Những “cột mốc” nơi bản xa

Họ được bà con ví như cây gỗ lớn trong rừng già, là nhịp trống hiệu triệu mọi người hòa vang bài ca đoàn kết. Họ như chỗ dựa tinh thần, làm vững thêm điểm tựa cho bản làng yên vui, vững thêm ý chí giữ gìn biên cương nơi xa xôi, hiểm trở.

Trong công tác dân vận vùng biên, già bản Lý Xạ Pu luôn sát cánh cùng các chiến sĩ BĐBP Đồn Pa Ủ.
Trong công tác dân vận vùng biên, già bản Lý Xạ Pu luôn sát cánh cùng các chiến sĩ BĐBP Đồn Pa Ủ.

Đồng bào giữ vững biên cương

Trong chuyến thăm các già làng, trưởng bản - những “điểm tựa” của đồng bào La Hủ tại Pa Ủ - xã biên giới phía bắc của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chúng tôi được các chiến sĩ Đồn Biên phòng 309 xã Pa Ủ kể những chuyện khó quên trong công tác dân vận vùng biên. Đọng lại sâu đậm trong những người lính là chân dung các già làng, trưởng bản - những tấm gương sáng trong phong trào bảo vệ an ninh biên giới.

Già bản Thàng Phí Xè, 70 tuổi, nhiều năm qua là một điển hình trong phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới”. Những năm 70 thế kỷ trước, Thàng Phí Xè là chủ tịch UBND xã Pa Ủ, hiếm khi ông vắng trong những chuyến tuần tra cùng các chiến sĩ. Thời kỳ ấy, công tác phân giới cắm mốc giữa ta và nước bạn chưa hoàn chỉnh, nên vẫn xảy ra tình trạng người dân tự do qua lại khu vực biên giới. Nhiều người dân nước bạn chưa nắm rõ luật pháp, tự ý sang địa giới nước ta săn bắn, chăn nuôi, khai thác lâm thổ sản. Vốn thạo ngôn ngữ, am hiểu địa phận mốc giới, già bản Thàng Phí Xè cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) gặp gỡ người dân hai bên, giảng giải, tuyên truyền pháp lệnh biên giới, dần dần mọi người hiểu ra không còn vi phạm nữa.

Nay ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng đôi mắt và trí lực của già bản Xè còn tinh anh lắm, chỉ một vị trí gốc cây, phiến đá, khe suối khu vực giáp biên thay đổi là khó qua được mắt ông. Bởi trong mỗi chuyến ra biên, kiểm tra cột mốc, ông quan sát kỹ càng và ghi chép tỉ mỉ cẩn thận từng chi tiết, vị trí.

Nhấp ngụm trà, ông nói trong niềm vui: “Hơn 20 năm gắn bó với đường biên cột mốc, có những điểm cao, hiểm trở như mốc 37, 38, từ nhà lên đó mất cả ngày đường, nắng còn đỡ chứ ngày mưa vất vả lắm! Giờ thì già vui và yên cái bụng rồi. Cột mốc nay được chỉnh trang, tôn tạo to đẹp hơn, không như thời trước, mốc giới đơn giản chỉ là cái cây to, hòn đá. Ngày nào sức còn, tôi không cho phép mình sao nhãng công việc bảo vệ đường biên cột mốc. Sau này cái chân yếu, đã có con có cháu, có bà con dân bản thay mình bảo vệ”.

Chúng tôi ngược núi lên bản Nhú Ma thăm người được gọi là “bố Pu”. Ông là Lý Xạ Pu, Bí thư Chi bộ bản. Mỗi khi nhắc lại câu chuyện cách đây hơn 10 năm bà con dân tộc La Hủ theo BĐBP về lập bản mới, bố Pu lại không giấu được cảm xúc: “Ngày đầu rời hốc núi, bìa rừng về lập bản ai cũng lo. Bởi bao đời nay, bà con quen du canh du cư. Nhưng về nơi ở mới có nhà đại đoàn kết kiên cố, mưa gió chẳng phải sợ, con em được học cái chữ, ngày giáp hạt được Nhà nước hỗ trợ gạo, không phải lo vào rừng đào sắn, củ mài ăn dự trữ khi hạt thóc chưa về nhà”.

Để giữ chân bà con, bài toán khó nhất là tìm công việc ổn định dài lâu, tạo nguồn thu nhập chính ngay trên mảnh đất của mình. Già bản Lý Xạ Pu đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã, các ban, ngành của huyện hỗ trợ mọi nguồn lực, dành những ưu tiên đặc biệt nhất cho đồng bào La Hủ xóa đói, giảm nghèo. Hằng ngày, bố Pu cùng các chiến sĩ biên phòng trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con làm quen với những mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới. Hiện nay, cuộc sống người dân đang ngày càng ổn định với mô hình nuôi bò tập trung, trồng riềng, sa nhân và mô hình lúa nước hai vụ. Giờ thì Nhú Ma khác xưa nhiều lắm! Trưởng bản Nhú Ma Vàng Phí Mư tâm sự: “Để có một bản Nhú Ma như ngày hôm nay, người dân luôn biết ơn BĐBP và bố Pu đến từng lán nói chuyện cho bà con ưng cái bụng, tỏ cái đầu về chuyện lập bản, xây dựng cuộc sống mới, xóa bỏ tập tục du canh du cư...

Năm 2018, già bản Lý Xạ Pu là một trong các gương mặt tiêu biểu của Lai Châu về Hà Nội dự lễ tôn vinh người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực biên giới.

Đồng lòng trên miền đất mới

Còn phải kể những tấm gương khác, như nữ già bản Hù Cố Xuân, là “điểm tựa” trong phong trào gắn kết cộng đồng người Si La, xã Can Hồ (Mường Tè). Năm 2014, người Si La ở Can Hồ di dân theo Chương trình tái định cư (TĐC) Dự án thủy điện Lai Châu. Những mái nhà gianh chênh vênh bên vực sông Đà xưa không còn nữa, giờ là những nếp nhà xây khang trang trên miền đất mới. Mỗi khi nhắc lại thời khắc người Si La vượt sông Đà lên nơi ở mới, thì già bản Hù Cố Xuân ví như cuộc “thiên di” có một trong lịch sử dân tộc mình.

Sinh ra và lớn lên tại bản Seo Hai, xã Can Hồ, từ nhỏ cô bé Hù Cố Xuân đã chứng kiến cảnh khó khăn thiệt thòi của đồng bào mình. Bởi người Si La từ lâu sống tách biệt bên kia sông Đà, không đường giao thông, không điện, không trường học. Mọi thứ mua bán trao đổi trông cậy hoàn toàn vào những người đàn ông bơi bè mảng. Phụ nữ thì như “con rùa trong xó cửa” cả đời không ra khỏi bản, cuộc sống quẩn quanh với đói nghèo bủa vây.

May mắn hơn chúng bạn, Hù Cố Xuân được các thầy giáo dưới xuôi hằng ngày bơi bè sang dạy chữ. Siêng năng học tập, sau này Hù Cố Xuân trở thành cô giáo người Si La đầu tiên mang chữ về cho bản. Cùng với việc dạy học, cô giáo Hù Cố Xuân luôn tích cực với mọi hoạt động của cộng đồng. Sau này nghỉ hưu, bà tham gia nhiều vị trí công tác ở hội phụ nữ, người cao tuổi, ở vai trò nào bà cũng được bà con tín nhiệm quý mến.

Bà con vẫn kể câu chuyện vào những năm 80, nạn hút thuốc phiện còn phổ biến, có lúc chỉ thấy phụ nữ Si La đi nương vào rừng, còn đàn ông chỉ tối ngày say sưa với cơm đen, bàn đèn. Nhiều đêm bà Xuân suy nghĩ, trao đổi với chị em trong bản… Và hằng đêm người ta thấy bà Xuân vác cuốc, soi đèn cùng với lực lượng biên phòng, các ban, ngành lên nương nhổ cây thuốc phiện. Ban ngày bà đánh trống, khua chiêng tập trung mọi người để nói chuyện về tác hại của thuốc phiện, đồng thời trực tiếp khuyên giải những gia đình có người mắc nghiện phải bỏ, phải cai. Cuộc chiến đấu với nạn nghiện hút và phong trào phá bỏ cây anh túc được người dân đồng tình ủng hộ.

Chủ tịch UBND xã Can Hồ Lý Chà Lối kể câu chuyện người Si La vượt sông Đà lên nơi ở mới: Năm 2013, bà con người Mông, Hà Nhì đã ổn cư trên vùng đất mới, những bản người Si La vẫn chưa chịu đi. Rất nhiều đoàn cán bộ về tuyên truyền, đã nhiều cuộc họp bản nhưng người dân còn e ngại. Bằng tiếng nói của một cô giáo, một đảng viên có hơn 30 năm tuổi Đảng, già bản Hù Cố Xuân không ngại khó hằng ngày đến từng nhà vận động nói chuyện, phân giải cái hay, cái lợi khi lên TĐC cùng những ưu tiên, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho bà con dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Người Si La đã ưng bụng. Tháng 11-2014, 62 hộ, 420 nhân khẩu người Si La bên kia sông Đà đã dời chuyển an toàn lên nơi ở mới.

Nhưng bà con Si La vẫn mang trong mình tâm trạng hoài vọng bản cũ. Để vơi đi nỗi nhớ, già bản Xuân tập hợp mọi người lại cùng diễn xướng những vũ điệu, dân ca truyền thống. Bà đã chuyển thể thành bài hát, điệu múa phù hợp cuộc sống mới như: Hát ru đêm trăng, Múa mừng ngày mùa, Hát mừng Đảng mừng xuân, Múa mừng bản mới… Đều đặn các buổi tối, mọi người quây quần ở nhà văn hóa dưới ánh điện sáng xem đội văn nghệ bà Xuân biểu diễn. Rồi cùng với các thành viên Bảo tàng văn hóa và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, bà tham gia nghiên cứu, biên soạn, xuất bản nhiều công trình văn hóa có giá trị về người Si La ở Lai Châu. Tháng 3-2019, bà vinh dự được tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

Tôi đã từng băn khoăn, với địa hình biên giới dài, hiểm trở như Lai Châu, lực lượng biên phòng “mỏng”, làm thế nào để các anh có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau này tôi đã hiểu: Trên dặm dài biên ải xa xôi ấy, các anh không chỉ một mình.

Đại tá Vũ Văn Trào, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Lai Châu cho biết: Lai Châu với 1.067 già làng, trưởng bản, người có uy tín dòng họ là lực lượng nòng cốt góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Đến nay, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” đã có 63 tập thể, 460 cá nhân tham gia đăng ký tự quản mốc giới; riêng cá nhân tự quản 55 mốc giới; 70,3 km đường biên giới.