Ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” ở Điện Biên

Len lỏi vào địa bàn tỉnh Điện Biên chưa lâu song hoạt động “tín dụng đen” đã để lại không ít hậu họa. Vì lỡ vay nợ “tín dụng đen” không ít gia đình đã rơi vào cảnh mất nhà, mất ruộng, mất tư liệu sản xuất; cuộc sống cơ cực, nghèo nàn hơn…

Nhân dân bản Huổi Hịa, xã Xa Dung (huyện Điện Biên Đông) ký cam kết tích cực tham gia tố giác “tín dụng đen” trên địa bàn.
Nhân dân bản Huổi Hịa, xã Xa Dung (huyện Điện Biên Đông) ký cam kết tích cực tham gia tố giác “tín dụng đen” trên địa bàn.

“Tín dụng đen” hoành hành

Tỉnh miền núi Điện Biên xa xôi cách trở là vậy nhưng giờ đây cụm từ “tín dụng đen” đã quen thuộc với nhiều người. Ở nhiều bản làng thuộc vùng sâu, vùng xa “tín dụng đen” càng có đất “sống”. Dưới cái vỏ của các cụm từ: “cầm đồ”, “cho vay tài chính”, “cho vay tiêu dùng” hoặc “hỗ trợ vay tài chính” có trưng biển, bảng hoành tráng, nhiều ông chủ cho vay cứ ngày càng giàu hơn trong khi đối tượng đi vay lại ngày càng ngập sâu trong vòng xoáy nợ nần. Đáng lo ngại là không ít người dân tộc thiểu số đã không lường hết hậu họa khi tặc lưỡi đi vay, rồi khi người ta đến nhà thu xe máy, thu máy phay hay bất kỳ tài sản giá trị nào khác thì mới ớ ra là… họ tính lãi theo ngày. Lãi mẹ đẻ lãi con nên nợ lớn từng ngày.

Kể thực trạng này, ông Lò Ngọc Ánh, người có uy tín của bản Co Kham, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, cho biết: Không phải một, hai đâu mà nhiều lắm. Hầu như các bản ở xã Mường Luân đều có người đi vay nặng lãi, nhiều nhất là ở bản Bánh có hàng chục người bị mất nhà, mất ruộng, bị thu tài sản. Phần vì nghèo, phần vì không hiểu hết nguyên tắc vay nên khi gia đình gặp biến cố (ma chay, người nhà ốm đau…), thì người ta đi vay mà không hay biết vay rất dễ mà trả khó vô cùng. Bởi lãi vay tính theo ngày từ 0,4 - 0,7%/ngày (nếu tính theo năm sẽ lên tới 144 - 252%/năm), do vậy hầu hết những người ở Mường Luân vay nặng lãi đều mất thêm tài sản, vì nai lưng làm không đủ trả lãi cho chủ vay thì lấy đâu tiền trả gốc. Cứ như thế, gốc đẻ mỗi ngày và lãi lớn cùng gốc. “Như L.V.C. ở bản Bánh bị mất nhà và mất ruộng, giờ phải ở túp lều ven đường; L.V.M. bị thu máy phay; L.V.P. bị thu xe máy; còn nhiều nhà khác bị thu tài sản lắm…”, ông Ánh cho biết.

Từng là nạn nhân của “tín dụng đen”, anh T.V.C. ở thành phố Ðiện Biên Phủ, vô cùng lo sợ khi kể lại: Do cần tiền gấp lo việc cá nhân, trong khi hồ sơ thủ tục để bảo đảm điều kiện được vay tại các ngân hàng lại thiếu nên tôi chấp nhận vay nặng lãi. Tuy nhiên, khi chưa có tiền trả thì tôi thường xuyên bị thúc giục, hăm dọa. Hằng ngày, chủ nợ gọi điện thúc giục, dọa nạt và họ còn cho người lạ đến tận nhà hăm dọa. Chỉ khi trả xong nợ cho họ tôi mới thở phào và tự nhủ “không bao giờ vay tiền kiểu này nữa”. Cũng vì chuyện vay nặng lãi mà ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ có nhiều người lâm cảnh ăn ngủ không yên vì ngày nào cũng vài người xăm trổ kéo đến đòi tiền con họ đã vay; và án mạng vì vay nợ đã có… Ở huyện vùng cao Tủa Chùa, “tín dụng đen” đã len lỏi đến không ít thôn, bản và làm nghèo thêm rất nhiều gia đình nghèo. Thực trạng này đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, công cuộc thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen” ở Điện Biên ảnh 1

Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Điện Biên Đông vốn đã nghèo, khi vướng nợ “tín dụng đen” lại càng nghèo hơn.

Cần trấn áp mạnh

Trao đổi về thực trạng hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, cho biết: Các đối tượng cho vay nặng lãi thường lợi dụng mạng viễn thông, internet, tờ rơi và núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ... tạo vỏ bọc đối phó cơ quan chức năng. Thủ đoạn cho vay rất tinh vi để trốn tránh quy định của pháp luật: Trên giấy tờ vay không ghi lãi suất, phương thức tính lãi mà tính phần trăm số tiền lãi phải trả hằng ngày (thường từ một đến năm nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày) hoặc ghi mức lãi suất thấp hơn so thực tế cho vay. Khi đến hạn mà người vay chưa trả được thì chủ cho vay lại viết giấy nợ cả gốc và lãi (lãi chồng lãi), nhập lãi vào gốc tính kỳ hạn mới. Vì vậy, người vay thường khó có điều kiện trả nợ.

Để đấu tranh hoạt động này, thời gian qua, Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã thường xuyên chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố và các phòng, ban trực thuộc, tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị hoạt động cầm đồ, cho vay tài chính. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, tiến hành tổng kiểm tra, rà soát việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh liên quan để phục vụ công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn. Thực hiện chỉ đạo từ Ban Giám đốc, Công an thành phố Điện Biên Phủ đã vào cuộc kiểm tra bảy cơ sở tư vấn, hỗ trợ tài chính trên địa bàn thì phát hiện sáu cơ sở không có giấy phép hoạt động kinh doanh hỗ trợ tài chính; ba đối tượng dán quảng cáo cho vay tiền trên cột điện, tường rào; cơ quan công an đã xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu các đối tượng bóc hết các tờ rơi quảng cáo đã dán.

Về hệ lụy “tín dụng đen”, Thiếu tướng Sùng A Hồng cho biết, từ năm 2017 đến tháng 5-2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra bốn vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cơ quan điều tra đã khởi tố hai vụ, bắt năm đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, qua rà soát 156 cơ sở cầm đồ và điểm hỗ trợ, tư vấn tài chính, lực lượng chức năng phát hiện 12 cơ sở vi phạm, đã xử lý hành chính hai cơ sở hơn 24 triệu đồng do vi phạm: cho vay có cầm cố tài sản nhưng lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố; nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định pháp luật. Song như thông tin của Thiếu tướng Sùng A Hồng thì những con số trên mới là bề nổi chứ thực tế hậu quả “tín dụng đen” để lại lớn hơn nhiều, nhưng phần vì người đi vay e ngại nên lấy im lặng làm lành…

Để đấu tranh hiệu quả “tín dụng đen”, tại kỳ họp thứ 10 do HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV vừa tổ chức, Thiếu tướng Sùng A Hồng đã cảnh báo về thực trạng, hệ lụy của hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời cho biết, thời gian tới lực lượng công an sẽ tiếp tục trấn áp mạnh mẽ tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” như hiện nay, kể cả trên không gian mạng. Trong đó, Công an Điện Biên tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và làm nòng cốt trong các tổ công tác liên ngành tiến hành kiểm tra hành chính các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ và các cơ sở kinh doanh khác có biểu hiện cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê nhằm phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật; gắn đấu tranh, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.

Người đứng đầu Công an tỉnh Điện Biên cũng đề nghị, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành vào cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức nhân dân, để bà con thấy hậu quả nhãn tiền của hoạt động “tín dụng đen” để người dân không vướng “tín dụng đen” vì kém hiểu biết hay vì khó khăn hoạn nạn… Có như vậy mới ngăn chặn hiệu quả hoạt động “tín dụng đen”, làm cho “tín dụng đen” không còn “đất” sống.