Người thương binh giàu lòng nhân ái

Sự thật thà, công khai, minh bạch của ông Huỳnh Hữu Nghĩa đã thu hút được nhiều người hảo tâm gắn kết, hình thành nhóm từ thiện Nghĩa Huỳnh, góp phần mang đến niềm vui cho nhiều cảnh đời bất hạnh, nghèo khó, bệnh tật trong và ngoài tỉnh Bến Tre. Ông là thương binh 2/4 ở xã Phước Thạnh, Châu Thành, Bến Tre. 

Ông Nghĩa tặng xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi. Ảnh nhân vật cung cấp
Ông Nghĩa tặng xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi. Ảnh nhân vật cung cấp

Xong việc mình, toàn tâm lo cho xã hội

Nhập ngũ năm 1983, ông Nghĩa làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, thuộc sư 330. Ông bị thương năm 1986, cắt bỏ chân phải, mức thương tật 65%.

Trở về quê nhà, ông nhớ lời Bác Hồ dạy: “Các chú tàn nhưng không phế”. Không khuất phục số phận, khi phần chân đã mất bớt đau nhức, ông cố gắng tập luyện đi lại. Khi việc di chuyển thuận lợi, ông học nghề hớt tóc để  mưu sinh và nuôi hai con ăn học.

Ông cho biết, ngoài nghề hớt tóc, còn làm rất nhiều nghề: đàn nhạc sống cho các đám tiệc ở quê, làm công nhân cho công ty sản xuất phụ tùng xe gắn máy ở TP Hồ Chí Minh. Cho đến khi hai con tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định, ông nghỉ và trở về quê tham gia tích cực công tác Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin- Bảo vệ quyền lợi trẻ em, góp công sức của người thương binh vào công tác an sinh xã hội.

Ở hai vị trí công tác này, ông tiếp xúc nhiều hoàn cảnh thiếu khó của các cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người già neo đơn, hộ gia đình nghèo... Ông hiểu hoàn cảnh khốn khó của họ và vận động các hàng quán giúp đỡ. Nhưng ở quê nghèo, việc giúp đỡ chẳng được nhiều. Ông “than thở” với bạn bè, một người bạn hiến kế ông chụp ảnh kèm lời viết về những hoàn cảnh thiếu khó trong cuộc sống đưa lên mạng xã hội.

Làm từ thiện minh bạch

Năm 2016, ông dùng facebook đưa hình ảnh những cảnh đời bất hạnh, nghèo khó, những nạn nhân tật nguyền do nhiễm chất độc da cam/dioxin, được nhiều người hảo tâm trong, ngoài tỉnh gửi tiền, quà đến giúp đỡ. Tất cả những tấm lòng nhân ái đó cùng các phần tiền quà đều được ông công khai lên facebook mang tên Nghĩa Huỳnh của mình bằng hình ảnh, số liệu lúc trao tặng. Ngày càng có nhiều người hảo tâm qua ông giúp đỡ những hoàn cảnh khốn khó. Nhiều người hứa gắn kết thường xuyên làm từ thiện với ông và cùng nhau lập nhóm từ thiện Nghĩa Huỳnh.

Nhóm không chỉ giúp các nạn nhân chất độc da cam/dioxin mà mở ra nhiều hoạt động như tặng học bổng, tập vở, xe đạp, laptop cho học sinh con gia đình nghèo học giỏi, người mắc bệnh hiểm nghèo không tiền chữa trị; vận động tiền, quà, gạo chăm lo hằng tháng cho 50 cụ già neo đơn, người tàn tật thuộc gia đình chính sách, hội viên cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam các xã thuộc huyện Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Ba Tri (Bến Tre), mỗi hộ từ 300 - 500 nghìn đồng/tháng. Nhóm còn xây nhà nhân ái, sửa nhà cho người nghèo... Với những hoàn cảnh đó, khi biết thông tin qua báo chí, facebook và thành viên của nhóm, thương binh Huỳnh Hữu Nghĩa với trách nhiệm trưởng nhóm, đều đến tận nơi xác minh và đưa hình ảnh, chi tiết lên facebook kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người. 

Người thương binh giàu lòng nhân ái -0
Tặng quà cho người khuyết tật.  

Ông rất vui khi ngày càng có nhiều người trong và ngoài tỉnh cùng chung tay. Chính những người bạn đồng hành này đã cùng ông tổ chức được bếp ăn dinh dưỡng vào ngày thứ tư hằng tuần với 700 suất cơm cho bệnh nhân và người nuôi bệnh nghèo ở Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre; xây nhà nhân ái mỗi năm từ 5 - 10 căn, chi phí xây dựng mỗi căn từ 20 - 40 triệu đồng.

Mới đây, trong thiên tai hạn mặn năm 2020 ở Bến Tre, ông vận động Công ty phân bón Tuyên Phong ở Châu Thành, Bến Tre - Giám đốc Phạm Hoàng Phong là đồng đội của ông ở chiến trường Campuchia, cấp nước ngọt qua bồn chứa và các nhà hảo tâm góp chi phí vận chuyển, đưa nước ngọt hỗ trợ bà con, lập 22 điểm phát nước ngọt miễn phí đến bà con nghèo. Mỗi điểm đặt cái bồn nhựa chứa 3.000 - 5.000 lít. Vậy là mỗi ngày phát được 66.000 lít nước ngọt cho người dân ở các huyện trong tỉnh cho đến khi hết hạn mặn. 

Tính chung, hằng năm, nhóm từ thiện Nghĩa Huỳnh vận động từ thiện được gần một tỷ đồng.

Tận tình, tận tâm

Tất cả hoạt động từ thiện của ông Nghĩa và nhóm đều tận tâm, tận tình. Như với trường hợp anh Nguyễn Minh Chung ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành, bị xe ben cán qua bụng bể hai khớp háng, phải điều trị lâu dài, qua nhiều bệnh viện, tiền bồi thường của người gây tai nạn không đủ cho việc chữa trị. Hay tin, ông Nghĩa chụp ảnh và đưa lên facebook, nhận được rất nhiều hỗ trợ. Ông đến tận bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh thăm hỏi nhiều lần và gửi quà của các nhà hảo tâm. Khi anh Chung ra viện về nhà, ông lại nhiều lần đến thăm và tặng  gạo, nước tương, nước ngọt và tặng một xe gắn máy, cải tiến lắp hai bánh sau tiện cho anh Chung di chuyển.

Đến các địa phương tìm hiểu, xác minh, dù ở xã, huyện xa hay ngoài tỉnh như Vĩnh Long, Trà Vinh, ông đều không ngại khó. Chi phí đi lại, ông sử dụng tiền chính sách thương binh 2/4 của mình, không phạm vào tiền tài trợ. Theo ông, khi giúp phải đúng người, đúng hoàn cảnh khó khăn. Tiền, quà phải giao đủ tận tay và đúng người, đúng chỗ.

Được hỏi vì sao nặng lòng với những hoàn cảnh khốn khó, ông bộc bạch: Trước nhất là tôi học theo gương Bác Hồ, quan tâm đến những người nghèo khó, sống hòa đồng gần gũi với người dân. Thứ hai, tôi chọn làm từ thiện là để bày tỏ lòng biết ơn đồng đội đã hiến máu cứu tôi ở chiến trường. Ngày ấy tôi và nhiều đồng đội bị thương nằm cả ngày trong một cánh rừng ở Campuchia. Nhiều đồng đội mất máu nhiều và chết. Tôi trong tuyệt vọng thì chiều tối hôm ấy, đơn vị đến đưa tôi về cứu chữa. Ở bệnh viện dã chiến đâu có máu dự trữ, đồng đội thay phiên truyền máu trực tiếp cứu sống tôi. Tôi rất nhớ ơn đồng đội!

Sống trong căn nhà nhỏ đơn sơ, nhiều lần chính quyền địa phương ngỏ ý cấp nhà tình nghĩa nhưng ông vẫn một mực từ chối và dành cho những đối tượng chính sách khó khăn hơn. Nói về thương binh Huỳnh Hữu Nghĩa, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phước Thạnh, Châu Thành nhận xét: Ông Nghĩa là người có tâm, giàu lòng nhân ái. Ông là tấm gương tốt trong Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. 

Trong đại dịch Covid-19, ông cùng nhóm từ thiện Nghĩa Huỳnh trao 3.000 khẩu trang y tế, 100 chai rửa tay diệt khuẩn đến học sinh và bà con vùng bị cách ly huyện Bình Đại. Ông còn vận động cơ sở sản xuất thạch dừa Xuân Mai ở xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre tặng hai máy ATM gạo, một đặt ở thị trấn Bình Đại, Bến Tre và một ở xã Mỹ Thạnh An, cấp gạo cho người nghèo, người tàn tật, người bán vé số trong suốt thời gian cách ly phòng dịch. Hiện tại, máy ATM gạo của nhóm này đặt ở thị trấn Bình Đại vẫn duy trì cấp gạo cho đối tượng nghèo, người bán vé số, người tàn tật, trẻ mồ côi vào thứ sáu hằng tuần, mỗi đối tượng được cấp 2 kg gạo cùng nước tương, chao...