Ơi Cha Lo!

“Ơi Cha Lo! Ơi/Nơi rừng núi miền tây Tổ quốc/Bừng sáng lung linh một vì sao/Vì tiếng ru hời hay tiếng đánh vần bi bô/Những cánh đồng hợp tác hay những nhà máy khói bay/Có chúng tôi đây vững vàng trên miền tây”. Tôi được học bài hát “Đêm trên Cha Lo” vào một buổi sáng tháng 5 gióng giả tiếng ve kêu.

Người dân Minh Hóa thu hoạch lúa.
Người dân Minh Hóa thu hoạch lúa.

1. Chả là dịp ấy có các giáo sinh Trường đại học Sư phạm Hà Nội về Trường cấp 3 Hồng Quang, thị xã Hải Dương thực tập. Hôm chia tay, các cô giáo tương lai đã dạy lớp chúng tôi bài hát đó. Hình ảnh miền biên viễn phía tây Tổ quốc được lời ca mượt mà trong bài hát truyền tải đã làm cánh con trai trong lớp vô cùng háo hức.

Từ thành phố Đồng Hới, xe nhằm hướng tây bắc mà đi. Đường lên huyện miền tây Minh Hóa của tỉnh Quảng Bình giờ đã khá lên rất nhiều. Mặt đường được mở rộng, nắn cua, hạ dốc và trải thảm bê-tông nhựa. Lướt qua những dãy núi điệp trùng, xe chạy đều đều bên những cánh rừng xanh mướt. Tôi ngạc nhiên quay sang nói với ông Nguyễn Văn Tình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình “Rừng ở đây xanh tốt quá nhỉ”. Ông Tình cười vui “Quảng Bình là một trong những tỉnh có độ che phủ rừng đạt cao nhất nhì cả nước đó anh”.

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã hiện hữu. Bắt đầu chuyển sang giờ trưa nhưng như “trời chiều lòng người” vậy. Trong khi ở Đồng Hới nắng nóng 38 độ thì ở Cha Lo lại râm mát. Hoạt động tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo khá trật tự mặc dù các phương tiện vận tải vẫn đều đặn vào ra. Ông Tình cho biết: Lượng hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Cha Lo trung bình mỗi năm có giá trị chừng hai tỷ USD, trong đó nhập khẩu chiếm tới 90%. Tôi hỏi lại: “Cha Lo giáp với nước bạn Lào vậy thì hàng hóa từ Lào ra sao?”. Ông Tình cung cấp: Hàng hóa Lào chủ yếu là quặng săt, quặng đồng và thạch cao. Lượng quặng nhập qua cửa khẩu chiếm một nửa tổng hàng hóa nhập khẩu, tuy nhiên đây lại là hàng tạm nhập, quá cảnh để tái xuất sang nước khác. Hàng xuất khẩu từ bên ta qua Lào phần lớn là vật liệu xây dựng, nhu yếu phẩm cùng đồ gia dụng. Ông Tình hơi trầm xuống: “Giá trị xuất chỉ đạt độ 100 triệu USD thôi”.

Được biết Cửa khẩu quốc tế Cha Lo hình thành đã lâu. Ban đầu chỉ là lối thông thương qua lại giữa hai bên biên giới Việt Lào. Đâu như có từ hồi người Pháp mở con đường 12A từ thị xã Ba Đồn hiện nay để sang Lào. Họ đã lấy tên bản Cha Lo ở gần đó (cách đó 5 km) để đặt tên cho cửa khẩu, Cha Lo cũng được đặt tên cho Đồn biên phòng đóng trên địa bàn xã Dân Hóa và dĩ nhiên là địa danh trong bài hát nổi tiếng “Đêm trên Cha Lo” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác. Xã Dân Hóa ở chính giữa rìa phía tây huyện Minh Hóa giáp với huyện Bualapha và huyện NaKai của tỉnh Khăm Muộn. Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa vừa đi 20 km từ trung tâm xã lên để kịp chào khách đã phải trả lời cho câu hỏi của tôi. Người đàn ông đưa tay gạt những giọt mồ hôi cho biết thêm: Xã chúng tôi là đầu nguồn của sông Gianh đấy. Nó nằm giữa dãy núi Giăng Màn và khối núi Phong Nha - Kẻ Bàng mà.

Lại nhớ lúc xe vừa tới ngã ba Khe Ve, một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ thời chiến tranh phá hoại, một tấm bảng cỡ lớn dựng ngay bên ngã ba đã gây sự chú ý của mọi người: “Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo”. Tôi níu tay chủ tịch xã để hỏi tiếp: “Đời sống kinh tế văn hóa của bà con mình hiện thế nào?”. Ông Hạnh chậm rãi trả lời: “Dân số xã Dân Hóa khoảng 3.000 dân, gồm người Kinh và người dân tộc thiểu số như Chứt, Sách, Mày, Khùa cùng sinh sống ở 12 thôn bản nằm dọc quốc lộ 12A. Điều kiện còn khó khăn bởi địa hình toàn núi dốc, số hộ nghèo trong xã hơn 89,97%. Trên địa bàn xã hiện có 15 doanh nghiệp đang hoạt động, chủ yếu là vận tải hàng hóa, bán buôn vật liệu xây dựng, lâm sản và một số ít làm dịch vụ”.

2. Càng về gần trưa lưu lượng xe cộ và người qua lại cửa khẩu càng hối hả. Những chiếc xe tải phủ bạt kín và nặng nề bởi chúng không chỉ chở nặng quặng sắt hay thạch cao mà chúng còn được lắp kéo thêm rơ-mooc. Ông Võ Văn Thái, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo nói vui: “Xe kéo rơ-mooc là “đặc sản” ở Cha Lo này”.

Vừa nghe tới câu “đặc sản” của ông Thái là tôi vui vui nhớ tới lúc ngồi trên xe ông Tình đã nói về “đặc sản” của người dân huyện Minh Hóa nhưng đó lại là “một đặc sản văn hóa” riêng có. Theo ông Tình cho hay thì bà con người Kinh ở huyện Minh Hóa cho dù là cán bộ hay dân thường nhưng hễ về tới nhà hoặc nói chuyện với nhau là sử dụng “Tiếng Nguồn”. Và danh từ “Người Nguồn” dường như đã gắn liền để chỉ người dân Minh Hóa vậy. Thực ra “Người Nguồn” chỉ là một cách gọi thành quen chứ không hề có dân tộc nào là dân tộc Nguồn cả. Khi nghe Chủ tịch xã Đoàn Phúc Hạnh nói tới đầu nguồn sông Gianh tôi chợt ngờ ngợ đoán rằng “Gọi là người Nguồn đơn giản vì những người dân nơi đây sinh sống ở nơi đầu nguồn của một dòng sông?”. Tiếng Nguồn về cơ bản hiểu như một thứ tiếng Kinh biến thể? Thí dụ như nếu hỏi “Đi đâu về?” thì người dân ở đây lại nói “Ti nâu viền”. Dạng biến thể này có khả năng cho phép người dân Minh Hóa nói chuyện hay trao đổi với nhau một cách nhanh chóng, dễ dàng. Lâu ngày “tiếng Nguồn” trở thành “nét văn hóa bản địa”, trở thành thứ “tiếng địa phương” nhưng cái hay cái quý là người dân Minh Hóa vẫn giữ được “ý thức Việt” cùng “văn hóa Việt”.

Ơi Cha Lo! ảnh 1

Xe chở quặng sắt từ Lào qua cửa khẩu vào Việt Nam.

3. Nhiệt độ đã có vẻ tăng lên nhưng khi đứng giữa cửa khẩu Cha Lo nhìn về dãy núi Giăng Màn chúng tôi vẫn thấy những dải mây sương mầu xám mịt mùng giăng ngang. Hình như hai chữ “giăng màn” được gọi lên từ đó. Đại úy Tiến Dũng, Trạm trưởng Trạm Biên phòng cửa khẩu Cha Lo, chỉ tay nói: “Giăng màn nhưng không giăng được mắt chúng tôi”. Anh đại úy trẻ này ăn nói cũng khá văn hoa. Được biết tình hình trật tự trị an cũng như vấn đề an ninh biên giới ở đây khá tốt. Bộ đội Biên phòng ngoài thời gian hoạt động chuyên môn ra là tranh thủ xuống dân xuống bản. Câu chuyện gia đình nhà chị Hồ Thị Đụt là một thí dụ. Chuyện rằng: nghe Bộ đội Biên phòng ở Ðồn Cha Lo “rủ” làm ruộng nước, hai vợ chồng ậm ừ nhưng không đi vì chưa quen. Ðến khi vào vụ, đồng lúa chín vàng ươm ngay trước nhà. Vợ chồng chị Ðụt và dân bản rất ngạc nhiên. Bộ đội thu hoạch lúa xong, chia đều cho các hộ trong bản. Sau đó chị Ðụt và nhiều người khác xin theo Bộ đội Biên phòng để trồng lúa nước. Từ khi có lúa nước, đời sống của dân bản ngày càng đổi thay thật đúng như câu hát: “Những cánh đồng hợp tác…” năm nào.

Một buổi ngắn ngủi “gặp gỡ” Cha Lo thực chẳng thể nào cho đủ cả. Tôi đứng hồi lâu để cố thu vào ống kính máy ảnh hình ảnh “Quốc môn” đang được khẩn trương hoàn thiện. Một “Cổng quốc gia” mang đậm phong cách Việt uy nghi đứng vững. Hình ảnh tươi lên niềm hy vọng về một Cha Lo nói riêng, về một huyện miền núi biên giới Minh Hóa nói chung sẽ cất cánh bay cao như hình ảnh đàn chim Lạc tạc trên Quốc môn. Và bài hát lại vọng về thân thương “Em thân yêu ở nơi xa/ nghe chăng tiếng vọng miền tây/ em có thấy góc trời biên giới/ như rực ánh hồng chân mây…” (Đêm trên Cha Lo).