Ở giữa những đám mây

“Y Tý lại đầy khách rồi chị ạ”, Lý Xá Xuy khoe vào tuần đầu tiên sau khi Lào Cai mở cửa lại cho khách du lịch. Homestay Y Tý Cloud (xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai) của cậu đã nhanh chóng có khách đặt kín chỗ. Y Tý đã lại bồng bềnh mây.

Lễ, Tết truyền thống của người Hà Nhì là một trong những điểm nhấn làm nên nét độc đáo của du lịch Y Tý.
Lễ, Tết truyền thống của người Hà Nhì là một trong những điểm nhấn làm nên nét độc đáo của du lịch Y Tý.

Người Hà Nhì chủ động

Homestay của Lý Xá Xuy nằm ở đầu dốc, từ đó có thể nhìn toàn cảnh Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai). Xuy gọi đó là Nhà Mây (Y Tý Cloud). Cậu bảo xe từ Lào Cai vào trung tâm xã, thế nào cũng phải qua nhà cậu. Lý Xá Xuy gây ấn tượng với tôi vì một Facebook sạch sẽ, câu cú gọn gàng, đúng chính tả. Cậu từng là người duy nhất ở xã được học đại học, lại ở một trường danh tiếng là Trường ĐH Xây dựng. Xuy mới mở homestay này hơn một năm.

Ở Y Tý, Xuy cũng xem như thuộc vào hàng “danh gia vọng tộc”. Ông nội là nghệ nhân dân gian Lý A Chơ, một pho sử sống về văn hóa người Hà Nhì, chú là lãnh đạo địa phương. Cậu học một chuyên ngành nghe tên khá xa xôi, hỏi thì cậu bảo Nhà nước cho đi học. Tốt nghiệp đại học, Xuy không đi làm nhà nước như người ta vẫn nghĩ về mấy cậu sinh viên cử tuyển, Xuy bán bớt đất, lấy vốn mở một homestay làm du lịch, vào thời điểm Y Tý bắt đầu có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Y Tý trong nhiều năm là vùng đất xa xôi ở tỉnh du lịch Lào Cai. Xã biên giới này nổi tiếng với những biển mây lãng đãng và những câu chuyện kỳ ảo của người Hà Nhì. Nhưng đó không phải là đất hút khách. Chỉ cách đây gần chục năm, đường từ TP Lào Cai đến Y Tý vẫn là cực hình, dễ mất cả ngày trời. Lối qua Mường Hum không dành cho ô-tô, phải dắt bộ qua một con đập tràn, lối qua Trịnh Tường thì đường lộc ngộc sỏi đá. Thời điểm ấy, đất này chỉ có mỗi một điểm homestay ngủ sàn ở đầu xã. Người đến trải đệm, trải chăn ngủ trên gác, 80 nghìn một người. Cái thời “phượt” lên ngôi, mỗi độ lễ Tết là Y Tý quá tải, dù lượng khách chắc chỉ vài trăm. Tối đến khách phải nằm cả trên phản thịt ngoài chợ, quây tạm cái bạt làm chỗ vệ sinh.

Chỉ vài năm, lớp người trẻ như Xuy bắt đầu thay đổi cách thức làm việc trên vùng đất biên giới. Những Phu Suy Thó, Chu Che Xá… cũng mở homestay. Những căn nhà truyền thống còn được tư vấn chăm chút không gian hơn. Căn nhà của Phu Suy Thó tỉ mẩn chuẩn bị cả một con đường đầy hoa hướng dương để du khách chụp ảnh “sống ảo”. Chu Che Xá rất chuyên nghiệp trong việc làm hướng dẫn viên, đưa khách tham quan đi giới thiệu phong tục người Hà Nhì, ngày Tết còn đưa cả vợ con ra làm bánh dày để tiếp thị văn hóa bản địa. Hiện, Y Tý có thể đón tầm hơn 2.000 khách lưu trú, mô hình chủ yếu là các homestay của người bản địa. Các căn nhà đã xây điểm ngắm mây, có quán cà-phê nho nhỏ, có điểm dừng chân chụp ảnh chiều lòng du khách. Nhà của Xuy cũng trở thành một điểm ngắm biển mây nổi tiếng.

Làm du lịch, Xuy thừa nhận khiến mình gắn bó với Y Tý nhiều hơn cậu có thể tưởng tượng: “Được học nhiều thứ, làm cái việc mà trước kia mình chưa nghĩ”. Trước kia, cậu chẳng bao giờ để ý những gì ông nội kể, cũng không mấy quan tâm ý nghĩa những lễ cúng, lễ rước. Nhưng bây giờ cậu học chăm chỉ, hỏi han cặn kẽ những người đi trước: “Không có dẫn khách như thế này chắc em chẳng bao giờ quan tâm nhiều thế đến mấy lễ dân tộc em”. Ở Y Tý cũng ít thấy cạnh tranh giành giật khách. Xuy vẫn giúp Xá giới thiệu khách sang cho Xá. Xá giúp Xuy dẫn khách đi chơi. Lâu lâu lại thấy mấy anh chàng Hà Nhì lên Facebook khoe homestay nọ kia mới mở, mới sửa, mời mọi người ghé đến.

Sự chủ động ấy, 10 năm trước khi lên Y Tý vào một ngày Tết Độc lập mưa tầm tã, nhìn mấy chàng trai, cô gái Hà Nhì rụt rè lắc lắc đầu trước mọi câu hỏi, tôi không thể tưởng tượng ra ở đất người Hà Nhì tít tắp xa xôi này.

800 triệu của Xuy

Đầu năm rồi đi thành phố Lào Cai tham dự một hội nghị du lịch địa phương, những người tổ chức hỏi Xuy đầu tư bao nhiêu tiền cho homestay, Xuy nói cũng gần 800 triệu đồng - con số không dễ với chàng trai mới khởi nghiệp, một nách vợ con. Và nguồn thu lại chủ yếu đến từ 200 nghìn đồng mỗi đêm phòng ở cho khách. Công suất tối đa của homestay chừng 20 khách. “Thế thì bao giờ hòa được vốn”, một quan chức trong hội nghị thốt lên.

Khi cầu qua đập tràn Mường Hum xây xong, đường tuần tra biên giới dọc sông Hồng hoàn thiện, người ta mới biết có một Bát Xát với Y Tý, A Lù, Ngải Thầu… không kém Sa Pa. Có đầy đủ từ phong cảnh thiên nhiên là những thửa ruộng bậc thang rực rỡ, cho đến di tích lịch sử là mốc 92 “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, văn hóa bản địa người Hà Nhì đa dạng, Bát Xát tưởng như chỉ chờ một cuộc vươn mình. Y Tý nằm ở cuối của tuyến Bát Xát ấy, nơi người ta có thể nghỉ ngơi, ngắm cảnh và tận hưởng không gian vẫn chưa đô thị hóa như Sa Pa, lại mới mẻ, đa dạng hơn Bắc Hà.

Nhưng đến giờ sản phẩm du lịch của Y Tý chưa nhiều, dù vẫn nhận thấy sự vận động không ngừng của một lớp người trẻ. Vẫn thấy Xuy, Xá, Tho kể về những điểm đến mới, những tuyến khám phá mới ở Y Tý, nhưng sự khởi đầu còn gian nan lắm. Không có một sự kết nối chuyên nghiệp, cái năng động của những người trẻ đang chập chững làm du lịch chưa đủ để xã vùng cao này nâng tầm lên. Những chàng trai, cô gái vẫn lúng túng khi có vị khách nào cần tìm kiếm một chiếc xe chạy đi các điểm trong thị xã, hay vẫn ngại ngần khi tính toán một loại hình dịch vụ mới. Mùa lê cuối năm, Xuy tổ chức cho khách ở homestay đi tham quan hái quả các vườn lê, ăn thử thoải mái, tổng chi phí chỉ tầm 40 - 50 nghìn đồng cho chủ vườn. Xuy và các bạn không lấy tiền công dẫn khách, hỏi vì sao, cả mấy cái đầu lắc lắc: “Chưa nghĩ đến”. Những dịch vụ vẫn theo kiểu tiện và tự phát như vậy, chân thật, tình cảm, nhưng không đủ để quay vòng đồng vốn.

Trong khi ấy, cũng như nhiều vùng đất có tiềm năng du lịch trong cơn sốt giữa các tin đồn đầu tư, quay cuồng trong những mộng mơ đô thị hóa, đất Y Tý cũng lên giá, những tay sành sỏi đã tìm đến. Có người bán đất đi để cầm một khoản lớn. Nhiều người các nơi đã tìm đến Xuy, đưa ra các mức giá hấp dẫn. Chỉ cần cậu gật đầu, ngôi nhà mây sẽ không còn là của cậu, hoặc chỉ còn là của cậu trên danh nghĩa, cậu sẽ sớm có lại gấp nhiều lần 800 triệu đồng đã bỏ ra. Nhưng đến giờ thì Xuy vẫn từ chối. Xuy bảo bạn bè cậu cũng không bán, vì đất của mình vẫn hơn.

Y Tý cũng chưa hình thành điểm du lịch ở mức tầm trung, chứ chưa nói cao cấp. Người Y Tý làm nông quen rồi, du lịch mới quét qua vài năm trở lại đây. Và cái cách của Y Tý cũng như rất nhiều nơi du lịch vùng cao khác, vẫn là chăm chỉ nhặt bạc cắc từ các vị khách chi tiêu tằn tiện. Không có một thống kê chi tiêu nào ở Y Tý. Vì Y Tý chưa có gì để tiêu, sẽ không thể áp dụng một công thức tính toán nào của du lịch hiện đại. Thế nên chỗ như Xuy, để thu hồi lại số vốn 800 triệu đồng là điều anh chàng chưa nghĩ tới. “Cũng đau đầu vì tiền lắm chị ạ”, cậu bảo. Cứ có tiền dư là cậu sửa mỗi chỗ một ít. Đợt đóng cửa vì Covid-19 vừa rồi, Xuy tranh thủ mày mò trang hoàng lại homestay, nói như cậu là “nghịch cho qua ngày”. Homestay của cậu không theo concept thiết kế chuyên nghiệp nào, cứ nhặt nhạnh mà thành. Dù được giúp đỡ hết sức, nhưng cậu cũng có lúc ngậm ngùi vì quá nhiều thứ đắt đỏ. Như một cái mâm tre của người Hà Nhì, người Hà Nhì chính gốc như Xuy cũng không sao tìm được một cái đẹp và giá cả phải chăng. Mặc dù Bát Xát chỉ sáu bảy năm trước, còn là nơi làm mâm truyền thống, bán sang cả cho người Hà Nhì bên Trung Quốc. Đến cả chiếc ghế mây ngồi, Xuy cũng phải lùng mua từ TP Lào Cai chứ không mua được trên chính đất mình. Tiềm năng có, thiên nhiên có, văn hóa có, nhưng vẫn thiếu những sản phẩm được đầu tư chỉn chu để có thể đi đường dài hơi.

Tối nào Xuy cũng cần mẫn bên chiếc điện thoại, cố gắng học mấy từ tiếng Anh để giao tiếp. Nhưng hỏi tại sao cậu không ra chủ động bắt chuyện với mấy khách châu Âu đang ngồi thơ thẩn bên lò than, cậu cười trừ, tuồng như sợ nói sai. Cũng có mấy lớp học tiếng Anh cho những người như Xuy. Mọi thứ vẫn đang mới lắm. Sau đợt dịch Covid-19, tất cả gần như phải khởi động lại.

Dẫu sao, ở giữa những tầng mây, không ai ngăn được người Hà Nhì bay bổng, ngay cả khi giấc mơ vẫn đang phải xoay quanh bài toán 800 triệu đồng.