Ngôi trường của những sẻ chia

Nhiều năm nay, sinh viên (SV) khó khăn đang theo học tại Trường đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã quen với những trải nghiệm “0 đồng” do các thầy cô và nhà hảo tâm trao tặng. Từ bữa ăn, rau củ, bánh trái, chỗ nghỉ trưa miễn phí đến quỹ học bổng, quỹ máy tính, quỹ xe đạp, chuyến xe ngày Tết…, mọi thứ đều được trao đi với tấm lòng thương yêu. Mới đây, nhà trường còn đưa vào sử dụng ký túc xá mini miễn phí cho 40 SV nữ.

Ký túc xá nữ miễn phí của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh vừa mở cửa đón 40 sinh viên nghèo. Ảnh: MỸ TRẦN
Ký túc xá nữ miễn phí của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh vừa mở cửa đón 40 sinh viên nghèo. Ảnh: MỸ TRẦN

Ký túc xá đặc biệt

Nằm trong khuôn viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ký túc xá (KTX) rộng khoảng 500 m2 này được đặt cái tên nghe vô cùng ấm áp - Ngôi nhà hạnh phúc. Ngôi nhà nghĩa tình ấy vừa mở cửa chào đón 40 nữ SV khó khăn từ khắp mọi miền đất nước vào sinh sống để tiện việc học tập, thực hành. Khu đất này trước kia là trạm điện, sau bỏ trống, thấy vậy, PGS, TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường đưa ra ý tưởng cải tạo lại thành khu nhà ở miễn phí cho SV nữ. Vậy là không lâu sau, một KTX khang trang với hai mầu xanh xám thành hình từ nguồn kinh phí của trường và sự đóng góp của các nhà hảo tâm, cựu SV.

Ngay cả khi đặt chân vào căn phòng còn thơm mùi sơn mới, ngồi lên chiếc giường tầng cứng cáp, Đỗ Thị Thanh Mai, SV năm ba khoa Kinh tế, vẫn chưa tin mọi thứ là sự thật. Trước kia, Mai cũng ở KTX của trường với chi phí khoảng ba triệu đồng/năm. Nhà Mai tận miền trung, hai chị em sát tuổi nhau, đều đang học đại học. Trước kia ba của Mai làm thợ hồ, mẹ phụ thêm cũng đủ tiền học, tiền ăn cho hai chị em ở TP Hồ Chí Minh. 

Rồi dịch Covid-19 ập đến, ba Mai thất nghiệp, kinh tế gia đình cứ vậy mà sa sút theo ánh mắt buồn của mẹ. Số tiền làm thêm mỗi tháng của Mai không thấm tháp vào đâu so với những khoản phải chi tiêu ở thành phố đắt đỏ. Do đó, khi nghe mình được vào ký túc xá ở miễn phí, Mai mừng mà nước mắt rưng rưng. “Em gọi điện về khoe mẹ nhưng ở nhà đâu ai tin. Mẹ em mừng lắm, ngày nào cũng hỏi thăm, dặn dò đủ chuyện. Tụi em ở đây miễn phí còn được thầy cô tặng nhiều đồ dùng nên không phải sắm gì thêm. Thầy hiệu trưởng còn mua nồi cơm điện, xoong chảo đem qua tặng để tụi em nấu cơm ăn. Thầy thương tụi em như con cháu. Mấy nay từ giảng đường về KTX lòng em phấn khởi. KTX giống như ngôi nhà, còn tụi em là chị em với nhau, cùng sẻ chia khó khăn để học thật tốt”, Mai chia sẻ. 

Chân ướt chân ráo vào TP Hồ Chí Minh học tập, mọi điều quá mới mẻ với nữ SV Nguyễn Thị Diễm My. Trước Tết, My ở cùng chị ruột tại quận Thủ Đức, hai chị em chắt chiu các khoản cũng đủ qua ngày. Ngoài giờ học, My nhận hai việc làm thêm bán thời gian, kiếm được khoảng 1,2 triệu đồng/tháng nên không xin tiền ba mẹ ngoài quê. Tiền học phí của My đa phần ba mẹ phải vay mượn để đóng vì công việc đồng áng chỉ đủ ăn mà nhà tới hai người bệnh nặng. 

Mới đây, khi chị gái phải chuyển chỗ ở sang quận Gò Vấp để tiện việc đi làm, My lo lắm vì không biết tính toán sao. Đúng lúc đó, My biết đến thông tin về “Ngôi nhà hạnh phúc” và đăng ký xin vào ở tại đây. Diễm My nhớ lại: “Ngày nghe tin mình được nhận vào ở KTX mới của trường, em rất vui. Như vậy là ba mẹ đỡ gánh nặng, em thì đỡ phải di chuyển xa khi vừa học, vừa làm thêm. Em chỉ biết nói lời cảm ơn và cố gắng học thật tốt để sau này có điều kiện giúp đỡ những bạn cùng hoàn cảnh như mình”.

KTX xây xong, thầy hiệu trưởng cùng cán bộ, giảng viên nhà trường, người tặng giường, bàn ghế, người đem vào đồ dùng cần thiết như mắm gạo, dầu gội, xà phòng… Thứ gì cần trong sinh hoạt hằng ngày đều được thầy cô chắt chiu cho “mấy đứa con”. “Ngay trong ngày đầu tiên khi các em vào KTX, tài khoản hỗ trợ đã được nhà hảo tâm tặng 15 triệu đồng để lo thêm chi phí. Một công ty của cựu SV nhà trường thì lắp wifi miễn phí cho KTX này. Cảm động hơn là có các thầy cô là cựu giáo chức, dù nghỉ hưu đã lâu nhưng nghe tin mở KTX miễn phí liền quay về trao tặng tivi, tủ lạnh, quạt máy để mấy đứa nhỏ có cái mà dùng. Nhà trường hỗ trợ chỗ ở miễn phí, khu sinh hoạt chung, giúp SV tiết kiệm 2 - 3 triệu đồng/tháng, cao hơn cả tiền học phí”, PGS, TS Đỗ Văn Dũng cho hay.

Ngôi trường của những sẻ chia -0
Góc sẻ chia của trường có rất nhiều nhu yếu phẩm để khi sinh viên cần là có. Ảnh: TL 

Chỉ mong sinh viên nghèo bớt khổ

Không riêng gì “Ngôi nhà hạnh phúc”, nhiều năm nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh còn có “Góc sẻ chia” giúp SV cảm thấy ấm lòng mỗi khi “rỗng túi”. Siêu thị nhỏ này bày biện rất nhiều thực phẩm, từ mì ăn liền, trứng sữa, bánh ngọt đến rau củ, thịt cá, đủ để nấu một bữa ngon. Nếu SV cần thêm vật dụng hay bộ quần áo mới cũng có thể ghé đây để được các thầy cô sẻ chia. Trường còn tạo Quỹ máy tính, Quỹ xe đạp sẵn sàng hỗ trợ SV lúc cần. Vào thứ Tư, thứ Năm hằng tuần tại đây sẽ tặng suất ăn sáng, ăn trưa, bánh trái miễn phí. 

Nhiều đối tác, doanh nghiệp khi đến trường, có dịp ghé thăm “Góc sẻ chia” sau đó lại lẳng lặng chở đến mấy chục thùng mì ăn liền, vài tấn gạo, đủ loại rau củ, thịt cá bổ sung thêm nguồn hàng. Để SV luôn được ăn đồ nóng, ngày nọ, thầy hiệu trưởng ghé thăm “Góc sẻ chia” và tặng chiếc lò vi sóng. Chuyện giảng viên, nhân viên nhà trường tự nguyện góp tiền mua thêm rau củ, bánh trái cho SV nay đã thành nếp. Giảng viên và SV không ai bảo ai, người nào dư món gì còn tốt đều gửi tặng. Có khi là chiếc xe đạp, cái bàn học, khi là cái máy tính, ba-lô vì họ biết chắc chắn sẽ có người cần. Siêu thị đặc biệt này vận hành bằng tình thương yêu của những tấm lòng sẻ chia. 

Không chỉ tặng những bữa ăn ấm áp, không gian ngả lưng nghỉ trưa với võng xếp, máy lạnh; góc học tập, sử dụng máy móc, in ấn miễn phí… nhà trường còn có nhiều quỹ học bổng thiết thực và quỹ việc làm cho SV. “Mỗi học kỳ tôi đều có buổi gặp gỡ SV khó khăn nghe các em chia sẻ về hoàn cảnh cũng như mong muốn của mình. SV vào học tại trường nhiều em nghèo lắm, có em phải sống bằng tình thương của bạn bè, mình giúp được gì cho các em phải cố hết mình để việc học không bị đứt quãng. Nhiều SV đi làm thêm đến 11 - 12 giờ khuya mới về, rình rập bao rủi ro mà lương chỉ 15 nghìn đồng/giờ. Tôi thấy xót cho các em. Mấy năm gần đây, những công việc mang tính thời vụ ở các phòng, ban trong trường đều giao cho SV làm với mức thu nhập khá hơn. Chúng tôi huy động toàn bộ lực lượng SV khó khăn vào phụ đội bảo vệ, các phần việc tại phòng truyền thông đều do SV đảm trách, hay nhiều SV được chọn cộng tác tại phòng Tuyển sinh - Công tác SV của trường. Chúng tôi còn thành lập hệ thống trợ lý giảng dạy cho giảng viên với mức lương 30 nghìn đồng/giờ và các em SV khó khăn được chọn vào làm công việc này”, ông Dũng cho biết thêm.

Sau KTX nữ miễn phí, thời gian tới, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ vận động nguồn lực để xây thêm KTX nam miễn phí với quy mô lớn hơn. Trường cũng sẽ thành lập quỹ hỗ trợ bằng tiền mặt cho SV nghèo vượt khó. Các cán bộ, giảng viên sẽ đóng góp vào quỹ và SV khó khăn không đủ khả năng đóng học phí, chi trả các khoản quan trọng được nhà trường cho vay với lãi suất 0%. Trường không áp quá nhiều điều kiện, chỉ cần SV cam kết sau khi ra trường có lương cao sẽ quay về trả lại số tiền đó để các bạn khóa sau tiếp tục được hưởng chính sách này. 

Một không gian khởi nghiệp cho SV cũng nằm trong kế hoạch của trường. Nơi đó, các SV khó khăn sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để kinh doanh, làm thêm dựa vào khả năng của mình. Nhiều nguồn quỹ mới tiếp tục được triển khai tại ngôi trường nhân văn này để tiếp sức cho SV khó khăn, chỉ mong các em không vì nhà quá nghèo, cuộc sống quá mệt mỏi mà bỏ lỡ việc học có thể giúp thay đổi tương lai.