Người dân vẫn “khát” nước sạch

Thiếu nước sạch hiện không chỉ là nỗi lo của người dân nội thành mà tình trạng này cũng đang làm cuộc sống của hàng vạn người dân ngoại thành Hà Nội lao đao.

Trạm cấp nước thôn Tiến Tiên bị bỏ hoang nhiều năm nay.
Trạm cấp nước thôn Tiến Tiên bị bỏ hoang nhiều năm nay.

Khổ vì thiếu nước

Để chủ động nguồn nước sinh hoạt, đã từ lâu người dân thôn Phương Hạnh, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội đã quen với việc sử dụng nguồn nước giếng khoan hoặc mua từ nơi khác để sử dụng. Chiếc đồng hồ nước của gia đình ông Vũ Công Hoan (Đội 7, thôn Phương Hạnh) được lắp đặt và sử dụng từ cách đây hơn 10 năm. Đó là thời điểm mà gia đình ông cùng toàn bộ các hộ dân trong thôn bắt đầu được sử dụng nguồn nước sạch do trạm cấp nước thôn cung cấp. Tuy nhiên, gần năm nay, chiếc đồng hồ này đã ngừng hoạt động, đồng nghĩa việc trạm cấp nước cũng dừng. Đáng nói là sau hơn 10 năm, gia đình ông Hoan mới chỉ được dùng có hơn 300 m³ nước sạch từ trạm cấp nước này.

Ông Hoan cho biết: “Những năm trước, hôm nào nhiều thì bơm được một tiếng, có hôm được 30 phút, nói là bơm thôi thật ra nhà nào nhiều cũng chỉ được 100 - 200 lít. Đến năm 2019, trạm cấp nước của xã không bơm được cho chúng tôi một giọt nào”. Nhiều gia đình đông người có khi phải mua đến vài triệu đồng tiền nước, trung bình 100 nghìn/xe công nông 2 m³.

Nhưng dù ít hay nhiều thì người dân Phương Hạnh cũng khá “may mắn” vì đã từng được tiếp cận với nguồn “nước sạch”. Cách đó không xa, người dân thôn Tiến Tiên lại chưa bao giờ được hưởng niềm vui đó.

Gia đình chị Nguyễn Thị Triều tại Đội 4, thôn Tiến Tiên đã phải đào đến cái giếng thứ hai để có nước sinh hoạt. Nhưng để sử dụng được nước này thì phải đầu tư thêm một bộ bình lọc khá tốn kém. Chị Triều cho biết: “Cái giếng cũ lâu quá nên không sử dụng được, nhà tôi mới đào một cái giếng mới, dù đã phải sử dụng thêm bộ lọc nhưng cũng không an toàn đâu. Bộ lọc trị giá bốn triệu đồng, sáu tháng thì lại phải thay đầu lọc một lần, nhưng nếu mưa nhiều thì ba tháng không có sẽ bị tắc không lọc được”.

Không có điều kiện như nhà chị Triều, nhà bà Nguyễn Thị Hằng và khá nhiều hộ dân khác cùng thôn từ lâu đã phải sử dụng trực tiếp nguồn nước ngay sau khi hút từ giếng lên. Bà Hằng chia sẻ: “Nhà chúng tôi sử dụng nước giếng đào ở đây. Sau đó bơm lên téc rồi bơm xuống để ăn, nước lúc nào cũng có mùi hơi tanh. Tôi cũng muốn chuyển đi nơi khác nhưng không có điều kiện. Bọn tôi già cả rồi ăn uống chịu đựng được, chỉ mong chính quyền có thể cung cấp nước sạch cho con cháu chúng tôi được nhờ”.

Người dân thôn Tiến Tiên đã nhiều lần lấy mẫu nước đang sử dụng đi kiểm tra. Nhưng thực tế đáng buồn là dù kết quả có như thế nào thì họ cũng vẫn phải chấp nhận tiếp tục sử dụng vì trạm cấp nước tại khu vực này đã “bỏ hoang” từ lâu. Thôn Tiến Tiên có hơn 700 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu. Hầu hết người dân đều sử dụng nước giếng khơi, giếng đào chứ không được tiếp cận với nguồn nước máy. Đặc biệt hằng năm, thôn này đều phải chịu những trận ngập lụt, có đợt thì nửa tháng, đợt thì một tháng, nước sinh hoạt đã thiếu lại càng khan hiếm.

Người dân vẫn “khát” nước sạch ảnh 1

Những trạm cấp nước bỏ hoang

Được biết, toàn xã Tân Tiến có sáu thôn nhưng chỉ có hai trạm cấp nước là Trạm cấp nước thôn Phương Hạnh - Tân Hội hoạt động từ năm 2004 và Trạm cấp nước thôn Tiến Tiên được xây dựng từ năm 2010 nhưng chưa hoàn thiện và hiện trạng trạm xuống cấp nghiêm trọng, “bỏ hoang”. Ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng thôn Tiến Tiên cho biết, đã nhiều lần đề nghị, kiến nghị với HĐND xã, HĐND huyện, tuy nhiên tình trạng trạm cấp nước không hoạt động vẫn bất động nhiều năm nay.

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết, trạm cấp nước thôn Tiến Tiên được triển khai từ năm 2010 nhưng công trình mới làm được một tuyến đường dẫn chính, còn lại một số công trình theo nhánh nhỏ vào các hộ gia đình và các thôn xóm thì chưa làm được. Địa phương cũng cố gắng trích một phần kinh phí để tu sửa, phục vụ tiếp cho bà con nhân dân. Nhưng vì số tiền tu sửa quá lớn nên mới chỉ đầu tư một số hạng mục công trình.

Xã Tân Tiến chỉ là một xã điển hình cho các vấn đề mà các trạm cấp nước ở Chương Mỹ gặp phải. Hiện nay, Chương Mỹ có đến 13 trạm cấp nước, nhưng ngạc nhiên chỉ có năm trạm đang hoạt động, năm trạm đang đầu tư dở dang và ba trạm đã ngừng từ lâu. Cả huyện hiện chỉ có khoảng gần 20% người dân được sử dụng nước sạch, xếp ở mức thấp nhất Thủ đô.

Giải đáp thắc mắc về những trạm cấp nước bỏ không, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, các trạm này trước đây gần như được giao cho các xã làm chủ đầu tư và khai thác cho nên đã xuống cấp. Sau khi rà soát và đánh giá, chi phí để tám trạm đi vào hoạt động sẽ hết khoảng hơn 90 tỷ đồng. Huyện đã có văn bản đề nghị với thành phố tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư.

Thế nhưng, để nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào các dự án dở dang hoặc đã xuống cấp có lẽ không phải là hướng giải quyết tối ưu. Bởi bản thân rất nhiều nhà đầu tư không thật “mặn mà” với các dự án dang dở như thế này. Ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giám đốc Công ty môi trường đô thị Xuân Mai, huyện Chương Mỹ cho biết, nhà đầu tư chúng tôi không hào hứng vì những trạm tại đây cơ bản mới chỉ đầu tư được cái giếng khoan và hệ thống lọc, đến nay thì đã hoang tàn, không thể sử dụng được. Nếu như tiếp nhận, chúng tôi phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ để phục hồi trạm đó. Bên cạnh đó, theo quy định Nhà nước thì phải khấu hao tài sản đã nhận với mức quá cao.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 119 công trình cấp nước nông thôn được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong đó, có 32 trạm cấp nước không hoạt động do công trình đã đầu tư dở dang nhưng không đủ điều kiện đưa vào hoạt động hoặc đã đưa vào hoạt động nhưng đến nay xuống cấp, dừng hoạt động.

Được biết, đối với từng loại công trình, UBND TP Hà Nội cũng đã lên các kế hoạch giải quyết khác nhau. Ông Lê Văn Dung, Phó trưởng Phòng Hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết, Sở đang chủ trì rà soát toàn bộ, những công trình nào không còn khả năng hoạt động sẽ thực hiện thủ tục thanh lý, thu hồi tài sản theo quy định. Về những công trình vẫn sử dụng được nhưng đã xuống cấp, sẽ yêu cầu nhà đầu tư bảo trì, nâng cấp. Nếu nhà đầu tư không triển khai hoặc không triển khai được thì sẽ chuyển cho nhà đầu tư khác có điều kiện, kinh nghiệm, năng lực thực hiện, nhằm bảo đảm việc đấu nối và hòa mạng thay thế những đường ống, giúp cho toàn bộ hệ thống cấp nước nông thôn theo tiêu chuẩn đô thị. Mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành phủ kín cấp nước cho toàn khu vực nông thôn.

Để cụ thể hóa việc đấu nối và hòa mạng thay thế thì hiện nay, TP Hà Nội đã kêu gọi được 23 nhà đầu tư triển khai 35 dự án. Trong đó có 11 nguồn và 24 dự án phát triển mạng. Song song đó, thành phố cũng đang nghiên cứu triển khai dự án đầu tư hệ thống mạng lưới cấp nước cục bộ cho những khu vực mà phương thức xã hội hóa không thực hiện được, hoặc những khu vực không thể kết nối với hệ thống cấp nước tập trung.