Nhiều sai phạm trong nhập khẩu cá tầm

Số báo 1167, ngày 22-3 Thời Nay có bài “Những bất thường trong nhập khẩu cá tầm” nói về những dấu hiệu vi phạm trong việc quản lý cấp phép nhập khẩu cá tầm của cơ quan chức năng và để được nhập khẩu cá tầm nhiều doanh nghiệp (DN) đã bất chấp mọi thủ đoạn. Ngay sau khi báo đăng, đã có nhiều cơ quan chức năng liên quan như công an, hải quan... đã đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát và đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong quá trình nhập khẩu cá tầm của DN. 

Nuôi cá tầm trở thành một nghề phát triển tại Việt Nam.
Nuôi cá tầm trở thành một nghề phát triển tại Việt Nam.

Cá tầm nhập khẩu không đúng với giấy phép được cấp

Ngày 26-3, Tổng cục Hải quan đã có Văn bản số 1423/TCHQ-GSQL gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) về việc phối hợp kiểm tra các lô hàng cá tầm nhập khẩu. Trong đó, thực hiện Công văn số 580/BNN-TCTS ngày 26-1-2021 của Bộ NN & PTNT về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm, ngày 18-2-2021 Tổng cục Hải quan có Công văn số 808/TCHQ-GSQL hướng dẫn thủ tục, kiểm soát nhập khẩu cá tầm; Qua thời gian theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (thuộc Tổng cục Thủy sản) đối với một số lô cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cho thấy thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan (cá tầm Xi-bê-ri tên khoa học: Acipenser baerii), không thuộc Danh mục loài thủy sản được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019 của Chính phủ; Để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ cá tầm nhập khẩu, trên cơ sở ý kiến tham gia của các đơn vị thuộc Bộ NN & PTNT (Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cơ quan Cites) và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật... Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ NN & PTNT chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc Bộ cùng phối hợp vào cuộc kiểm tra xử lý đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu. 

Thực tế, ngày 26-1-2021 Bộ NN & PTNT đã có Văn bản số 580/BNN-TCTS gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Hội Nghề cá Việt Nam... Theo đó, thực hiện Văn bản số 187/VPCP-ĐMDN ngày 8-1-2021 của Văn phòng Chính phủ về trả lời kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam và kiến nghị của Hiệp hội Phát triển nghề cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội Cá nước lạnh Lào Cai về tình hình kinh doanh cá tầm dùng làm thực phẩm tại một số thành phố lớn và chợ đầu mối không thuộc danh mục loài thủy sản được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam. Bộ NN & PTNT đã phối hợp với địa phương thu mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở, TP Hà Nội và chợ Bình Điền, TP Hồ Chí Minh. Kết quả có 8/11 mẫu cá tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá tầm được kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Cá tầm thuộc Phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được Cơ quan Cites Việt Nam và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc. Tuy nhiên, hiện có một số cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam. Vì vậy, để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu cá tầm dùng làm thực phẩm và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, Bộ NN & PTNT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng vào cuộc kiểm tra xử lý. 

Liên quan chủng loại cá tầm nhập khẩu, ngày 19-3-2021, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thuộc Bộ NN & PTNT đã có Văn bản số 91/VTS 1 gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (thuộc Cục Hải quan Lạng Sơn) về Báo cáo kết quả lấy mẫu giám định, xác định chủng loại các lô hàng cá tầm nhập khẩu (với năm mẫu cá được giám định). Văn bản nêu rõ, các mẫu trong lô hàng cá tầm nhập khẩu từ Cửa khẩu Hữu Nghị là không đồng nhất, có hai dạng hình thuộc giống Huso và giống Acipenser. Hai dạng hình mẫu cá tầm này đều là con lai trong quá trình chọn giống cá tầm nuôi.  Căn cứ vào phân loại hình thái của cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baeri) để phân tích có thể xác định, những mẫu cá được kiểm tra ở trên không phải là cá tầm Xi-bê-ri Acipenser baeri Brandt, 1869. 

Cũng theo báo cáo kết quả lấy mẫu giám định, xác định chủng loại các lô hàng cá tầm nhập khẩu số 93/VTS I của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, ngày 20-3-2021 gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai thì lô hàng nhập khẩu cá tầm Cửa khẩu Lào Cai khá đồng nhất về dạng hình, chỉ có 1 loài. Sáu mẫu phân tích thuộc bộ cá tầm Acipenseriformes họ cá Tầm Acipenseridae và thuộc giống cá tầm Acipenser. Căn cứ vào phân loại hình thái của cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baeri) để phân tích có thể xác nhận, những mẫu cá được kiểm tra ở trên không phải là cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baeri 1869), sáu mẫu cá này có thể là con cá lai giữa các loài cá tầm với nhau.

Ai là người kiểm soát chất lượng cá tầm nhập khẩu? 

Vấn đề đặt ra là: Đã có bao nhiêu cá tầm không đúng với Giấy phép được cấp được nhập khẩu vào Việt Nam và liệu đây có thể coi là hàng nhập lậu đã được thông quan vào trong nước? Thực tế, từ ngày 28-1 đến ngày 23-7-2020 (thời điểm thực hiện Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đã có bảy DN tham gia nhập khẩu với tổng số 337 tấn cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Cụ thể như Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Tú (địa chỉ số 1 ngõ 562, tổ 19 đường Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) đã nhập 160 tấn, Công ty TNHH thủy sản Sỹ Hưng (có cùng địa chỉ và cùng chủ DN là bà Nguyễn Thị Thư với Công ty Thanh Tú) đã nhập 52 tấn. Như vậy, hai công ty này đã chiếm khoảng hai phần ba tổng số cá tầm Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong khi đó, sau khi Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã chính thức được ban hành thì tình trạng nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn tiếp tục được diễn ra với số lượng lớn. Đặc biệt, vào thời điểm đầu năm 2021, các DN đã đẩy mạnh số lượng nhập khẩu cá tầm với số lượng lên đến hàng trăm tấn. Chỉ tính riêng hai DN là Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng trong tháng 1 và 2-2021 đã nhập khẩu hơn 374 tấn cá tầm từ Trung Quốc. 

Trước những diễn biến liên quan nhập khẩu cá tầm, trong Văn bản số 1423/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ NN & PTNT chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lấy mẫu các lô cá tầm nhập khẩu và xác định: giống, loài, tên khoa học, thuần chủng hay lai, có đúng giấy phép Cites, có thuộc danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không trước khi cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng cá tầm nhập khẩu. Không cho DN đưa hàng về kiểm dịch tại các điểm bảo quản theo đề nghị của DN đến khi có kết quả giám định của các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường; Cơ quan quản lý Cites căn cứ kết luận giám định của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản số I xác định hàng hóa nhập khẩu có đúng với Giấy phép Cites cấp hay không? Trường hợp không đúng, đề nghị trao đổi với Cơ quan Cites Trung Quốc và có biện pháp xử lý triệt để với vấn đề này, tránh việc cá tầm không rõ nguồn gốc nhập khẩu tràn lan vào Việt Nam. Phối hợp cơ quan hải quan tiến hành xử lý đối với các lô hàng cá tầm nhập khẩu không đúng với tên hàng ghi trên Giấy phép. 

Tổng cục Hải quan đề nghị Tổng cục Thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cử cán bộ phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu thực hiện lấy mẫu ngay tại cửa khẩu nhập khẩu, giám định xác định cụ thể hàng hóa nhập khẩu có thuộc Danh mục loài thủy sản được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam hay không? Trường hợp không thể cử cán bộ tham gia, đề nghị Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I hướng dẫn Chi cục Hải quan cửa khẩu cách thức thực hiện việc lấy mẫu, lưu mẫu, bảo quản mẫu. Thời hạn ban hành thông báo kết quả kiểm tra là hai ngày làm việc kể từ ngày lấy mẫu để làm cơ sở cho cơ quan hải quan giải quyết thông quan. 

Thế nhưng, ngày 29-3-2021 Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã có Văn bản số 113/VTS I gửi Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai khẳng định lại: “Viện không phải là cơ quan chuyên môn của Cites nên việc phân tích mẫu sẽ không phù hợp chức năng. Vì vậy, Viện xin hoàn trả lại mẫu vật trên để Quý cơ quan gửi đến các đơn vị chuyên môn có chức năng phân tích”. Trước đó, ngày 23-3-2021 Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đã có Văn bản số 99/VTS I gửi hai chi cục hải quan nêu trên về việc không thực hiện thu mẫu và xác định chủng loại cá tầm tại các cửa khẩu. Theo văn bản của Viện, thực hiện đề nghị của Tổng cục Thủy sản và hai chi cục hải quan nêu trên, Viện đã có Văn bản số 89/VTSI, ngày 17-3-2021 cử cán bộ tham gia đoàn công tác lấy mẫu giám định, xác định chủng loại các lô hàng cá tầm nhập khẩu. Ngày 22-3-2021, Viện đã có báo cáo kết quả gửi đoàn công tác để cung cấp thông tin liên quan cho Tổng cục Thủy sản và Tổng cục Hải quan. Tuy nhiên, thời gian tới Viện sẽ không thực hiện việc thu mẫu và xác định chủng loại cá tầm nhập khẩu tại các cửa khẩu theo yêu cầu của các chi cục hải quan vì lý do: nhân lực, kinh phí và Viện không phải là cơ quan chuyên môn được Cites công nhận. 

Như vậy, ai sẽ là người kiểm soát chất lượng, chủng loại cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam (?).