Những ngôi nhà nghĩa tình trên biển

“Giúp ngư dân là mệnh lệnh từ trái tim”, Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn, quyền Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/11 đã nói sau khi hoàn thành đưa 30 ngư dân gặp nạn trên biển lên nhà giàn an toàn. Bất chấp bão tố, thiên tai hay tình hình Biển Đông có những thời điểm còn phức tạp, những con tàu mang lá cờ đỏ với ngôi sao vàng vẫn kiêu hãnh vươn khơi, bám biển. Phía sau những con tàu đó là những câu chuyện giản đơn thấm đậm tình quân dân. Người ta gọi những Nhà giàn DK1 là thành đồng trên biển. Nhưng với những ngư dân đánh bắt cá trên thềm lục địa phía nam, đó còn là ngôi nhà của nghĩa tình, là nơi mà họ tìm đến và sẻ chia trong chuỗi ngày lênh đênh sóng gió.

Bộ đội Vùng 2 Hải quân đưa 30 ngư dân Quảng Ngãi về đất liền ngày 1-5-2020.
Bộ đội Vùng 2 Hải quân đưa 30 ngư dân Quảng Ngãi về đất liền ngày 1-5-2020.

Yên tâm vì có nhà

Ngày 1-5 vừa qua, trở về sau hải trình sóng gió và bất ngờ, 30 ngư dân trên tàu QNA 95654TS vẫn còn chưa hết bồi hồi. Trên cầu cảng, ông Nguyễn Tấn Ty, thuyền viên tàu không giấu được sự xúc động: “Đặt chân lên đất liền cứ như nằm mơ vậy, hạnh phúc lắm”. Con tàu của hơn 30 ngư dân Quảng Ngãi gặp giông lốc, bị chìm khi đang đánh bắt cá ở Biển Đông. Trong cuộc đời những ngư dân vùng đất con cháu thế hệ hùng binh Hoàng Sa này, dù thừa sóng gió, họ vẫn không thể quên những giờ lênh đênh trên bốn chiếc thuyền thúng cầm cự. Giữa đêm tối vật lộn giữa biển, họ “cứ vừa nắm chặt tay nhau động viên, mong có người tới cứu”, ông Ty kể lại. Đi biển đã nhiều năm, gặp không ít bão giông, nhưng ông Ty cũng nói, đây là lần đầu ông cảm thấy sự sống mong manh đến vậy: “Lúc đó nghĩ chỉ có cơ hội rất nhỏ thoát chết”. Ngay cả Phạm Mạnh, thành viên nhỏ tuổi nhất tàu cũng thừa nhận cảm thấy kiệt sức vì sóng dữ dội.

Thế nên khi biết được các chiến sĩ Nhà giàn DK1 ứng cứu, tất cả đều vỡ òa. Cuộc giải cứu diễn ra nhiều giờ, từng người một được đưa lên. Mạnh ở lại thuyền thúng sau cùng vì vẫn còn sức khỏe, cậu tự nhường cho những người yếu hơn được cứu lên trước. Thế nên Mạnh chứng kiến gần như toàn bộ quá trình vật lộn của những người lính Hải quân để bảo đảm an toàn cả 30 người: “Bọn em nghe loa phát liên tục để động viên bình tĩnh, nhắc nhở bảo đảm an toàn. Lúc đó tiếng loa như là tiếng báo thức, khiến mình không bị đuối”. Vừa lên đến nhà lô, Mạnh đã chìm vào một giấc ngủ thật sâu, bù lại cho thời gian kinh hoàng: “Lên đến nhà giàn là em yên tâm. Các anh quan tâm từng chút một, mình chỉ biết thiếp đi”.

Mũi tiêm lựa theo chiều sóng

Mấy chục năm trên biển, Trung tá Hoàng Văn Thảnh nói tên mình là thảnh thơi, nhưng cuộc đời lại gắn liền toàn sóng với gió. Ông không đếm được mình đã cứu bao nhiêu ca bệnh suốt 20 năm gắn bó với các nhà lô trên thềm lục địa phía nam: “Ngư dân chướng bụng, ngộ độc, đau ruột thừa nhiều. Họ cứ xác định có nhà giàn của mình, có vấn đề gì là họ tìm đến ngay”.

Ông Thảnh nhớ năm 1992, khi ông còn nhận nhiệm vụ ở Nhà giàn DK1/9 Quế Đường, ca bệnh nặng đầu tiên là một ngư dân bị lặn sâu xuống biển, khí CO2 nằm trong thành mạch làm cho máu không lưu thông được. Lúc bệnh nhân đưa đến đã gần như không cử động gì. “Mình cũng bất ngờ. Nhưng cứ áp dụng đúng các bài đã học, thực hiện xoa dầu nóng, rồi thông tiểu. Bệnh nhân này lại mổ niệu đạo một lần nên mức độ khó khăn cũng cao hơn”, ông Thảnh nhớ lại. Lúc đó ông Thảnh phải lấy một lõi dây điện, vót cho đầu dây tù lại để thông tiểu, giảm áp suất trong người bệnh nhân. Gần một tiếng căng thẳng, cứ 15 phút lại phải dừng lại đợi ổn định: “Nóng vội là máu ra ồ ạt, bàng quang xẹp ngay, rất nguy hiểm”.

Đến khi ngư dân tỉnh lại, họ gần như khóc bởi trước đó, họ tưởng như đã phải vĩnh viễn chia tay anh em mình. Đó là một đội hai tàu của hai anh em ruột, khi người em bị bệnh, gặp đúng lúc sóng gió lớn, lênh đênh qua mấy nhà lô mà không sao cập mạn nhà giàn được vì thuyền thúng cứ lắc lư, chực lật trong gió. Quế Đường là nhà cuối cùng, như tìm một cơ may cuối cùng, họ không ngờ là được cứu sống.

Năm 2008, ông Thảnh lại gặp một trường hợp ngư dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu bị lên cơn đau tim. “Bệnh nhân có tiền sử bị đau tim rồi, cơn đau đã xuất hiện trước đó nên tàu của họ cũng xác định đánh cá ở khu vực gần các nhà giàn”. Nửa đêm DK1/10 nhận tín hiệu cầu cứu, ông Thảnh chỉ kịp mang theo túi đồ nghề vội vàng lên thuyền thúng ra tàu ngư dân. Sóng lớn, cả người ông ướt hết. “Tàu ngư dân lắc, một chân tôi móc vào thành cửa để giữ thăng bằng, tay thì điều chỉnh mũi tiêm. Ba người phải giữ chặt bệnh nhân. Tàu đảo qua lại nhanh lắm, thuốc trợ tim mà chệch ven là nguy to”, ông Thành kể.

Mấy chục năm kinh nghiệm, ông Thảnh đã quá quen với việc lựa kim tiêm theo chiều lắc của tàu: “Mình phải làm sao để tàu nhả về đằng nào thì mũi tiêm mình di chuyển theo nhịp sóng đằng nấy”. Ngư dân được cứu, họ cứ nắm tay những người lính không nói nên lời.

Ông Thảnh, nay đã nghỉ hưu, vẫn nói rằng, mối dây liên kết giữa DK1 và ngư dân rất đặc biệt: “Họ gọi nhà giàn là nhà tình nghĩa, vì có gì cũng chia sẻ với ngư dân”. Chuyện ngư dân lên xin nước ngọt, xin thuốc men là việc rất bình thường. Những năm DK1 còn chưa hoàn thiện sửa chữa, ba ngày mới được 20 lít nước để làm đủ việc từ tắm giặt, tưới rau, nhưng ngư dân mở lời anh em đều sẵn lòng chia sẻ những giọt nước hiếm hoi từ biển. Rồi có lúc, họ lại mang cả rau, gà lên cho các chiến sĩ đang đóng quân, vì họ hiểu ở trên biển điều kiện vất vả ra sao.

Tham gia cuộc hỗ trợ 30 ngư dân trên biển cuối tháng 4 vừa qua, Thượng úy Nguyễn Anh Tuấn, quyền Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/11 nói rằng, nhận được tín hiệu, anh em hội ý, xin ý kiến chỉ đạo trên bờ rất nhanh. Không ai thắc mắc hay e ngại. Sóng gió không phải lý do chùn bước. Suốt 1 giờ 30 phút vật lộn trong đêm tối, điều quan trọng nhất họ tâm niệm là giúp ngư dân: “Mặc dù đêm tối, sóng gió to, nhưng chúng tôi đã quyết tâm cứu ngư dân đến cùng”.

Những nhà giàn đã là chốn an toàn cho ngư dân như thế. Không chỉ vì đánh cá trên vùng biển của mình, mà họ còn được động viên và tin tưởng vì luôn có lực lượng hỗ trợ. Ông Thảnh thì kể nhiều bệnh nhân cũ vẫn ghé qua những nơi ông đóng quân để gặp gỡ, lúc mang ít cá khô, lúc chỉ để chuyện trò: “Họ vẫn bám biển, không ai bỏ cuộc đâu”. Chưa hồi lại hoàn toàn, nhưng ông Tô Điệp, thuyền trưởng tàu QNA 95654TS nói, tàu ông sẽ lại tiếp tục ra khơi đánh cá: “Sợ thì đã chả đi biển. Có được sự quan tâm, đồng hành của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân là chúng tôi thật sự yên tâm”.