Giáo viên vùng xa Hà Tĩnh

Ngủ tạm bợ... mơ phòng nội trú

Từ nhiều năm nay, mong ước tìm chỗ an cư của các thầy giáo, cô giáo đang “gieo chữ” tại những vùng xa ở Hà Tĩnh vẫn… xa vời. Điều đó đòi hỏi các ngành, các cấp ở Hà Tĩnh cần chung tay giải quyết nguyện vọng chính đáng này vì mục tiêu phát triển giáo dục, con người nơi đây.

Gian nhà ở chật chội, thiếu thốn của thầy giáo Hoàng Trung Thông, Trường THCS & tiểu học Kỳ Lạc, Kỳ Anh.
Gian nhà ở chật chội, thiếu thốn của thầy giáo Hoàng Trung Thông, Trường THCS & tiểu học Kỳ Lạc, Kỳ Anh.

Sinh hoạt chung, bất tiện đủ đường

Gần 20 năm về vùng thượng huyện Kỳ Anh gắn bó với học sinh các trường miền núi, thầy Nguyễn Đắc Linh (Trường THCS Kỳ Thượng) cùng nhiều đồng nghiệp sống trong những căn phòng đơn sơ, tạm bợ của dãy nhà tập thể xuống cấp. Tài sản đáng giá nhất trong dãy nhà đã được xây hơn 20 năm nay với bốn bức tường bong tróc từng mảng lớn, sàn nhà lỗ chỗ, mái ngói xập xệ, không có gì ngoài một chiếc giường, chiếc bàn nhỏ để soạn giáo án.

“Trận bão số 4 vừa qua, chúng tôi phải di tản sang nhà hiệu bộ để phòng gió tốc mái. Dãy nhà này xây dựng lâu nên xuống cấp nghiêm trọng, nhưng không còn chỗ nào kiên cố hơn nên anh em giáo viên vẫn phải ở lại đây”, thầy Linh cho biết. Theo chia sẻ của các giáo viên, ngoài nỗi lo mất an toàn khi sống dưới các dãy nhà xuống cấp, do không có nhà vệ sinh và nhà tắm riêng, nên hằng ngày các thầy, cô phải dùng chung khu vệ sinh ở dãy nhà hiệu bộ, rất bất tiện mỗi khi gặp học sinh, phụ huynh hoặc khách đến làm việc. Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Thượng Nguyễn Văn Khánh cho biết, nhà trường hiện có 24 cán bộ, giáo viên và hầu hết đều có nhu cầu ở nội trú, trong khi đó 17 phòng nội trú thì chỉ có bảy phòng còn sử dụng được, số còn lại đã xuống cấp nghiêm trọng. Thiếu phòng nội trú, nhiều giáo viên ở xa phải thuê trọ nhà dân để ở. Do nguồn kinh phí hạn hẹp nên ước muốn cải tạo khu nhà nội trú đành phải gác lại.

Cùng chung nỗi niềm với các đồng nghiệp ở trường vùng cao Kỳ Thượng, các thầy, cô giáo Trường THCS và tiểu học Kỳ Lạc cũng đang sống chung với các dãy nhà xuống cấp vốn đã được xây dựng cách đây gần 30 năm. Thầy giáo Hoàng Trung Thông chia sẻ, hai năm nay, vợ thầy đi làm ăn xa nên thầy phải đưa con gái từ nhà ở Cẩm Quang (Cẩm Xuyên) vào sống cùng để tiện việc chăm sóc và dạy con học. Dẫn chúng tôi đến căn phòng xập xệ chỉ vẻn vẹn 10 m², thầy Thông ái ngại cho biết, khu nhà vệ sinh phải dùng chung với các phòng khác, khu bếp dựng tạm bợ gây nhiều bất tiện trong đời sống sinh hoạt của hai bố con.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Kỳ Anh Nguyễn Việt Hùng, trên địa bàn huyện Kỳ Anh hiện có 93 phòng nội trú cho 163 cán bộ, giáo viên, tập trung tại các trường vùng thượng như Kỳ Thượng, Kỳ Tây, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn… Trong đó, hơn 50% đã xuống cấp, phải giải tỏa, số phòng có kiên cố cũng phải bố trí nhiều người ở chung. Các cấp công đoàn, nhà trường cũng nhiều lần khảo sát và đề xuất nhưng chưa có nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ để giải quyết vấn đề này”.

Ngủ tạm bợ... mơ phòng nội trú ảnh 1

Hơn 600 phòng ở nội trú của giáo viên ở Hà Tĩnh xuống cấp nhưng không có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp.

Vì sao khó đến thế?

Đến thăm xã miền núi Hương Lâm (Hương Khê), chúng tôi gặp gỡ những cán bộ, công chức, nhân viên trạm y tế, giáo viên các đơn vị đóng trên địa bàn. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết, để đến làm việc tại đây, hằng ngày, các cán bộ, giáo viên phải vượt qua con đường đèo nhiều khúc cua quanh co, hiểm trở, cách hàng chục km để trở về nhà sau mỗi ngày làm việc.

Nhà ở xã Hương Long, thầy Võ Huy Nga (giáo viên quản lý thiết bị Trường THCS Hương Lâm) vẫn ngày ngày chạy xe 30 km để đến trường. Đi lại vất vả, đồng lương chẳng đáng là bao, nhưng bao nhiêu năm nay thầy vẫn quyết tâm bám trụ nơi đây. “Vợ không có việc làm, một mình tôi nuôi hai con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cũng phải cố gắng. Ngày nào cũng phải đi về quãng đường xa xôi, nhiều khi cũng thấy ái ngại, giá có khu nhà công vụ thì tôi ở lại rồi cuối tuần mới về xuôi cho đỡ vất vả”, thầy Nga cho biết.

Nam giới như thầy Nga còn ái ngại quãng đường núi đèo huống hồ với chị em phụ nữ. Đã ba năm nay, cô Hoàng Thị Loan (giáo viên Trường mầm non Hương Lâm) vẫn vượt qua con đường đèo quanh co mỗi ngày hàng chục km. Theo cô Loan, trời nắng ráo còn đỡ, mùa mưa rét mà đi về trên những cung đường đèo quanh co, hiểm trở để về xuôi là cả một nỗi ám ảnh với cô và các đồng nghiệp. Nhiều hôm mưa rét hay công việc kết thúc muộn, muốn ở lại nhưng không có chỗ nghỉ ngơi nên các cô đành phải về xuôi dù biết rất nguy hiểm. Bữa trưa của các cán bộ, công chức, giáo viên nơi đây là chiếc cặp lồng cơm, một ít thức ăn mang theo từ sáng sớm. Họ ăn vội và nghỉ trưa bên bàn làm việc hoặc kê phản, trải thảm ngay trong căn phòng chật hẹp chứa đầy sổ sách, giấy tờ và thậm chí là bếp ăn với đầy bát đũa, nồi niêu. Nguyện vọng của hầu hết những con người làm việc nơi đây là có được một dãy nhà nội trú để có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống.

Nhưng đã nhiều năm nay, mong ước đó vẫn chỉ là ước mong, bởi theo Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm Nguyễn Thị Vinh: Trước đây, cũng có một khu nhà nội trú của trường THCS, nhưng từ năm 2014, xã đã chuyển khu nhà nội trú cho trường mầm non làm phòng học. Hiện, xã không thể bố trí được quỹ đất để xây khu nhà nội trú cho công chức, giáo viên. Hơn nữa, cũng không tìm đâu ra nguồn kinh phí để có thể thực hiện được ước mong chính đáng ấy.

Khấm khá hơn các đồng nghiệp ở xã Hương Lâm, “người hàng xóm” Hương Liên (Hương Khê) có phần may mắn hơn khi được các cấp, ngành quan tâm khảo sát để đầu tư xây dựng khu nhà nội trú. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”. Do vướng mặt bằng nên chủ trương xây dựng khu nhà nội trú bị… dừng lại. Theo Chủ tịch UBND xã Hương Liên, sau khi địa phương sáp nhập thôn, xóm đã dư thừa một hội quán và xã định bố trí xây nhà nội trú trên khu đất này. Tuy vậy, khu đất hiện có một đường dân sinh chạy qua, nếu muốn đủ diện tích để xây dựng thì phải điều chỉnh con đường sang hướng khác. Việc nắn lại đoạn đường đi qua khu đất không hề đơn giản bởi con đường đã được làm bằng bê-tông chắc chắn. Ngoài ra, khi thay đổi quy hoạch sẽ làm mất mỹ quan, gây lãng phí về nguồn lực. Hơn nữa, khu đất nằm sâu trong khu dân cư, cách trung tâm xã khoảng 2 km. Muốn đi đến đó phải qua một cây cầu tràn, mùa mưa lũ nước ngập cao, nên theo một số cán bộ, giáo viên thì không thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt nếu họ ở lại buổi trưa.

Có thể thấy, dù thiếu quỹ đất, thiếu vốn hay bước đầu đã bố trí được nguồn lực thì việc xây dựng một khu nhà nội trú cho cán bộ, công chức ở các xã vùng biên giới của huyện Hương Khê cũng hết sức nan giải. Thành ra, chưa biết đến bao giờ các giáo viên ở đây không còn phải ăn những bữa cơm trưa vội, ngủ tạm bợ và con đường đi về bớt gập ghềnh những khúc cua?

Số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh: Thông qua nguồn vận động, đóng góp của cán bộ, giáo viên, thời gian qua, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã hỗ trợ xây dựng 52 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến thời điểm hiện nay, Hà Tĩnh có gần 4.000 giáo viên có nhu cầu ở nội trú, nhưng mới chỉ có 1.379 phòng ở nội trú cho hơn 2.600 giáo viên.