Nhiều sai phạm tại dự án đường 254

Dự án (DA) nâng cấp, mở rộng, tuyến đường 254 từ Chợ Đồn đi Ba Bể là một DA trọng điểm của Bắc Kạn. DA đã hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao được cho ngành giao thông quản lý nên không có vốn bảo trì trong khi tình trạng sạt lở diễn ra thường xuyên. Đây là DA có nhiều tai tiếng của Bắc Kạn trong thời gian qua, khiến dư luận xôn xao, đặt dấu hỏi về chất lượng công trình cũng như trách nhiệm của các đơn vị liên quan. 

Không có bãi đổ nên đất, đá thải đổ tràn lan, đe dọa vùi lấp đất sản xuất của người dân.
Không có bãi đổ nên đất, đá thải đổ tràn lan, đe dọa vùi lấp đất sản xuất của người dân.

Bất thường trong thẩm định năng lực

Tỉnh Bắc Kạn có hai Ban quản lý (BQL) DA xây dựng lớn, gồm: BQL DA đầu tư xây dựng tỉnh và BQL DA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn. DA mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 254 do BQL DA đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. 

Tìm hiểu được biết, DA mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 254 có tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng. Ban đầu DA này được giao cho BQL DA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến ngày 8-5-2017, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Quyết định số 618/QĐ-UBND điều chuyển chủ đầu tư DA về cho BQL DA đầu tư xây dựng tỉnh. 

Việc điều chuyển này lẽ ra không có gì đáng nói nếu như sau này chính Sở Xây dựng, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh chuyển chủ đầu tư, qua kiểm tra đã khẳng định BQL DA đầu tư xây dựng tỉnh không đáp ứng đủ năng lực theo quy định của Chính phủ (!?).

Sau khi tham mưu cho UBND tỉnh chuyển chủ đầu tư chỉ 3 tháng, Sở Xây dựng ban hành Báo cáo số 995/BC-SXD về kết quả rà soát năng lực hoạt động của các BQL DA đầu tư xây dựng trên địa bàn năm 2017. Theo đó, BQL DA đầu tư xây dựng tỉnh chỉ có 12 cán bộ có trình độ chuyên môn về xây dựng công trình giao thông. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 64, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18-6-2016 của Chính phủ thì số đủ phải là 20 người. BQL DA đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bắc Kạn có 21 người, được đánh giá là đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 59. 

Biết rõ năng lực không đủ nhưng BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh vẫn nhận làm chủ đầu tư DA. Và từ đây hàng loạt sai phạm, yếu kém xảy ra, có nguy cơ đe dọa tới chất lượng công trình. 

Sai phạm, khuất tất

Đầu tiên là sai phạm ngay từ khi đấu thầu các gói thầu thi công DA. Khi dư luận Bắc Kạn xôn xao về các thông tin “thông thầu” tại DA, công an tỉnh đã vào cuộc điều tra và phát hiện có sai phạm. Tuy nhiên, sau đó, công an tỉnh không khởi tố vụ việc mà chuyển sang cho Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý theo thẩm quyền. Ngày 18-9-2019, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành ba quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Dương, Bùi Văn Nhiên và Dương Văn Hảo (thành viên tổ chuyên gia chấm thầu). Hai hành vi vi phạm được xác định, gồm: đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu nhưng không làm thay đổi kết quả được lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu số 19; và đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu dẫn đến thay đổi kết quả được lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu số 20. Mỗi cá nhân vi phạm bị phạt hơn 26 triệu đồng. 

Khi bước vào thi công, vì không đủ năng lực làm chủ đầu tư nên DA này lập tức vướng hàng loạt sai phạm, ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Theo Kết luận thanh tra số 205/KL-TTr ngày 22-5-2019 của Thanh tra Bộ Xây dựng, Hợp đồng xây dựng DA không thỏa thuận về số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán; không thỏa thuận cho bên nhận thầu có quyền, nghĩa vụ được tạm dừng và kéo dài tiến độ thực hiện công việc khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán là vi phạm quy định tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22-4-2015 của Chính phủ. Khi nghiệm thu, thanh toán, chủ đầu tư đã nghiệm thu sai, tăng hơn 61 m³ vữa dung dịch chống sụt thành lỗ khoan cọc nhồi cầu Pó Lù khi chưa trừ chiều dài khoan cọc có sử dụng ống vách giữ ổn định thành hố khoan. Cùng với đó, tính sai tăng hơn 705 kg thép tấm trong công tác gia công cóc nối cọc khoan nhồi cầu Pó Lù. Tổng giá trị sai tăng khi nghiệm thu, thanh toán gần 60 triệu đồng… 

Trong quản lý chất lượng DA, còn thiếu thí nghiệm kiểm tra yêu cầu kỹ thuật nước trộn bê-tông và vữa theo quy định tại mục 4 TCVN 4506-2012; thiếu kết quả thí nghiệm kiểm tra chỉ tiêu chất lượng xi-măng theo quy định tại mục 4 TCVN 2682:2009; thiếu kết quả, phiếu thí nghiệm các chỉ tiêu của cát, đá dùng làm cốt liệu cho bê-tông và vữa theo quy định. DA thiết kế năm bãi đổ thải dọc tuyến, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục thu hồi đất. Do vậy, các nhà thầu phải tự thỏa thuận với người dân đổ đất, đá thải ở nhiều vị trí khác nhau. Nhiều vị trí trong tháng 8 và 9 trôi theo mưa, vùi lấp một số diện tích sản xuất của người dân. 

Có khá nhiều điểm bất thường, không rõ ràng tại DA đường 254 khiến dư luận không khỏi nghi ngờ đặt dấu hỏi. Đơn cử như việc, có nhà thầu chỉ chuyên về xây dựng nhà cửa, hồ sơ năng lực chỉ thể hiện mới thi công một vài đoạn đường ngắn với tổng mức đầu tư rất thấp nhưng lại liên danh trúng thầu gói thầu lớn nhất tại DA đường 254. Theo một nhà thầu (xin giấu tên) tham gia thi công tại DA này, chưa bao giờ đơn vị lại được thi công một DA giao thông theo kiểu đơn vị làm nền, mặt đường riêng còn thảm nhựa lại là nhà thầu khác như tại DA đường 254. Điều này sẽ dễ dẫn tới việc các nhà thầu làm nền, mặt đường với nhà thầu thảm nhựa đổ trách nhiệm cho nhau khi đường có hư hỏng. 

Nguy cơ hư hỏng cao

Theo kế hoạch, tháng 2-2020, DA đường 254 sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng. BQL DA đầu tư xây dựng tỉnh đã có báo cáo giám sát đầu tư đánh giá tiến độ thi công đạt 100%. Tuy nhiên, thực tế, vào thời điểm ngày 18-2, DA này vẫn còn ngổn ngang nhiều đoạn, chưa thảm xong toàn bộ mặt đường. Chưa làm xong nhưng DA đã giải ngân xong toàn bộ nguồn vốn.

Đến nay, DA đường 254 đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được bàn giao cho ngành giao thông quản lý, khai thác theo quy định. Trong ba tháng qua, mưa gió dẫn tới toàn tuyến bị sạt lở liên tục. Mặc dù đã hoàn thành hợp đồng nhưng các nhà thầu thi công hiện vẫn tham gia khắc phục các vị trí sạt lở này. Tuy nhiên, đến tháng 9, nhiều nhà thầu đã không còn đủ lực. Ngày 10-9, Công ty TNHH Tân Thịnh có công văn gửi tỉnh Bắc Kạn nêu bốn vị trí trên đoạn tuyến thuộc gói thầu đơn vị thi công bị sạt lở tới khoảng 50 nghìn m³ đất, đá. Việc khắc phục nằm ngoài khả năng tài chính của đơn vị do vậy đề nghị tỉnh cần thiết kế bổ sung. 

Ngày 15-9, BQL DA đầu tư xây dựng tỉnh có văn bản gửi tỉnh, phản ánh tình trạng sạt lở trên đường 254 rất nghiêm trọng. Hiện tại, phần khối lượng công việc nhà thầu đã thi công xong, thời gian thực hiện hợp đồng đã kết thúc và hợp đồng bảo hiểm công trình cũng đã hết hiệu lực. Do vậy, Ban kiến nghị UBND tỉnh cho sử dụng khoảng 4,5 tỷ đồng nguồn vốn khắc phục hậu quả thiên tai để giải quyết. 

Cho đến ngày 14-9, Sở Giao thông vận tải mới chỉ kiểm tra, nghiệm thu xong gói thầu xây lắp số 18; ba gói thầu còn lại chưa kiểm tra, nghiệm thu. Với diễn biến thời tiết phức tạp như hiện tại, việc chậm bàn giao sẽ khiến tuyến đường không có kinh phí bảo trì thường xuyên, dễ dẫn tới xuống cấp, hư hỏng. Dư luận mong mỏi các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn cần kiểm tra kỹ càng chất lượng công trình trước khi nghiệm thu, bàn giao cho ngành giao thông quản lý, đồng thời sớm xem xét, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm nếu có.