Niềm vui từ rừng

Hết đường bê-tông, chiếc xe máy chở tôi và anh Nguyễn Đình Mến ở bản Quỳnh Lâu, xã Tam Tiến (Yên Thế, Bắc Giang) lao thẳng vào rừng. Càng đi, đường càng nhỏ hẹp, quanh co lổn nhổn đá, gốc cây, có chỗ đường chỉ đủ một bánh xe lăn, chiếc xe lúc thì cài số 2, lúc thì về số 1 vẫn gầm gừ men theo sườn đồi bò lên dốc.

Anh Mến trong rừng cây của mình.
Anh Mến trong rừng cây của mình.

1. Tôi bảo: Thôi dừng lại chúng mình đi bộ. Tiếng anh lào thào qua làn gió: “Anh cứ yên tâm, đường này em đi quen rồi, chỉ một lát nữa lên tới lưng chừng đồi là dừng lại, tha hồ cho các anh quan sát đồi cây nhà em mà quay phim, chụp ảnh”.

Xe dừng lại, trước mặt chúng tôi mở ra một không gian trập trùng cây xanh chủ yếu là keo và bạch đàn. Theo tay anh chỉ, hơn 40 ha rừng cây của nhà anh những diện tích cây mới trồng 2 - 3 năm tuổi nối tiếp những đồi 4 - 5 tuổi chạy dài. Tôi nói: “Phải là người yêu rừng lắm mới có được những đồi cây này”. Anh bảo: “Vâng anh ạ, không bận gì thì ngày nào em cũng đến với rừng, em yêu rừng như yêu người thân của mình, nhưng có được ngày hôm nay cũng gian nan lắm”. Kéo tay chúng tôi ngồi xuống một phiến đá, anh kể về những ngày đã qua.

2. Sinh năm 1966, năm 1988, sau ba năm nhập ngũ anh trở về quê hương. Con đầu lòng ra đời, vui thì vui đấy nhưng sau niềm vui là nỗi lo cơm áo. Thời gian này, anh sắm xe công nông thu mua củi chở từ rừng về miền xuôi bán. Vất vả chạy ngược, chạy xuôi mà đói vẫn hoàn đói. Đi nhiều, thấy nơi khác trồng rừng có hiệu quả, tại sao mình không làm? Thế là năm 1997, anh đưa 3 ha đất đồi của gia đình vào trồng cây.

Giai đoạn này, chưa có máy cuốc, chủ yếu là lao động thủ công, anh cùng mọi người trong gia đình rồi thuê thêm nhân công cuốc hố ngày đêm. Có hôm một mình mải làm, mệt nghỉ giải lao rồi anh tựa lưng vào một phiến đá ngủ quên lúc nào không biết, chỉ tới khi có tiếng gà rừng cất tiếng gáy anh mới chợt tỉnh giấc. Lúc đầu anh trồng sen một hàng keo, một hàng bạch đàn nhưng hiệu quả kinh tế thấp, sau này anh trồng riêng từng loại. Vừa làm, vừa học, rút kinh nghiệm từ thất bại, có nguồn thu từ bán cây, anh lại đầu tư vào trồng cây, mua lại đất rừng của những hộ làm ăn không hiệu quả mỗi năm một ít để có đến ngày hôm nay.

Dẫu không được như anh, có niềm vui hưởng thành quả từ những ngày trăn trở với rừng, lăn lóc với rừng, đổ mồ hôi và cả máu với rừng để có một cuộc sống ổn định và ngày một cải thiện đủ đầy giàu có như hôm nay, nhưng chúng tôi đứng nơi đây, vẫn được rừng hào phóng tặng cho những làn gió nhè nhẹ như vuốt ve mơn trớn, xoa đi nỗi mệt mỏi đường trường và xa xa, vọng lại tiếng suối như thì thào trò chuyện cùng chúng tôi.

Niềm vui từ rừng ảnh 1

Anh Mến đang hướng dẫn công nhân bóc gỗ.

3. Thấy trên đỉnh đồi cao trồng bạch đàn, triền thấp lại trồng keo, đem thắc mắc này hỏi anh, anh cho biết: Hiện, gia đình có 10 ha giống bạch đàn U6 được trồng trên cao vì cây chống được gió và nắng hạn. Đặc biệt giống cây này sau khi khai thác lần thứ nhất, từ gốc cây đâm chồi lên còn được tận dụng khai thác thêm ba vụ sau (mỗi vụ 6 - 7 năm), càng về sau cây càng đẹp, hiệu quả kinh tế cao lại tốn ít công chăm sóc.

Xe máy lại đưa tôi tới một triền đồi thấp gần suối nước, tôi ngạc nhiên khi thấy tại đây có những cây keo khoảng 6 - 7 năm tuổi chưa khai thác, như đoán được thắc mắc của tôi anh nói: “Vừa rồi, em thí điểm để 0,2 ha keo 14 - 15 năm tuổi bán được 100 triệu đồng. Thấy hiệu quả cao, em có 10 ha keo ở triền đồi thấp gần suối nước đất phì nhiêu sẽ để 14 - 15 năm mới bán, vì em tính rồi nếu bán gỗ bóc (7 - 8 năm) chỉ được 700 - 800 nghìn đồng/m3 nhưng để gấp đôi thời gian, giá sẽ tăng lên gấp bốn lần tới 3 triệu đồng/m3 mà không mất tiền trồng và chăm sóc mới.

Phát triển kinh tế rừng không vất vả như trồng cây ăn quả, nặng nhất là công cuốc hố thì bây giờ đã có máy cuốc. Máy có thể leo lên tận đỉnh đồi để cuốc hố, một hai năm đầu thì bón phân rồi cây cứ thế mà phát triển khoảng 6 - 7 năm thì được khai thác gỗ bóc giá hiện tại từ 150 - 170 triệu đồng một ha. Tôi hỏi: Anh có hơn 40 ha thì trông nom bảo vệ thế nào? Có bị lâm tặc chặt trộm gỗ không? Anh cho biết: Ở đây ai cũng có rừng, ít thì cũng có vài ha mọi người trông hộ nhau, chung quanh đều là anh em, bà con hàng xóm láng giềng nên chẳng bao giờ sợ bị chặt trộm gỗ. Mà anh tính lâm tặc chỉ lấy trộm cây to về đóng đồ chứ những cây nhỏ làm gỗ bóc thì giá thành có là bao.

Buổi trưa, trên đường về, anh đưa tôi về thăm xưởng chế biến gỗ bóc của gia đình, anh có hai xưởng bóc gỗ, lúc cao điểm nhiều gỗ hai xưởng cùng hoạt động thu hút gần 20 công nhân đến làm, mỗi tháng thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người.

Hiện tại, gia đình anh có hai chiếc xe tải một chiếc do anh con trai lái, một chiếc thuê người lái, ngày đêm xe đi thu mua gỗ khắp nơi về chế biến và thu mua chở ván bóc đi bán, mỗi ngày hai xe chở trung binh 100 m3 gỗ bóc, ngoài ra anh còn chiếc xe bảy chỗ để đi giao dịch công việc.

4. Không những làm kinh tế giỏi mỗi năm thu nhập từ 1,4 - 1,5 tỷ đồng, gia đình anh còn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông nguyễn Hữu Ngạn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh bản Quỳnh Lâu cho biết, tham gia xây dựng nông thôn mới, gia đình anh Nguyễn Đình Mến đã tài trợ 108 triệu đồng là vốn đối ứng làm đường giao thông vào bản Hố Tre. Chi hội Cựu chiến binh bản đăng ký làm một công trình là con đường giao thông, anh cũng tạm ứng cho vay hơn 10 triệu đồng để con đường hoàn thành đúng thời gian. Những dịp Tết Trung thu, ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, anh thường tài trợ hàng triệu đồng mua quà cho các cháu thiếu nhi, giúp đỡ về vật chất khi trong bản tổ chức các sự kiện chính trị hay những dịp ngày lễ, ngày Tết.

Gia đình anh thật hạnh phúc, vợ anh mở cửa hàng bán thức ăn gia súc, con gái đang học năm cuối Trường đại học Y Thái Nguyên. Làm kinh tế giỏi, tạo công ăn việc làm cho mọi người, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, anh thật sự là tấm gương sáng trong phong trào học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.