Người lao động không đơn độc

Kỳ 2: Cầm cự mong hết dịch

Công nhân tan ca muộn nên dì Hạ không vội dọn hàng.
Công nhân tan ca muộn nên dì Hạ không vội dọn hàng.

Dịch Covid-19 không chỉ khiến đời sống công nhân bị ảnh hưởng, mà ngay cả những người lao động nghèo kiếm sống dựa vào khu công nghiệp (KCN) cũng hết sức khó khăn. Trong khi đó, những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa đến được tay đối tượng cần thiết.

Những hoàn cảnh khốn khó

Ngày trước, xe hủ tiếu của dì Nguyễn Thị Đa (khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP Hồ Chí Minh) bán mỗi ngày thu lãi được hai, ba trăm nghìn đồng, thì nay ngày kiếm được vài chục nghìn là may. Dì bảo: “Công nhân ở đây thì nhiều nhưng không còn bao nhiêu so trước kia. Hơn nữa, dịch giã như này, họ cũng tiết kiệm chi tiêu, hạn chế hàng quán. Vì vậy, xe hủ tiếu ngày càng ế ẩm, hàng hóa lấy toàn thiếu nợ, không biết còn cầm cự được bao lâu”.

Vắng khách, dì Đa mời về nhà chơi. Nhìn dãy nhà lụp xụp, được dựng lên từ mấy tấm phên dậu cũ nát, ít ai nghĩ đó là nơi trú ngụ của 12 con người. Mấy người con của dì cũng làm công nhân, nhưng công ty đang giảm biên chế nên mỗi người lại phải xoay xở đi tìm nghề khác. Tuổi cao, dì mắc chứng rối loạn tiền đình, sức khỏe suy giảm, đau ốm liên miên. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, lẽ ra dì cần được nghỉ ngơi, chăm sóc thì nay vẫn đang phải nuôi anh con trai bệnh tâm thần cùng đứa cháu 11 tuổi mắc căn bệnh máu trắng. Hằng tháng, dì Đa phải đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh để thăm khám, có lúc phải ở lại cả tuần điều trị. Thế nên dù tuổi cao, sức yếu hằng ngày dì vẫn cặm cụi dậy từ 3 giờ sáng đun bếp nấu nướng, rồi đứng bán hủ tiếu ngoài đường cho công nhân.

20 giờ, quầy thịt trước nhà của dì Hạ (khu phố 7, phường Long Bình,  TP Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn còn lèo tèo mấy miếng thịt vụn chưa bán hết. Đem thắc mắc hỏi dì sao muộn rồi còn chưa nghỉ thì được biết, chỗ thịt này còn bán được cho công nhân. Hóa ra, ở đây công nhân tan ca muộn, đến tận 22 giờ vẫn còn khách nên dì chưa vội dọn hàng. Thiết nghĩ, năm nay dịch bệnh tàn phá, doanh nghiệp tê liệt thì lấy đâu ra việc mà cho công nhân tăng ca? Nhưng không phải, ở đây họ làm về muộn. “Không phải tăng ca mà ca làm bắt đầu từ 16 giờ đến 22 giờ, họ làm giãn việc đấy”, dì Hạ giải thích.

Dì Hạ người Nghệ An, vào Đồng Nai lập nghiệp đã mấy chục năm nay. Buổi sáng dì lấy “cất” lòng heo bán ở chợ, chiều bán thịt ở nhà, chủ yếu bán cho công nhân nên ở đây nhiều người quen mặt, biết tên vì dì hay cho khất. Dì bảo: “Bán cho công nhân mà, không cho nợ không được. Với lại nhiều khi họ bị chậm lương thì thôi mình cho nợ, họ được cải thiện bữa ăn mà mình cũng bán được hàng. Hơn nữa, công nhân ở đây vất vả nhưng chất phác, sòng phẳng. Khi họ có lương thì họ trả, mình cũng không cho nợ nhiều nên kể có mất cũng không đáng bao nhiêu”. Nghe dì kể, mấy tháng trước, có đoàn người từ Đắk Lắk theo chân mấy tay “cò” tuyển dụng xuống đây xin làm công nhân. Lúc ở trên quê thì họ nói xuống đây làm việc lương bảy - tám triệu đồng/tháng, nhưng khi xuống đây thì công ty chỉ trả ba - bốn triệu đồng/tháng nên họ không làm, cứ vạ vật ngủ đường ngủ bụi ở đây mấy hôm, tìm việc không được rồi lại lũ lượt kéo về. “Nghĩ cũng tội, đã mất công đi cả chặng đường dài từ quê xuống, đến nơi lại không tìm việc. Nhiều người cứ vất vưởng, mông lung, mà lại rơi toàn vào công nhân”.

Gần nhà dì Hạ có khá nhiều công ty, xưởng sản xuất thuộc KCN Long Bình Tân. Vì thế, nhà trọ cho công nhân cũng nhiều nhưng buổi tối không có mấy người ở nhà. Hỏi ra thì được biết họ đều chọn làm ca trong khoảng từ chiều đến đêm để tiết kiệm điện. Làm đến đêm về chỉ ngủ nên không cần sử dụng đèn, như vậy mỗi tháng cũng tiết kiệm được không ít tiền điện. Anh Nguyễn Văn Vinh, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hung Yih (KCN Long Bình, Đồng Nai) cho biết: “Năm nay công ty không nhiều việc, mọi chi phí sinh hoạt đều phải tính toán chi ly sao cho hợp lý. Bởi nếu chẳng may công ty giảm biên chế, thất nghiệp thì biết tính sao. Căng lắm chứ”.

Người lao động không đơn độc -0
 Dịch Covid-19 tác động nặng nề đời sống công nhân.

Gồng mình chống đỡ

Chịu ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, không chỉ người lao động bị sụt giảm thu nhập mà phần lớn các doanh nghiệp cũng phải tạm ngưng hoạt động một - hai tháng. Có doanh nghiệp tổ chức làm việc luân phiên ba - bốn ngày/tuần để giải quyết đơn hàng tồn đọng.

Anh Nguyễn Minh Tuấn, công nhân KCN Hải Sơn (huyện Đức Hòa, Long An) cho biết, công ty đang áp dụng chính sách giãn việc, mỗi ngày chỉ làm sáu giờ đồng hồ là nghỉ, mỗi tuần ba buổi. Vì công việc ít nên tiền lương cũng giảm từ sáu triệu xuống còn ba triệu đồng. Anh nói: “Bây giờ ở đâu cũng khó khăn, mình vẫn còn việc làm là may, vẫn còn hơn nhiều người phải bỏ việc về quê vì không cầm cự nổi. Trong công ty mình làm đã có nhiều người nghỉ việc, không thấy quay lại nữa, có lẽ mức thu nhập như vậy khó có thể thu hút được người lao động”.

Không có việc làm kéo dài chẳng những khiến thu nhập của công nhân sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đời sống hằng ngày mà còn dẫn đến nhiều vấn đề khó khăn khác như chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp nợ lương, ngưng đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân khiến rất nhiều người lao động dù bị chấm dứt hợp đồng vẫn không thể chốt sổ bảo hiểm để nhận các chính sách theo quy định.

Tại KCN Tân Tạo (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), rất nhiều công nhân bị giãn việc, chậm lương nên cuộc sống gặp không ít khó khăn. Mỗi tháng, trung bình chi tiêu của một gia đình gồm hai vợ chồng, hai đứa con cũng phải gần chục triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập hiện tại chỉ đạt khoảng sáu - bảy triệu đồng là nhiều. Tuy nhiên, khi được hỏi về các chính sách hỗ trợ thì nhiều người đều nói là chưa nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào từ Nhà nước, đặc biệt là khoản trợ cấp từ gói 62.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, người nghèo… mà Chính phủ triển khai từ sau đợt dịch lần thứ nhất. Thực tế cho thấy, rất nhiều công nhân khó khăn nhưng chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ liên quan Nghị quyết 42 vì một số bất cập khi triển khai. Trong đó, có điều kiện thứ ba để người lao động được xét hỗ trợ theo gói này là doanh nghiệp đó phải không còn doanh thu và không còn nguồn chi trả lương. Điều kiện này rất khó xác định. Trong đợt dịch, hầu hết các doanh nghiệp rất khó khăn, giảm nguồn thu nhưng để chứng minh không còn nguồn doanh thu nào thì quả là khó, vì ngay như hàng tồn kho, nguyên liệu tồn khi quy ra tài sản cũng thành tiền.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát dữ dội (từ ngày 1-3 đến 15-5-2020), tại  TP Hồ Chí Minh có tới 15.201 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng việc, thu hẹp sản xuất với gần 150.000 lao động bị ảnh hưởng. Kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực quý III - 2020 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh tại 16.778 doanh nghiệp cho thấy, có 69,61% doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19, chủ yếu tập trung nhiều ở các lĩnh vực bán buôn (19,72%), sản xuất trang phục (12,68%), dệt (8,45%), sản xuất, chế biến thực phẩm (7,04%)…

Với tình hình thực tế hiện nay, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần có một số điều chỉnh linh hoạt hơn nhằm giảm áp lực cho các doanh nghiệp sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh. Theo đó, rất cần những chính sách cụ thể như thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động từ nguồn tích lũy của công đoàn cơ sở để khi gặp các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh… công đoàn cơ sở có thể chủ động sử dụng để chăm lo cho người lao động. “Việc miễn thu kinh phí công đoàn, miễn đóng đoàn phí cho đoàn viên tại các doanh nghiệp chịu tổn thất do dịch cũng cần được tính đến trong giai đoạn này”, ông nói.

(Còn nữa)