Nỗi lo ở Mõm Lang

Những thửa ruộng trù phú, năng suất cao nay bị bỏ hoang trở thành nơi chăn thả trâu bò. Những phận người từng lặn ngụp với ruộng đồng, nuôi con cái từ hạt lúa do mình làm ra nay lên bờ ngồi không, mua gạo bao để ăn qua ngày đoạn tháng.

Hố sụt lún ở vườn nhà bà Hằng cách mỏ đá 300 m. Đây là mảnh đất bà Hằng có dự định làm nhà cho con.
Hố sụt lún ở vườn nhà bà Hằng cách mỏ đá 300 m. Đây là mảnh đất bà Hằng có dự định làm nhà cho con.

Những cánh đồng hoang

Năm 1977 bà Thu cùng chồng từ biệt quê hương lên vùng “khỉ ho cò gáy” ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế làm kinh tế. Bà bảo hồi đó đi theo kiểu “kinh tế mới” như người ta đi lên các tỉnh Tây Nguyên. Thời đó rừng rú còn chìm trong hoang dại, bà cùng chồng khai hoang. Người dân nhiều nơi cũng về quần tụ lập nên thôn xóm. Cánh đồng Mõm Lang cũng ra đời từ đó, nhưng vì sao có tên đó bây giờ không mấy ai nhớ, bà Thu cũng vậy.

“Đôi lúc gọi quen miệng thì gọi rứa chứ có nhớ mô”, bà Nguyễn Thị Thu giải thích rặt giọng Huế.

Mõm Lang được người dân ví là vựa lúa của xã Phong Xuân. Năng suất từ cánh đồng này không bao giờ dưới 3 tạ/sào. Với 1,2 mẫu ruộng bà Thu cùng chồng là Nguyễn Quang cày cuốc nuôi những đứa con khôn lớn, ăn học rồi dựng lên nếp nhà. “Mang tiếng đi kinh tế mới chứ lên đây chủ yếu làm ruộng, đất rừng hầu như không có. Sản xuất một năm hai vụ, may trời thương cho cắm dùi ở nơi đất màu mỡ”, ông Quang nói.

Nhưng rồi, Mõm Lang không tiếp tục nuôi dưỡng gia đình cũng như những hàng xóm của bà Thu. Năm 2012, Nhà máy xi-măng Đồng Lâm đến, dựng nên công trình to lớn với sắt thép, bê-tông… cách đó không xa.

Bên cánh đồng Mõm Lang là mỏ đá vôi - nguyên liệu chính cho những mẻ xi-măng. Một con đê lớn được dựng lên, cao ngất ngưởng chắn ngang giữa cánh đồng và mỏ đá. Từ đó, đồng Mõm Lang hết nhiệm vụ, những thửa ruộng với năng suất lớn rơi vào hoang hóa, thành bãi chăn trâu.

Đôi lúc đi ngang bà Thu vẫn nuối tiếc những thửa ruộng. Bà không ngờ có lúc mình và những hàng xóm ở đây lại rời xa cánh đồng này. “Từ một cánh đồng năng suất cao mà chừ bỏ hoang, đôi lúc đi ngang thấy tiếc nuối”, bà Thu giọng buồn buồn.

Nhà máy xi-măng về, công nghiệp thế chân cho nông nghiệp, những xóm làng quần tụ với nhau mấy mươi năm cũng phải nhường đất. Xóm tái định cư thôn Xuân Điền Lộc dựng lên cách đó hơn 3 km là nơi quần cư mới cho gia đình bà Thu và những người hàng xóm. Những ngôi nhà khang trang được dựng lên nhưng người dân lại không còn đất để sản xuất. Nhiều người đi làm việc khác hoặc chỉ làm cầm chừng một hai sào ruộng.

Bà Thu với thâm niên mấy mươi năm quần quật làm ruộng. Mỗi năm hai vụ với 1,2 mẫu đất, chưa bao giờ gia đình bà thiếu đói, chưa bao giờ hết việc. Nhưng rồi, khi công nghiệp đến bà và chồng phải “lên bờ”. Một gian hàng được dựng lên bên cạnh tỉnh lộ, trên đó bày bán thịt, cá, rau… mỗi thứ một ít. Bà ngồi chống má, chống cằm ngày hai buổi chờ người đi ngang đi dọc ghé mua. Chồng bà chạy xe tải chở gỗ keo, tháng nào trời thương thì kiếm được đôi đồng, tháng nào mưa gió thì ngồi ngáp ngắn ngáp dài.

“Hơn 1,2 mẫu ruộng chừ không sản xuất được cũng chẳng trồng được cây chi. Chúng tôi nhiều lần gởi đơn với mong muốn được đền bù để lấy tiền mua ruộng đất khác nhưng rồi chẳng ai giải quyết”, ông Quang cho hay.

Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện nói rằng, vấn đề này huyện đang xin chủ trương của tỉnh nhằm thu hồi số đất nói trên để có phương án đền bù cho người dân. Số liệu từ chính quyền nơi đây cho hay, diện tích đất đang bị ảnh hưởng cần thu hồi là 3,16 ha. Ngoài ra, còn có 22,66 ha đất ít bị ảnh hưởng sẽ cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

“Hố tử thần” từ ruộng đến vườn dân

Mỏ đá của Công ty xi-măng Đồng Lâm đi vào khai thác làm cánh đồng Mõm Lang liên tiếp xuất hiện các hố sụt lún sâu, rộng. Những hố sụt lún khiến cánh đồng lúa phải bỏ hoang, thành bãi chăn trâu. Nhưng, trâu bò cũng là nạn nhân của những sụt lún.

Mấy tháng trước, đàn trâu của anh Nguyễn Văn Hiếu khi đang ăn trên đồng Mõm Lang thì một con bất ngờ sụp xuống dưới hố sâu. Con trâu mắc cứng, không vùng vẫy. Anh Hiếu phải cậy nhờ người làng cùng cuốc xẻng và mất hơn 5 giờ đồng hồ mới kéo được trâu lên. “Khi con trâu đang ăn thì bỗng nhiên thấy nó sụp xuống, tôi chạy đến thì nó mắc cứng dưới hố rồi. Nền đất quanh hố cũng nhão như đầm lầy”, anh Hiếu kể.

Cách đó không xa là đồng Động Cát cũng lâm vào tình trạng tương tự. Sụt lún khiến việc dẫn nước cho ruộng trở nên khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hà có hơn một mẫu ruộng ở đồng này. Cách đây mấy tháng, ruộng ông bất ngờ xuất hiện một hố sụt lún lớn, rộng với đường kính lên đến 2 m, sâu hơn 1 m.

Sau khi trình báo lên trên, Công ty xi-măng Đồng Lâm đã cấp tốc cho người đến khảo sát và thực hiện san lấp lại hố. Một tấm thép lớn được đem đến, đặt dưới đáy hố rồi chồng các bao tải lớn lên, mặt trên vun đất san bằng. Đó là giải pháp mà phía Công ty xi-măng Đồng Lâm thực hiện để lấp hố sụp lún.

“Phía xi-măng Đồng Lâm đến trả tiền công nhờ tôi san lấp. Mất gần hai ngày với ba người mới lấp xong cái hố này. Nhưng không phải lấp xong mà ruộng dẫn nước được. Sau khi có cái hố thì ruộng nhà tôi khó giữ nước, cứ tôi đem nước đầy thì sáng mai ra thăm đã khô cạn. Nói chung giờ làm ruộng ở đây mất công lắm, phải đi thăm thường xuyên chứ không ruộng khô, nứt nẻ”, ông Hà cho hay.

Nhà bà Trần Thị Hằng nằm cách những cánh đồng bị sụt lún chừng 300 m, sau một trận mưa lớn vườn bà cũng xuất hiện một hố với đường kính 0,5 m, sâu hơn mét. Khu vực hố sụt lún bà Hằng định sẽ làm nhà cho đứa con trai ra ở riêng. Nhưng, khi dự định chưa làm được thì xảy ra sụt lún. “Tôi định làm nhà ở góc này cho đứa con trai, nhưng chưa kịp làm thì sụp lún ri đây. Cũng may chưa làm chứ không thì không biết hư hỏng như răng. Chừ chắc không dám làm nhà ở đây nữa”, bà Hằng ái ngại.

Chính quyền huyện Phong Điền mới đây đã có thông báo liên quan đến tình trạng sụt lún này. Ông Trịnh Đức Hùng thông tin rằng, huyện sẽ đề xuất việc nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh về vấn đề sụt lún nhằm có một đánh giá nguy cơ đối với khu dân cư và các công trình.

Từ năm 2015 đến nay, theo thống kê đã có 35 hố sụt lún được phát hiện với diện tích khá lớn. Những hố sụt lún này sau khi phát hiện thì được san lấp lại, tuy nhiên quá trình sụt vẫn cứ tiếp diễn.

Thạc sĩ Nguyễn Đại Hữu, Công ty CP Khảo sát và Xây dựng HDC - Trụ sở Đà Nẵng cho rằng, khu vực xảy ra sụt lún có cấu tạo địa chất gồm tầng phủ trên nền đá vôi của hệ tầng Cò Bai và hiện tượng sụt lún ở vùng đá vôi thường xảy ra rất phổ biến. Bởi vì ở vùng có cấu tạo đá vôi thường tồn tại nhiều hang rỗng ngầm (hang karst) do quá trình hòa tan đá vôi gây nên. “Sự xuất hiện của hang karst ảnh hưởng đến tầng đất đá phủ phía trần hang đặc biệt là vào thời kỳ có mưa lớn hoặc kéo dài, đất phủ trở nên mềm yếu dễ sụt lún. Ngoài ra, nếu dưới ảnh hưởng của chấn động do hoạt động khai thác như nổ mìn hoặc quá trình hạ thấp mực nước ngầm do khai thác mỏ cũng là nguyên nhân thúc đẩy nhanh quá trình sụt lún các hang karst ngầm bên dưới”, anh Hữu nói.

Theo anh Hữu thì tùy theo đặc điểm địa chất và ảnh hưởng của các nhân tố chung quanh mà quá trình sụt lún có thể xảy ra phức tạp, khó lường. Để bảo đảm an toàn cho người dân địa phương cần có những đánh giá kịp thời về đặc điểm địa chất tại khu vực xảy ra sụt lún nhằm xác định bề dày tầng phủ, độ sâu phân bố, thế nằm và kích thước hang karst ngầm bên dưới.

Ngoài gây sụt lún ruộng đồng, vườn dân do ảnh hưởng từ việc khai thác đá, nhiều nhà dân ở quanh khu vực mỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện tượng nứt nhà xảy ra liên tiếp dù phía Công ty xi-măng Đồng Lâm đã bồi thường, sửa chữa nhà cho người dân. Tuy nhiên, sau khi trám các vết cũ thì lại xuất hiện các vết nứt mới. Bên cạnh đó, sự ô nhiễm từ thuốc nổ còn ảnh hưởng đến người dân mỗi khi mỏ đá tiến hành nổ mìn.