thùng có liên quan gì tới Hoàng Văn Đồng?

(Còn nữa)