Nước ngọt về miền đất khát

Trong những thời điểm hạn, mặn lịch sử năm nay trên mảnh đất Gò Công (Tiền Giang), chứng kiến sự lo lắng và nhiệt tâm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Kiểng Phước (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang) trong việc cung ứng nước sạch cho người dân càng thêm hiểu về nghĩa tình quân dân ấm áp nơi đây.

Bộ đội Biên phòng hỗ trợ người dân lấy nước sinh hoạt từ tàu vào can.
Bộ đội Biên phòng hỗ trợ người dân lấy nước sinh hoạt từ tàu vào can.

Góp sức đưa nước đến dân

Những ngày đầu tháng 2, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất tại những địa bàn biên giới phía đông tỉnh Tiền Giang ở huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công mới chỉ manh nha, nhưng với dự cảm kinh nghiệm qua nhiều năm theo dõi tình hình, các đồng chí trong ban chỉ huy Đồn Biên phòng (BP) Kiểng Phước đã lường trước được mức độ khắc nghiệt mùa hạn, mặn năm nay nên đã sớm lên phương án hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho người dân thuộc địa bàn quản lý ở các xã Kiểng Phước, Tân Phước, Gia Thuận và thị xã Vàm Láng. Sau khi thực tế, rà soát địa bàn, lãnh đạo đồn đã tham mưu và được cấp trên nhất trí cho mượn một xe tải cùng ba bồn nước để trữ nước đi hỗ trợ cho người dân. Cùng với đó, ban chỉ huy đồn cũng kiến nghị chính quyền địa phương phối hợp với đơn vị cấp nước mở nhiều vòi nước công cộng để phục vụ người dân.

Có phương tiện, có nước, bắt đầu từ mồng 5 Tết Canh Tý 2020, các cán bộ, chiến sĩ của đồn chính thức đưa những chuyến xe chở nước ngọt đến các khu chịu ảnh hưởng nặng của hạn, mặn. Đều đặn mỗi ngày, đồn tổ chức hai đến ba chuyến xe đưa nước phục vụ người dân, tính đến nay, đã hỗ trợ được hơn 50.000 m3. Đồn còn bố trí lực lượng đưa nước ngọt và tặng can chứa nước đến tận nhà cho khoảng 120 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người già cả, neo đơn không có khả năng trực tiếp đi lấy nước. Đơn vị còn hỗ trợ đào hai ao trải bạt dưới đáy, mỗi ao chứa được 10.000 m3 dự trữ nước phục vụ dân...

Trung tá Nguyễn Hữu Nhâm, Đồn BP Kiểng Phước, cho biết: “Ban đầu, chương trình do đồn trực tiếp tổ chức thực hiện, nhưng sau đó, nhu cầu của người dân quá cao, chúng tôi không thể kham nổi. Đơn vị lại tiếp tục vận động các “mạnh thường quân” trong và ngoài tỉnh chung tay sẻ chia khó khăn với người dân. Thật may mắn, nhiều tấm lòng thiện nguyện đã ủng hộ nhiệt tình ý tưởng của bộ đội biên phòng (BĐBP). Và từ đó, dòng nước ngọt “chảy” thường xuyên về miền đất khát. Đồn trở thành đầu mối điều phối hoạt động cung cấp nước ngọt từ thiện, tránh hoạt động cấp nước rơi vào cảnh chỗ thừa, chỗ thiếu”.

Cảm phục nên cùng làm việc nghĩa

Đến tháng 3-2020, nước trong các kênh mương, ao nhà của hộ dân ở khu vực Gò Công gần như đã khô cạn trơ đáy. Nghe thông báo Đồn BP Kiểng Phước sẻ chia nước sinh hoạt, rất nhiều người dân mang theo các can nước xếp hàng dài đến lấy nước tại bến đò ở ấp 4, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông. Người dân rất phấn khởi. Bà Hồ Thị Kim Phượng ở xã Tân Phước cảm kích: “Nếu không có nguồn nước này, chúng tôi không biết sống ra sao. Trước đây, tôi còn xin nhà này, nhà kia một ít, giờ nhà nào cũng thiếu nước sinh hoạt cả. Khu vực này, nước máy không thể về tới, nhiều hộ gia đình phải góp tiền thuê xe vận chuyển nước ngọt về. Hôm nay, tôi lấy được tám can nước, mỗi can 30 lít. Các chú BĐBP giúp dân trong lúc khó khăn như thế này thì quý lắm, người dân rất biết ơn!”.

Đồn BP Kiểng Phước phối hợp lực lượng hải quân, cảnh sát biển đã đưa tàu vận chuyển nước ngọt từ tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu về thị trấn Vàm Láng, sau đó lại vận động các tàu, ghe đưa nước về khu dân cư. Ông Nguyễn Tố Khanh (53 tuổi) ngụ ở xã Tân Phước là thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ vừa trở về đất liền, nhưng nghe tin BĐBP cần phương tiện vận chuyển nước ngọt cho bà con, ông tức khắc nhận lời tham gia. Chỉ cần tháo dỡ bớt vật tư, thế là khoang tàu cá có thể chứa được hàng trăm m³ nước từ cảng Vàm Láng về ấp cung ứng cho bà con. Cũng như ông Khánh, ông Nguyễn Văn Hòa (ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông), vì cảm phục tấm lòng của BĐBP nên hỗ trợ những chuyến xe tải miễn phí chở nước đến vùng sâu, vùng xa cho dân. Từ huyện Cần Đước (tỉnh Long An), ông Nguyễn Văn Mà, chủ sà-lan chở nước ngọt chuyên cung ứng cho các xưởng sản xuất đá lạnh ở Gò Công Đông, ngày nào cũng san sẻ cho Đồn BP Kiểng Phước 300 - 500 m3 nước ngọt để các anh ở đây làm từ thiện, cấp nước cho dân.

Đặc biệt, hơn tháng nay, đều đặn mỗi ngày, Trung tâm Cứu hộ Giao thông 118 Tiền Giang phối hợp cùng Hội từ thiện thành phố Mỹ Tho cùng các nhà hảo tâm vượt 70 km, vận chuyển hàng chục nghìn lít nước ngọt sinh hoạt và nước uống phục vụ miễn phí cho bà con bị hạn, mặn khốc liệt ở các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công.

“Tấm lòng hào hiệp của những cá nhân đã chung tay cùng với BĐBP chia sẻ những giọt nước quý giá trong mùa hạn mà không tính toán thiệt hơn, không bao giờ nhắc đến chuyện tiền bạc. Những giọt nước vì thế mà càng sâu nặng nghĩa tình quân dân”, Thiếu tá Nguyễn Thành Chiến, Chính trị viên Đồn BP Kiểng Phước khẳng định.

Không quản nhọc nhằn riêng

Dẫn chúng tôi đi tham quan quanh đồn, các chiến sĩ đồn BP Kiểng Phước chỉ cho chúng tôi hai ao cá khô trơ đáy nằm bên hông đơn vị. Đồn đang tổ chức nạo vét lại hai ao này để chờ mùa mưa tới mới có thể thả cá giống tăng gia sản xuất trở lại. Đáng nói nhất là trong số bốn bể nước ngọt phục vụ sinh hoạt, ăn uống của đơn vị thì đã ba bể hết nước. Đây là điều chưa từng có những năm trước. Gian nan là thế nhưng không bao giờ nghe ai nhắc đến khó khăn, thiếu thốn nước ngọt cả. Bởi các cán bộ, chiến sĩ ở đây vẫn giữ vững niềm tin phải khắc phục mọi trở ngại, sử dụng nước tiết kiệm và tiếp tục trợ giúp người dân đang gặp khó khăn hơn vượt qua được mùa hạn mặn năm nay.

Những ngày cuối tháng 4, dẫu một số nơi ở Tiền Giang đã có những cơn mưa đầu mùa, những trận mưa vàng giúp “giải khát” những vùng đất nhiều tháng khô hạn, nhưng ở khu vực Gò Công, gió biển thổi mạnh mà mưa vẫn hiếm hoi. Thế nên vùng đất Gò Công vẫn khát nước trầm trọng. “Nếu tình trạng khô hạn khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, nhất là trời vẫn không có mưa thì tình trạng thiếu nước ngọt sẽ diễn biến hết sức phức tạp và khó khăn cho cuộc sống người dân nơi đây. Tuy nhiên, sự trợ giúp của bộ đội cùng những nhà hảo tâm là rất kịp thời”, Trung tá Nguyễn Hữu Nhâm tâm sự khi chia tay chúng tôi.

Mỗi ngày, những đoàn xe hàng chục chiếc vẫn đều đặn mang nước đến với người dân vùng biên giới Gò Công, góp phần làm vơi đi bao nỗi nhọc nhằn của bao người vùng đất khát, chua mặn.