Nhiều học sinh chưa đội mũ bảo hiểm

Nhiều phụ huynh quên không mua, hoặc có mua nhưng lại không nhắc con đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông. Điều này khiến trẻ đối diện với nguy cơ… bị thương tích, thậm chí tử vong nếu chẳng may xảy ra tai nạn. Thực tế này vẫn hiện hữu ở Thủ đô.

Nhiều học sinh, sinh viên chưa chấp hành đội mũ bảo hiểm. Ảnh: NG.BẮC
Nhiều học sinh, sinh viên chưa chấp hành đội mũ bảo hiểm. Ảnh: NG.BẮC

Bố mẹ đội, còn con… thì quên

Từ năm 2015, TP Hà Nội đã áp dụng quy định bắt buộc học sinh (HS) ngồi trên mô-tô, xe máy, HS đi xe đạp điện phải đội MBH nhằm bảo vệ sự an toàn cho người tham gia giao thông. Kèm với đó là các hình thức xử phạt bằng tiền, nhắc nhở trước toàn trường, hạ hạnh kiểm… Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội có thông báo gửi các trường học trên địa bàn, yêu cầu tất cả HS phải thực hiện quy định trên. Sở cũng thành lập các đoàn kiểm tra lưu động để kịp thời nhắc nhở, xử lý nếu phụ huynh và HS vi phạm. Đơn vị nào có HS không chấp hành quy định này thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở. Cùng với đó, lực lượng Công an TP Hà Nội cũng kiểm tra, xử phạt những HS vi phạm.

Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng HS không đội MBH khi ngồi sau xe máy của bố mẹ, xe đạp điện, xe máy điện trên nhiều cung đường của thành phố vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt, nhiều phụ huynh chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng của việc đội MBH để bảo đảm an toàn cho con em mình. Trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh (Đội Cấn, Hà Nội) là một thí dụ. Bản thân chị thì đội MBH nhưng cô con gái học cấp tiểu học ngồi sau lại để đầu trần. Hỏi chị vì sao không đội mũ cho con, chị cười phân trần rằng “nhà mình cách trường có 500 m, chiều về cháu được ông bà đi bộ đến đón nên cũng chủ quan không đội mũ cho con”. Tương tự, anh Nguyễn Văn Sinh (đưa con đi học ở khu Trung Yên, Cầu Giấy) cũng không đội mũ cho con. Anh biện bạch, cháu chủ yếu đi grab, hôm nay bố rảnh mới đưa con đi. “Bình thường cháu nghiêm chỉnh chấp hành lắm”, anh Sinh cười cười rồi vít ga phóng vù lên phía trước.

Người lớn chủ quan, vì thế trẻ con sẽ bắt chước. Tại bãi gửi xe tự phát gần cổng Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ba Đình, Hà Nội), buổi sáng không khó để bắt gặp nhiều HS đi xe máy không đội MBH vào đây gửi xe. Khi hỏi có biết quy định đi xe máy, xe đạp điện phải đội MBH không, các con đều cho biết “có”, nhưng “ngại mang” vì “lỉnh kỉnh” hoặc “xấu tóc”...

Có dịp theo chân các chiến sĩ Đội cảnh sát giao thông (CSGT) số 7 - CSGT Công an TP Hà Nội ra quân xử lý tình trạng HS không đội mũ bảo hiểm đến trường những ngày cuối tháng 9 vừa qua tại nút giao thông Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) chúng tôi thấy tình trạng coi thường với tính mạng của HS vẫn diễn ra tương đối phổ biến. Theo đó, chỉ trong vòng không quá một giờ đồng hồ trước khi vào giờ cao điểm, tổ công tác đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm, chủ yếu là HS Trường THPT Trần Hưng Đạo nằm trên địa bàn, với các lỗi không đội MBH, không có đăng ký xe, không có giấy phép lái xe.

Trung tá Vũ Mạnh Nam, Đội phó CSGT số 7 cho biết, từ đầu tháng 9 tới nay, Đội đã kết hợp với Công an quận Thanh Xuân xuống các trường học trên địa bàn để tuyên truyền, ký cam kết về việc HS khi tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, đặc biệt là đội MBH. Các trường sau đó cũng đã triển khai tới từng HS. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra vẫn phát hiện nhiều HS, sinh viên chưa chấp hành.

Nhiều học sinh chưa đội mũ bảo hiểm ảnh 1

Lực lượng CSGT xử lý các trường hợp vi phạm ATGT. Ảnh: ANH HUYỀN

Cần phải tự bảo vệ các em

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, tỷ lệ đội MBH ở trẻ em từ 6 tuổi trở lên hiện nay còn rất thấp, mới chỉ ở mức 35 - 40%, trong khi tỷ lệ này ở người lớn là hơn 90%. Có thể thấy rõ, việc không đội MBH cho trẻ vô hình trung đã tác động tới nhận thức của các cháu, dẫn đến tâm lý, không đội MBH cũng không sao. Sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh không chỉ gây nguy hiểm, mà còn tạo thói quen, nếp xấu trong mắt con trẻ.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, năm tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 6.779 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 3.128 người, bị thương 5.254 người. Trong đó, TNGT trên đường bộ xảy ra 6.695 vụ, làm chết 3.077 người, bị thương 5.229 người. Trong số này có số lượng không nhỏ là trẻ em.

Mỗi năm trên thế giới có hơn 350.000 trẻ tử vong do TNGT. Tại Việt Nam, con số này là gần 2.000 trẻ mỗi năm. Không đội MBH khi trẻ tham gia giao thông bằng xe máy là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thương vong ở trẻ khi xảy ra TNGT.

Thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy, tại Hà Nội, tỷ lệ thiệt mạng do tai nạn, trong đó có TNGT của HS cấp THPT tại Hà Nội ở mức 7,39/100.000 HS. Con số này cao hơn nhiều so một số nước trong khu vực châu Á (cao gấp 1,25 lần so Campuchia; 2,73 lần Nhật Bản và 1,84 lần Hàn Quốc).

Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Tuyên truyền, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, hằng năm lực lượng CSGT thực hiện những đợt cao điểm kiểm tra việc tuân thủ chấp hành Luật Giao thông, trong đó có đội MBH đối với HS trên địa bàn. Thời gian vừa qua, lực lượng công an tiếp tục thực hiện kế hoạch đã ký kết giữa Công an Hà Nội với Sở GD&ĐT về tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông cho các trường và các cơ sở giáo dục trên địa bàn; đơn vị chỉ đạo các đội, trạm CSGT tăng cường công tác kiểm tra, xử lý cũng như nhắc nhở, tuyên truyền tới các phụ huynh và HS đi xe máy đến trường ngay từ đầu năm học nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành ở cả phụ huynh lẫn HS.

Trong thời gian tới, CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục ra quân bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực cổng trường học. Các tổ công tác kết hợp vừa nhắc nhở, tuyên truyền vừa xử phạt nghiêm những phụ huynh không đội MBH cho con. Đồng thời, tổ công tác cũng dừng xe đối với nhiều HS đi xe điện mà không đội MBH nhằm giải thích về nguy hại khi không đội mũ để các em hiểu.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến số trẻ tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm thấp nhưng nguyên nhân đầu tiên thuộc về người lớn. Nhiều bậc làm cha, làm mẹ không nêu gương trong đội MBH. Nếu cha mẹ cho rằng, việc đội MBH là đương nhiên phải thực hiện, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ý thức của trẻ em, giống như không được sờ tay vào điện. Còn nếu cha mẹ thấy rằng, việc đội MBH là đối phó thì tâm lý sẽ truyền lại cho trẻ.

Hơn nữa, nhiều cha mẹ quên mất rằng, con mình cần phải được đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô-tô, xe máy… và cần bảo vệ con bằng cách này. Để bảo vệ con mình, cũng là tránh những rủi ro mà gia đình có thể phải gánh chịu, các chuyên gia khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần thực hiện nghiêm việc đội MBH cho trẻ khi trẻ tham gia giao thông bằng xe mô-tô, gắn máy. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường xử lý trường hợp vi phạm liên quan đến quy định này, để hạn chế thương vong khi trẻ bị TNGT.