Người H’Mông giã từ lò súng săn

Những năm 2000, hầu hết các bản người H’Mông ở huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) rộ nghề chế súng săn. Gần đây, lại rộ lên một số vụ người H’Mông ở Kỳ Sơn đi săn thú nhưng bắn nhầm người thân hoặc dân bản. Để kiểm chứng, chúng tôi lại ngược rừng để tiếp cận những lò chế súng này.

Hàng trăm khẩu súng do Công an Kỳ Sơn mới thu hồi được trong dân bản.
Hàng trăm khẩu súng do Công an Kỳ Sơn mới thu hồi được trong dân bản.

Vắng lạnh lò chế súng

Điểm đầu tiên chúng tôi tiếp cận là lò chế súng săn của ông Lầu Pá Chù ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, cách Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chừng 2 km.

Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là lò chế súng của ông Chù đã được “nhốt” lại trong một tấm lưới thép quây tròn trước cửa nhà. Thấy chúng tôi đứng nhìn bễ thụt lửa sạch bóng tro bụi và kìm, búa, cưa sắt… xếp lại bên cạnh, ông Chù nói: “Không còn có ai mua nên bố không làm súng nữa”. Dứt lời, ông Chù đưa tay lên vách gỗ cạnh cái lò bị “nhốt”, hạ cây súng kíp cũ kỹ xuống cho chúng tôi xem. Ông bảo: “Đây là cây súng kíp loại nhỏ bố làm lâu lắm rồi. Trước dùng săn thú nhỏ, giờ bố treo đây làm kỷ niệm”.

Như chưa thật sự tin ông Chù đã từ bỏ hẳn “ngón nghề” từng gắn bó suốt thời trai trẻ, nơi ba tay thợ lão luyện đổ mồ hôi một tuần có thể nuôi được cả gia đình trong vài tuần, chúng tôi tiếp tục câu chuyện “vì sao, bây giờ người H’Mông không mua súng săn nữa?”. Ông Chù giải thích ngay: “Còn thú rừng đâu mà người ta mua súng săn. Ngày trước, lợn rừng, nai, chồn nhiều lắm, chỉ rình phục cách 15 - 20 m là bắn được nên bản mở nhiều lò chế súng. Hồi đó, các lò chế súng đỏ lửa ngày đêm. Có bản hai - ba lò”.

Vẫn cầm chắc cây súng “kỷ niệm” trong bàn tay chắc khỏe ở tuổi 80, ông Chù nửa như tiếc nuối nghề cũ, nửa như hiểu cái lý của việc người H’Mông từ giã “ngón nghề” truyền đời. Ông kể: “Cây súng này tính cả nòng và báng dài hơn một mét, trước có giá 300.000 đồng, riêng bộ cò đã 150.000 đồng. Giờ thì đắt lắm rồi. Tầm 2,5 triệu đồng một súng. Bộ cò “xịn” là 1,2 triệu đồng. Bộ cò này chỉ có người H’Mông làm mới ưng ý. Giá vọt lên nhưng các bản không có ai làm súng nữa”.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi biết điều khiến ông Chù và dân bản không còn chế súng săn vì ngoài lý do bị cấm thì nguồn phân dơi (trộn với than cây dẻ và với cát, chưng công phu như nấu cao cho đạt độ dẻo, cứng) là nguyên liệu chính để làm thuốc súng cũng không còn nữa. Ông Chù lại cầm cây súng, lẩy lẩy lưỡi cò như nhớ lại mỗi khi mũi cò đập vào kíp được tra vừa vặn trong cái lỗ nhỏ phía đáy nòng. Kíp gây cháy thuốc nổ, đẩy viên đạn bay đi (viên đạn được làm bằng chì nung chảy rồi cho nhỏ giọt xuống nước, phơi khô; đạn ria là đạn sắt được cắt từ thanh sắt nhỏ hoặc đạn bi là những viên bi xe đạp).

Ông Chù hướng chúng tôi nhìn lên hang núi phía cánh gà cửa khẩu Nậm Cắn, kể tiếp chuyện về thuốc súng: “Ngày trước, dơi lèn bay kín hang đá, phân dơi làm thuốc súng phủ dày từng lớp nhưng nay dơi bị bẫy hết rồi, hang đá lạnh tanh”. Như sực nhớ ra một chi tiết khác, ông Chù nói thêm: “Người H’Mông sinh sống trên các núi cao, có nhiều thú rừng nên họ cần cái súng để đi săn nhưng giờ các thợ làm súng đã già yếu cả rồi, con cái họ lớn lên đi làm công nhân các xí nghiệp trong nam, ngoài bắc, không còn người đi săn và cũng không còn người làm súng nữa. Mà có súng cũng không có con chi để bắn. Có nhớ nghề, tiếc nghề, muốn làm lén cũng chịu cứng thôi”.

Rời bản Trường Sơn, chúng tôi ngược lên bản Tiền Tiêu, tiếp cận lò chế súng của ông Hờ Chứ Giờ. Ông Giờ vừa rời tay búa, đang nằm đung đưa trên chiếc võng dù mắc cạnh lò nung. Biết chúng tôi tìm hiểu chuyện chế súng, ông Giờ ngồi dậy, nói tiếng H’Mông với người dẫn đường, nét mặt lộ vẻ không vui. Người dẫn đường ghé tai tôi: “Bố Giờ nói, trước đây có nhà báo lên quay phim, chụp ảnh bố đang chế súng rồi đăng báo. Sau đó, công an lên cấm nên bỏ nghề chế súng từ đó. Giờ bố không thích nói chuyện chế súng săn đâu”.

Người H’Mông giã từ lò súng săn -0
Ông Lầu Pá Chù đang rèn lưỡi cuốc. 

Chuyển nghề

Khi chúng tôi rời bản Tiền Tiêu quay lại bản Trường Sơn thì thấy ông Chù đang hì hục với cái bễ thụt lửa trong cái lò đã “nhốt”. Ông bảo, vừa có người dân ở bản dưới cần một số cuốc, rựa để sáng mai đi mở rẫy nên phải làm gấp. Vì công việc này không phức tạp, khó nhọc như khoan nòng súng từ tay lái ô-tô hay các loại nhíp ô-tô, thậm chí có khi cần thì phải khoan thủng cả cái xà-beng từ dưới lên thành nòng súng rồi đến công đoạn mài nóng súng cho đủ độ trơn giống như súng xịn… nên thay vì ba tay thợ cật lực chế súng thì một mình ông cũng có thể làm và giao hàng đúng hẹn. Vậy là khi thụt lửa, khi một tay giữ lưỡi cuốc, một tay dùng búa để dập, ông Chù xoay chuyển mọi vị trí chung quanh lò nung để tạo sản phẩm.

Đứng bên lò nung, thầy giáo Lầu Pá Chò, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Cắn 1, xã Nậm Cắn cho hay mình là cháu, gọi ông Chù bằng bác. Thế hệ thầy Chò là đời thứ bảy của ông tổ truyền nghề chế súng săn ở đây. Ông tổ có tên Lầu Vù Tủa, người H’Mông từ phía bắc phiêu dạt về Kỳ Sơn hơn 400 năm trước. Hồi đó ba anh em ông tổ về Kỳ Sơn rồi đi tiếp về ba hướng. Một người sang Lào. Hai người về sinh sống ở xã Na Ngoi và xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn. Cả ba anh em đều thạo nghề chế súng săn. Nghề được truyền đời, lan rộng trong 198 bản, làng thuộc 20 xã người H’Mông của huyện nên trước đây không đếm được lò chế súng trong các bản ở Kỳ Sơn. “Bây giờ, họ bỏ cái “tra phỏ” (cái súng) mà chỉ sửa hoặc làm “tra lìa” (cái liềm), “tra chùa” (cái rựa), “tra lầu” (cái cuốc), “tra tỉa” (cái dao) thôi”, thầy Chò nói.

Còn ông Lầu Bá Chày, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn lộ vẻ phấn chấn khi thấy những lò rèn chế súng một thời nay trở về đúng nghĩa cái lò rèn chỉ để làm dao, rựa, cuốc, xẻng cho dân bản. Ông còn vui với lẽ “lò chế súng săn ngày trước là rất nhặm nhọt, nhất là khi xảy vụ dân bản đi săn thú nhưng lại “săn” nhầm người, thậm chí “săn” nhầm người thân, gây đau đớn, ân hận cả đời”. Cũng theo ông Chày, bây giờ lò rèn ít đỏ lửa hơn và không nhộn nhịp như trước nhưng là nơi sản xuất dụng cụ lao động thiết yếu cho gia đình và dân bản. Hoặc khi làm được nhiều thì đem xuống chợ thị trấn Mường Xén của huyện bày bán cũng đắt hàng.

Kết thúc câu chuyện, ông Chày dẫn một quan niệm vừa cũ vừa mới, vừa vui của người H’Mông, rằng “súng săn, dao mẹo và vợ là ba thứ quý nhất trên đời của con trai H’Mông. Giờ giã từ súng săn thì vẫn còn hai thứ để người H’Mông quý nhất”.

Vẫn còn súng săn trong dân
“Để xóa sổ các lò chế súng săn trong dân bản, hằng năm Công an huyện giao các tổ công tác (Đội Cảnh sát Quản lý hành chính làm chủ công) kết hợp công an xã và các ban, ngành, đoàn thể của huyện để tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân giao nộp súng tự chế. Hằng năm, công an thu hồi hơn 9.000 khẩu súng kíp. Năm 2020, thiêu hủy 2.750 khẩu, 360 nòng súng. Hiện, không còn lò chế súng săn tại các bản nhưng súng săn trong dân vẫn còn nhiều. Chúng tôi đang tăng cường họp bản để giúp dân bản tố giác những người cá biệt chưa thật sự tự giác giao nộp súng săn”, Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết.