Nghề gốm Chu Ru

Thời huy hoàng của gốm Chu Ru cách đây đã vài chục năm, thôn giờ đây vắng hoe. Sự tồn tại của nghề quý từ cha ông giờ chỉ còn trông vào những đôi tay đã run rẩy khi vuốt gốm của mấy nghệ nhân già.

Nghệ nhân Ma Bi.
Nghệ nhân Ma Bi.

Thuở huy hoàng

Trước kia, ai đến thôn Krăng Gọ vào mùa khô (từ tháng mười hai năm trước cho đến tháng tư năm sau) là thời điểm nông nhàn sẽ được chứng kiến sự sôi động nơi một làng nghề truyền thống của người Chu Ru. Nhà nhà làm gốm, trai tráng thì thồ đất, gánh củi, còn các bà, các chị không ngơi tay tã, nhào đất, nặn nồi, niêu, cốc, tách... Không khí rộn ràng đến cả đêm khi cả làng sáng rực bởi hàng chục đám lửa nung gốm...

Các công đoạn làm ra một sản phẩm gốm Chu Ru đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ mà sáng tạo. Trước tiên, muốn lấy đất ở núi phải làm lễ xin thần đất, bởi theo quan niệm của người Chu Ru, nếu tâm không sạch, không có lễ vật xin thần linh ban cho đất thì sẽ không thể làm ra gốm đẹp, tốt được. Đất được chọn là loại đất sét vàng đỏ có pha cát vừa phải, mang về được phơi, đập nhỏ, sàng mịn rồi nhào nhuyễn với nước. Cách tạo hình gốm của người Chu Ru cũng khá đơn giản, nghệ nhân vuốt bằng tay, không cần bàn xoay. Họ cân đều dáng gốm bằng cách vừa đi xoay quanh sản phẩm vừa vuốt thật khéo léo và uyển chuyển. Cách làm này đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Sau đó, người thợ dùng miếng gỗ nhỏ (Tanạp) đập bên ngoài sao cho thật cân xứng rồi dùng miếng giẻ thấm nước vuốt láng mặt ngoài sản phẩm. Xong công đoạn tạo hình, sản phẩm sẽ được mang ra phơi trong một ngày cho khô rồi lại lấy lá chàm đánh bóng, sau đó được xếp chồng thành cụm rồi chất củi lên đốt trong quãng vài giờ thì mẻ gốm hoàn tất.

Krăng Gọ theo tiếng Chu Ru có nghĩa là làng nồi, thôn thuộc xã Pró, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, chỉ cách thành phố du lịch Đà Lạt khoảng 20 km. Tên của thôn cũng đủ cho thấy, nghề làm gốm ở đây đã từ lâu lắm, có thể cách đây vài trăm năm, từ khi người Chu Ru đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên này. Theo đó, một nhánh người Chăm từ duyên hải đã di cư lên đây lập làng cư ngụ, được người Mạ, K’Ho bản địa gọi là Cru (có nghĩa là tìm đất) dần dà đọc chệch sang thành Chu Ru. Vốn là tộc người khéo tay, người Chu Ru đã sớm nổi tiếng khắp vùng với những sản phẩm tinh xảo của nghề làm gốm, làm bạc… Nhưng có thể nói nghề gốm mới đem lại sự thịnh vượng cho người dân Chu Ru tại Đơn Dương thời bấy giờ.

Ký ức nhộn nhịp

Chúng tôi đến thăm làng lúc đã gần trưa, nắng gắt quyện gió hanh khô thổi xơ cả đám dã quỳ ven đường. Thôn im ắng, chỉ nghe tiếng ngớp ngao của đám ngỗng khi thấy người lạ. Dò hỏi một hồi mới tìm được nhà của bà Ma Li, một trong vài nghệ nhân làm gốm còn lại của làng.

Đã 64 tuổi, người nhỏ thó, nhưng có vẻ còn nhanh nhẹn, mọ Lem (tên người làng hay gọi bà Ma Li) sáng bừng khuôn mặt khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về gốm Chu Ru. Vồn vã mời khách vào nhà, giới thiệu vài món nồi, niêu, ấm, cốc đang được bày trang trọng trên tủ rồi bà kể: Từ nhỏ, khi mới lẫm chẫm biết đi mình đã làm quen với nghề làm gốm từ bà nội. Bà sai gì thì mình làm nấy thôi, từ tiếp nước, nhặt sạn… đến năm 15 tuổi thì tay nghề mình đã thành thạo lắm rồi, đổi được cái niêu đầu tiên cũng vào tuổi đó. Làng xưa ở gần ngay con suối, sướng lắm, nuôi vịt ngan, gà thả ngoài suối.

Nghề gốm Chu Ru ảnh 1

Nghệ nhân Ma Li đang tạo hình nồi đất.

Mọ Lem hồi tưởng, những năm đó, làng ít người, chỉ vài chục hộ lại cạnh nguồn nước nên rất tiện cho việc làm gốm. Mùa khô, nông nhàn cả làng đều nhịp giã đất làm nồi, đốt lửa nung niêu vui lắm! Những công đoạn chủ đạo như nhào, vuốt… đòi hỏi sự khéo léo nên đều do phụ nữ đảm nhiệm, còn cánh đàn ông, trai tráng thì đi gùi đất, kiếm củi thắp lò nung gốm. Sản phẩm chủ yếu là niêu để nấu nướng, kho tộ hay chén, cốc uống nước… Có cái gì đổi cái đó chứ không bán bằng tiền, cái thì đổi được con gà, nhiều đổi gùi gạo…, nhu yếu phẩm sinh hoạt, chiêng, ché, thổ cẩm của người Mạ, người K’Ho...

Được biết, một thời, gốm của làng dần nổi tiếng nên nhiều người ở tỉnh khác cũng về đây thu mua, đổi chác, làm bao nhiêu hết bấy nhiêu. Cách thức trao đổi cũng rất đơn giản, chỉ mang tính ước lượng, nếu là lúa gạo, cứ đong đầy sản phẩm gốm, rồi bên lấy gạo, bên lấy gốm… Nhỏm nhoẻn cười, mọ Lém nhớ, trước đây, còn có trò cá cược vui. Ngay bên bờ suối hồi ấy có cây xoài to, hai bên có hai tảng đá, hai thôn thì có hai trưởng nhóm. Bên Ka Đơn kia thì đi đổi cho bên này có sản phẩm gốm, bên nào ít đồ đổi hơn thì bị thua, mà lần nào thôn Krăng Gọ cũng thua bên mua hết. Vì cá cược mà, bên thua mất một ché rượu, một con gà. Mọi người còn trói chân nhau rồi “phạt” uống rượu.

Bao giờ thấy lại nghề xưa?

Xưa Krăng Gọ là thôn duy nhất cung cấp gốm cho cả vùng. Còn bây giờ, có đồ nhôm, nhựa, inox… người ta không mua gốm nữa. Người dân trong làng đi làm xa, hiện làm nghề gốm chỉ còn vài người, phải tập trung vào làm nông, nuôi bò, nuôi trâu… chứ làm gốm không thì không đủ trang trải cuộc sống.

Trước đây, các nghệ nhân có được niềm an ủi là thi thoảng các cháu học sinh tại địa phương thích nghề gốm này cứ tự đến nhờ dạy cách làm. Giờ thì không còn có ai học. Những người còn lại duy trì chỉ vì lòng yêu nghề, bán chút sản phẩm cho khách du lịch để thêm thắt chi tiêu, lâu lâu tiết kiệm được chút lại dồn cho con cái học hành. Đáng tiếc, theo chia sẻ, chúng tôi được biết, địa phương hầu như cũng không hỗ trợ gì để bảo tồn nghề truyền thống này. Lâu lâu chỉ có thăm hỏi động viên chứ không có chính sách gì cụ thể.

Chúng tôi qua nhà nghệ nhân Ma Bi, chị ruột mọ Lem, chỉ cách có con đường trước mặt. Bà Ma Bi có hẳn một gian chứa đồ gốm nhưng giờ thi thoảng lắm mới có người ghé thăm. Sản phẩm của bà chủ yếu là niêu đất để bán cho các nhà hàng trên Đà Lạt. Lẫn trong đống nồi niêu xếp chật một góc nhà, khách thấy có vài bức tượng đất đường nét khá sinh động. Xốc đứa cháu đang địu sắp tuột sau lưng còng, bà kể: Nhà thiếu cái gì thì mình làm cái đó, đôi khi nhớ nghề quá, hai chị em cũng đi kiếm đất về làm, mấy bức tượng nặn để bày dịp Noel. Mình vừa làm vừa cố giữ nghề ông cha để lại thôi... Đưa mắt về ngọn núi xanh xa, mọ Lem tiếp lời chị: Ngay cả khu mỏ đất hai chị em hay lấy về làm gốm đã bị bán cho một doanh nghiệp tư nhân mất rồi, giờ không biết lấy nguyên liệu ở đâu để nuôi nghề cha ông nữa.

Đám khách đã mua đủ thứ cho hai chị em mà vẫn tiếc không đủ sức mang hết những món gốm tuy đơn giản mà tinh tế, chứa đựng cả lịch sử văn hóa của người Chu Ru. Không khéo, những gì còn lại hôm nay sẽ trở thành ký ức và chỉ tồn tại trong tư liệu, nếu không có những động thái kịp thời từ các ngành chức năng.